MS150 – Viết về người thân của em


Đề bài: Viết về người thân của em

Bài làm

Thời gian – một món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta trong suốt cuộc đời này. Nó như một dòng sông không ngừng đổ ra biển cả mênh mông, như ánh dương ban mai không bao giờ tắt, như những chiếc lá không bao giờ ngừng rơi…Thời gian không cho phép ta trở lại, được trở về với quá khứ mà chỉ cho phép ta được hoài niệm, được thương nhớ về một thời đã qua. Thời gian như còn chút lưu tình mà mang đến cho con người cái gọi là “kỉ niệm”. Nó có thể khiến con người ta sung sướng, hạnh phúc, cũng có thể làm cho ta đau đớn, hối hận khi nhớ lại. Đối với tôi, tôi dành trọn những kỉ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của mình cho bố – người hùng vĩ đại trong lòng tôi.

Các bạn biết đấy, người cha luôn là người thầy đầu tiên của mỗi chúng ta. Vì sao? Vì họ luôn là người dạy ta những bài học đầu tiên về cuộc sống, về cách làm người, về cách đối mặt với những gian truân, thử thách. Bố luôn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong lòng tôi, luôn khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ, yêu thương, trân trọng. Mỗi khi có ai hỏi về bố của tôi, tôi luôn tự hào mà đáp rằng: “Bố của tớ là người hùng đấy”.

Vào ngày này 15 năm trước, tôi chào đời trong vòng tay yêu thương của cả bố và mẹ. Bố vui mừng, phấn khởi, rơi những giọt nước mắt vì thương người vợ của mình vừa mới lâm bồn cực khổ, nhưng ẩn chứa trong đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui vì cuối cùng, sau 9 tháng 10 ngày chờ mòn chờ mỏi, sinh linh nhỏ bé kết tinh từ tình yêu của hai người cuối cùng cũng đã đến được với thế giới này, được nhìn thấy ánh dương đẹp đẽ len lỏi giữa bầu trời mùa đông giá lạnh. Nhưng bố cũng lo lắng vì sợ con sẽ vấp ngã, sẽ tổn thương bởi xã hội không thực sự tốt đẹp như con nghĩ, và bố luôn tìm mọi cách để che chở, bảo vệ con…

viet ve nguoi than cua em - MS150 - Viết về người thân của em

3 năm sau, vào ngày đầu tiên tôi đi học mẫu giáo, bố đưa tôi đi học. Vì tôi sống trong một thị trấn khá nhỏ bé thuộc một tỉnh ở vùng núi phía Bắc nhưng gia đình tôi cũng thuộc diện khá giả. Bố đưa tôi trên chiếc Jupiter mà thời đó được coi là chiếc xe xịn nhất rồi. Tôi ngồi trên xe bố, ôm vòng eo săn chắc của bố mà ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đến được trường, bố nhẹ nhàng nhấc tôi xuống, nói với cô giáo vài câu nhưng tôi cũng không nhớ rõ đó là gì. Và rồi, buổi học bắt đầu. Tôi mải mê cười đùa với các bạn mà không hề biết bố đứng ở sau cửa lớp đến hết buổi học chỉ để nhìn tôi nô đùa cùng chúng bạn. Bố vui mừng, hạnh phúc vì con gái bố đã biết hoà nhập với cuộc sống, đã biết tìm cho mình những niềm vui dù là nhỏ nhặt nhất. Có thể, tôi đã không biết đêm hôm ấy bố mất ngủ vì quá hạnh phúc chăng?

Một kỉ niệm mà cho đến giờ, tôi không thể nào quên được sau bao năm tháng dài đằng đẵng như vậy, có lẽ, nó đã thành một vệt sáng khắc sâu trong tâm trí tôi từ bao giờ. Đó là vào một ngày đông giá lạnh, những cơn gió lạnh đầu mùa không khiến con người ta cảm thấy tê buốt tới từng khớp xương, nhưng cũng đủ để ta cảm nhận được mùa đông thực sự đã đến rồi. Buổi tối, cũng là một buổi tối khá muộn rồi, cả nhà tôi đang quây quần xem ti vi thì trên phim có chiếu cảnh một ông chú đang gặm miếng dưa hấu rất ngon lành. Tôi nhìn thấy mà chảy cả nước miếng! Trẻ con mà! Bố nhìn thấy thì chỉ biết cười xoà, bố nói thầm: “Đợi bố một chút nhé” rồi phóng xe đi mất. Mặc cho cái giá lạnh của mùa đông cũng như đêm hôm khuya khoắt thế này, tìm ra được hàng dưa hấu mà mua phải nói là rất khó. Nhưng chỉ một lúc thôi, bố đã mang về cả một quả dưa cho tôi gặm thoả thích. Tôi cứ ăn, ăn mãi mà không biết rằng từ sau lần đó, bố bị cảm và phải truyền mất vài ngày. Bị cảm cũng không sao, bố chỉ mong con gái bố luôn được ăn no, mặc ấm, luôn sung túc, bố luôn cố gắng để con không phải chịu thiệt thòi, luôn hy vọng sẽ mãi ở phía sau làm chỗ dựa cho con, xuất hiện mỗi lúc con cần.

