Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của tác giả Kim Lân


Đề bài: Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

Bài làm

Viết về người nông dân, những cây bút như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Kim Lân… là tiêu biểu hơn cả. Khác với một Lão Hạc (“Lão Hạc” – Nam Cao) thì nhân vật ông Hai (“Làng” – Kim Lân) lại thu hút người đọc bởi tấm lòng yêu làng, yêu nước và cách thể hiện tình yêu đó rất chân thành và đáng yêu. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân đã xây dựng một hình tượng nhân vật ông Hai rất tiêu biểu cho hoàn cảnh và phẩm chất, tâm hồn của người nông dân xưa.

Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của nông thôn và người nông dân Việt Nam bởi màu sắc văn chương Kim Lân đậm truyền thống, tính dân tộc đồng thời diễn tả nội tâm phong phú, chất phác của người nông dân rất tài tình. Truyện ngắn “Làng” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật văn Kim Lân. Truyện ngắn xoay quanh hoàn cảnh đặc biệt của nhân vật ông Hai cũng như diễn tả tinh tế diễn biến nội tâm của nhân vật này khi ở vai trò là một người dân ngụ cư bị quy vào là người của làng Chợ Dầu theo giặc. Nhân vật ông Hai nổi bật lên là người yêu làng, yêu nước và chân thật.

Lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện qua nhiều chi tiết khác nhau. Tuy sống chật vật ở nơi tản cư nhưng lòng ông Hai luôn hướng về quê nhà – cái làng Chợ Dầu ông luôn yêu quý. Ông nhớ về những ngày làm việc cùng anh em trong làng. Ông Hai vẫn luôn nghe ngóng tin tức về làng và kể cho người khác nghe về làng Chợ Dầu bằng niềm tự hào về làng của mình. Nhớ quá, ông Hai phải thốt lên: “Chao ôi! Ông nhớ làng, nhớ cái làng quá.”.

>> Xem thêm:  Phân tích hình tượng người anh hùng Quang Trung

cam nhan ve nhan vat ong hai trong truyen ngan lang cua tac gia kim lan - Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của tác giả Kim Lân

Cảm nhận về nhân vật ông Hai

Lòng yêu làng của ông Hai còn được thể hiện sâu sắc khi ông Hai được Kim Lân đặt vào trong một hoàn cảnh đặc biệt. Từ phòng thông tin, ông Hai nắm được nhiều tin vui về kháng chiến khiến ông phấn chấn quá. Nhưng ra đến cửa, ông Hai bắt đầu bắt gặp được tin tức đồn thổi từ người tản cư nói rằng làng Chợ Dầu theo giặc: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…”. Phản ứng của ông Hai cho thấy tin tức ấy khiến ông Hai rất bàng hoàng, xót xa, không thể nào tin được: “cổ ông lão nghẹn ắng cả lại, da mặt tê rân rân”, “ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”. Vì quá yêu làng mà ông Hai gần như không thể nào tin đó là sự thật. Khi đã định thần lại, một lần nữa ông Hai lại có những phản ứng rất chân thực: “lảng” đi, bỏ về, cúi mặt xuống. Ông Hai thấy xấu hổ. Vì quá yêu làng, tự hào về làng nên nỗi xấu hổ, xót xa của ông Hai còn hơn người thường nhiều lần.

Về đến nhà, ông Hai “nằm vật ra giường” như sụp đổ tinh thần và “nước mắt giàn ra” đau khổ quá. Những câu hỏi ám ảnh trong suy nghĩ ông Hai lúc này: “chúng cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”… Với ông Hai, theo Việt gian là “nhục”, là “ghê tởm”, đáng “thù hằn”. Nỗi ám ảnh biến thành sợ hãi khiến ông Hai không dám đi đâu. Thậm chí trước nguy cơ bị đuổi đi, ông Hai đã gạt phăng suy nghĩ trở về làng Chợ Dầu vì “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”

Từ lòng yêu làng, Kim Lân đã nhân lên thành lòng yêu nước trong sâu thẳm tâm hồn ông Hai thông qua câu chuyện ngắn tâm sự với thằng út:

“Thế nhà con ở đâu?

Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

Thế con ủng hộ ai?     

ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”

Những lời đáp của đứa trẻ thơ dại nhưng rất trong sáng đã thay ông Hai giãi bày tâm can. Đồng thời, quyết tâm theo Đảng, Bác Hồ của ông Hai cũng được khẳng định.

Khi nghe tin cải chính, ông Hai gần như được “sống lại” với những biểu hiện rất chân thực: “cái mặt buồn thiu hằng ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, “ông lão cứ múa tay lên mà khoe”, ông đi khắp nơi loan báo “bác Thứ đâu rồi… Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”. Đến cả nhà mình bị đốt nhẵn ông cũng “khoe”, khoe để mọi người biết rằng làng mình không theo giặc. Sự hả hê, sung sướng lên đến tột đỉnh. Điều này cũng chứng minh rằng, với ông Hai vật chất không so được với niềm tin và danh dự.

Tóm lại, truyện ngắn “Làng” của Kim Lân thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật ông Hai tự trọng, yêu nước, quyết tâm theo cách mạng cũng như thể hiện sâu sắc, tinh tế diễn biến nội tâm của nhân vật. Cốt truyện có cao trào, mâu thuẫn đã tạo nên tính hấp dẫn cho tác phẩm. Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, mộc mạc, đậm chất nông thôn. Lời đối thoại, độc thoại nội tâm thể hiện cảm xúc phong phú, chân thực.

>> Xem thêm:  Sự biến đổi của đất trời sang thu (bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh) được tác giả cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì? Tâm trạng của nhà thơ được bộc lộ như thế nào

Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấy được vẻ đẹp của người nông dân thời kháng chiến chống Pháp cũng như tình yêu nước thiết tha của họ. Nhờ đó, lòng yêu nước, yêu người lao động của Kim Lân cũng được thể hiện một cách tế nhị.

Hoài Lê

Bài viết liên quan