Phân tích bài thơ Sang Thu của thi sĩ Hữu Thỉnh


Đề bài: Phân tích bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.

Bài làm

Đề tài mùa thu trong văn học Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho biết bao nhà văn, nhà thơ các thời kì. Tuy nhiên, chưa ở đâu tôi lại được chiêm ngưỡng bức tranh thu sang trong sáng và sinh động như trong thi phẩm “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Bài thơ cũng là tiếng lòng của biết bao nhiêu người con Bắc Bộ.

Hữu Thỉnh là cây bút thơ ca hiện đại Việt Nam. Nhắc đến Hữu Thỉnh, ta không thể không đề cập tới bài thơ “Sang thu” của ông. “Sang thu” là một trong những bài thơ thu hay nhất của văn học hiện đại. Bài thơ vẽ lên bức tranh chớm thu của Hà Nội, qua đó lưu giữ những giá trị tốt đẹp của mùa thu thiên nhiên Việt Nam.

Hữu Thỉnh gọi tên mùa thu bằng những hình ảnh đặc trưng quen thuộc:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Thiên nhiên mùa thu được tái hiện qua không gian ngõ xóm. Thu có trong hương ổi chín, những cơn gió se lạnh và màn sương giăng. Hữu Thỉnh gần như đã dùng mọi giác quan từ thính giác, đến xúc giác và thi giác để cảm nhận thiên nhiên.

Cảm xúc của nhân vật trữ tình cũng thay đổi liên tục từ ngạc nhiên “bỗng”, rồi từ từ đắm chìm trong sự “chùng chình” và cuối cùng là chợt giật mình thốt lên “hình như”. Mặt khác, từ “phả”, “qua” và “về” tạo nên thế chủ động của cảnh vật. Ngược lại, nhà thơ như rơi vào thế bị động. Rõ ràng là thu vừa đến với nhà thơ, nhưng dường như ta thấy chính nhà thơ vừa lạc vào một trời thu vốn đã có từ trước.

>> Xem thêm:  Biểu tượng gà trống Gô-loa trong văn hóa người Pháp

Như vậy, khổ thơ đầu tiên đã khắc họa một bức tranh tươi sáng với đầy đủ sắc, hương và vị.

phan tich bai tho sang thu cua thi si huu thinh - Phân tích bài thơ Sang Thu của thi sĩ Hữu Thỉnh

Phân tích bài thơ Sang Thu

Tiếp theo, bức tranh thiên nhiên với những biến thái tinh vi qua tâm hồn hết sức nhạy cảm của Hữu Thỉnh trở nên thật sống động:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Với những từ “được”, “bắt đầu” một lần nữa gợi nên sự chủ động trong bức tranh thiên nhiên. Loài chim vội vã bay đi kiếm mồi, chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Trái lại, con sông thì như chậm nhịp hơn. Sự “dềnh dàng” của con sông với sự “vội vã” của loài chim tạo nên âm hưởng lúc nhanh lúc chậm, khi dặt khi thưa.

Đặc biệt, từ “vắt nửa mình” trong câu thơ cuối rất sáng tạo, độc đáo, thú vị. Đó là trạng thái mà đám mây nửa hạ nửa thu. Cái trạng thái không rõ ràng, biến chuyển vô cùng nhanh ấy được nhà thơ dùng từ “vắt” để miêu tả. Trong khoảnh khắc vắt mình, thì thời điểm “sang thu” thực sự đã bắt đầu. Do đó, đây là một trong những từ “đắt” nhất trong bài thơ.

Mùa thu thường có khả năng gợi buồn. Sau khi đắm say cảnh thiên nhiên, Hữu Thỉnh cũng dần nhận ra triết lí nhân sinh ở đời. Giọng thơ trầm xuống theo cung bậc cảm xúc của tác giả:

>> Xem thêm:  Nghị luận về vấn đề Bạo lực học đường

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Hữu Thỉnh nhắc đến “nắng”, “mưa” và “sấm” phải chăng là để biểu tượng cho gian nan, thử thách, biến cố mà mỗi con người phải trải qua trong cuộc sống. Nếu thế thì “hàng cây đứng tuổi” kia không chỉ là thiên nhiên đơn thuần mà là chính tác giả. Vậy, thông điệp nhân sinh mà Hữu Thỉnh muốn đề cập đến trong khổ thơ cuối cùng là: đến một lúc nào đó, khi con người đã trải nghiệm hết những vui, buồn, đau khổ, thất bại của cuộc đời cũng sẽ trở nên mạnh mẽ và tĩnh tâm hơn.

Tóm lại, bài thơ “Sang thu” nổi bật lên là cách sử dụng ngôn từ độc đáo, mới mẻ, giàu tính biểu tượng kết hợp với giọng thơ linh hoạt và chất triết lí đã làm nên phong cách riêng của thơ Hữu Thỉnh. Người đọc có thể thấy được một tâm hồn hết sức nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên và quan niệm sống nhân văn của tác giả.

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã góp phần làm phong phú và đẹp đẽ hơn bức tranh chung về thơ thu nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Hoài Lê

Bài viết liên quan