Cảm nhận về bài thơ Việt Bắc của thi sĩ Tố Hữu


Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Việt Bắc” của thi sĩ Tố Hữu

Bài làm

Xuân Diệu nhận xét về thơ Tố Hữu như sau: “Không phải một ngọn bút trong tay Tố Hữu nữa mà là nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy cái văn chương cách mạng, văn chương nói chiến đấu, gian khổ, quyết tâm cũng là cái văn chương chí nghĩa chí tình, nên thơ nên nhạc…”. Lời lẽ này rất đúng khi soi xét qua tác phẩm “Việt Bắc” của Tố Hữu.

Tố Hữu (1920-2002) là người con xứ Huế – mảnh đất tâm hồn làm nên giọng điệu rất riêng, vừa đằm thắm chân tình vừa ngọt ngào thương mến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chặng đường hoạt động cách mạng cũng như chặng đường sự nghiệp thơ ca Tố Hữu chia làm nhiều giai đoạn và “Việt Bắc” đánh dấu bước chuyển biến lớn trong tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ. Đó là hướng đến tính dân tộc và đại chúng.

Bài thơ ra đời là tổng kết của cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của dân tộc – kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Toàn bộ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và là đỉnh cao của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, là bản tình ca và cũng là bản hùng ca của một chặng đường cách mạng đầy gian khổ và hào hùng của dân tộc, về ân tình cách mạng và đạo nghĩa thủy chung.

Bài thơ tuy mang hình thức đôi thoại nhưng thực chất là lời độc thoại nội tâm của nhân vật trữ tình để nói về sự gắn bó sâu sắc nghĩa tình cách mạng. Kẻ ở – người đi trong cuộc chia tay được tác giả chọn cặp đại từ nhân xưng mình – ta làm biểu tượng:

>> Xem thêm:  Nghị luận về thành công và thất bại qua hai câu thơ Dậy mà đi của Tố Hữu

“Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Cặp đại từ mình – ta được Tố Hữu sử dụng linh hoạt và tinh tế theo suốt chiều dài bài thơ, được hoán đổi liên tục về vị trí. Khi “mình về mình có nhớ ta” thì “mình” là người ra đi, “ta” là kẻ ở nhưng khi lặp lại “ta về mình có nhớ ta” thì “ta” lại là người ra đi, “mình” là người ở lại.

Bài thơ “Việt Bắc” cho thấy một bức tranh thiên nhiên đặc sắc. Ở đó, thiên nhiên góp phần cùng con người làm nên chiến thắng:

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành luỹ sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

Mênh mông bốn mặt sương mù

Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.”

Điệp từ “rừng” tạo nên một không gian vừa trùng điệp vừa hùng vĩ, rừng như phủ kín núi đồi Việt Bắc dựng bức tường thành tạo thế hiểm vây lấy quân thù.

Thiên nhiên vừa được tác giả cảm nhận gắn với cách mạng lại vừa đặc sắc tựa như bức tranh tứ bình:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Mùa đông, trên nền xanh trầm mặc của rừng già vẫn nở bông hoa chuối đỏ tươi làm ấm lên không gian lạnh lẽo của núi rừng và của lòng người. Mùa xuân mang vẻ đẹp tươi non tinh khiết khi ngập tràn sắc trắng hoa mơ. Mùa hè đến, không gian như tắm trong sắc vàng của rừng phách và âm thanh của tiếng ve làm đất trời thêm xao động. Mùa thu về, núi rừng mang vẻ đẹp thơ mộng có ánh trăng thanh bình, có tiếng hát ân tình thủy chung. Mùa nào cũng có màu sắc âm thanh, vừa rộn rã vừa tươi thắm.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy

cam nhan ve bai tho viet bac cua thi si to huu - Cảm nhận về bài thơ Việt Bắc của thi sĩ Tố Hữu

Cảm nhận về bài thơ Việt Bắc

“Việt Bắc” còn mang đến vẻ đẹp của con người Việt Bắc trong lao động và kháng chiến. Con người Việt Bắc luôn gắn bó, hài hòa với thiên nhiên. Trong bức tranh tứ bình, cứ một câu 6 chữ nói về thiên nhiên thì lại có 1 câu 8 chữ nói về con người. Thiên nhiên không thể thiếu bóng dáng con người. Mặt khác, con người Việt Bắc còn đẹp hơn trong hoạt động kháng chiến. Người lên nương, người đan nón, người mẹ địu con làm rẫy… khiến ta vừa khâm phục vừa thương cảm, mến yêu.

Nét đẹp nổi bật nhất của con người Việt Bắc là ở sự nghĩa tình:

“Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

“Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Những hình ảnh đối lập giữa cuộc sống thiếu thốn với tình nghĩa mặn nồng đã gián tiếp thay Tố Hữu ca ngợi tấm lòng thủy chung son sắt đồng thời đề cao truyền thống tốt đẹp của người Việt – nhân ái, thủy chung.

Cuối cùng, vẻ đẹp của con người Việt Bắc là vẻ đẹp trong chiến đấu và chiến thắng:

“Mười lăm năm ấy ai quên”

Suốt 9 năm chống Pháp và 15 năm kháng chiến trường kì từ những ngày khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 tới cách mạng toàn thắng năm 1954, Việt Bắc đã trở thành mảnh đất tâm hồn của cán bộ chiến sĩ cách mạng. Từ những ngày đầu gian khổ “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” đến cuộc Tổng tiến công giành thắng lợi:

>> Xem thêm:  MS432 - Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

“Tin vui chiến thắng trăm miềm

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Yêu mến và tự hào về quê hương cách mạng, Tố Hữu đã cảm nhận được sức mạnh của toàn dân tộc:

“Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”

Việt Bắc dưới ngòi bút Tố Hữu đã trở thành nơi hội tụ sức mạnh và niềm tin của toàn dân. Để thể hiện sức mạnh này, bút pháp Tố Hữu nhanh chóng vươn tới bút pháp anh hùng ca. Những từ láy hoàn toàn “điệp điệp”, “trùng trùng” kết hợp với những hình ảnh của bước chân, đuốc cháy, đèn pha… tạo nên hình tượng một tập thể người nhân dân lao động với sức mạnh trấn áp không gian và thời gian.

Tóm lại, bài thơ “Việt Bắc” với ngôn ngữ linh hoạt, câu từ phong phú, hình ảnh gần gũi, giọng thơ chân thật và sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, nghệ thuật đối đáp dân gian đã làm nên đặc sắc nghệ thuật cho tác phẩm. Bài thơ vừa ngợi ca bức tranh thiên nhiên, con người và nghĩa tình nơi Việt Bắc vừa là tiếng ca hùng tráng, thiết tha của chính những con người trong kháng chiến thông qua nỗi nhớ của tác giả.

Hoài Lê

Bài viết liên quan