Chứng minh rằng Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý Uống nước nhớ nguồn


Chứng minh rằng Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý Uống nước nhớ nguồn

Bài làm

Một trong những thước đo giá trị đạo đức, thể hiện sự văn minh, lịch sự,phẩm chất của con người đó chính là sự biết ơn, nhớ ghi công lao mà người khác đã dành cho mình. Đó cũng là một đạo lý thiết thực trong đời sống bao đời nay. Chính vì vậy có thể nói , nhân dân ta luôn sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một nét đẹp truyền thống trong tâm hồn của mỗi con người, đây là bài học về đạo đức, lối sống thường được ông bà, cha mẹ dùng để dạy bảo, khuyên nhủ con cháu. Đó là , khi ta hưởng thụ một thành quả nào đó của người khác, thì ta cần phải biết ơn và báo đáp, tri ân, đến tổ tiên, cội nguồn của chúng ta, nhớ đến người đã có công ơn với mình, giúp đỡ mình. Lòng biết ơn có thể nói là một phần không thể thiếu để bồi đắp nên đạo đức của mỗi con người.
Đây là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn và giàu ý nghĩa. Thật vậy, tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự nhiên mà có được mà đó xuất phát từ công sức của biết bao người. Từ bát cơm dẻo thơm ta ăn hàng ngày là do bàn tay người nông dân cực nhọc làm ra. Rồi đến cuốn sách ta đọc, chiếc xe ta đi cũng đều nhờ những bàn tay khéo léo của người thợ, công lao nghiên cứu của các nhà văn, nhà thơ, tác giả bằng tất cả sự miệt mài, vất vả trong đó. Thêm đó, những di sản văn hoá nghệ thuật, những công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo đều là cả một quá trình ông cha ta lao động, để lại nhằm mục đích phục vụ thế hệ sau. Vậy nên, con người cần và vẫn luôn ra sức bảo vệ những thành tựu tốt đẹp ấy.
Ngoài ra, truyền thống uống nước nhớ nguồn vốn dĩ cũng đã đi vào đời sống, là nét đẹp trong phẩm chất, tâm hồn của con người Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết, giỗ trong gia đình để tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của con cháu đến thế hệ trước. Bên cạnh đó, cũng có những lễ hội được tổ chức hàng năm tưởng nhớ các vị tổ tiên, anh hùng dân tộc như lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), ngày 27/7 – ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm, 22/12 – ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tri ân các Nhà giáo Việt Nam vào ngày 20 – 11 hằng năm, học sinh cả nước lại hân hoan bày tỏ lòng biết ơn, yêu kính của mình đối với thầy cô. Những phong tục, lễ hội ấy đã trở thành hoạt động truyền thống không thể thiếu mỗi năm của người Việt Nam ta nói riêng. Nhớ ơn người có công lao với ta, mang lại cho ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay dường như đã trở thành lẽ tự nhiên, trở thành nếp sống, nếp nghĩ quý báu của nhân dân ta.
Vậy nên nhân dân ta luôn sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đây là một chân lý khó có thể phủ nhận, nó giúp cho đất nước, gia đình, xã hội ngày một tốt đẹp hơn biết bao. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng hiền lành, trung thực, đạo đức tốt, vẫn có những kẻ giả dối, vong ân bội nghĩa những người làm ra thành quả cho họ. Mỗi chúng ta cần phải có nghĩa vụ giữ gìn, trân trọng và phát huy đạo lý truyền thống quý báu ấy của dân tộc, bảo vệ những gì mà ông cha ta đã cất công gây dựng nên cũng như bản sắc văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc. Không chỉ có thế, con người cũng cần phải biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại, để giúp cho truyền thống văn hóa quê hương ta ngày càng phong phú, đa dạng, phát triển. Là một trong những thanh niên của xã hội hôm nay, mỗi chúng ta phải cố gắng học tập, cần cù lao động, trau dồi bản thân để tạo ra những thành quả không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả xã hội.
Ca dao xưa có câu:

>> Xem thêm:  Nêu cảm nghĩa của em về bài thơ “Rằm tháng Giêng” (Nguyên Tiêu) của Hồ Chí Minh

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”

Như vậy, có thể thấy bất cứ thời đại nào thì đạo lí “Uống nước nhớ nguồn truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta. Thế hệ mỗi chúng ta hôm nay hãy biết trân trọng và giữ gìn nét bản sắc ấy đã được lưu truyền từ bao thế hệ nay.

Bài viết liên quan