Năm tôi lên 6, cũng là lúc mà tôi đặt chân vào cánh cổng trường tiểu học. Bố đưa tôi đi học như thường lệ, luôn dõi theo hình bóng của tôi giữa dòng người chen chúc, tấp nập. Bố thả tôi ở cổng trường, cho tôi tự tìm đến lớp học của mình, bố muốn tôi tự lập, tự tìm kiếm những thứ thuộc về bản thân mình, không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì cả. Nhưng tôi chưa đủ lớn để làm được điều ấy. Tôi bị lạc và tất nhiên không tìm thấy lóp học của mình ở đâu cả. Bố luôn đi theo sau, theo từng bước chân của tôi, khi thấy tôi khóc vì bị lạc, mặc kệ ánh mắt của mọi người, bố ôm tôi vào lòng, vỗ về. Bố nghĩ rằng con gái của bố thực sự đã lớn, nhưng chưa phải, bố đã lầm. Có lẽ bố cần cho con thêm thời gian để con thích nghi với cuộc sống này, vì mai sau, bố không thể mãi làm chỗ dựa cho con được…

>> Xem thêm:  Kể lại một câu chuyện em đã được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó

Năm tôi 8 tuổi, bố chứng kiến một đám bạn cào tôi xước đến chảy cả máu, bố mặc dù tức giận nhưng vẫn kìm nén lại, bố ôm tôi vào lòng, vỗ về như hồi tôi còn bé. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố rơi nước mắt. Tôi oà khóc vì tủi thân, vì đau đớn nhưng bố nhìn thấy tôi như vậy còn đau đớn gấp trăm, gấp vạn lần tôi. Có lẽ bố đã quá xót con, bố quá thương con, bố quá đau lòng khi đứa con gái bé bỏng của bố phải chịu những nỗi đau về thể xác, về cả tinh thần. Bố nghĩ rằng, với chút nỗi đau này mà con đã không chịu được, thì sao con có thể vững vàng mà bước tiếp đây? Bố trách bản thân mình vô tâm vì đã không thể bảo vệ được con…

Năm tôi 10 tuổi là lần đầu tiên tôi vào bếp. Tôi tự tay nấu một nồi cơm đầy ú ụ, nhưng lượng nước mà tôi cho vào phải gấp 3 – 4 lần lượng gạo ấy chứ. Cơm nấu xong, tôi hồi hộp về thành quả của mình mà không biết rằng bố còn hồi hộp, chờ đợi hơn cả tôi. Cơm nấu xong thực sự rất nhão, như cháo đặc vậy, nhưng bố vẫn cố nuốt, cố ăn hai bát cơm như thường lệ và không quên tấm tắc khen ngon. Tôi hí hửng, cứ nghĩ là ngon thật, còn định nếm thử nữa nhưng bố tôi lại bảo: “Con gái, nồi cơm này của bố chứ, không được cướp đâu nhé”. Nghe xong, tôi càng vui mừng, vẫn đinh ninh là mình nấu ngon thật. Mẹ tôi chỉ biết lắc đầu thở dài, nấu cho tôi một nồi mới, bắt tôi ăn. Bố ăn đến một cái nhíu mày cũng không có, ăn một cách ngon lành như không có chuyện gì cả. Lúc đó, tôi quá nhỏ để hiểu rằng bố đã phải chịu đựng thành quả mà tôi gây ra nó dở tệ đến mức nào. Cơm mặc dù không ngon, nhưng bố vẫn cảm thấy hạnh phúc vì con gái bố đã biết cách nấu cơm là làm như thế nào, thấy sự trưởng thành của con gái bố, luôn tự hào và khen con nấu ngon…

