MS236 – Bi kịch mở màn cuộc đời Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du


Đề bài: Bi kịch mở màn cuộc đời Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du

Bài làm

"Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"

Mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định qui luật của cuộc đời là như thế. Tài và mệnh thường là đối nghịch nhau, người tài thường gặp tai biến. Đó là lời nhà thơ viết cho tất cả người tài hoa trong xã hội phong kiến xưa hay cũng chính là cho nàng Kiều, một hiện thân sống động của kiếp má đào phải chịu đựng chuỗi ngày dài đau thương mà mở màn là đêm "Trao duyên" cho em gái Thúy Vân.

Cuộc sống của một tiểu thư khuê các êm đềm trôi qua đến một ngày, chỉ vì lời tố cáo vu vơ của tên bán tơ, cha và em Kiều bị bắt rồi hành hạ đòi đút lót "có ba trăm lạng việc này mới xong". Kiều buộc phải bán mình lấy tiền chuộc cha và em. Việc bán mình thu xếp xong xuôi, nàng đau xót nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi quyết định nhờ Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng.

doan trich trao duyen - MS236 - Bi kịch mở màn cuộc đời Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du

Duyên, đó là lẽ trời, đến và đi theo cái gọi là định mệnh. Gặp được người có duyên với mình là hạnh phúc cả đời. Vì thế, chữ duyên trong tình yêu càng lớn lao và quan trọng. Thế mà Thúy Kiều đã mang chữ "duyên" của mình trao gửi cho một người khác, dù là Thúy Vân…

"Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em."

Lời mở đầu thật dịu dàng như năn nỉ, như nài ép. Kiều "cậy" em, nhờ em "chịu lời". Kiều "lạy" rồi Kiều "thưa". Từng lời, từng chữ được thốt ra cho thấy nàng đã quyết định trao duyên. Cái lo lắng của Kiều là lo lắng cho người yêu sẽ phải lỡ làng. Cái ray rứt của Kiều là ray rứt cho Thúy Vân sẽ phải chắp mối "tơ thừa".

Trao duyên cho em, Kiều không kể về cái tốt, cái đẹp của Kim Trọng mà lại khẳng định mối tình của mình:

"Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề."

Một diễn biến tâm lí rất hiển nhiên của con người. "Kể từ khi gặp chàng Kim", câu thơ như bị khựng lại so với ý của câu trên. Nỗi đau bật dậy, Kiều không thể kìm được sự xúc động của bản thân. Tình yêu của nàng và Kim Trọng là do duyên, do trời. Nhưng, phận lại không cho phép hai người ở bên cạnh nhau…

>> Xem thêm:  MS267 - Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Mối tình Kim – Kiều đang lúc đương nồng nhất thì "sóng gió bất kì" nổi lên. Ngày mai, nàng chính thức bước lên chuyến xe hoa đầu tiên của cuộc đời. Đau đớn, tuyệt vọng bủa vây khiến nàng phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ:

"Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non."

Trao duyên cho em nhưng biết sao được, Kiều và Kim Trọng đã lỡ thề nguyền "đinh ninh hai miệng một lời song song." Tai biến bất ngờ buộc Kiều phải lựa chọn giữa hiếu và tình, giữa cha mẹ và người yêu. Hiếu và tình, cả hai đều quan trọng nhất với Kiều. Nhưng nàng chỉ được chọn một. Tình cảm lui xuống cho lí trí lên tiếng, hướng về chữ hiếu. Kiều đã chọn cha mẹ và cầu mong Vân sẽ giúp mình trả nghĩa, trả tình cho người yêu.

Hơn nữa, Vân còn trẻ, còn cả tuổi xuân. Còn Kiều, ngày mai theo chồng là kết thúc cho một tuổi xuân, một thời "êm đềm trướng rủ màn che". Vân là em Kiều, là người hiểu rõ nhất mối tình của Kiều, cũng là người đầu tiên và duy nhất có thể giúp Kiều trong cơn hoạn nạn "xót tình máu mủ thay lời nước non".

Cả ngàn lí do được đưa ra để thuyết phục Vân nhận duyên, thậm chí, Kiều còn viện đến cái chết:

"Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

Viện cái chết là mức cao nhất của việc nhờ vả. Kiều đã đặt cược cả tính mạng của mình vào việc trao duyên để mong, để ép Vân nhận duyên. Đây là lúc Kiều đã chính thức kí tên vào bản sang nhượng tình yêu cho em gái trong tâm trạng dằng xé, luyến tiếc.

Trao một mối tình ai chẳng xót xa. Xót xa hơn là trao kỉ vật tình yêu cho một người thứ ba. Tình yêu chân chính không chấp nhận người thứ ba, dù đó là ai đi chăng nữa.

"Chiếc vàng với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung."

Trong đêm thề nguyền, Kiều và chàng Kim đã trao cho nhau kỉ vật "chiếc vành"- "bức tờ mây". Đó là biểu tượng thiêng liêng cho cuộc đời, lẽ sống của Kiều. Kỉ vật chỉ ý nghĩa khi của hai người người, tình yêu chỉ bền chặt khi không có kẻ thứ ba. Thế mà đã trở thành của chung. Lý trí mách bảo phải trao duyên nhưng trái tim cứ trì hoãn. Bởi thế, hành động trao duyên cứ dùng dằng, lưu luyến.

