Phân tích hai khổ thơ bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên


Thông qua hình ảnh Ông đồ bên bút lông, nghiên mực nhà thơ Vũ Đình Liên đã vô cùng khéo léo khi phản ánh thưc trạng Nho học thất thế và sự vô tình,lạnh lẽo của con người trước sự lụi tàn của Nho học. Em hãy phân tích 2 khổ thơ đầu của bài thơ Ông đồ để thấy rõ khung cảnh đối lập giữa thời Nho học còn được ưa chuộng với thực tế đau lòng.

I. Dàn ý chi tiết cho đề bài phân tích hai khổ thơ của bài thơ Ông đồ

1. Mở bài cho đề phân tích hai khổ thơ của bài thơ Ông đồ

“Ông đồ” của Vũ Đình Liên chính là một minh chứng rõ ràng nhất, là giọt lệ âm thầm khóc cho một dĩ vãng vàng son đã bị trôi vào quên lãng.

2. Thân bài cho đề phân tích hai khổ thơ của bài thơ Ông đồ

– Bài thơ ra đời khi nho học bị thất sủng, những tinh hoa nho giáo xưa nay chỉ còn là tàn tích, ông đồ và chữ nho cũng trở thành một tàn tích khi người ta vứt bút lông đi dắt bút chì.

– Toàn bài là tình cảm của nhà thơ, ngay từ đầu đã phảng phất sự u hoài trước nỗi niềm xót xa khi chứng kiến sự phai tàn của một giá trị tinh thần đáng quý.

–  Ngôn từ thoạt đầu đầy âm thanh ồn ào, màu sắc tươi, dần dần xa vắng, mênh mông.

–  Niềm đau xót của ông Đồ còn trở nên chua chát hơn gấp bội phần, khi cố bán chữ mà không ai mua, dù bị lãng quên, nhưng vẫn cố bám víu, cố kiên trì để mong đợi sự quan tâm của người đời…

– Trong chút hi vọng mong manh, ông vẫn gắng gỏi vì miếng cơm manh áo.

– Đáp lại sự chờ đợi vô vọng ấy là những dáng người tấp nập hững hờ.

– Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng.

–  Qua hình ảnh ông đồ già, chúng ta thấy rất rõ, cái gì không hợp thời, lạc hậu, thì dù có cố, cũng không sao giữ lại được. Không gì cản nổi bước tiến của xã hội, của lớp trẻ.

3. Kết bài cho đề phân tích hai khổ thơ của bài thơ Ông đồ

Vũ Đình Liên từng viết: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. Thật vậy, hoài cổ như một đặc điểm cố hữu của hồn thơ ông, và trong muôn vàn bức tâm tư ấy, “Ông đồ” chính là một thanh âm sáng giá, nổi bật giữa đời thơ ông.

>> Xem thêm:  Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ nhặt

II. Bài tham khảo cho đề  phân tích hai khổ thơ của bài thơ Ông đồ

Tôi còn nhớ, người trẻ vẫn thường hỏi nhau “Mãi mãi là bao xa?”. Câu hỏi có vẻ vu vơ, không tìm được đáp án, nhưng nó cũng là câu hỏi ám ảnh cho nhiều thế hệ. Có lẽ thứ vô tình nhất trên đời này chính là thời gian, nó lấy đi mọi thứ: thanh xuân, danh vọng, thời vàng son của một đời,… Tất cả đều có thể bị chôn vùi sau lớp bụi mờ ấy. Nho học cũng vậy. “Ông đồ” của Vũ Đình Liên chính là một minh chứng rõ ràng nhất, là giọt lệ âm thầm khóc cho một dĩ vãng vàng son đã bị trôi vào quên lãng. Chúng ta quên sao được những câu thơ hay đến nhói lòng:

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ ra đời khi nho học bị thất sủng, những tinh hoa nho giáo xưa nay chỉ còn là tàn tích, ông đồ và chữ nho cũng trở thành một tàn tích khi người ta vứt bút lông đi dắt bút chì. Toàn bài là tình cảm của nhà thơ, ngay từ đầu đã phảng phất sự u hoài trước nỗi niềm xót xa khi chứng kiến sự phai tàn của một giá trị tinh thần đáng quý. Có người nói, bài thơ để lại nhiều khoảng trắng hơn nhiều bài cùng dạng hình với nó. Đúng, sau bài thơ ngũ ngôn ngắn ngủi ấy, là biết bao khoảng trống mênh mông. Với năm khổ thơ ngắn gọn, thì hai khổ thơ trên chính là hai khổ cuối của tác phẩm. Nếu như hai đoạn đầu tươi vui, nhảy nhót, với cái nền hoa đào nở của ngày tết, của mùa xuân, với giấy đỏ, mực màu đen, với người qua lại tấp nập, với những lời bình luận ngợi ca nét chữ đẹp của ông đồ; thì ba đoạn thơ cuối miêu tả những biến động của thời gian (…). Ngôn từ thoạt đầu đầy âm thanh ồn ào, màu sắc tươi, dần dần xa vắng, mênh mông.