Năm tôi 12 tuổi, tôi phát hiện ra mình bị bệnh tim bẩm sinh. Mẹ tôi bàng hoàng, bố tôi thì lặng người đi như không thể đứng vững nổi vậy. Bố mẹ tôi đã dành hết số tiền dành dụm được trong suốt thời gian qua để cho tôi đi mổ. Ngày vào phòng mổ, tâm trạng tôi khá lo âu. Bố tiến lại, vẫn ôm tôi như ngày còn bé, luôn miệng nhắc nhở tôi phải cố gắng, vì quà sinh nhật tôi vẫn còn chưa tặng. Bố biết, đây là cuộc đấu tranh sinh tử, vì bác sĩ nói, khả năng sống sót chỉ có 50 – 50 mà thôi, đòi hỏi sự cố gắng, vượt qua cửa tử của bệnh nhân cũng như những nỗ lực, tận tâm của bác sĩ. Bố tôi không tin vào phép màu, cũng không tin vào sự may mắn nhưng giờ đây, thấy tôi nằm trên chiếc xe đẩy của bệnh viện, bố tôi không thể không tin vào phép màu được nữa. Bố tin ở tôi, tin ở phép màu sẽ linh nghiệm, mong tôi sẽ chống chọi, vượt qua bằng chính sức lực của mình, mong tôi có thể vượt qua được cửa ải này. Là một người bố, dù có tỏ ra kiên cường, mạnh mẽ đến đâu cũng không thể chịu đựng được khi thấy con mình sắp phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật, có thể sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Bố chứng kiến một đứa trẻ trong viện ngày hôm qua vừa được bố cho bim bim xong hôm nay vừa trải qua cuộc phẫu thuật ấy đã mất mạng, không thể trở về. Vì vậy, bố càng sợ hãi, bản thân từng có ý định sẽ không tiến hành mổ nữa vì bố quá sức đau lòng, sợ sẽ mãi mất đi người con này…

Cánh cửa phòng mổ khép lại cũng là lúc bố tôi ngã xuống. Bố đã vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân rồi, bố cho mẹ mượn bờ vai để khóc, và bố cũng khóc. Ở trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ ai cũng ra lời khuyên nhủ tôi: “Cháu hãy gắng lên nhé, bố mẹ còn đang ở ngoài chờ, cháu sẽ làm được, cô gái nhỏ!”. Lúc đó, theo bản năng, tôi chợt nói với bác sĩ: “Cháu có thể xin một mẩu giấy và một chiếc bút không ạ?”. Vị bác sĩ nào đó liền đưa cho tôi một mẩu giấy kèm theo 1 chiếc bút: “Của cháu đây”. Tôi kìm nén những giọt nước mắt lăn dài trên má, đôi bàn tay run rẩy cầm lấy chiếc bút và bắt đầu viết từng chữ, từng chữ một cách khó nhọc. Tôi cố nắn nót viết, nhưng cuối cùng chỉ vỏn vẹn được có dòng chữ: “Bố mẹ đừng lo, con sẽ ổn thôi, chờ con” và nhờ cô bác sĩ ra ngoài đưa giúp bộ mẹ tôi. Tôi nhắm mắt. Những giọt nước mắt vẫn tinh nghịch nô đùa và thi nhau chảy xuống. Tôi mường tượng ra ánh mắt, vẻ mặt đau khổ của bố mẹ tôi, nhưng biết làm sao đây, con người chỉ được phép sống có một lần duy nhất, nếu không nắm chắc cơ hội sống lần này, tôi sẽ thất bại. Từng mũi thuốc mê được tiêm vào cơ thể tôi, và cho đến lúc chuẩn bị thiếp đi, hình bóng của bố bỗng nhiên hiện ra trước mắt. Tôi mỉm cười hạnh phúc, vì nếu mình không còn, vẫn có thể nhìn thấy bố lần cuối. Tôi mê man và chính thức chìm sâu vào giấc ngủ do tác dụng của thuốc gây mê…

