Nét mới của Nguyễn Khoa Điềm khi sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước


Nét mới của Nguyễn Khoa Điềm khi sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

Bài làm

Sinh thời, Leonit Leonap từng bày tỏ quan niệm rằng: “Mỗi tác phẩm là một phát mình về hình thức và khám phá về nội dung”. Một tác phẩm thực sự, đủ sức lay động bạn đọc không phải chỉ cần nói được điều muốn nói là đủ. Điều tiên quyết nhất, trang viết ấy phải mang một nét mới, một nét riêng. Không phải tự dung đoạn trích “Đất Nước” cùng tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn có chỗ đứng nhất định trên thi đàn văn học dù đã qua mấy mươi năm. Chính nét lạ ấy làm nên sức hút của những con chữ của ông, tạo dựng nên hình ảnh một đất nước vừa quen, vừa lạ.. Đặc biệt, trong cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, nét độc đáo này lại càng được điểm rõ.

Văn học dân gian là một trong những nét quen thuộc trong đời sống tinh thần của con người Việt. Ta nhớ đến những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, những câu truyện cười, được truyền từ đời này sang đời khác, răn dạy con cháu mai sau. Nhưng khái niệm văn hóa không phải chỉ bao gồm mỗi mảnh ghép ấy. Văn hóa dân gian, hiểu một cách bao quát hơn, là những giá trị, những sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, góp phần hun đút nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc mà văn học là một phần trong đó, đặt bên cạnh những phong tục, những địa danh, những thắng cảnh,… Những mảnh ghép đấy một lần nữa được các nhà văn tập trung khai thác, biến chúng thành một phần máu thịt mà nhào nặn nên “đứa con tinh thần của mình”. Và văn hóa dân gian cũng vì thế mà trở thành chất liệu để các nhà văn, nhà thơ khai thác.

Là một người chiến sĩ yêu nước trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ nhưng Nguyễn Khoa Điềm cũng là một nhà thơ. Ông không ngần ngại lựa chọn những chất liệu văn hóa dân gian ấy đưa vào trong tác phẩm của mình thêu dệt nên một bản trường ca theo suốt những người lính trong kháng chiến “Mặt đường khát vọng”, tiêu biểu là đoạn trích “Đất Nước” trích ở chương V của tác phẩm. Chất liệu văn hóa dân gian hòa cùng cách nhìn đất nước gần gũi, giản dị, một tư tưởng đầy mới mẻ “Đất Nước của Nhân dân”, kết hợp cùng với một chất giọng rất riêng- vừa chính luận vừa trữ tình đã góp phần làm nên một dáng vẻ rất mới, rất riêng của hình ảnh đất nước.

Nhà thơ ấy không sử dụng chất liệu văn hóa dân gian như một cách điểm tô vài đôi chỗ, vài ba khổ thơ. Dấu ấn của nó cứ như khảm vào từng con chữ, từng câu thơ, trải dài, bao quát toàn bộ tác phẩm, từ những câu thơ mở đầu, hết thảy đến những dòng cuối cùng.. Chất liệu ấy được khai thác trong những văn bản dân gian, bắt đầu với những câu ca dao, tục ngữ, những điệu hát dân ca quen thuộc. “Chúng ta có một kho tàng ca dao, tục ngữ đậm đà phong vị trữ tình, kết tinh những tình cảm cao quý của nhân dân, những kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh. Ca dao, tục ngữ đã thấm vào Nguyễn Khoa Điềm một cách tự nhiên trong cách nhìn nhận về đất nước- một đất nước giàu truyền thống văn hóa. Dấu tích của ca dao, dân ca cứ liên tục xuất hiện trong mỗi câu thơ. Ví như ca dao có câu:

“Tay bưng chén muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quen nhau”

Và Nguyễn Khoa Điềm đã mượn mà viết nên rằng:

“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”

