MS557 – Cảm nhận về tính dân tộc đậm đà được thể hiện trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.


Đề bài: Cảm nhận về tính dân tộc đậm đà được thể hiện trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

Bài làm

Có nhà thơ từng nhận định: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình”, nhà thơ phải trải qua thời gian sống, hòa nhập, gắn bó cả cuộc đời mình với cách mạng, đất nước. Và cái tên được nói đến ở đây không ai khác chính là nhà thơ Tố Hữu -cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc”  là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất đồng thời được xem là đỉnh cao thơ Tố Hữu thời kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc với hình thức là một bản tổng kết bằng thơ tái hiện thời kỳ chiến đấu gian khổ mà thấm đẫm tình nghĩa sâu nặng của quân và dân ta, phải chăng, vì điều ấy, tác phẩm mang đậm tính dân tộc sâu sắc.

Tố Hữu là một nhà thơ lớn tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Những sáng tác của ông gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu là dòng thơ trữ tình chính trị, thường thể hiện những vấn đề lớn về Đảng, về đất nước và khơi dậy niềm vui, niềm tin, hướng tới tương lai. Ông có khả năng “thơ hoá” các vấn đề chính trị, như Xuân Diệu đã nói: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” Chính chủ đề về cách mạng, nhân dân cùng chất liệu “trữ tình chính trị” ấy đã làm nên một Việt Bắc hoàn toàn dân tộc, dân gian!

“Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…”

Tính dân tộc là tổng hòa đặc sắc về nội dung lẫn hình thức sáng tạo nghệ thuật, biểu hiện gương mặt văn học của đời sống dân gian; nó phản ánh mối quan hệ giữa văn học và dân tộc. Tính dân tộc được xem là một phạm trù thẫm mĩ, hòa quyện với mọi yếu tố khác của văn chương: từ nguồn gốc, đối tượng, nhiệm vụ đến ngôn từ, thể loại, thủ pháp nghệ thuật. Phạm Văn Đồng nhận định: “Văn chương nghệ thuật là dân tộc”, bởi lẽ, văn học luôn khám phá hiện thực đời sống, mà chất liệu hiện thực nào cũng nằm trong một trạng thái dân tộc nhất định. Tác phẩm văn chương là hình ảnh chủ quan phản ánh thế giới khách quan. Tác phẩm mang tính dân tộc chân chính luôn hướng về đề tài cuộc sống của nhân dân dưới ánh sáng tư tưởng giai cấp tiến bộ trong những thủ pháp và hình thức nghệ thuật thấm nhuần đặc trưng văn học dân tộc, gắn liền với giai đoạn lịch sử-xã hội nhất định.

>> Xem thêm:  Tả căn phòng em đang ở

ms557 cam nhan ve tinh dan toc dam da duoc the hien trong tac pham viet b - MS557 - Cảm nhận về tính dân tộc đậm đà được thể hiện trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

Cảm nhận về tính dân tộc đậm đà được thể hiện trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu

Tính dân tộc đậm đà trong bài thơ Việt Bắc thể hiện qua nhiều yếu tố khác nhau: cấu tứ, thể loại, kết cấu, giọng điệu, chất liệu ngôn từ,..  Thể hiện ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nội dung tác phẩm thể hiện những vấn đề nóng bỏng liên quan đến vận mệnh dân tộc, thể hiện khát vọng, tình cảm và ý chí dân tộc, ở Việt Bắc là ý chí chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Về hình thức, tác phẩm tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hóa của dân tộc, lấy chất liệu từ văn học dân gian. Tác phẩm Việt Bắc với cấu tứ độc đáo, vừa mềm mại, vừa trữ tình, chi phối cái hồn tác phẩm cũng như tấm lòng tác giả. Xét cấu tứ trong thơ, chính là xét về cách tổ chức nội dung bên trong tác phẩm lẫn hình thức nghệ thuật bên ngoài bài thơ: phương tiện, chủ đề, ngôn từ, cảm hứng,… Việt Bắc được Tố Hữu viết nên như một sự kiện lịch sử, dưới hình thức cuộc chia tay thấm đẫm cảm xúc của cả người đi và kẻ ở, giàu tính dân tộc:

“Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Bộ đội cách mạng buồn bã, quặn đau rời chiến khu về thủ đô Hà Nội, kẻ ở lại-nhân dân Việt Bắc bịn rịn, nhớ thương, chia ly không rời. Tố Hữu chọn khoảnh khắc chia tay đong đầy kỉ niệm, nỗi nhớ viết nên bài thơ như một sự tri ân tấm lòng giữa những người gắn bó tri âm tri kỉ, mười lăm năm sâu nặng nghĩa tình. Nói, cấu tứ trong Việt Bắc đậm chất dân tộc thật đúng. Vì cấu tứ là mô hình nghệ thuật cũng có thể xem là linh hồn, tạo ra thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Về kết cấu đối đáp, nhà thơ sử dụng cặp đại từ xưng hô “mình-ta” quen thuộc trong ca dao, dân ca. Hệt như cách nói chuyện giữa nam và nữ, đôi lứa yêu nhau, bộc lộ tình yêu, tình cảm vợ chồng, nghĩa nặng ân tình, thủy chung, son sắt.  Hình thức đối thoại “mình-ta”, thực chất là lời độc thoại nội tâm, ở đây, chủ thể trữ tình tự phân thân, trò chuyện với chính mình. Mình và ta hai chiều nỗi nhớ, khắng khít, sắt son, tuy hai mà một, trong một mà có hai.  Sự sáng tạo độc đáo trong tác phẩm Việt Bắc được thể hiện chính là sự luân phiên, linh hoạt đổi vai trong cặp đại từ mình-ta: “Mình đi, có nhớ những ngày/Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?” hay “Ta về, mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Thể hiện tình cảm khắng khít, bền chặt không thể tách rời của cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc; là phương tiện thể hiện sự chia tay của chính mình với Việt Bắc, chia tay quá khứ, chia tay kỉ niệm, đồng thời cũng nhắc nhở chính mình đừng quên, không được quên đạo lý sống ân nghĩa thủy chung, “uống nước nhớ nguồn”:

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”

Tính dân tộc biểu hiện trong các hình thức nghệ thuật, nổi bật nhất vẫn là giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết. Xuất phát từ thể lục bát nhịp nhàng, cân đối giữa các dòng thơ, đăng đối trong luật bằng-trắc; đồng thời phát huy cao tính nhạc của thể thơ.

Tố Hữu là nhà thơ sử dụng điêu luyện các thể thơ dân tộc. Đặc biệt trong Việt Bắc, nhà thơ đã vận dụng thành công thể thơ lục bát vừa cổ điển, vừa dân dã, vừa hiện đại. Ông luôn đưa những hình tượng quen thuộc trong đời sống dân dã vào thơ ca dân tộc, như lời ăn, tiếng nói giản dị hằng ngày của nhân dân, đối đáp kiểu dân gian:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

hay những hình ảnh bình dị, ấm áp tình đời, tình người, tình quân nhân:

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.”

Những dòng thơ Việt Bắc đầy nhạc, nhạc của thơ, nhạc của cõi lòng người cầm bút. Tố Hữu rất sáng tạo trong việc ngắt nhịp, gieo vần để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. Âm điệu thơ trữ tình, tha thiết, đi sâu vào lòng người. Chủ đề bài thơ đậm đà tính dân tộc. Dưới hình thức một cuộc chia ly, đã dựng lên bức tranh về thiên nhiên, con người Việt Bắc chân thực, sống động:

>> Xem thêm:  MS386 - Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”

Mọi yếu tố tổng hòa cả hai mặt nội dung và nghệ thuật trên đã làm nên tính dân tộc đậm đà trong thơ ca Tố Hữu và đặc biệt là tác phẩm Việt Bắc nổi tiếng của ông. Một tác phẩm được cả cộng đồng văn hóa yêu chuộng thì bao giờ cũng được cả thế giới biết đến. Nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác của con người, luôn biến chuyển với thời gian. Nếu trong phạm vi một quốc gia, đất nước, tính dân tộc phản ánh mối liên hệ giữa văn nghệ và dân tộc thì suy rộng ra, về mặt quốc tế, đó chính là tính nhân loại. Không có một nhà văn, nhà thơ đích thực nào lại từ bỏ đi quá khứ, truyền thông văn hóa của dân tộc , vì nó, chính là nguồn sữa qúy báu nuôi dưỡng hồn thơ người nghệ sĩ. Tố Hữu cũng đã tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của dân tộc và sáng tạo không mệt mỏi. Chế Lan Viên cho rằng, Tố Hữu đã khéo léo kết hợp được “cái hơi dân tộc” với “màu sắc hiện đại” để tạo nên sự kết tinh mới cho thơ ông. Và có thể nói tính dân tộc đã tạo nên một Tố Hữu thành công.: Việt Bắc là 1 đỉnh cao trong sự nghiệp thơ của Tố Hữu. Bài thơ đã kết tinh mọi vẻ đẹp của tính dân tộc – một trong những đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu.

Vì lẽ ấy, thơ Tố Hữu, không chỉ riêng tác phẩm Việt Bắc, đều mang phong cách nghệ thuật “đậm đà bản sắc dân tộc”. Việt Bắc thể hiện tính dân tộc đậm đà từ nội dung sâu lắng tới nghệ thuật trữ tình. Bài thơ như một dòng chảy dài của tình cảm cảm xúc, chất chứa bao niềm thương nỗi nhớ, về mảnh đất Việt Bắc hào hùng mà thân yêu, như Chế Lan Viên đã từng nói:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Nguyễn Thị Hoa

Bài viết liên quan