>> Xem thêm:  Phân tích bài Đây thôn Vĩ dạ

Ca phẫu thuật kéo dài đến hơn 12 tiếng, nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các y, bác sĩ, tôi cũng đã tỉnh dậy. Tôi mở mắt ra và thấy một đống dây dợ lằng nhằng xung quanh người mình, không thể cử động, không thể nói, cũng không thể ăn uống bất cứ thứ gì. Điều tôi quan tâm nhất lúc bấy giờ là liệu bố mẹ đã biết rằng mình tỉnh lại hay chưa, hay vẫn đang ôm nỗi tuyệt vọng, mong chờ, lo lắng? Trong thời gian tôi làm phẫu thuật, bố mẹ tôi phải ở trong một khu kí túc xá dành cho người nhà bệnh nhân, thực sự thiếu thốn vô cùng. Bố ngày đêm an ủi mẹ, cho mẹ mượn bờ vai để khóc, để được an ủi, để có thêm hy vọng. Song, bố cũng rất đau khổ. Có những lúc bố nghĩ mình không thể gắng gượng thêm được nữa, nhưng bố vẫn tin, bố tin ở con gái bố, tin con sẽ vượt qua được. Và cuối cùng, tôi cũng đã làm được. Khi bố lên thăm tôi, nhìn thấy con mình cắm vào người đủ mọi loại kim truyền, máy móc, ống thở, bố đã không chịu nổi nữa, vì quá thương con, vì quá xót xa, đau lòng… Thế và từ lần đó, bố tôi không đủ can đảm để lên thăm tôi được nữa, mẹ tôi lại chịu đựng, lại thương con, nhưng không biết phải làm sao. Cứ như vậy, cứ mỗi lần đi thăm tôi về là mẹ tôi lại ngã quỵ, không đứng vững nổi…

Sau quãng thời gian dài đằng đẵng, cực khổ vô cùng ấy, cuối cùng tôi cũng được xuất viện, lành lặn, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác…

Nhưng rồi, may mắn chỉ mỉm cười với ta thực rất ngắn ngủi thôi, nhưng đến một lúc nào đó, nụ cười ấy sẽ biến thành nước mắt, thành con dao hai lưỡi xé rách tâm hồn non dại, ngây thơ, tươi đẹp của mỗi người…

Trong một lần đi khám tổng thể sức khoẻ, bác sĩ đã chẩn đoán rằng, bố tôi bị ung thư xương, giai đoạn cuối. Cả bầu trời của tôi như sụp đổ, tôi không tin vào mắt mình, tự hỏi tại sao cuộc sống lại phũ phàng với mình đến vậy. Trong suốt 2 tháng trời, tôi ở bên bố, cùng bố vượt qua những đợt truyền hoá chất đau đến rút xương rút thịt, và rồi chứng kiến cảnh bố bị cơn đau hành hạ, tôi thực sự đã vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân. Tôi chạy ra hỏi bác sĩ: “Làm thế nào để bố cháu hết đau bây giờ ạ?” Bác sĩ trấn an tôi bằng những lời khuyên, rằng bố cháu sẽ không sao, sẽ vượt qua được. Nhưng tôi biết, căn bệnh này là vô phương cứu chữa, dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ để lại cho con người sự đau đớn mà thôi. Bố quá đau! Tôi cũng đau lắm, cái cảm giác ấy như hàng ngàn, hàng vạn mũi kim đâm vào, rỉ máu trái tim nhỏ bé của tôi. Do tác dụng của thuốc moocphin, có những lúc bố không thể nhớ tôi là ai, nhưng lương tâm tôi mách bảo rằng, tâm trí, con người bố luôn tồn tại, luôn tỉnh táo, luôn lí trí. Mỗi lúc nhớ ra tôi, tôi thường cùng bố ngồi ôn lại quá khứ, những kỉ niệm của hai bố con, những kỉ niệm thời còn bé…Tôi khóc rất nhiều. Nhưng tôi cảm thấy vui vì những năm tháng tưởng chừng như quá sức khắc nghiệt đã không như tôi tưởng tượng. Và, trong khoảng thời gian đen tối ấy, tôi vẫn tìm được một chút nho nhỏ niềm vui cho mình, và tất nhiên là cho cả người bố đáng kính của tôi nữa…

Nhưng rồi, cái gì cũng có cái giá của nó. Phép màu không linh nghiệm với bất kì ai, nó buộc con người phải tự đi tìm kiếm nó. Đúng như dự đoán, tôi đã mãi mất đi người bố này, mất đi người mà tôi yêu quý nhất, trân trọng nhất, yêu thương nhất. Tôi vẫn còn nhớ rõ, cho đến phút cuối, bố vẫn nắm chặt tay tôi, nói thều thào: “Bố muốn ăn cơm con gái bố nấu quá, đi nấu cho bố nhé!”. Tôi như người mất hồn, trả lời trong vô thức: “Vâng, bố đợi con một lát, chỉ một lát thôi”. Nhưng khi tôi nấu được bát cơm riêng và cũng là bát cơm cuối cùng dành cho bố, cũng là lúc bố tạm biệt mẹ con tôi, tạm biệt cuộc sống, tạm biệt cõi đời này để ra đi. Phải chăng đó là sự khoan hồng của ông trời khi thấy con người phải chịu những tổn thương, những dày vò về thể xác. Phải chăng, đó là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất?…

