MS99 – Suy nghĩ về câu nói “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày


Suy nghĩ về câu nói: "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày" – (Hellen Keller).

Bài làm

Không có gì hoàn hảo cả, bất cứ cái gì cũng tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Trong xã hội này cũng vậy, xấu – tốt luôn song hành. Vậy nên mới có người xấu kẻ tốt, có nụ cười, nước mắt và có sự tồn tại song song giữa hạnh phúc và bất hạnh. Chẳng ai có đủ khả năng để khẳng định người này hạnh phúc hay người kia bất hạnh cả. Điều đó tùy thuộc vào cách mà người khác đón nhận những điều đến với bản thân họ. Nữ nhà văn Mĩ Hellen Keller đã từng cất lời: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Có những người tự cho mình là người đau khổ chỉ vì sự thiếu thốn, khó khăn hiện tại mà quên đi một điều: mình đã rất may mắn trong hàng triệu người thật sự thiếu may mắn trên thế giới. Cũng như con người ta khi gặp phải những chông gai, thách thức chỉ biết khóc than, trách móc thay vì quyết tâm vượt qua nó, thay đổi nó. Vậy chẳng phải đáng thương lắm sao!

Con người vốn là loài thông minh nhất nhưng cũng tham vọng nhất. Nếu chỉ đơn giản là sự khát khao để có được điều gì đó bằng con đường chân chính thì là điều rất tốt. Nhưng tham vọng quá mức khiến họ mù quáng, làm những điều không tưởng, sai trái. Và thường thì rất ít ai biết thỏa mãn với những gì mình có, thay vì bằng lòng thì họ lại cảm thấy vẫn chưa đủ và muốn hơn nữa, nhiều hơn nữa. Ở đây, họ đã “khóc”. Khóc là một hành động thể hiện trạng thái tâm lí của con người. Bạn có chuyện buồn, có nỗi đau, bị tổn thương hay uất ức, căm phẫn… bạn sẽ khóc. Hoặc niềm vui, niềm hạnh phúc ngập tràn trong tim…làm bạn òa khóc. Còn nguyên nhân mà Hellen đã nói đến chính là “không có giày”. Tức là bạn phải mang đôi chân trần bước trên những con đường. Nó chỉ đơn giản là sự thiếu thốn về vật chất, một phần nhỏ trong cuộc sống. Nhưng bạn lại khóc. May mắn thay, người ta đã kịp choàng tỉnh – “cho đến khi” – nhìn thấy nỗi bất hạnh của người “không có chân để đi giày”- mất mát về thể chất lẫn tinh thần. Ở đây, Hellen muốn nhắc nhở chúng ta phải biết chấp nhận, biết hài lòng với những cái mình đang có và phải biết quan tâm, sẻ chia cùng mọi người. Hơn hết là không bi quan, mặc cảm với chính mình và không từ bỏ trước khó khăn thách thức.

>> Xem thêm:  MS92 - Cảm nhận nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi"

toi da khoc khi khong co giay de di - MS99 - Suy nghĩ về câu nói "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày

Cuộc sống này không ai hạnh phúc hơn ai và cũng không ai bất hạnh hơn ai. Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đối đãi với chúng như thế nào. Có thể, với bạn, một thứ gì đó không là gì cả nhưng với người khác nó là cả một kho báu quý giá. Bạn sống trong điều kiện tốt, không biết đến những người ngày đêm lang thang đi kiếm từng hạt cơm lót dạ. Bạn được sinh ra có cha và mẹ, không biết đến những đứa trẻ mồ côi, phải tự lực kiếm sống trong xã hội đầy rẫy những lo toan, hiểm nguy. Và bạn là người khỏe mạnh, cơ thể không khiếm khuyết, bạn cũng chẳng biết những người khuyết tật hay mắc bệnh phải nỗ lực mỗi ngày để được sống như một người bình thường… Tất cả những gì bạn có là những thứ mà người khác ao ước có được, dù chỉ trong một giây phút ngắn ngủi và sự thật đau lòng là hầu hết họ sẽ không bao giờ có được. Vì vậy, trước hết hãy học cách trân trọng những gì mình đang có. Rồi dần dần, bạn sẽ học được cách đồng cảm, cách mở rộng vòng tay, mở cánh cửa trái tim để chia sẻ với những số phận đáng thương. Khó khăn hôm nay bạn vấp phải chỉ là một vấn đề mang tính tạm thời, rồi bạn sẽ có cách để vượt qua. Cứ bình tĩnh. Đừng vội chùn bước bởi niềm hạnh phúc sẽ đến với bạn nơi cuối con đường và chỉ dành cho những ai thực sự nỗ lực và biết yêu thương.

