MS103 – Người thầy sống mãi trong lòng tôi


Viết về người thầy giáo cũ mà em yêu quý

Bài làm

Cỗ máy thời gian vẫn cứ hoạt động đều đặn như những gì mà nó vẫn thường làm. Và những vòng bánh xe của cỗ máy ấy vẫn cứ lăn dài trên cuộc hành trình đầy rộng mở của con người ta. Thời gian có thể khiến cho ngoại hình của một ai đó thay đổi. Nhưng những kỉ niệm của con người sẽ chẳng thể vì thế mà trôi tuột đi. Nó sẽ mãi hằn sâu trong tâm tưởng của mỗi người và đôi khi lại khiến cho con người xúc động đến nghẹn ngào mà nhớ lại. Tôi đây, vẫn nhớ mãi kỉ niệm về người thầy thân thương- người cha thứ hai của tôi.

Đó là người thầy chủ nhiệm tôi suốt bốn năm THCS. Và đó cũng là người thầy dạy văn của tôi- người truyền cảm hứng yêu văn học cho tôi. Mặc dù, giờ đây, tôi đã là một cô nữ sinh lớp 10, không còn theo học thầy nữa. Nhưng trong tôi lúc nào cũng thường trực sự biết ơn, lòng kính trọng với thầy.

nguoi thay song mai trong long toi - MS103 - Người thầy sống mãi trong lòng tôi

Thực ra, khi tôi bắt đầu bước vào cánh cổng trường THCS, tôi đã không phải là một đứa trẻ ngoan. Khi đó, tôi là một đứa trẻ ngỗ nghịch, là người luôn khiến cho thầy "đau đầu" nhất trong lớp. Có lẽ, khi ấy, tôi cũng đã bị liệt vào trong danh sách "học sinh cá biệt" của lớp. Bởi tôi luôn là người kiếm trò quậy phá các bạn trong lớp. Thậm chí còn hay gây gổ, đánh nhau với các bạn lớp khác. Và giờ chào cờ đầu tuần nào, tôi cũng đều bị nêu tên trước cờ. Cả lớp tôi cũng vì tôi mà bị hạ thi đua, luôn luôn bị xếp cuối cùng. Tôi biết, lúc đó tôi rất đáng ghét, chằng có ai thích chơi với tôi cả. Ai cũng chỉ muốn tránh xa tôi mà thôi. Đơn giản, chỉ vì đâu ai lại muốn rây vào "một tổ kiến lửa" để rồi "bị đốt" đâu.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về đoạn văn Cốm là thức quà đặc biệt…hạnh phúc bền lâu

Mặc dù, tôi gây ra bao chuyện tày đình như vậy. Nhưng thầy chưa hề nói một lời trách cứ với tôi. Thậm chí, thầy còn nhắc nhở các bạn trong lớp giúp đỡ tôi trong việc học tập. Thực sự, khi ấy, tôi cũng không hiểu tại sao thầy lại làm như vậy? Bởi xưa nay, thầy vốn là một người rất nghiêm khắc. Nhưng rồi năm tháng qua đi, khi tôi đã đủ lớn và đủ trưởng thành để hiểu ra rằng: thì ra, từ lâu, thầy đã biết hoàn cảnh gia đình tôi. Bố tôi đi làm xa, một năm chỉ về nhà được một vài lần. Thời gian mẹ con tôi được ở cạnh bố rất ít ỏi,cũng chẳng đủ để lấp đầy khoảng trống của tình yêu thương. Còn mẹ tôi, mẹ tôi hằng ngày vẫn mang rau ra chợ bán. Số tiền ít ỏi mà mẹ tôi kiếm được từ mấy mớ rau đó, có khi còn chẳng đủ cho một bữa ăn. Huống chi là cho tôi đi học. Nhiều lúc, tôi đã từng nghĩ sẽ nghỉ học để phụ giúp mẹ. Thế nhưng, thầy đã động viên, khuyên bảo tôi phải cố gắng học tập thì tương lai của tôi và bố mẹ tôi mới có thể tươi sáng. Dường như, thầy biết hết, biết tất cả rằng: vì tôi thiếu đi sự yêu thương, quan tâm của một người bố, sự nghiêm khắc của một người cha trong gia đình, nên tôi mới là một đứa trẻ ngỗ nghịch ở trường đến như vậy. Thế nên, không lúc nào là thầy không giúp đỡ, chỉ bảo cho tôi. Những lúc đó, thầy giống như người cha thứ hai của tôi, giống như một vị cứu tinh cứu sống một con người sắp gục ngã trên xa mạc.