Chỉ vẹn vẻn như vậy nhưng toát lên cả câu thơ là sự giao lao, vất vả lẫn sự gắn bó bền chặt trong tình nghĩa vợ chồng được lột tả đến tột cùng. Và cũng chỉ một câu thành ngữ “gừng cay muối mặn” ấy, qua đôi bàn tay của người nghệ sĩ, lại có thể cất lên tiếng lòng ca ngợi lối sống tình nghĩa và tấm long thủy chung, son sắc của con người Việt Nam. Cái tài của Nguyễn Khoa Điềm trong việc sử dụng chất liệu dân gian chính là ở đó, thậm chí trải dài xuyên suốt đoạn trích.

Hình ảnh chiếc khăn cũng từng đi vào trong những câu ca dao, trở thành một hình ảnh quen thuộc cho nỗi nhớ, cho tấm long người ở lại:

“Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn rớt xuống vai”

Nay lại trở thành nguồn cảm hứng của con người làm thơ ấy:

“Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khan trong nỗi nhớ thầm”

Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn một hình ảnh vô cùng gần gũi- chiếc khăn như một biểu tượng cho nỗi nhớ ngổn ngang thẫn thờ của người con gái, luôn thường trực nỗi nhớ người yêu. Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ. Ông đã đưa bài ca dao ấy vào trong tác phẩm như một cách gửi gắm một cách nhìn mới mẻ về nỗi nhớ trong tình yêu, đem đến một cách định nghĩa mới về Đất Nước. Đất Nước ấy gắn liền với không gian riêng tư, cá nhân hò hẹn!

Nhưng Đất Nước trong tâm trí nhà thơ không chỉ hiện về trong không gian ấy mà còn mở rộng, gắn với một không gian rộng lớn, mênh mông, giàu tài nguyên:

Đất là nơi “con chim phương hoàng bay về hòn núi bạc

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Dấu ấn của chất liệu văn hóa dân gian một lần nữa lại được khắc họa rõ nét! Hai câu thơ xuất hiện, mang theo câu hò thân thương, quen thuộc vang lên suốt chiều dài mảnh đất Bình- Trị- Thiên:

“Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc

Con cá ngư ông móng nước biển khơi

>> Xem thêm:  MS461 - Nghị luận xã hội về mục đích học tập

Gặp nhau đây xin tỏ đôi lời

Kẻo mai kia con cá về song vịnh, con chim nọ đổi dời non xanh”

Người chiến sĩ yêu nước ấy đã không ngần ngại tìm về những câu hát của mảnh đất giàu giá trị văn hóa- xứ Huế mà cất cao tiếng nói từ hào về một vốn văn hóa đậm đà. Những hình ảnh “chim phượng hoàng”, “hòn núi bạc”, “cá ngư ông móng nước biển khơi” đi cùng với hình tượng Đất- Nước không khói khiến ta liên tưởng đến một đất nước giàu có, trù phú với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Nhà thơ tuy nói bằng ca dao, dân ca nhưng chính lối nói ấy lại đem hết những ý nghĩa, xúc cảm, tấm long nhà thơ phô bày đến tột cùng.

Đến những dòng thơ cuối cùng của đoạn trích, dấu tích của ca dao vẫn còn in đậm trong từng con chữ:

“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Ba câu thơ liên tiếp được xây dựng từ ba câu ca dao như nối tiếp nhau như càng làm đậm đặc thêm chất liệu văn hóa dân gian trong từng ý thơ. Và cũng chính từ những câu ca dao này, bao giá trị tốt đẹp trong đời sống tâm hồn con người Việt Nam hiện về như khắc sâu trong ta. Đó là một lối sống thủy chung, son sắt trong tình yêu qua cụm từ “yêu em từ thuở trong nôi” vốn được lấy từ:

“Yêu em từ thuở trong nôi

Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”