>> Xem thêm:  Tóm tắt tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Duyên đã trao, kỉ vật đã trở thành "của chung" nhưng thực lòng Kiều không muốn như vậy. Tất cả chỉ là giả định, là "dù em nên vợ nên chồng", là "mai sau dù có bao giờ". Từ tận sâu thẳm trái tim, chút ích kỉ hòa tan vào sự xót xa, quặn đau không nói nên lời. Kiều mong đây chỉ là cơn ác mộng, cơn ác mộng tuy hãi hùng nhưng ngày mai khi tỉnh giấc, nhất định mọi thứ lại trở về vị trí ban đầu. Kim Trọng sẽ lại là của Kiều. Kỉ vật và tình yêu sẽ lại là của Kiều.

"Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về."

Mai sau, nếu lỡ Thúy Vân và Kim Trọng có là một đôi, nếu lỡ "đốt lò hương ấy so tơ phím này" thì "trông ra ngọn cỏ lá cây/ thấy hiu hiu gió thì hay chị về". Luôn luôn có sự hiện diện vủa Kiều, nàng sẽ bảo vệ tình yêu của mình dù cho phải chết. Thân xác có thể không còn nhưng linh hồn Kiều vẵn còn đây, đã hòa vào với gió với cây khao khát được trở về. Và khi trở về bằng linh hồn, nàng mong muốn nhận được sự đồng cảm, xót thương từ phía người cũ:

"Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan".

Tuy nhiên, linh hồn chỉ là ảo ảnh. Sự trở về của linh hồn cũng chỉ là sự trở về của ảo ảnh, mờ nhạt, hư vô. Kiều có trở về cũng không chạm được, nói được với Kim Trọng. Ảo ảnh đó sẽ sớm tan vỡ, biến mất. Cuối cùng, bi kịch vẫn mãi là bi kịch, đau thương vẫn mãi chất chồng, thực tại vẫn là đau xót:

"Bây giờ trâm gãy gương tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng."

Quá khứ là "môn vàn ái ân" còn hiện tại là "trâm gãy gương tan", là "tơ duyên ngắn ngủi", là "phận bạc như vôi", là "nước chảy hoa trôi". Quá khứ là mối tình mặn nồng còn hiện tại là tan vỡ, chia lìa. Đau đớn bủa vây, trái tim Kiều đang rỉ máu vì muôn vàn mũi dao cào xé. Nỗi đau ấy giờ vỡ òa, chất chứa trong lời than:

>> Xem thêm:  MS245 - Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

"Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Lời than cất lên nghẹn ngào hướng về một người thứ ba, đó là Kim Trọng. Câu thơ lục xuất hiện hai thán từ "ôi", "hỡi" kết hợp với ngắt nhịp 3/3 và hai dấu chấm than đã thể hiện nỗi đau đớn tuyệt vọng của Thúy Kiều. Ẩn chứa trong câu thơ là tiếng khóc, tiếng nấc đứt đoạn hướng về Kim Trọng. Dù đã tìm người trao duyên trả nghĩa nhưng tâm can Kiều vẫn dày xé cho rằng mình đã phụ bạc Kim Trọng.

Câu trên như một tiếng nấc, câu dưới như một lời than. Mở đầu là em gái, cuối đoạn là người yêu, lúc nào Kiều cũng thấy mình có lỗi và luôn tự trách bản thân. Ẩn sau cử chỉ tội nghiệp ấy chẳng phải là một tấm lòng hiếu thảo, chung tình, hi sinh vì người khác hay sao?

Nguyễn Du như hóa thân vào Kiều để cảm nhận tận cùng nỗi đau, nỗi dày xé tâm can. Nhà thơ rung xảm trước một con người tài sắc nhưng cũng xót thương trước một số phận bạc mệnh. Đêm trao duyên hay cũng là đêm cuối cùng kết thúc những tháng ngày "phong gấm rủ là" để mở ra một chương mới của cuộc đời với chuỗi bi kịch "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần". Dường như có một thế lực vô hình đằng sau đang cố tình bẻ ngang cuộc đời Thúy Kiều. Đó là thế lực của đồng tiền:

"Trong tay có sẵn đồng tiền

Dẫu làm đối trắng thay đem khó gì?"

Trong đoạn trích "Trao duyên", chúng ta cảm nhận được một trái tim giàu lòng nhân ái, yêu đời, yên người. Chính vì yêu đời, yêu người, Nguyễn Du mới có thể viết lên những dòng thơ đẫm máu và nước mắt đến như thế. Cùng với trái tim, tài năng nghệ thuật bậc thầy đã đưa Truyện Kiều đến với trái tim độc giả, cùng hòa chung nhịp đập với trái tim tác giả và đem đến cho tên tuổi Nguyễn Du sức sống lâu bền trong lòng dân tộc.

Bùi Thị Chung

Lớp 10A2 – Trường THPT Như Thanh, Thanh Hóa

Bài viết liên quan