MS02 – Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của tác giả Hàn Mặc Tử


Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của tác giả Hàn Mặc Tử

Bài làm

Làn gió nhẹ của chiều hoàng hôn như xua tan đi mọi căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày dài. Rút tai nghe và bật một bản nhạc không lời, tâm hồn tôi thấy bình yên lạ!

Cứ miên man trong từng nốt trầm bổng, du dương của bài ca, tôi lại chợt nhớ nghĩ tới những vần thơ đầy tâm trạng đan xen trong khung cảnh mộng mơ của xứ Huế mà Hàn Mặc Tử đã cất công thai nghén, ấp ủ. Cùng lạc vào "Đây thôn Vĩ Dạ", chúng ta sẽ cảm nhận rõ điều đó. Nhiều người đọc thơ Hàn Mặc Tử đã giãi bày: "Thơ gì mà rắc rối thế, mình tưởng có ý nghĩa gì uẩn khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài thì ra nó lừa mình". Phải chăng, nó "rắc rối" là do Hàn Mặc Tử có một diện mạo thơ phức tạp, đầy bí ẩn. Ông đã tạo nên trong sáng tác của mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, xa lạ với đời thường. Trong đó có hai hình tượng sống động, biết khóc, biết cười, biết gào thét, biết đau khổ đó là Hồn- Trăng. Song thơ Hàn Mặc Tử cũng có những hình ảnh tuyệt mỹ, hồn nhiên, trong trẻo và lấp lánh sau đó là một tình yêu đến đau đớn, hướng về cuộc đời trần thế. Dầu cho cuộc đời nhiều bi thương nhưng ông vẫn là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ Mới.

phan tich day thon vi da cua han mac tu - MS02 - Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của tác giả Hàn Mặc Tử

Nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh của quê hương Đồng Hới thân yêu đã dệt nên thành công tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" (1938) với những dòng cảm xúc mới mẻ, bồi hồi cùng bao khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế.

Mở đầu ngưỡng cửa văn chương, tác giả đã đặt ta trong sự tò mò, băn khoăn:

Sao anh không về thăm thôn Vĩ?

Ngay trong câu thơ đầu tiên, tác giả đã chắp cánh cho tứ thơ làm một cú nhảy vọt tạo ra một sự phi lôgic nhưng lại rất hợp lôgic. Đó chính là nghệ thuật "nhảy cóc" điêu luyện, tạo ấn tượng mạnh trong tâm trí độc giả. Câu hỏi tu từ này khiến ta có cảm giác nhà thơ trở về thăm Vĩ Dạ như một lời tự vấn, một cuộc trắc nghiệm nhỏ để thử xem lời mời năm nao có là sự thật, nhưng đâu đó ta cũng nghe vang vọng lời trách móc nhẹ nhàng hay lời mời gọi tha thiết của người con gái xứ Huế. Dù hiểu như thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn thấy lấp lánh sau đó hình ảnh của một cái tôi ly hợp, bất định.

Đọc những vần thơ Hàn Mặc Tử, chắc hẳn ai cũng ao ước được một lần đặt chân tới "miền đất hứa" mộng mơ này, bởi nơi đó có cảnh sắc thiên nhiên hết sức gợi cảm, hữu tình:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Tác giả đã đưa khách thi nhân bước vào vườn thơ của mình- một vườn thơ rộng rung rinh không bờ bến với bao nét đẹp quyến rũ, lung linh. Cây cau là cây cao nhất trong vườn Vĩ Dạ nên nó sẽ đón ánh nắng của buổi sáng thanh tân đầu tiên. Những tia nắng nhẹ nhảy nhót rồi lọt qua kẽ lá, nó khẽ đung đưa theo làn gió của mẹ thiên nhiên thật khiến tâm hồn ta đắm say, si mê. Nó cũng có nét tương đồng với ánh nắng chiều trong thơ Hồng Nguyên:

>> Xem thêm:  MS21 - Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Có nắng chiều đột kích những hàng cau

Điệp từ "nắng" đã nói lên hết cái tinh khôi, tinh nguyên của ngày mới trên đất Huế mộng mơ. Họa chăng, nếu không có nó thì có lẽ bức tranh thiên nhiên sẽ trở nên "què chột". Hình ảnh so sánh độc đáo "xanh như ngọc" kết hợp với thán từ "mướt quá" như giúp tác giả diễn tả được hết nét mượt mà, non tơ cùng sự lóng lánh, tràn đầy sức sống. Khu vườn hiện lên đẹp lộng lẫy tựa như một viên ngọc khổng lồ. Hàn Mặc Tử đã rất tài tình khi sử dụng đại từ phím chỉ "ai" tạo cho ta bao suy ngẫm, bâng khuâng. Chiếc lá trúc mảnh mai, thanh tú lại đưa qua, đưa lại để "che ngang khuôn mặt chữ điền" đầy đặn, vuông vắn, phúc hậu.

