Em hãy tả dòng sông và nói cảm nghĩ của em về con sông quê hương


Em hãy tả dòng sông và nói cảm nghĩ của em về con sông quê hương

Bài làm

Con sông Lương chảy xiết từ phía những dãy núi Bắc Giang, Đông Triều về. Đến chân qua núi Đọ nằm ngang như con thoi ở cửa đồng bằng, dòng sông rộng ra, phẵng lặng trôi qua bến Gốm, cái bến sầm uất thuyền bè và bốn mùa lằn lên những làn khói trắng của các lò bát. Rồi con sông uốn vòng trên một vùng đồi hẻo lánh hai bên bờ là những bãi lau rậm cao ngập đầu người, đây đó ẩn hiện một vài túp lều của dân nghèo, giữa một vườn chuối hoặc một đám mía. Từ quãng đầu làng Chẩm, làng xóm ngày một đông vui chen nhau bên bờ sông. Những vườn vải, vườn nhãn um tùm, đất sạch mịn, bao bọc hai bên con đường đê nhỏ ven sông và chạy dài về tới cầu xe lửa, trên đường Hà Nội – Hải Phòng. Đến đây sông Lương đã thành một con sông đồng bằng, nó cuộn chảy giữa cánh dồng lúa về phía chân trời tít tắp xa, nơi ấy phập phồng hơi thở của biển thổi vào.

Khách đi qua đây, nhìn những cánh đồng mơn mởn, những vườn cây, những con đường rợp mát, ai cũng phải khen là đất quí. Nhưng mấy chục năm trước, cả vùng sông Lương vào đến tận núi Đọ còn là lau lách hoang vu. Các cụ già vẫn còn kể chuyện cuối đời Trịnh, đã nhiều phen quan quân vua chúa đánh nhau, lương dân phải bỏ cả cày cấy dắt díu nhau, ăn rễ cây, thịt chuột, thịt rắn. Vì khổ quá, nguời ta kéo nhau rất đông theo ông quận He, nổi lên bên núi đá Trại Sơn. Đời nhà Nguyễn, quan lại tham nhũng càng tệ, đê Cót vỡ tám năm liền, dân mấy huyện vừa chết đói vừa phiêu tán đi; ruộng bỏ hoang hàng vạn mẫu thành bãi lau. Khi Tây sang, ông Lãnh Cừ ở làng Chuông lập nghĩa quân, len lỏi trong những bãi lau ấy chống cự được bốn năm, sau bị tên chánh Nham người cùng làng làm phản, dắt Tây vào bắn chết ông Lãnh, quân bãi lau tan tác dần. Trận đánh to nhất vào năm Nhâm Ngọ, thây người chết nằm ngổn ngang cả một dải bờ sông, người ta nhặt đem chôn chung vào mấy đông mả lớn ở đầu làng Gành, nơi ấy nay còn bãi tha ma và một ngôi chùa. Mỗi năm, cuối tháng giêng, dân các làng Duyên Giang vẫn về đây thắp hương làm giỗ. Sau những năm loạn lạc, những lúc tre bao lần bị triệt hạ lại mọc lên. Vùng sông Lương dần dần hồi lại. Xóm làng, phố xá lại được gầy dựng, dân cư về mỗi ngày một đông, những quan Trị, quan Nhậm cũng lại về tranh nhau xâu xé mấy phủ huyện béo bỏ. Và cũng như ở khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam đau thương đã mấy nghìn năm, những lũy tre xanh ở đây lại ấp ủ biết bao nỗi khốn khổcủa những con người sống và chết trên đất, bùn. Trong những túp lều tranh, trên những ao tù váng đặc, người lớn, trẻ con sống gầy khô, đen đủi. Nhà ở của họbằng đất bùn, quần áo đều nhuộm bùn. Trong mỗi làng, của nả như chảy tụ vào một hai khu, nơi ấy những con đường gạch bị bóp nghẹt lại những bức tường cao cắm mảnh chai như bức tường nhà tù. đằng sau những cánh cổng lim đóng chặt, quây quần những nhà ngói thô kệch, thấp lùn và bưng bít những cây thóc, bịch vựa, sân gạch, bể nước, những đống rơm đống rạ, những dãy chuồng trâu, chuồng lợn và chuồng những con ở đầy tớ. Làm chủ những cơ nghiệp ấy là bọn “cụ chánh, cụ bá, cụ lí, cụ hàn”, một ổ rệp heo độc ác và ngu muội hút máu những người cùng đinh. Rải rác cách nhau năm sáu làng một, nổi lên những dinh thự “văn minh” hơn của một vài quan lớn. Đó là những tòa nhà hai ba tầng, khoe khoang những mái cong dát mảnh sứ, những cột sơn son kiểu Tàu đi kèm với những gác “chuồng chim” nhô ra thụt vào, có cắm thu lôi và lấp lánh những cửa kính che đăng-ten theo lôi Tây. Gần đường xe lửa cóấp tuần Vi, con lão chánh Nham: dưới gốm là ấp Hàn Đắc, và đầu làng Gành là ấp Nghị Khanh. Xa xa dưới chân núi Đọ, cả một vùng đồi và ruộng chạy dài mười mấy cây sốđã bị Tây cắm làm đồn điền giồng cà phê, và nuôi bò, dân trong vùng gọi là đồn điền Mati. Tất cả những ấp và dồn điền ấy là đất cướp trắng của đám dân cày nghèo đã bỏ công sức ra khai phá, trồng trọt hàng chục năm trời.

Bài viết liên quan