Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao


Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Bài làm

Chí Phèo của Nam Cao là kiệt tác của trào lưu văn học hiện thực. Viết về mảng đề tài dường như đã quá quen thuộc là nông thôn, người nông dân nhưng nhà văn Nam Cao vẫn khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình khi đã “đào sâu” , khám phá đời sống của người nông dân ở mặt bản chất nhất để thấy được nỗi khổ khủng khiếp nhất của họ. Đó không chỉ là nỗi khổ vì đói nghèo, vì áp bức mà còn là bi kịch về tinh thần khi bị tha hóa và bị từ chối quyền làm người ở người nông dân nghèo trong xã hội đương thời xưa.

Truyện ngắn Chí Phèo xoay quanh cuộc đời và số phận của Chí Phèo, một anh canh điền hiền lành, chất phác nhưng bị cường quyền đẩy đến bước đường cùng và cuối cùng bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con quỷ dữ bị cả làng ruồng bỏ. Bi kịch khủng khiếp nhất trong cuộc đời Chí Phèo không chỉ là bi kịch tha hóa, đánh mất phần lương tri mà còn là bi kịch bị từ chối quyền làm người.

Nếu môi trường sống đen tối của nhà tù thực dân đã làm Chí tha hóa về nhân hình cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, người xăm trổ những hình vẽ kì dị thì khi chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến thì phần nhân tính, cái hiền lành, lương thiện trong Chí bị tha hóa. Từ một anh canh điền hiền lành, chất phác, Chí đã trở thành cơn ác mộng của toàn bộ người dân làng Vũ Đại, trở thành con quỷ dữ mà người ta phải sợ hãi, xa lánh.

>> Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của tác giả Thạch Lam – Văn mẫu lớp 11 tuyển chọn

Chí Phèo sẽ mãi trượt dài trên con đường tha hóa, sống mãi trong cái cái, tỉnh tỉnh mê mê trong hơi men và tội ác nếu như không có tình thương của Thị Nở làm thức tỉnh. Sự quan tâm chân thành cùng bát cháo hành được nấu bởi người phụ nữ xấu xí bị cả làng hắt hủi, coi thường như THị Nở đã làm Chí cảm động, phần nhân tính trong Chí được đánh thức. Chí ý thức được mọi tội ác mà mình đã gây ra, Chí khát khao được làm hòa với mọi người, khát khao trở lại con đường lương thiện và Thị Nở chính là cầu nối để Chí có thể trở về với con đường lương thiện ấy.

Khát khao lương thiện, khát khao hạnh phúc trong Chí lớn đến mức thay đổi cả những thói quen đã cố hữu trong Chí bao năm qua. Chí uống ít rượu hơn, Chí cũng không còn rạch mặt, ăn vạ, con quỷ dữ trong Chí đã dần lột bỏ để hướng về cuộc sống lương thiện cùng hạnh phúc bình dị mà Chí và Thị sẽ xây dựng trong tương lai.

Tuy nhiên, mặc những cố gắng, thay đổi của Chí, hiện thực quá mức khốc liệt đã một lần nữa đây Chí vào đáy sâu của tuyệt vọng. Lời đay nghiến của bà cô Thị Nở hay cũng chính là những định kiến của xã hội đã làm Chí đau đớn nhận ra rằng mình không thể quay trở lại con đường lương thiện được nữa, những vết mảnh chai trên mặt, những tội ác của Chí đâu thể xóa bỏ. Trong định kiến của mọi người, Chí Phèo mãi là con quỷ dữ, tên của Chí Phèo không có trong hộ khẩu của làng, tiếng chửi của Chí cũng không một ai thèm đáp. Thái độ của người dân làng Vũ Đại với Chí không chỉ do sợ hãi mà còn là sự phủ nhận sự tồn tại của Chí với tư cách của một con người. Khi Chí thực sự thay đổi cũng không một ai biết, mà cho dù có biết thì những định kiến nghiệt ngã của xã hội cũng chẳng thể mở cho Chí một con đường đi.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn phân tích về chủ đề: hai căn bệnh tự ti và tự phụ

Ngay cả Thị Nở, người mà Chí hi vọng sẽ làm cầu nối để Chí làm hòa với mọi người, người sẽ cùng xây dựng gia đình hạnh phúc cùng Chí cũng lớn tiếng mắng chửi, nói những lời cay nghiệt dù rằng đó chỉ là những lời mà bà cô Thị Nở đã “ném” vào mặt Thị.

Con đường lương thiện bị chặn đứng, Chí đau khổ trong sự tuyệt vọng của bản thân. Để không tiếp tục làm con quỷ dữ làng Vũ Đại, Chí Phèo đã lựa chọn cái kết đau khổ, bi kịch nhất cho mình. Chí đã mang dao đến đến chém chết Bá Kiến, sau đó dùng chính con dao ấy để tử tử. Cái kết quá sức dữ dội mà Chí lựa chọn cho mình đã thể hiện thái độ quyết liệt của Chí khi quyết đoạn tuyệt với cái ác, sự tội lỗi. Cái chết của Chí cũng là giải pháp để Chí chấm dứt mọi bi kịch của bản thân – bi kịch tha hóa và bi kịch bị chối bỏ quyền làm người.

Trong suốt cuộc đời mình Chí phải sống trong hình hài của một con quỷ dữ, để đến cuối đời khi phần lương tri đã thức tỉnh, Chí mong muốn được hoàn lương nhưng bi kịch từ chối quyền làm người lại một lần nữa đẩy Chí vào đáy sâu của sự tuyệt vọng. Kết thúc của Chí Phèo là cái kết tất yếu cho bi kịch tha hóa nhưng lại gợi bao xót xa, suy ngẫm cho độc giả bao thế hệ.

Bài viết liên quan