Nghị luận về tôn sư trọng đạo
Đề bài: Nghị luận về tôn sư trọng đạo.
Bài làm
Hiếu học là một trong những đức tính nổi bật của người Việt chúng ta. Chẳng thế mà người thầy luôn được tôn vinh trong xã hội. Ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu rằng “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy) hay “không thầy đố mày làm nên”. Công lao người thầy được sánh ngang hàng với công ơn cha mẹ “cơm cha áo mẹ chữ thầy”. Vì thế “ tôn sư trọng đạo” cũng trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, và truyền thống ấy vẫn luôn được các thế hệ học trò trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Tôn sư là tôn trọng, kính yêu, biết ơn người làm thầy. Thầy cô chính là những người chèo lái con đò kiến thức đưa học trò cập bến bờ cuộc sống, đến với kho tri thức vô tận của nhân loại, đến tương lai hạnh phúc và dạy cho ta đạo lí, nhân cách để ta làm người trong xã hôi. Vì vậy chúng ta phải luôn ghi nhớ công ơn người thầy, phải sống sao cho phải đạo làm người.
Trọng đạo là coi trọng đạo lí làm người, coi trọng nghề dạy học, coi trọng lời thầy cô dạy dỗ.
Tôn sư trọng đạo là quý trọng thầy dạy, luôn khắc ghi lời thầy cô, luôn chăm lo học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, làm giàu cho quê hương đất nước.
“Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đạo học Việt Nam. Truyền thông tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Dù là ở đâu, ở thời đại nào thì nghề dạy học vẫn luôn được coi trọng và người thầy vẫn luôn được tin tưởng, mến yêu vì những cống hiến, những tâm huyết, những hi sinh thầm lặng của họ cho “sự nghiệp trồng người”. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. chẳng phải ngẫu nhiên mà giáo dục lại được coi là quốc sách hàng đầu của nước ta, và cũng đâu phải ngẫu nhiên mà ngày 20-11 hằng năm lại trở thành ngày hiến chương các nhà giáo. Hình ảnh các bậc phụ huynh, tặng hoa thầy cô giáo của con, học sinh cũ trở lại thăm trường, thăm các thầy cô giáo cũ trong ngày này đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Và đây cũng là một minh chứng cho thấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Từ đạo “lí tôn sư trọng đạo” ngày nay đã gắn liền với tư tưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôn sư trọng đạo” ở đây không đơn thuần chỉ là đạo lí, tình cảm mà đã trở thành động lực sức mạnh, hành động cách mạng đưa đất nước tiến lên sánh vai các cường quốc năm châu. Đó là nét mới của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống hiện nay của nhân dân ta.
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Bên cạnh các nhà giáo tâm huyết với nghề, yêu thương học trò thì cũng có những người không yêu nghề, mến trẻ mà chỉ đơn thuần coi nghề dạy học là kế sinh nhai, bán chất xám, bán điểm, xúc phạm nhân phẩm của học sinh. Và học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, thì cũng có không ít bạn cãi lời thầy cô, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đối với những hành vi tiêu cực như vậy, chúng ta phải kịch liệt lên án và bài trừ. Tôn trọng thầy cô là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.
Hiện nay, giáo dục có nhiều đổi mới, trong đó có sự thay đổi về vai trò của người thầy và nghề dạy học. Tuy vậy, nhưng vị trí của người thầy vẫn vô cùng quan trọng. Trong khi cuộc sống mới ngày càng kéo theo nhiều vấn đề phúc tạp, đặc biệt là sự xuống cấp về vấn đề đạo đức chúng ta càng phải cố gắng kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”.