Thực tế, không khó để bạn chứng thực điều tôi nói ở trên. Nếu bạn than phiền về bộ quần áo cũ, ngôi nhà chật hẹp thì vẫn đang có những người vô gia cư phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn mọi thứ vật chất, dù tối thiểu nhất. Nếu bạn chần chừ, ngần ngại thậm chí nản lòng, bước lùi lại phía sau khi vấp phải viên đá lớn trên đường thì Nick Vujicic, Beethoven, Stephen Hawking,… chính là những tấm gương sáng cho bạn noi theo, suy nghĩ về chính mình, cũng như học cách đứng lên và đi tiếp. Có lẽ không ai không biết đến Nick Vujicic, một diễn thuyết gia người Úc, một người truyền Phúc Âm. Ông bị cụt cả hai tay và hai chân nhưng lại chính là người thành công và truyền niềm tin, động lực sống cho mọi người. Hay Beethoven, một thiên tài âm nhạc của thế giới khi bị điếc hoàn toàn. Và cả nhà vật lí học Stephen Hawking, cả cuộc đời phải gắn bó với chiếc xe lăn và cơ thể gần như không cử động được… Tất cả đã vượt qua bằng khả năng, bản lĩnh của mình và bằng tình tình yêu của người khác dành cho mình. Bạn thấy đó, những gì người bình thường chúng ta chưa làm được thì họ đã làm được và còn rất thành công. Vậy tại sao chúng ta không nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi rào cản thay vì bi quan, từ bỏ mọi thứ một cách dễ dàng như thế. Ai trong chúng ta cũng có thể tạo nên điều kì diệu, miễn là chúng ta luôn sống đúng đắn và lạc quan, nhìn về phía trước. Bởi thành công không tự đến mà là cả một quá trình chúng ta trải nghiệm.

>> Xem thêm:  Bài văn tả cô giáo của em đang chấm bài trên lớp

Mặc dù không thể chối bỏ một sự thật tàn nhẫn: nhiều người dù cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì cũng mãi là kẻ thất bại trong sự nghiệp. Không ít người đã từng tin vào nỗ lực sẽ mang đến thành công, tin vào điều may mắn của bản thân. Nhưng…hết lần này đến lần khác, họ đều thua cuộc. Và -“Chẳng thể tin vào điều viễn vông đó nữa” – có lẽ nhiều người nghĩ vậy. Trong “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Rosie Nguyễn đã nói: “Ngày hôm nay trôi qua sẽ là mãi mãi không quay trở lại. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé. Hãy bơi đi”. Nếu chúng ta thất bại trên con đường này thì hãy chọn một con đường mới, cân nhắc thật kĩ về nó. Tìm cách tạo nên cuộc đời của riêng ta với những điều đáng để tự hào nhất. Khi bạn đang dần chìm trong lòng sông thì hãy “bơi”, nếu không biết bơi thì tìm một cái gì để bạn bám vào, dù là bất cứ cái gì có thể cứu sống bạn. Khi đã sống, bạn sẽ thấy cuộc đời là quý giá và không lãng phí nó nữa. Một công việc mới trong danh sách những nơi bạn xin việc, một mối quan hệ mới trong những người bạn muốn quen,… làm mới lại và sống với nó. Không ai mãi mãi thất bại trừ khi từ bỏ. Khi đã làm được bạn sẽ thấy vượt qua chính mình là chiến công hiển hách nhất, đáng kiêu hãnh nhất.