Và còn là sự trân trọng những cố gắng, những vất vả, trân trọng thành quả có được sau những vất vả, gian lao. Mà tất cả điều ấy đã được gửi gắm trọn vẹn nhờ vào lời răn day quen thuộc của ông bà ngàn xưa:

“Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”

Và đến câu thơ thứ ba, Nguyễn Khoa Điềm lại tiếp tục đem đến hình ảnh con người Việt với sự kiên cường, quyết liệt trong chiến đấu, trong công cuộc dựng nước và giữ nước qua ý thơ mượn từ câu ca dao :

“Thù này ắt hẳn còn lâu

Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què”

Thơ không bao giờ là lời nói hết, ý rõ đến tận cùng. Và chính văn học dân gian là nơi ẩn chứa những điều nhà thơ không nói hết, nói rõ tường tận ấy. Thử nghĩ mà xem, làm sao câu thơ có thể trở nên gần gũi, thân thương, làm sao có thể truyền tải ý tứ đến tận cùng, làm sao có thể nói ít gợi nhiều, :ý ngôn tại ngoại” mà không có sự xuất hiện cảu chất liệu văn hóa dân gian trong ấy?

Nhưng chỉ riêng những câu ca dao, tục ngữ chưa đủ làm nên độ đậm đặc của chất liệu văn hóa dân gian trong mấy chục câu thơ của đoạn trích này nói riêng và bản trường ca ấy nói chung. Chất liệu ấy còn như ẩn như hiện trong những câu chuyện truyền thuyết mang ý nghĩa lớn đối với dân tộc. Ngay từ câu thơ đầu tiên của đoạn trích, tác giả đã đem đến giọng điệu “Ngày xửa ngày xưa” vô cùng quen thuộc.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”

Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” như gợi về một miền không gian rất xa xôi nhưng cũng đưa bạn đọc trở về với những câu chuyện thân thương mà mẹ, bà thường hay kể. Bởi lẽ, “ngày xửa ngày xưa” là một mô típ mở đầu rất quen thuộc truyện dân gian, ví như “Tấm Cám” hay “Thạch Sanh”, “Cây tre trăm đốt”, “Sọ Dừa”… Có ai mà không lớn lên từ những câu chuyện ấy? Đến những câu thơ nằm giữa tác phẩm, hàng loạt hình ảnh, chi tiết xuất hiện như càng minh chứng cho sự tồn tại của chất liệu văn hóa dân gian ở những câu chuyện truyền thuyết. Đó là các hình ảnh “chim- rồng”, các nhân vật truyền thuyết quen thuộc “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, “bọc trứng”,  như nhắc nhớ về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, lí giải về cội  nguồn đáng tự hào của dân tộc mình.

“Đất là nơi chim về

Nước là nơi rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Nhưng đặc sắc hơn cả, chính ông lại nhìn thấy ở những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử thân thương sự hòa quyện với các truyện truyền thuyết dân gian:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa Thánh Gióng qua còn trăm ao đầm để lại”

Hình ảnh người vợ nhớ nhung, hằng ngày bồng con trèo lên hòn núi đến ngày khô kiệt, hóa ra đá trong sự tích “Hòn Vọng Phu” đã để lại những danh thắng cảnh hòn Vọng Phụ suốt chiều dài đất nước. Những hòn núi ấy như một lời minh chứng tấm lòng thủy chung “chờ chồng nuôi con” của người phụ nữ Việt Nam .Hòn Trống Mái cũng vì thế mà trở thành biểu tượng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết. Hằng trăm ao đầm còn đó cũng được Nguyễn Khoa Điềm gắn với “gót ngựa Thánh Gióng”- gót ngựa ngày ấy Thánh Gióng nhổ tre bên đường mà quét sạch giặc- gót ngựa được bắt nguồn từ sự tích Thánh Gióng. Tất cả chỉ để đi đến một khẳng định rằng: Đất Nước “là của nhân dân”, do nhân dân làm ra, không phải của thần tiên, không phải của vua hay bất kì một ai khác.

