Nghị luận xã hội về tai nạn giao thông


Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về vấn đề tai nạn giao thông.

Bài làm

Nghĩ về thời kì của vài chục năm về trước, ai ai cũng mang trong lòng những đau thương, mất mát khi người thân của mình hi sinh nơi chiến trường ác liệt để đòi lại quyền được tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Nhìn về hôm nay, một sự thật bi hài rằng chúng ta chịu nỗi đau mất người thân, mất đồng bào chỉ vì thiên tai, dịch họa, tệ nạn… Trong đó, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tai nạn giao thông trở thành vấn nạn nhức nhối nhất ở Việt Nam, để lại hệ lụy không thể nào bù đắp.

Giao thông là hình thức di chuyển trên khu vực công cộng gồm các chủ thể tham gia giao thông như người đi bộ, người đi xe cơ giới, người và vật trên phương tiện thô sơ, người đi tàu, người đi máy bay, phương tiện công cộng,.. thậm chí là động vật… Hệ thống giao thông ở Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung đều bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không… Nói tới “tai nạn giao thông” là nói tới những sự việc xảy ra bất ngờ, do sự vô ý của những người tham gia trên hệ thống giao thông đó. Thông thường, tai nạn giao thông bắt nguồn từ việc người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc, chuẩn mực an toàn giao thông hoặc xuất hiện những tình huống khách quan diễn ra đột xuất khiến họ không kịp tránh. Tất cả các vụ tai nạn giao thông đều gây ra những thiệt hại về người và tài sản từ rất nhỏ tới đặc biệt nghiêm trọng.

>> Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình-Nguyễn Thi

Hiện trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam đang rất khẩn cấp, ở mức độ tồi tệ. Tai nạn giao thông ở nước ta được coi như một trong những “thảm họa quốc gia”. Theo thống kê trong năm 2015, mỗi ngày nước ta mất đi hơn 24 sinh mạng, hơn 60 người khác phải chịu thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Điển hình như trong năm 2012, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê được toàn quốc xảy ra hơn 36.300 vụ tai nạn lớn nhỏ, làm chết gần 10.000 người, bị thương hơn 38.000 người.

nghi luan xa hoi ve tai nan giao thong - Nghị luận xã hội về tai nạn giao thông

Nghị luận xã hội về tai nạn giao thông

Mặc dù trong vài năm gần đây, tình trạng tai nạn giao thông đang có xu hướng giảm về số vụ, số người chết và thiệt hại. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc an toàn giao thông ở nước ta đang chuyển biến tích cực. Giảm là giảm số lượng, còn quy mô và tính chất lại nghiêm trọng hơn.

Hậu quả do tai nạn giao thông để lại khó có thể thống kê bằng những con số hay bất kì từ ngữ nào. Số lượng người chết vì tai nạn giao thông không kém gì so với số người thiệt mạng trong chiến tranh. Tồn thất về người khiến các gia đình điêu đứng vì mất đi một người chồng, người vợ, người cha, người con, một lao động chính… Số người thiệt mạng hơn 40% là người trẻ. Ước mơ, hoài bão của họ ai có thể thực hiện thay! Tài nguyên chất xám của quốc gia cũng theo đó mà hao hụt. Chưa hết, những người may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” lại trở thành kẻ tật nguyền, thành gánh nặng gia đình và của toàn xã hội. Nỗi đau bản thân người chịu thiệt hại ai có thể thấm thía hết? Thiệt hại về vật chất sau mỗi vụ tai nạn cũng rất đáng lưu tâm. Mỗi năm quốc gia mất đi hàng tỷ USD vì tai nạn giao thông. Ngân sách quốc gia thêm gánh nặng nợ nần.

>> Xem thêm:  Soạn văn Luật thơ chương trình Ngữ văn lớp 12

Bàn đến nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, điều đầu tiên nhắc tới phải là ý thức cá nhân. Hầu hết các vụ tai nạn, nhất là tai nạn nghiêm trọng đều bắt nguồn từ việc người tham gia giao thông không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ở các vùng nông thông, tình trạng uống rượu bia vượt mức cho phép rồi tham gia giao thông, tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, lạng lách, đua xe, chạy xe quá tốc độ, không đội muc bảo hiểm… là những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn và khiến tai nạn nghiêm trọng hơn. Ở thành phố, tình trạng đua xe, vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, chở quá tải… cũng là những vấn đề gây nhức nhối. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân khách quan như do cây đổ gãy, ngập lụt, bão lốc… do thiên tai; hiện trạng hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu giao thông kém, ùn tắc giao thông… dẫn tới nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Tai nạn giao thông luôn làm “đau đầu” chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như là mối nhức nhối trong tâm trí mỗi người dân. Giải pháp thì nhiều, song hầu hết không hiệu quả, thậm chí người dân không hưởng ứng. Thiết nghĩ, cải thiện giao thông nên đi liền với nâng cao ý thức con người bằng cách tuyên truyền giáo dục trong hệ thống trường học các cấp và báo đài truyền thông. Đặc biệt, bản thân các cán bộ đầu ngành hãy là những người đi đầu trong thực hiện tốt vai trò của người tham gia giao thông khi di chuyển trên đường.

>> Xem thêm:  Nhà văn Pháp Gioóc-giơ Đuy-a-men (1884 - 1966) nói: “Một, ...lí giải thế giới”. Bình luận câu nói ấy dựa trên cơ sở một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết đã học

Bản thân chúng ta đã là học sinh cuối cấp, không lâu nữa sẽ tham gia vào hệ thống giao thông một cách thường xuyên hơn nhưng hầu hết đều chưa nắm vững được luật giao thông và thái độ tham gia giao thông đúng đắn. Do vậy, chúng ta nên tự nâng cao kiến thức về an toàn giao thông cho bản thân và có ý thức tuyên truyền với mọi người xung quanh để tham gia giao thông an toàn. Điều này giúp ích rất nhiều cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Gần 10.000 người chết một năm vì tai nạn là một con số thực sự “khủng khiếp” đối với một quốc gia nền chính trị ổn định, đất nước hòa bình như Việt Nam. Phải làm gì để không có những cái chết vô nghĩa? Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi và trả lời nó một cách tỉnh táo hơn!

Hoài Lê

Bài viết liên quan