Tôi chẳng là người hoàn thiện về mọi thứ. Đôi khi tôi vô cùng bi quan, nghĩ rằng chẳng có điều gì tốt đẹp cả vì khó khăn nối tiếp khó khăn, có những lúc dường như ta cứ mãi chạy đua mà không kịp thở. Nhưng rồi tôi chợt tỉnh: “Được sống đã là một điều may mắn”. Tại sao trong hàng triệu người mất đi tôi vẫn còn sống. Tôi hạnh phúc vì mình là người may mắn. Từ khi sinh ra, nếu chúng ta đã bị lấy đi một cái gì đó thì cuộc sống sẽ dần trả lại cho ta nhiều hơn những gì chúng ta mất. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn ngồi lì một chỗ “ôm cây đợi thỏ”. Bạn phải hành động, phải khiến cho cuộc đời cảm phục sự nỗ lực, quyết tâm của bạn, để nó hoàn trả và trao tặng bạn. Trong cuộc chạy đua với thời gian, cuộc sống để giành lấy công việc, tình yêu và tuổi trẻ, hãy nghỉ khi mệt, nhưng đừng ngủ quên mà phải nạp thêm năng lượng để tiếp tục. Và, hãy nghĩ đến cái đau, cái thiếu thốn của người khác để thấy mình còn may mắn mà lấy đó làm động lực. Khi bạn đã quá mệt, hãy tựa vào người bên cạnh bởi không dễ dàng gì khi bị cô lập, tự chiến đấu một mình – nó như bất khả thi. Vì con người luôn cần tình thương. Và, cuộc sống luôn cần lắm những trái tim ấm áp biết sẻ chia, hòa nhịp với cộng đồng. Cần lắm những vòng tay xiết chặt con người với con người. Cần lắm những hành động đẹp để vơi bớt thương tổn trong lòng người…Ngay cả bản thân chúng ta ai cũng cần cả. Cần và cần lắm. Biết bao nhiêu là đủ để xoa dịu mọi thứ? Không ai biết và có lẽ không bao giờ là đủ nếu ta cứ ích kỉ giữ mãi cho riêng ta. Nhạc sĩ Trinh Công Sơn từng chạm khẽ trái tim hàng triệu người với ca khúc cảm động “Để gió cuốn đi” mang những lời ca chất chứa tình người:

>> Xem thêm:  Tập đọc: Hành trình của bầy ong

“Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không?

Để gió…cuốn… đi

Để gió…cuốn…đi”

Đừng “khóc” khi gặp khó khăn trước mắt, hãy cười để biến nó thành điều dễ dàng, hãy lạc quan nhìn về phía trước bằng đôi mắt của niềm tin, hãy yêu thương con người để cuộc sống trở nên tươi đẹp và hãy sống để cuộc sống mà bạn có không uổng phí. Bạn hãy nhớ rằng: sẽ không có bất hạnh nếu bạn biết nắm giữ hạnh phúc và tạo hạnh phúc cho chính mình. Một niềm kiêu hãnh khi trái tim bạn cảm nhận được nỗi đau, mất mát của người khác và có thể chia sẻ cùng họ – niềm vui lẫn nỗi buồn – bởi không phải ai cũng làm được điều đó. Đừng mãi thở dài ngao ngán hay chìm ngập trong những thất bại của bản thân mà hãy hướng đến ngày mai với một chặng đường mới. Bạn nên biết ơn vì bạn có thêm một ngày để làm những điều bạn có thể. Và đừng “khóc khi không có giày để đi”. Cảm ơn cuộc đời này bạn nhé!

Trần Thị Thanh Tuyền

Lớp 11A10 – Trường THPT Đức Linh, Bình Thuận

Bài viết liên quan