Nghị luận xã hội Uống nước nhớ nguồn


Đề bài: Quan niệm của anh chị về câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.

Bài làm

Tục ngữ là những câu nói cô đúc nhất, thân thuộc nhất đối với mỗi con người được ông cha truyền lại như một phương pháp giáo dục, lưu giữ truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, tôi tâm đắc nhất với câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Câu nói này đề cập tới vấn đề lòng biết ơn của con người với thế hệ đi trước, qua đó thiết lập nền tảng đạo đức trung – hiếu của dân tộc.

Mỗi khi giải nghĩa một câu tục ngữ bất kì, người ta luôn đề cập tới hai mặt, nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Về nghĩa đen, câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” thể hiện hành động quen thuộc – uống nước, một trong những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Nước cần thiết cho sự sống hơn cả thực phẩm, bởi giới hạn của con người có thể nhịn ăn được hai tuần nhưng thiếu nước ba ngày, con người sẽ không sống nổi. Song song với hành động uống nước là nhớ tới nguồn cội, nhớ tới người đã khơi thông dòng nước. Phát triển ý này lên, ta sẽ suy ra được nghĩa bóng của câu nói: khi được hưởng lợi từ bất kì điều gì, chúng ta phải biết ghi nhớ công lao của người đã tạo ra thành quả đó. Như vậy, câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” bàn về lòng biết ơn của con người trong cuộc sống.

>> Xem thêm:  Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng: “Sông Mã xã rồi Tây Tiên ơi!(...) Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Triết lí trong câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” là hoàn toàn đúng đắn. Đạo hiếu, lòng biết ơn đều là những phẩm chất đạo đức cần có ở bất kì một người nào và nhất là với dân tộc Việt Nam. Nó là truyền thống mà ông cha luôn cố gắng gìn giữ và truyền tụng cho con cháu noi theo. Nhờ có lòng biết ơn mà con người biết kính trọng bề trên, biết trân trọng thành quả có được và đặc biệt là phát huy hơn nữa những thành quả ấy. Do đó, lòng biết ơn không chỉ là quy tắc ứng xử chuẩn mực mà còn là động lực phát triển xã hội, đất nước.

Tại sao tôi lại có thể khẳng định được như vậy, bởi vì tôi hiểu được rằng “nguồn” của “nước” kia từ đâu mà có. Cứ nhìn về lịch sử Việt Nam, ta sẽ thấy nhiều điều đáng suy ngẫm. Nhờ đâu mà ta có cuộc sống hòa bình, được thực hiện đầy đủ quyền công dân, được mưu cầu hạnh phúc? Đó chẳng phải nhờ có thế hệ cha anh như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lương Văn Can… đã không tiếc tuổi trẻ, tính mạng để giành lấy từ tay bọn xâm lăng Pháp, Mỹ hay sao! Nhìn xa hơn thêm vài trăm năm, biết bao đời Vua Hùng đã cùng đồng bào khai hoang, lập ấp, lao động sản xuất, sáng tạo ra cộng đồng nước Việt rồi cùng chống lại quân phương Bắc hiếu chiến đó thôi.

>> Xem thêm:  Trình bày suy nghĩ về ý kiến Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa

nghi luan xa hoi uong nuoc nho nguon - Nghị luận xã hội Uống nước nhớ nguồn

Nghị luận xã hội Uống nước nhớ nguồn

Cũng có thể suy nghĩ rất đơn giản về mọi người xung quanh bạn. Bạn tồn tại trên đời là nhờ ai nếu không phải ba mẹ đã vất vả sinh ra và nuôi lớn bạn? Bạn có cơm ngon, áo mặc đến trường học cái chữ, là nhờ ai nếu không phải người thân xung quanh bạn? Những ngày đói khát mẹ nhường ta ăn ngon hơn. Ngày ta ốm, ba mẹ thức ròng chăm sóc, lo lắng. Ba mẹ đổ mồ hôi, sương máu tiết kiệm từng đồng cho con ăn học. Ngay cả ở những gia đình khá giả, nuôi con chưa bao giờ là dễ dàng. Họ làm cho bạn nhiều điều. Trái lại, ngay cả lòng biết ơn bạn cũng không có, liệu bạn có phải là con người? Thiết nghĩ, đó là lí do rất chính đáng để chúng ta khẳng định vai trò của lòng biết ơn.

Với vai trò như vậy, ta nên làm thế nào để thể hiện lòng biết ơn? Xã hội quan tâm đến vấn đề này như một cách để xây dựng tình đoàn kết và nghĩa đồng bào của đất nước. Những ngày Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch hằng năm là ngày lễ toàn quốc tri ân tổ tiên chúng ta. Rồi hàng loạt những ngày thương binh liệt sĩ (27/7), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày Vu Lan báo hiếu (15/7 âm lịch), Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu… đều là những dịp con cháu được tạo điều kiện tri ân những người có công ơn với chúng ta.

>> Xem thêm:  Hiền tài là nguyên khí của quốc gia-Thân Nhân Trung

Nếu ở vai trò là một học sinh, đương nhiên chúng ta cũng có nhiều cách thể hiện lòng biết ơn. Trước hết, lòng biết ơn đòi hỏi xuất phát từ những tấm lòng chân thành. Hãy thành thực coi trọng công lao của những người đã cho chúng ta một môi trường sống tốt, coi trọng người thân đã nuôi nấng, giúp đỡ ta trưởng thành. Biết ơn thầy cô, bạn bè. Biết ơn ông bà, cha mẹ. Bằng cách nào? Hãy nỗ lực học tập. Hãy ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên nhường dưới. Hãy vun vén cho ngôi nhà nhỏ của bạn gọn gàng, sạch sẽ hơn. Cúi chào thấy cô khi gặp không hề khó. Cảm ơn khi bạn bè giúp đỡ cũng không khó chút nào. Tuy là hành động nhỏ nhặt, song là bước đầu tiên để phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Chỉ khi biết cách yêu thương, chăm sóc, kính trọng những người xung quanh bạn, bạn mới có thể yêu quê hương, đồng bào, Tổ quốc được.

Câu “uống nước nhớ nguồn” ai cũng từng nghe, ai cũng được dạy nhưng không mấy người thực sự làm tốt. Mong rằng qua bài viết này, chúng ta sẽ ý thức hơn về lòng biết ơn và thực hiện nó một cách thiết thực hơn nữa, để mai này chính con cháu chúng ta sẽ tự hào về những thành quả của ngày hôm nay.

Hoài Lê

Bài viết liên quan