Em hãy giải thích câu tục ngữ: Đất rắn trồng cây khẳng khiu Những người thô tục nói điều phàm phu


Em hãy giải thích câu tục ngữ: Đất rắn trồng cây khẳng khiu Những người thô tục nói điều phàm phu

Mở bài Giải thích câu tục ngữ: “Đất rắn trồng cây khẳng khiu/những người thô tục nói điều phàm phu”

Kho tàng tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú và ý nghĩa. Mỗi câu tục ngữ là một lời khuyên nhủ, lời răn dạy, một bài học khác nhau được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế của cha ông ngày xưa. Trong kho tàng tục ngữ ấy có câu:

“Đất rắn trồng cây khẳng khiu

Những người thô tục nói điều phàm phu”.

Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì?

Thân bài Giải thích câu tục ngữ: “Đất rắn trồng cây khẳng khiu/những người thô tục nói điều phàm phu”

Câu tục ngữ sử dụng hai hình ảnh hết sức quen thuộc và luôn gắn liền với nhau: Cây và đất. Đất rắn là loại đất cứng như đất đồi chuyên trồng các loại cây khẳng khiu, thân gỗ xù xì. Nhìn vào loại cây trồng có thể đoán ra đặc tính của đất như thế nào hay nhìn vào đất có thể dự định sẽ trồng loại cây gì. Cũng như con người, những người nhìn tướng mạo thô tục thì thường nói ra những câu chữ phàm phu như chính con người họ. Đất xấu trồng cây xấu. Người thô tục biểu lộ qua “nói điều phàm phu”.Đây là một sự thật, câu tục ngữ chính là một cách đánh giá con người thông qua vẻ bên ngoài của họ.

>> Xem thêm:  Vì sao nói: Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối

Sở dĩ có thể khẳng định đánh giá như vậy bởi mỗi người đều có một bản chất, thứ bản chất ấy gắn liền với mỗi người, được thể hiện qua hành động và cách nói năng của họ, khi nói năng, khi giao tiếp, khi hành động dẫu có giấu kín cỡ nào thì cái bản chất ấy rồi cũng sẽ hiện ra. Ví dụ như một người gian manh dù ban đầu ta có thể chưa nhận ra nhưng chỉ cần tiếp xúc một thời gian sẽ dễ dàng nhận thấy điều ấy. Người gian manh sẽ nói khôn khéo hơn người bình thường rất nhiều.

Câu tục ngữ đưa ra một cách đánh giá con người đúng đắn, giúp ta nhìn được bản chất con người. Việc bị nhìn thấy bản chất cũng không hẳn là chuyện xấu, cũng nhờ bị “bóc mẽ”, bị nhìn thấu thì người ta mới biết sửa chữa, thấy được cái xấu của mình. Đất khô cằn thì cần chăm sóc, vun tưới sẽ sớm thành vùng đất màu mỡ phì nhiêu còn con người, những thứ khi đã trở thành bản chất đúng là khó lòng thay đổi bằng một vài tác động, một vài suy nghĩ. Sự thay đổi ấy là cả một quá trình phối hợp giữ mọi người. Người sai thì cần quyết tâm sửa đổi và mọi người xung quanh cũng cần khuyến khích giúp đỡ họ. Ví dụ bạn hay nói bậy trong lớp kia muốn sửa đổi tính xấu ấy thì trước hết cần quyết tâm của bạn ấy và sự nhắc nhở của người xung quanh. Những thứ mà con người tạo ra thì đều có thể thay đổi, hơn nhau là ở sự quyết tâm. Con người có quyết tâm, có nỗ lực phấn đấu, có ý thức sửa chữa sai lầm, không tự buông thả mình cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của những người chung quanh thì họa chăng có thể chiến thắng được. Đây là cuộc đấu tranh bền bị liên tục chứ không thể một sớm một chiều mà thay đổi con người từ “thô tục” thành người “thanh lịch” được.

>> Xem thêm:  Nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch

Bên cạnh đó, câu tục ngữ cũng dùng một quy luật của tự nhiên để nói đến quy luật của xã hội. Đất- môi trường sinh sống và phát triển của cây mà khô cằn không tốt thì cây trồng trên ấy cũng khó lòng xanh tươi. Con người khi sống trong những hoàn cảnh không tốt, tiếp xúc với những thứ xấu thì cũng khó lòng thành người tốt đẹp. Muốn thành một người tốt, yếu tố trước tiên có lẽ là từ gia đình. Gia đình là một chiếc nôi dưỡng dục con người. Gia đình có tốt, có giáo dục, dạy dỗ tận tường…. mới mong có những người con tốt, gia đình mà tạo được một môi trường sống hỗ trợ toàn diện sự phát triển của các con thì chắc hẳn những đứa con ấy sẽ không phải là “thô tục” vì chúng được sống trong một môi trường tốt, như được sống trên một mảnh đất màu mỡ vậy. Gia đình lại là tế bào để tạo nên xã hội, như vậy gia đình tốt thì xã hội cũng sẽ văn minh và phát triển với những con người nhân cách tốt.

Kết luận Giải thích câu tục ngữ: “Đất rắn trồng cây khẳng khiu/những người thô tục nói điều phàm phu”

Câu tục ngữ trên có ý nghĩa vô cùng to lớn với sự phát triển và hình thành nhân cách con người. Giúp con người rèn luyện bản thân mình tốt hơn, chấn chỉnh những tư tưởng và suy nghĩ sai lệch. Và tóm lại ý nghĩa mà câu tục ngữ này để lại khuyên răn mỗi chúng ta nên biết rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để trở thành một người tốt, có những phẩm chất của con người lịch sự văn minh. Cố gắng trở thành một tấm gương cho mọi người noi theo!

Bài viết liên quan