Ấy thế nhưng, tôi lại nhiều lần làm thầy thất vọng. Tôi nhớ, hôm đó là tiết văn của thầy. Thầy tôi vốn dĩ là người rất kĩ tính trong việc học tập. Chính sự kĩ tính đó mà biết bao anh chị học sinh theo học thầy đã thành đạt trong cuộc sống. Dù biết vậy, nhưng tôi vẫn không học bài, làm bài cũ, cứ mặc kệ, dửng dưng như không. Và thế là người đầu tiên thầy gọi lên bảng kiểm tra bài cũ là tôi. Tôi đi lên trong tay chỉ cầm đúng một quyển vở, trong khi thầy yêu cầu chúng tôi chuẩn bị ba quyển: vở ghi lí thuyết, vở soạn văn và vở bài tập. Thêm vào đó là tôi chưa học bài cũ. Thế là tôi đứng như trời trồng. Còn thầy, thầy dở quyển vở mà tôi đưa cho thầy ra. Trong đó chỉ vỏn vẹn hai chữ "Tiết 1". Rồi thầy nhẹ nhàng hỏi tôi: "Trang, em chưa học bài cũ sao?". Lúc đó, tôi chẳng biết nói gì, ngoài việc chỉ biết cúi gằm mặt xuống. Giọng thầy khi ấy, bỗng nhiên trầm xuống đến lạ thường. Thoáng qua, tôi thấy đôi mắt thầy ánh lên vẻ đượm buồn. Bỗng nhiên trong tôi lại trào lên một cảm giác khó tả. Dường như thầy đã rất kì vọng vào tôi và tôi đã làm thầy thất vọng. Thầy bảo tôi về chỗ, tôi không hiểu sao lúc ấy, tôi cảm thấy cắn rứt lắm! Thầy đâu có quát mắng tôi? Thầy đâu có trách cứ tôi? Thầy cũng đâu có phạt tôi? Thế nhưng tại sao tôi lại cảm thấy mình đáng trách vậy chứ? Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu cảm xúc cứ dồn dập, dồn dập ùa vào trong tâm trí tôi; hòa vào nhau thành một mớ hỗn độn, xoay quanh trí óc tôi khiến tôi chẳng tập trung làm được việc gì và cũng chẳng muốn làm gì.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh chị về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình II của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Tan học, tôi về nhà. Vừa về đến nhà, tôi đã thấy xe của thầy dựng trước sân nhà tôi. Thầy đang nói chuyện với mẹ tôi. Tôi đinh ninh rằng: thể nào thầy đến nhà tôi để nói cho mẹ tôi biết chuyện hôm nay, tôi không học bài lại còn không chuẩn bị sách vở nữa chứ. Thế nhưng không. Tôi đứng ở ngoài, nghe loáng thoáng thầy nói rằng: "muốn chọn tôi vào đội tuyển văn của thầy để đi thi. Mong mẹ tôi khuyên tôi cố gắng học hành chăm chỉ."

Nghe thấy vậy, tôi cũng rất ngạc nhiên và sửng sốt. Không hiểu sao thầy lại chọn một đứa tinh nghịch, cá biệt nhất trong lớp như tôi, vào đội tuyển văn của thầy. Chính vì thế mà tôi đã không ngần ngại mà chạy thẳng vào nhà và hỏi thầy ngay: "Em thưa thầy, tại sao thầy lại chọn một đứa như em ạ?". Vẫn giọng nói đó, ân cần và trìu mến, thầy trả lời tôi: "Một đứa như em thì sao? Thì không thể chọn ư? Thầy chọn em, bởi vì thầy tin tưởng rằng em sẽ làm được. Thậm chí là làm tốt nữa cơ. Nhưng phải hứa với thầy là phải học hành thật chăm chỉ, phải cố gắng hết mình. Đừng để thầy thất vọng, được không?".

Nghe thầy nói vậy, tôi chẳng biết đáp lại thầy thế nào cả. Chỉ biết cười trong hai dòng nước mắt đang trực trào tuôn ra vậy! Tôi đã tự nhủ với mình rằng sẽ không làm thầy thất vọng thêm một lần nào nữa.

>> Xem thêm:  Chiếc lá cuối cùng (trích)

Kể từ đó, tôi không còn ham chơi hay đi gây gổ đánh nhau nữa, mà chỉ chuyên tâm học hành. Bạn bè cũng không còn xa lánh tôi. Nhờ vậy, mà tôi đã giành được nhiều giải nhất, nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi văn liên tiếp bốn năm liền. Trong tôi, luôn thầm biết ơn người thầy đã dìu dắt, nâng đỡ tôi trong suốt quãng thời gian dài. Cảm ơn thầy- người truyền lửa, người truyền tình yêu văn học cho tôi- người cha thứ hai của tôi. Nay khi đã rời xa vòng tay dạy dỗ, bảo ban ân cần của thầy, thì tôi vẫn luôn muốn nói với thầy rằng: "Con cảm ơn thầy, nhiều lắm!".

Mai Thị Trang

Lớp 10A15 – Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội

Bài viết liên quan