Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của thi sĩ Thanh Hải


Đề bài: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài làm

“Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc…”, đâu đó nghe văng vẳng về từ làng quê lối xóm Việt Nam đang kì xuân sang câu hát của nhạc sĩ Trần Hoàn. Bài hát lấy cảm hứng từ bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ về mùa xuân hay nhất, thể hiện lòng ham sống thiết tha và nguyện ước về cuộc sống tươi đẹp của Thanh Hải.

Thanh Hải (1930-1980 là người đất Thừa Thiên, đã hoạt động văn nghệ sôi nổi suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ, là một trong những người bồi đắp cho nền văn học cách mạng miền Nam Việt Nam thời kỳ đầu.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (1980) ra đời khi Thanh Hải đang trải qua những ngày cuối cùng khi nằm trên giường bệnh. Do đó, nguyện ước giao hòa với thiên nhiên, đất nước tươi đẹp càng thiết tha, sâu sắc hơn nữa.

6 dòng thơ đầu tiên mang đến với người đọc những cảm xúc vui tươi trước mùa xuân thiên nhiên Việt Nam:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

Nét vẽ của ánh sáng, màu sắc và âm thanh làm nên một bức tranh xuân sinh động. Đó là màu xanh của dòng sông Việt Nam trôi chảy uốn khúc ngàn năm, màu tím của bông hoa lục bình. Đó là tiếng hót của loài chim chiền chiện vang vọng khắp không gian. Và bức tranh đẹp nhất khi có ánh sáng long lanh của những “giọt”. Thanh Hải đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang xúc giác và thị giác để cảm nhận tiếng hót tựa như những “giọt long lanh” có thể hứng bằng đôi bàn tay khéo léo của thi nhân.

>> Xem thêm:  Phân tích tâm trạng nhân vật Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

phan tich bai tho mua xuan nho nho cua thi si thanh hai - Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của thi sĩ Thanh Hải

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Hai khổ thơ tiếp theo, Thanh Hải tái hiện lại hình ảnh mùa xuân của con người và mùa xuân của đất nước:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

 

Ðất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Ðất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

Mùa xuân về như hiện hữu trên bóng dáng và mọi hoạt động của con người. Những năm tháng chiến tranh, người Việt Nam vẫn luôn duy trì tinh thần lạc quan trước cuộc sống. Những cành lộc giắt quanh lưng người chiến sĩ giải phóng vừa để ngụy trang, vừa như để chào mừng năm mới. Hình ảnh này cũng gợi lại tập tục hái lộc đầu xuân của người Việt. Còn nơi hậu phương, những người phụ nữ vẫn tần tảo với công việc nương rẫy, nhưng cũng không quên đi không khí “hối hả”, “xôn xao” của những ngày đầu tiên trong năm. Nhìn rộng hơn, mùa xuân suốt bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam gắn liền với bao “vất vả”, “gian lao” nhưng chưa bao giờ thôi lấp lánh, tin yêu. Các điệp từ “tất cả”, “đất nước” dàn trải trong các khổ thơ tạo nên nhịp thơ nhịp nhàng, đều đặn tựa khúc ca mừng xuân của những năm tháng kháng chiến.

>> Xem thêm:  Văn thuyết minh: Thuyết minh về chiếc bút bi

Từ bức tranh đặc sắc mùa xuân, nhà thơ cũng khao khát được hòa mình vào đó:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Cụm từ “ta làm”, “dù là” lặp lại ở đầu các câu thở bày tỏ khao khát mãnh liệt trong lòng tác giả. Thanh Hải lúc này đây tha thiết hơn bao giờ hết được làm chú chim chiền chiện nhỏ xinh kia hót ca khúc nhạc vui cho đời, làm bông hao lục bình tô thắm dòng sông quê để cuộc đời người thành “nốt trầm xao xuyến” của thiên nhiên và đất nước Việt Nam. Khao khát hóa thân ấy thể hiện lòng ham sống vô biên và hòa nhập hết mình vào cuộc sống tươi đẹp.

Chưa hết, Thanh hải còn là một người khiêm tốn khi mong muốn rằng bản thân được cống hiến trong “lặng lẽ”, thậm chí là lặng lẽ cống hiến cả tuổi xuân hay khi lưng còng, răng rụng. Ước vọng hết sức nhân văn ấy là tấm gương sáng để thế hệ bạn đọc thơ muôn đời noi theo. 

“Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…”

Một điệu ca Huế cuối bài thật ngọt ngào vang lên trong nhịp phách ca ngợi quê hương, đất nước đã nâng bài thơ lên thành khúc hát thiết tha. Huế với câu Nam ai, Nam bình đặc trưng, non nước mênh mông của núi Ngự, sông Hương và tình nghĩa mặn nồng của con người Huế vang lên khẩn thiết: “xin hát”. Khúc hát quê hương thẳm sâu giữa mùa xuân tươi đẹp chính là niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống tuyệt đối của tác giả.

>> Xem thêm:  Dàn ý kể một lần trót xem nhật ký của bạn

Tóm lại, từ cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đến mùa xuân của con người và lòng người đến khát khao hòa nhập, hiến dâng vào mùa xuân chung đọng lại trong bản tình ca “Mùa xuân nho nhỏ” thật thiết tha, chân thành, giàu xúc cảm. Bài thơ ra đời trong khung cửa bó hẹp của giường bệnh nhưng khát vọng trong nó bay lên bát ngát cùng mùa xuân quê hương.

Hoài Lê

Bài viết liên quan