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Nhiều người bảo, đến đây mới thấy được sự tàn phai của ông đồ. Nhưng không! Sự tàn phai ấy đã có mặt ngay ở những câu thơ đầu tiên của bài thơ này rồi. Vị trí của ông đồ, lẽ ra phải đỗ đạt để làm quan, nhưng giấc mộng khoa bảng không thành, nên mới phải bán chữ. Chỉ chừng ấy thôi, đã đủ chua xót cho phận trí thức rồi. Nhưng niềm đau xót ấy, còn trở nên chua chát hơn gấp bội phần, khi cố bán chữ mà không ai mua, dù bị lãng quên, nhưng vẫn cố bám víu, cố kiên trì để mong đợi sự quan tâm của người đời…

>> Xem thêm:  Kể về một buổi tối của em bên gia đình – Văn mẫu lớp 3 đặc sắc nhất

“Ông đồ vẫn ngồi đấy”

Một chữ “vẫn” cũng đủ xoáy lên niềm chua xót. Trong chút hi vọng mong manh, ông vẫn gắng gỏi vì miếng cơm manh áo. Nhưng đáp lại sự chờ đợi vô vọng ấy là những dáng người tấp nập hững hờ. Giữa sự tấp nập của phố phường là bóng dáng cô độc của ông đồ. Hai câu thơ làm nên thế đối lập, ông đồ vẫn thủy chung, kiên định; còn người thưởng thức lại quay lưng, vô tình.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Thiên nhiên hiện lên, có chút đìu hiu, có chút buồn phiền. Giữa không gian ngày xuân tấp nập, lại vẫn có “lá vàng rơi”. Màu vàng của lá hay sự phai tàn trong tâm thức con người? Lá vàng rơi, hay trái tim con người rơi mất nhịp? Chẳng phải đó là dấu hiệu của “cái chết” đã được báo trước đó sao? Những chiếc lá vàng vô tình rơi trên mặt giấy, nhưng do không có nhu cầu dùng đến nên ông đồ cũng chẳng buồn phủi đi. Đã tàn lụi, lại càng thêm tàn lụi. Nó gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội và một phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối dỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa.

Hình ảnh “mưa bụi bay” như chất thêm giọt buồn vào tâm can người đọc. Nói đến mưa bụi bay, chúng ta nhớ đến bài “Chiều xuân” của Lê Anh Thơ:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi?”

Mưa bụi trong thơ của Anh Thơ dịu êm là thế, mà sao đến Vũ Đình Liên lại xót xa đến vậy? Hình như tại mưa bụi được đặt trong câu thơ chứa chủ yếu thanh bằng (4/5) nên làm người ta thấy bàng bạc sự ảm đạm, sầu thương.

Năm tháng đều nhịp bước, người thuê viết thành kẻ qua đường, và ngay cả lá vàng rơi, mưa bụi bay, tất cả đều ở trạng thái động. Trong khi đó, mọi hình ảnh về ông đồ đều gắn với sự ngưng đọng giấy đỏ buồn… – Mực đọng… Ông đồ vẫn ngồi đấy… Qua hình ảnh ông đồ già, chúng ta thấy rất rõ, cái gì không hợp thời, lạc hậu, thì dù có cố, cũng không sao giữ lại được. Không gì cản nổi bước tiến của xã hội, của lớp trẻ.

>> Xem thêm:  Em có nhận xét gì về giọng điệu của bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh

Để rồi cuối cùng, điều tất yếu đã đến. Ông đồ già không còn xuất hiện nơi xưa nữa. Có thể ông đã già, thậm chí đã qua đời. Có thể ông không đến vì ông biết không ai còn cần đến ông nữa, đến chữ nghĩa, kiến thức lạc hậu của ông không nữa.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Cũng vẫn nhắc tới hoa đào nở, nhắc tới ông đồ xưa, nhưng với hai câu kết rất xuất thần, bài thơ đã nhanh chóng được đúc lại thành một tứ thơ vững chắc và mở ra cả một trời bâng khuâng hoài niệm. Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài 1 thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc. Mấy chữ “Những người muôn năm cũ” cũng đã trở thành một khẩu ngữ xuất hiện đây đó trong cuộc sống. Hẳn với đời một thi nhân, chỉ ngần ấy thôi cũng đáng để bao người ước vọng?

Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi một thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như một lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn một màu nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Vũ Đình Liên từng viết: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. Thật vậy, hoài cổ như một đặc điểm cố hữu của hồn thơ ông, và trong muôn vàn bức tâm tư ấy, “Ông đồ” chính là một thanh âm sáng giá, nổi bật giữa đời thơ ông.

Bài viết liên quan