>> Xem thêm:  MS115 - Viết về bố của em

Viết đến đây, nước mắt tôi có lẽ cũng đã đủ để thấm ướt đẫm một chiếc bàn phím máy tính rồi! Tôi tự nhủ sau bao năm tháng đã qua, tôi đã không còn đau lòng nữa nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến, lòng tôi lại quặn thắt, lại đau khổ, lại dày vò, lại tự trách cứ bản thân mình tạ sao không ở bên bố nhiều hơn, không chia sẻ với bố nhiều hơn? Phải mất đi một thứ quý giá thì bạn mới biết mình trân trọng nó đến nhường nào. Tôi trân trọng bố, nhưng đó có lẽ là chưa đủ để bù đắp lại những ngày còn dại dột, còn bồng bột khi tôi cãi lại lời bố, không nghe lời bố dặn,… Và giờ, tôi không cho phép mình hối hận bất cứ điều gì cả. Nằm ở dưới nền đất lạnh lẽo kia, có lẽ bố sẽ tha thứ cho lỗi lầm của con, phải không bố?

Không còn những ngây thơ, những trong trẻo, những kỉ niệm thật vui, giờ đây, đối với bố, trong tôi chỉ còn lại hoài niệm. Tôi nhớ những lần hư bị mẹ đánh đòn, bố lao ra can ngăn, đỡ đòn thay cho tôi; tôi nhớ những ngày còn bé, bố phóng xe máy mặc cho cái giá rét của mùa đông để mua về bằng được cho tôi quả dưa hấu; tôi nhớ những lần đứng giữa ranh giới sông – chết, bố như một cây cầu bắc ngang qua nơi đó, dần dần kéo tôi trở lại với cuộc sống. Tôi nhớ tất cả, nhưng nỗi nhớ không hề khiến con người ta dễ chịu chút nào, ngược lại, nó khiến con người đau khổ, triền miên, day dứt mãi không thôi. Thay vì trút bỏ nỗi nhớ bằng việc rơi những giọt nước mắt mặn chát, giờ đây, tôi nhớ lại quãng thời gian với bố khi mỗi ngày đều gấp một chú hạc giấy, bên trong là những kỉ niệm của tôi và bố. Tôi đem đốt nó vào một cái chậu nhỏ xinh, vì tôi hy vọng bố sẽ đọc được. Mỗi khi đốt xong, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, nỗi nhớ cũng vơi đi được phần nào…

Cho đến giờ, tôi đã trưởng thành, đã biết tự lo cho bản thân, đã không còn là cô bé ngây thơ, dại khờ ngày nào. Tôi thèm hơi ấm của bố, thèm mùi hương trên cơ thể bố, thèm được bố ôm vào lòng, thèm được gối lên cánh tay màu đồng của bố mà say giấc ngủ,… Quãng thời gian đen tối nhất của cuộc đời đã qua, tôi phải tự cố gắng vì bản thân mình, vì mẹ, vì người bố đã mất của tôi nữa. Tôi phải tự vượt qua khó khăn bằng chính đôi tay của mình, một mình bước trên con đường tương lai không có điểm dừng, tự tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

Đối với tôi, kỉ niệm như những phím đàn piano lúc trầm, lúc bổng. Người nghệ sĩ tạo nên bản nhạc của cuộc đời không ai khác chính là mỗi chúng ta. Đôi lúc tôi chạnh lòng, tủi thân vì không còn ai tâm sự mỗi lúc có chuyện buồn, tâm sự từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi chạnh lòng vì khi nghĩ đến khoảnh khắc mình bước lên lễ đường cùng người mình sẽ gắn bó cả đời, sẽ không có người cha dắt tay mình, trao cho mình những lời khuyên răn, dạy bảo. Nhưng tôi tin rằng, ở một nơi nào đó trên cuộc sống này, bố vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng hành trình của tôi, âm thầm cổ vũ, động viên tôi trên hành trình dài rộng của cuộc đời.

Hôm nay, một ngày trời mùa đông giá lạnh. Tôi đón sinh nhật lần thứ 16 của mình mà không có bố ở bên. Lại một sinh nhật nữa qua đi, nỗi buồn cũng vì thế mà vơi dần. Tôi đứng trước di ảnh của bố, nhẹ nhàng nói: “Bố hãy mãi phù hộ cho con gái của bố, bố nhé!”

Buổi sáng. Ánh bình minh lên cao, bắt đầu một ngày thanh bình. Và, tôi đã học được cách sống mà không có bố nâng đỡ, chở che…

Ngô Thuỳ Dương

Lớp 10A1 – Trường THPT số 1 Văn Bàn, Lào Cai

Bài viết liên quan