Văn học dân gian cứ thế xuất hiện, lan khắp từng câu thơ đến cả bài thơ, qua những điệu ca dao, tục ngữ gần gũi, qua những truyện dân  gian lưu truyền ngàn đời trước, … Tất cả từng chút, từng chút làm nên dáng hình của chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích. Qủa thật, đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: “Thơ ca nguyễn Khoa Điềm chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hóa dân gian. Câu thơ dù ở thể thơ truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị của ca dao, tục ngữ. Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ”.

>> Xem thêm:  MS483 - Viết đoạn văn tả con ngựa

Nhưng chỉ mỗi mảnh ghét văn học chưa đủ làm nên chất liệu văn hóa dân gian. Chất liệu ấy cũng còn được khai thác ở những phong tục, tập quán luân chuyển trong suốt 4000 năm lịch sử. Đó là những nét truyền thống quen thuộc đến vô cùng:

“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

 Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

 Tóc bà thi bới sau đầu

 Cha mẹ thương nhau bằng rừng cay muối mặn

 Cái kèo cái cột thành tên

 Hạt gạo một nắng hai sương xay, giã, giần, sang

 Đất Nước có từ ngày đó…”

Cái tài của Nguyễn Khoa Điềm là ở việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê, làm hàng loạt phong tục từ ngàn đời tước cứ xuất hiện liên tục như nhắc nhớ về một thời đã qua. Là “miếng trầu bây giờ bà ăn”, là “tóc bà thì búi sau đầu”,… Người Việt xưa , đặc biệt là người phụ nữ luôn gắn liền với tục búi tóc, ăn trầu đến tận lúc về già. Đó không chỉ dừng lại là một tập tục lâu đời của người Việt khác xa với người Hán mà còn gợi ra bao giá trị văn hóa đặc sắc đã từng và đang tồn tại trên mảnh đất Việt này. Ăn trầu từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam đến tận ngày nay. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, luôn là vật không thể thiếu khi mời, đãi khách. “Miếng trầu” là cầu nối nên duyên vợ chồng, là vật không thể thiết trong các nghi lễ trang trọng:

“Trầu này trầu tính trầu tình

Trầu loan trầu phụng, trầu mình lấy ta”

Ăn trầu là một nét không thể thiếu trong lịch sử phát triển của dân tộc và tục búi tóc cũng không phải ngoại lệ. Không phải tự dung đến nay vẫn còn lưu truyền rằng: “Cái răng, cái tóc là gốc con người” hay:

“Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

Để chi dài bối rối dạ anh”

Cụm từ “cái cột cái kèo thành tên” dường như tiếp tục nối tiếp những phong tục, tập quán trước đó, lần lượt mở ra một nét đẹp khác trong văn hóa dân gian xưa. Hình ảnh nhũng ngôi nhà với cái kèo, cái cột dường như trở thành biểu tượng cho phong tục làm nhà của người xưa mà đến nay vẫn còn lưu lại ở mảnh đất này. Không có những trụ bê tông hay sắt thép hiện đại, chỉ là những trụ gỗ vững chắc, sừng sững trải qua bao sương gió mang theo niềm tự hào suốt một đời dân tộc. Cái kèo bắt ngang, nâng đỡ cái cột; cái cột dựng đứng, nâng đỡ ngôi nhà vững chắc trước bao giông. Cùng vói đó là một nền văn minh lúa nước- một nét đặc trưng của con người Đông Nam Á nói chung và người Việt nói riêng. “Hạt gạo một nắng hau sương xay, giã, giần, sang”. Thói quen ăn ở của người xưa cứ thế hiện lên cụ thể và chân thật trong những chất liệu văn hóa xưa làm sống dậy cả một thời đại xưa với sự “giàu có”, “trù phú” trong tâm hồn, trong vốn văn hóa dân tộc. Và hơn cả là sự trù phú trong lối sống nghĩa tình, khắc sâu đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta:

“Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Đời đời nhớ ơn công lao của các vị vua Hùng 18 đời dựng nước và giữ nước vốn đã trở thành nét phong tực, tập quán từ lâu. Điều này làm ta nhớ đến lời răn dạy con cháu rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

 Đất Nước cũng nhờ vậy mà hiện hữu hơn bao giờ hết, trên nhiều phương diện, chiều kích văn hóa, lịch sử khác với những gì ta thấy ở “Bình Ngô đại cáo”:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi song bở cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Từ mạnh yếu từng lúc khác nhau

Xong hào kiệt đời nào cũng có”.

Nếu đất nước dưới cái nhìn của Nguyễn Trãi được hiện về trên bình diện văn hiến, phong tục, lịch sử triều đại,… thì Nguyễn Khoa Điềm lại tìn đến những văn bản dân gian, những phong tục , tập quán, đưa Đất Nước gần gũi đến vô cùng với tất cả mọi người, dù ở tầng lớp nào.

Sử dụng đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian là vậy nhưng sức hút của đoạn trích, của Nguyễn Khoa Điềm không phải ở đó. Văn học dân gian từ lâu đã đi vào trong văn học hiện đại như một lẽ thường tình, như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Không ít nhà thơ tìm đến thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống của dân tộc như Nguyễn Bính, Tố Hữu, cũng không thiếu nhà văn “vay mượn” từ tác giả dân gian những hình tượng như con thuyền, bến nước hoặc những cốt truyện cổ. Mấy nghìn năm trước, Nguyễn Dữ đưa cho ta “Chuyện người con gái Nam Xương” được viết từ câu chuyện cổ “Vợ chàng Trương”, đến bây giờ ta lại thấy Lưu Quang Vũ xây dựng vở kịch “Hồn Trương Ba, da hang thị” dựa trên cốt truyện dân gian cùng tên. Nhưng điều cốt yếu là ở chỗ, những nhà văn, nhà thơ ấy lựa chọn con đường đổi mới, sang tạo thay vì sao chép y nguyên. Có ai yêu thích những bài thơ là kết quả của công cuộc chấp vá từ hang chục câu thơ, bài thơ trước đó bao giờ? Điều khiến người ta thích thú khi đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm là ông không bao giờ chấp nhận dẫn nguyên mà có “vân chữ” riêng. Ông chọn những hình ảnh, lắng lọc những câu thơ, những điệu hát để tạo nên những con chữ riêng, mượn ý mượn tứ để khẳng định nét đẹp trong tâm hồn và sinh hoạt của con người Việt. Là chịu thương chịu khó trong lao động: “Hạt gạo một nắng hai sương xay, giã, giần, sang”, là tấm long thủy chung, son sắt, là sự duyên dáng trong lười ăn tiếng nói, là sự đoàn kết trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước,… Nếu tác giả dân gian xưa dung thần thoại truyền thuyết lí giải hình hài song núi mà qua đó gửi gắm những ước mơ, thương xót, những con người, những thân phận chịu nhiều bất công, lẫn những lời răn dạy con cháu bào học về sau thì Nguyễn Khoa Điềm lại không lựa chọn lối viết như vậy. Chính bản thân ông cũng đặt hình ảnh Đất Nước trong thế giới huyền ảo của văn học dân gian, song ông lại đi sâu lí giải cội nguồn song núi lẫn đem đến một cách nhìn mới về sông núi. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm, những ao đầm,… không còn là những cảnh sắc thiên nhiên mà như hóa thành một phần tâm hồn, máu thịt của nhân dân, là minh chứng rõ nhất cho những đóng góp của Nhân dân để làm ra Đất Nước. Thử hỏi, cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian đầy nét riêng như vậy thì làm sao mà không thu hút, đem đến giá trị cho tác phẩm? Có mấy ai lại có thể nhìn đất nước, khắc họa hình ảnh đất nước bằng một chất liệu đặc biệt đến thế? Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm không hung vĩ, tráng lệ, đậm tính biểu tượng khi: “Rũ bùn đứng dậy chói lòa” hay mênh mông, rộng lớn:

>> Xem thêm:  MS491 - Viết đoạn văn tả bữa tiệc sinh nhật của em

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”.

