Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu


Đề bài: Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu để thấy được bức tranh thiên nhiên ngày hè rộn rã và những khát khao sục sôi của người chiến sĩ cách mạng.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

 Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ “Khi con tu hú”: Bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu được sáng tác khi ông đang bị giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), là một người chiến sĩ cách mạng, nay bị bắt giam trở thành người tù cộng sản.

2. Thân bài

-Bức tranh thiên nhiên mùa hè:

+ Tiếng chim là tín hiệu của mùa hè, báo hiệu một mùa sự sống tưng bừng, ở nơi nhà tù chật hẹp, tối tăm và tách biệt với bên ngoài ấy, tiếng chim đã khiến cho lòng nhà thơ rộn rã, cảm nhận âm thanh bằng cả tâm hồn và trái tim.

+ Gợi lên hình ảnh về cánh đồng lúa chín vàng, vườn cây trái chín ngọt, cứ thế nối tiếp trong kí ức và trí tưởng tượng của nhà thơ.

-Sự hồi tưởng của tác giả về cuộc sống bên ngoài:

+ Tiếng ve, tiếng kêu đặc trưng tiêu biểu nhất của mùa hè, gắn liền với thời thơ ấu của mọi đứa trẻ nông thôn.

+ Tiếng ve râm ran vọng vào nhà tù mang đến cho tác giả hình ảnh về sân vàng đầy ngô thóc dưới ánh nắng đào, về một bầu trời trong xanh, cao rộng có tiếng diều sáo vi vu lộn nhào.

>> Xem thêm:  Dương Lê

-Thực tại phũ phàng của nhà thơ:

+ Cảm xúc của nhà thơ ngày càng dâng lên cuồn cuộn như từng đợt sóng, thôi thúc nhà thơ phá tan xiềng xích để hòa nhập với thế giới bên ngoài.

+ Sức sống mạnh mẽ của mùa hè ngoài kia đang hun nóng rừng rực khát khao tự do của người thanh niên yêu nước.

-Khao khát tự do cháy bỏng của nhà thơ: Tiếng chim giờ đây như đang thôi thúc người chiến sĩ trẻ trong cảnh giam cầm, những từ cảm thán đã bộc lộ rõ cảm giác uất hận, đau khổ cao độ của nhà thơ, và niềm khát khao tự do cháy bỏng.

3. Kết bài

Nêu ý nghĩa của bài thơ: Bài thơ là tiếng lòng của một người chiến sĩ cộng sản, tuy rơi vào cảnh tù ngục nhưng vẫn luôn khát khao cháy bỏng với cuộc sống, cuộc đời và cách mạng

II. Bài tham khảo

Bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu được sáng tác khi ông đang bị giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), là một người chiến sĩ cách mạng, nay bị bắt giam trở thành người tù cộng sản. Khi nghe thấy tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè, trong lòng tác giả rạo rực khát khao tự do, muốn phá bỏ xiềng xích để hòa mình vào thiên nhiên, trở về với cuộc sống, với đồng bào và với cách mạng.

Mở đầu bài thơ là tiếng chim tu hú gọi bầy, âm thanh ấy đã khiến nhà thơ liên tưởng tới không gian mùa hè bên ngoài, gợi lên những mạch cảm xúc mãnh liệt trong lòng nhà thơ:

“Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”

phan tich bai tho khi con tu hu cua nha tho to huu - Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu
Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu

Tiếng chim là tín hiệu của mùa hè, báo hiệu một mùa sự sống tưng bừng, ở nơi nhà tù chật hẹp, tối tăm và tách biệt với bên ngoài ấy, tiếng chim đã khiến cho lòng nhà thơ rộn rã, cảm nhận âm thanh bằng cả tâm hồn và trái tim. Gợi lên hình ảnh về cánh đồng lúa chín vàng, vườn cây trái chín ngọt, cứ thế nối tiếp trong kí ức và trí tưởng tượng của nhà thơ.

“Vườn râm dậy tiếng ve ngân…

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”

Tiếng ve, tiếng kêu đặc trưng tiêu biểu nhất của mùa hè, gắn liền với thời thơ ấu của mọi đứa trẻ nông thôn. Tiếng ve râm ran vọng vào nhà tù mang đến cho tác giả hình ảnh về sân vàng đầy ngô thóc dưới ánh nắng đào, về một bầu trời trong xanh, cao rộng có tiếng diều sáo vi vu lộn nhào. Quả là một bức tranh mùa hè thôn quê rực rỡ màu sắc và âm thanh sống động, mà phải có một tình yêu mến và sự gắn bó sâu sắc với quê hương, Tố Hữu mới có thể hình dung ra được. Sau những phút giây hồi tưởng về quá khứ đẹp đẽ, nhà thơ phải trở lại với thực tại phũ phàng của nhà tù:

>> Xem thêm:  Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

“Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!”

Cảm xúc của nhà thơ ngày càng dâng lên cuồn cuộn như từng đợt sóng, thôi thúc nhà thơ phá tan xiềng xích để hòa nhập với thế giới bên ngoài. Sức sống mạnh mẽ của mùa hè ngoài kia đang hun nóng rừng rực khát khao tự do của người thanh niên yêu nước. Tuổi trẻ với khát khao tung hoành ngang dọc và cống hiến cho lí tưởng cách mạng lại đang bị giam cầm với bốn bức tường, khiến cho người tù cộng sản cảm thấy ngột ngạt, uất ức:

“Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”

Tiếng chim giờ đây như đang thôi thúc người chiến sĩ trẻ trong cảnh giam cầm, những từ cảm thán đã bộc lộ rõ cảm giác uất hận, đau khổ cao độ của nhà thơ, và niềm khát khao tự do cháy bỏng. Tiếng chim tu hú không ngừng kêu, càng như đay nghiến vào nghịch cảnh của nhà thơ, và cũng khiến cho nhà thơ phải cất lên tiếng kêu than uất hận của mình với số phận.

Có thể thấy, bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu được tạo nên từ những rung động sâu sắc nhất của nhân vật. Bài thơ là tiếng lòng của một người chiến sĩ cộng sản, tuy rơi vào cảnh tù ngục nhưng vẫn luôn khát khao cháy bỏng với cuộc sống, cuộc đời và cách mạng.

Bài viết liên quan