Đây là một câu thơ giàu giá trị tạo hình, nêu lên mối quan hệ hài hòa, gắn bó trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của thiên nhiên và con người xứ Huế. Quả đúng như ai đó đã nói: "Thi trung hữu họa", cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử ta như được chứng kiến từng nét thêu dệt, từng gam màu sắc điêu luyện, tài hoa của một trái tim yêu đến cuồng nhiệt, đến hoảng loạn để rồi tâm hồn đau đớn tới điên dại, lời thơ như rướm máu.

Bởi vậy, "đọc thơ Hàn ta phải đọc theo cảm xúc" thì mới có thể cảm, có thể chiêm nghiệm hết cái hay, cái đẹp cùng sức nặng ngữ nghĩa của nó.

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Hình ảnh "gió" và "mây" vốn là những sự vật gắn liền, đi đôi với nhau nhưng ở đây lại chia lìa, xa cách. Nhà thơ không dùng ngòi bút của mình để tô đậm sắc độ của mây hay cường độ của gió mà muốn gửi gắm một điều gì đó sâu xa hơn, độc đáo hơn, buộc ta phải trăn trở, phải lục lõi trong trí não.

Và ta chợt "rùng mình", nghẹn ngào khi nghe những lời chia sẻ:

"Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ.

Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn.

Tôi đã phát triển hết cả cảm giác về tình yêu

Tôi đã vui buồn, giận hơn đến gần đứt cả sự sống"

( Thơ Điên- Hàn Mặc Tử).

Chao ôi! Đau thương, xúc động thay cho trái tim Hàn Mặc Tử. Có lẽ chính bầu máu nóng nhiệt huyết đang dâng trào cùng những tình cảm yêu thương tha thiết là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn để ông chưng cất nên những vần thơ đầy nước mắt, đầy u buồn. Sự lay động nhẹ nhàng của "hoa bắp" vừa diễn tả được cái hắt hiu của cảnh vật, vừa gợi tả nỗi sầu của nhân vật trữ tình, kết hợp với biện pháp nghệ thuật nhân hóa "dòng nước buồn thiu" như lan tỏa rộng hơn sự đau buồn, chia cắt, gợi lên nét đặc trưng của dòng sông Hương xứ Huế êm đềm, lặng lờ, thơ mộng. Những điểm nhấn nhẹ nhàng mà đẹp quá!

>> Xem thêm:  Giới thiệu về đoạn trích “Những đứa trẻ” của Go-rơ-ki

Dường như lúc này không hẹn mà gặp, tôi thấy có sự đồng điệu của những tâm hồn yêu cái đẹp. Nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" cũng đã viết: "Sông Hương có một lưu tốc thực chậm, khiến cho dòng sông cơ hồ như một mặt hồ phẳng lặng" hay như Tố Hữu cũng đã tỏ bày: Trên dòng hương giang, em buông mái chèo Trời trong veo và nước cũng trong veo Rồi đâu đó cất lên tiếng gọi tha thiết của tình yêu: Hương giang ơi dòng sông êm Ngày đêm ta vẫn tự tình ( Thu Bồn ) Tất cả, tất cả đã thể hiện rõ nét trầm tư, kín đáo, nhẹ nhàng của thiên nhiên và con người xứ Huế.

Ở bức tranh này ta còn bắt gặp bao cảnh vật dường như được phủ lên một lớp áo đầy cổ tích. Đó là không gian nên thơ của của đêm trăng diễm ảo:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Hình ảnh của "thuyền trăng", "sông trăng" sao quen thuộc đến the! Phải chăng nó đã trở thành bến đỗ dạt dào cho ngòi bút thơ ca Hàn Mặc Tử neo đậu. Trong một thi phẩm khác, ông đã viết:

Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu

Còn trong "Đây thôn Vĩ Dạ" ánh trăng cùng vạn vật lại thấm đẫm một nỗi buồn đến nao lòng. Liệu có phải tác giả đang muốn chở trăng về một bến bờ nào đó như ông đã đọc trong tấm bưu thiếp? Chữ "kịp" mà tác giả nhấn mạnh chứa đựng cảm xúc về sự phấp phỏng, thấp thỏm, âu lo vì nếu không kịp thì thần chết có thể quơ lưỡi hái cướp đi sinh mạng của nhà thơ bất cứ lúc nào. Với Xuân Diệu, nhà thơ sống vội vã, cuống quýt, gấp gáp khi thần chết đang ở phía cuối con đường, còn Hàn Mặc Tử thì hoàn toàn ngược lại, sự sống và cái chết với ông bây giờ chỉ mong manh trong gang tấc. Vì thế ông lo lắng, u sầu, nghĩ ngợi có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Có một nhà phê bình đã từng nói: "Thơ ca không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn của tác giả". Vâng! Thông qua nét đẹp "thuần túy Huế, tinh khiết Huế", ta đã tìm thấy sự đồng cảm, xót thương, đau đớn đến tột độ cho tâm trạng của thi nhân.

Cứ đọc thơ Hàn Mặc Tử là thấy hay, thấy buồn nhưng nếu hỏi vì sao thì thật không dễ trả lời. Có lẽ là do mạch cảm xúc của thơ ông luôn dạt dào, tuôn trào mạnh mẽ, được dệt nên từ chính sự thăng hoa của trái tim người nghệ sĩ và khúc xạ qua lăng kính chủ quan của tâm hồn ông:

>> Xem thêm:  Soạn bài đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh…

Nhịp điệu thơ trở nên nhanh, vội vã, gấp gáp khác hẳn với nhịp chậm rãi, trầm lắng của khổ thơ đầu. Nó đã nhấn mạnh nỗi khát khao đến cháy bỏng nhưng cũng đầy xót xa của khách đường xa dù chỉ là trong mơ. Xứ Huế là một vùng đất nắng lắm, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói, tạo nên trước mắt ta một không gian huyền ảo, thơ mộng. Lạc vào khung cảnh ấy là hình ảnh người con gái thôn Vĩ mặc chiếc áo trắng mờ ảo và xa xăm. Điều này đã làm nên bao cái huyễn hoặc của cuộc đời, làm cho tình người càng trở nên đậm đà mà khó hiểu. Thán từ "quá" là một biện pháp cực tả, thể hiện sự ca tụng sắc trắng đến lạ lùng. Nó mờ ảo, nhạt nhòa trong làn sương phủ nhẹ của cảnh vật khiến ta có cảm giác như đang chứng kiến sự tuyệt vọng, đau đớn vì xa cách của chủ thể trữ tình. Liệu có giọt nước mắt nào nhỏ xuống trang giấy để thấu hiểu cho nỗi lòng xót xa, bi thương của Hàn Mặc Tử?

Nếu mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ thì kết thúc bài thơ cũng là một câu hỏi tu từ. Nó khép lại mà mở ra bao dư ba, xúc cảm:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Bao cảm xúc hoài nghi, băn khoăn chợt vỡ òa trong vô vọng. Liệu người con gái xứ Huế có biết tình cảm của thi nhân đậm đà lắm không hay cũng như làn sương khói mờ mịt rồi tan ra? Dù hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn ẩn chứa bao nỗi buồn, sự cô đơn, trống vắng, uẩn khúc của một con người yêu đời, yêu người dù rơi vào hoàn cảnh bi thương, bất hạnh.

"Đây thôn Vĩ Dạ" thực sự là một bài thơ đậm chất Huế, là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người. Tác phẩm không chỉ khắc họa đầy đủ tâm cảnh, phong cảnh mang nội dung sâu sắc, mới mẻ mà còn có sự độc đáo trong việc sử dụng nghệ thuật với những hình ảnh mang tính biểu tượng, ngôn ngữ tinh tế, biểu cảm cùng bút pháp gợi tả hấp dẫn, sinh động tạo cho bài thơ những chiều sâu không thể nào kể hết. "Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc". "Đây thôn Vĩ Dạ" xứng đáng là một bài thơ hay như thế- một bài thơ với bao vẻ đẹp về miền quê nổi tiếng của đất nước cùng những tình đời, lẽ đời sâu sắc, ý vị. Cảm nhận thi phẩm ta thấy được "thương hiệu" riêng mang tên Hàn Mặc Tử và chắc chắn chất men say nồng nàn, quyến rũ tỏa ra từ trang thơ của ông sẽ sống mãi trong tâm trí ta với dòng dư âm không bao giờ ngớt….

Mai Thị Thu

Trường THPT Tĩnh Gia II – Thanh Hóa

Bài viết liên quan