                 (“Quê hương Việt Nam”- Nguyễn Đình Thi)

Hay đẹp lung linh, kì ảo, xa với khi ví “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” mà gần gũi, thân thuộc, bình dị trong cuộc sống, trong lao động để rồi đi đến khẳng định một tư tưởng đầy mới mẻ:

“Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại”

Và cũng chính sự mới mẻ của những chất liệu ấy đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng: gần gũi, hiện thực lại giàu tưởng tượng, mộng mơ. Đất nước đã không còn cao xa vời vợi mà ta chỉ có thể đứng ở đó chiêm nghiệm, ngưỡng vọng. Đất nước giờ đây lại gần hơn bao giờ hết, hết thảy đâu đâu cũng là dáng hình đất nước. Đất nước có trong những câu chuyện dân gian mẹ hay kể, có trong tục ăn trầu, có trong ngày “trồng tre đánh giặc”, trong tục bới tóc, phong tục làm nhà,… Đất nước có trong những câu ca dao, tục ngữ, những điệu hát dân ca,… Mà tất cả đều nhờ vào tài sử dụng chất liệu văn hóa dân gian đầy độc đáo và đặc sắc của người làm thơ ấy. Đất nước 4000 năm chưa bao giờ thân thương đến thế, như là máu thịt, như là huyết quản đang chầm chậm chảy trong thân, trong tâm hồn của mỗi người dân.

Sức hút của “Đất Nước” hay bản trường ca “Mặt đường khát vọng” đến cùng không phải một mình cái tài trong việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian làm nên nhưng chính nó lại là một phần không thể thiếu. Nếu không có những ý thơ mượn từ những câu ca dao, tục ngữ, không có những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết gắn liền với những địa danh, thắng cảnh lẫn sự xuất hiện của những phong tục, tập quán thì làm sao Nguyễn Khoa Điềm có thể tô đậm hình ảnh một đất nước gần gũi, thân thương đến thế? Làm sao có thể diễn tả trọn vẹn tư tưởng đầy mới mẻ “Đất Nước là của Nhân dân”? Mà hết thảy đều nhờ vào sự đổi mới, sáng tạo không ngừng từ chính bản thân nhà thơ. Không chỉ riêng Nguyễn Khoa Điềm, dù là ai, khi dấn thân vào sự nghiệp cầm bút phải là một người có tài để có thể phát hiện trong những cái cũ, cái quen thuộc những nét mới, nét sang tạo. Bởi lẽ, “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sang tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Chỉ khi như vậy, ta mới có một chất liệu văn hóa dân gian được khai thác đến tận cùng, một hình ảnh đất nước vừa gần gũi, vừa thân thương đến thế. Bạn đọc cũng nhờ vậy mà sinh sôi trong trái tim mình hình ảnh một đất nước gần gũi, nảy nở một tình yêu đối với mảnh đất này và một khao khát về trách nhiệm của bản thân.

“Mỗi công dân có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ

Không trộn lẫn”

(Lê Đạt)

Nguyễn Khoa Điềm cũng là một “vân chữ” như thế và chính chất liệu văn hóa dân gian là một phần góp thành vân chữ ấy. Và vượt lên trên tất cả, chất liệu đặc biệt này không chỉ làm nên một chỗ đứng vững chắc của tên tuổi nhà thơ trên thi đàn văn học mà còn làm sống dậy cả một nền văn hóa xưa cũ thay vì chịu kiếp như hòn than sắp tàn theo thời gian.

Phan Anh Đào

Bài viết liên quan