Nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay


Nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay

Bài làm

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển thì mỗi cá nhân, tập thể đều có sự nỗ lực để có thể khẳng định bản thân mình. Đó có thể là những bằng khen, những tấm huy chương…để coi đó là bằng chứng, là thành quả mà họ đạt được. Tuy nhiên dần dà nó đã bị biến chứng khi mọi người đều xem nó là cái đích cần đạt được và phải đạt được bằng mọi giá. Từ đó nó đã biến thành một căn bệnh mà trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng gọi là “bệnh thành tích’. Đây được xem là vấn đề phổ biến trong xã hội ngày nay.

Có thể nói “bệnh thành tích” là một từ mới vốn không có trong từ điển Việt Nam. Chúng ta chỉ biết đến từ “bệnh” khi nói về bệnh lý là biểu hiện khi cơ thể có cảm giác không bình thường, hoạt động khác thường hoặc do vi rút, vi khuẩn xâm nhập. Còn “thành tích” là thành quả, thành tựu đạt được, đó là một việc tốt. Hai từ này khi kết hợp với nhau tạo nên một ý nghĩa xấu, mang tính tiêu cực chứ không còn là tích cực như khi từ “thành tích” đứng một mình nữa.

“Bệnh thành tích” nay đã len lỏi vào xã hội và trở thành một thói quen xấu của nhiều người. Có nhiều quan điểm cho rằng căn bệnh này có manh nha từ những thói quen ngày xưa. Đó là từ cái thói đã dốt mà còn hay nói chữ mà người dân lao động thường hay cười cợt, phê phán. Có thể hiểu cái thói đó chính là việc người này thực chất chẳng có hiểu biết, chẳng tốt đẹp gì nhưng lại cố bịa đặt ra để minh chứng là mình hay, mình giỏi. Thực chất đó chỉ là thói tự lừa mình dối người mà thôi.

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân

Căn bệnh này chỉ xuất hiện ở những người không có thực tài, giấu dốt và không dám đối diện với chính mình. Hơn thế nữa họ lại là những người có thói háo danh lợi, sợ thua kém mọi người. Chính vì thế càng thúc đẩy căn bệnh thành tích xâm nhập và bộc phát. Họ không muốn chứng minh năng lực của bản thân bằng kết quả do thực lực chính mình làm ra mà chỉ biết khua môi múa mép, vẽ ra những thành tích họ tưởng tượng trong đầu.

Nhất là trong nền kinh tế thị trường ngày nay khi đồng tiền đang chi phối và có sức ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã trở thành động cơ khiến cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng, len lỏi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trước kia đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết:

“Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”

Đồng tiền đã trở thành thứ có thể biến xấu thành tốt, tốt thành xấu, biến dở thành hay… Tất cả khiến cho mọi giá trị bị đảo lộn, khó phân biệt. Người ta dùng tiền để mua điểm, mua bằng cấp… Thế rồi có những “tiến sĩ giấy”, có “giáo sư giả” lẫn lộn với những người đi lên bằng thực lực của mình. Thậm chí những người tài giỏi thực sự thì lại bị chèn ép, không thể có được thành tích tốt sau những gì họ cố gắng, nỗ lực.

>> Xem thêm:  Tả cảnh biển vào buổi sáng sớm

Có thể nói biểu hiện của bệnh thành tích có mặt ở khắp các lĩnh vực và không thể nào kể hết được. Tuy nhiên có thể nhắc đến một vài ví dụ tiêu biểu sau. Trước tiên đó là trong ngành giáo dục. Như chúng ta đã biết thì đối với một quốc gia thì giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu và quan trọng vì đó là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, đào tạo nguồn nhân lực. Ấy vậy mà ngày nay dù cấp học thấp hay cao, từ miền núi, nông thôn hay thành thị thì hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn rất phổ biến. Sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên khi học sinh lớp 6 chưa thuộc hết mặt chữ, không biết làm phép cộng trừ đơn giản. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một lớp không có ai là học sinh trung bình, một trường trong một năm học không có học sinh lưu ban. Bởi những trường hợp như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường nên ngay từ đầu năm học trường đã quán triệt việt đăng ký thành tích, giao chỉ tiêu đến từng đối tượng. Chẳng nói đâu xa khi mới trong năm 2018 khi mà cuộc thi quốc gia lại có sự gian lận ở cả vài tỉnh và bị phát hiện. Học sinh “đỗ oan” quá nhiều, khi bị phát giác gây nên làn sóng dư luận, sự nghi ngờ về nền giáo dục nước nhà.

>> Xem thêm:  Kể lại câu chuyện về cuộc cãi nhau của 3 phương tiện giao thông: Ô tô, xe máy và xe đạp

Hay trong những công ty, những nhà máy có những hiện tượng “lời giả, lỗ thật” khiến cho nhà nước điêu đứng khi phải bù lỗ, thiệt hại. Rồi những quan chức thì bịa đặt những thành tích trong năm đạt được, vẽ vời nên những bản báo cáo đẹp để có thể thăng quan, tiến chức. Trong ngành giao thông thì chẳng quan tâm đến chất lượng chỉ chạy theo số lượng để kịp báo cáo khiến cho ngân sách nhà nước chi ra nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn mà còn gây lãng phí rất lớn.

Sự chạy đua theo thành tích đó gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này để lên án và tránh xa căn bệnh này. Là một công dân, chúng ta cần phải trung thực với bản thân, tự phấn đấu bằng thực lực bản thân chứ không phải chạy theo bệnh thành tích. Có như vậy thì xã hội mới công bằng, dân chủ và văn minh.

Bài viết liên quan