Phân tích Mùa xuân nho nhỏ-Thanh Hải


Phân tích Mùa xuân nho nhỏ-Thanh Hải

Hướng dẫn

  • Mở bài:

Thanh Hải sinh ra và lớn lên trên đất cố đô Huế. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu trong thơ Thanh Hải. Thơ ông bình dị, đôn hậu và chân thành như tính cách con người Huế.

Bài thơ mùa xuân nho nhỏ thể hiện sâu sắc đặc điểm phong cách thơ ấy của ông. Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ khi trên giường bệnh, khoảng hai tháng trước khi ông mất. Bài thơ là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về đất nước và đời thơ; về tình yêu cuộc sống và cuộc chiến đấu kiên cường. Tất cả làm toát lên một vẻ đẹp tâm hồn lung linh hiếm có trong nền thơ Việt nam.

  • Thân bài:

Bài thơ nhanh chóng chinh phục người đọc trước hết bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan toả. Chính cái giọng điệu dịu ngọt, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và góp phần làm nổi bật lên cấu tứ, hình ảnh, hình tượng và ngôn từ của bài thơ.

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân tươi xanh, rộng lớn của thiên nhiên đất nước:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”.

Không gian mùa xuân được gợi ra từ hình ảnh rất riêng, rất đậm chất Huế: “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, “con chim chiền chiện hót vang trời”. Một mùa xuân dịu dàng tươi sáng bởi màu sắc, náo nức rộn ràng bởi âm thanh, và lồng lộng cao vời của không gian rộng lớn. Thiên nhiên tươi xanh căng tràn nhựa sống trong cuộc tuần hoàn mãnh liệt của đất trời. Sự hoà hợp giữa màu xanh của dòng sông và sắc tím của bông hoa tạo nên một cảm giác mát dịu đến mê li.

Khung cảnh còn được gợi lên bởi âm thanh quen thuộc rộn ràng tươi vui của chim chiền chiện – loài chim thường xuất hiện vào mùa xuân và được xem là tín hiệu báo xuân. Tiếng hát vang trời của chiền chiện làm không khí mùa xuân trở nên náo nức lạ thường. Thủ pháp chấm phá đặc sắc của Thanh Hải khiến cho khổ thơ vừa gọn gàng, súc tích vừa gọi mở đến vô biên.

>> Xem thêm:  Phân tích hiệu quâ nhạc tính trong đoạn thơ sau: "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thăm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời", "Chiều chiều oai linh thác gầm thét. Đêm đêm mường Hịch cọp trêu người" (Tây Tiến - Quang Dũng)

Từ một bông hoa “vừa trôi vừa nở” trên dòng sông, “đến từng giọt long lanh rơi” vừa như thực như mơ đẹp đến ngỡ ngàng. Cảnh vật có sức quyến rũ, mê hồn, khiến thi sĩ như tỉnh như say. Nhà thơ thầm hỏi, hay thốt lên “hót chi mà vang trời”, tưởng như nghe được tiếng lòng trìu mến bao dung, quyến luyến cõi đời của một người thơ xứ Huế.

Tiếng chim hồn nhiên, trong trẻo, vừa gắt gỏng vừa đắm say mà da diết phía bầu trời cao vút lại như kết đọng thành những giọt âm thanh rơi xuống hồn người, chạm vào cõi sâu lặng, khuấy lên bao nỗi niềm, dìu nhà thơ vào cõi mộng: “Tôi đưa tay tôi hứng” lấy như sợ nó sẽ vun vỡ khi chạm vào đất.

Từ cảm hứng về thiên nhiên, Thanh Hải bất ngờ chuyển hướng. Thì ra, ông nói mùa xuân thiên nhiên chỉ là nguyên cớ để đi vào mùa xuân con người trong cuộc sống và chiến đấu:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”.

Hình ảnh con người hiện ra trong cảnh sắc mùa xuân thật vững vàng và cao đẹp. Họ là những người đại diện cho hai nhiệm vụ cơ bản của đất nước Việt Nam trong mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc mà không quên nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu.

Hình ảnh “lộc dắt đầy quanh lưng” người cầm súng đứng canh giữa quê hương khẳng định lúc nào họ cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng không quên mang theo bên mình mùa xuân đất nước, mang theo tình yêu quê hương. “Lộc trải dài nương mạ” là bài ca thi đua sản xuất tràn đầy niềm tin tưởng cho một mùa xuân bội thu, tất thắng. Thiên nhiên ban tặng lộc, con người vun tay ươm mầm. Tất cả hoà quyện trong sự phồn thực của mùa xuân, mang chứa khát vọng lớn lao muôn thuở về cuộc sống hòa bình, no ấm và hạnh phúc.

Thanh Hải thật khéo léo khi hòa quyện giữa mùa xuân thiên nhiên trong mùa xuân của lòng người. Đọc xong khổ thơ, người đọc bỗng nhận thấy khắp đất trời đâu đâu cũng tràn đầy sức sống, tràn đầy niềm tin và hi vọng, những nụ cười rạng rỡ, tiếng nói cười thiết tha. Đâu ta cũng thấy sự hiền hòa dễ chịu, cảm thấy thân thương và gắn bó vô cùng.

Đó cũng là tâm hồn của Thanh Hải đấy. Ông đang vui, ông đang yêu đời, ông đang tha thiết sống. Sự sống trong ông căng trào mãnh liệt đến nỗi vượt thoát ra bên ngoài, thấm đẫm không gian. Nhìn đâu ông cũng thấy những nguồn sống đang cuồn cuộn chảy:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”.

Bất ngờ, nhịp thơ chùng lại, trầm tư suy ngẫm về đất nước:

“Ðất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Ðất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”.

Từ niềm tự hào về cuộc sống mới, nhà thơ bỗng nghĩ về đất nước trong bốn nghìn năm lịch sử đau thương, vất vả. Đó là một đất nước anh hùng, quật cường, bất khuất, dù trong bất cứ hoàn cnahr nào cũng tỏa sáng như những vì sao, cứ đi lên phía trước. Chỉ bằng vài lời ngắn gọn, Thanh Hải đã tạc nên dáng hình đất nước trong bốn nghìn năm lịch sử. Đó cũng là tư thế của dân tộc Việt Nam trong trận chiến đáu với kẻ thù. Lúc nào họ cũng hiên ngang, anh dũng và sự tàn bạo chưa giờ có thể khuất phục họ. Họ vẫn sống và chiến đấu. Họ vẫn kiên cường và tỏa sáng.

Viết nên câu thơ, tuy có chút trầm ngâm song ta vẫn nhận rõ tiếng reo vui trong lòng tác giả. Cảm hứng ngợi ca và khí thế hào sảng của câu thơ đã xác định vị trí của nhà thơ trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc. Đó là vị trí của một người lính trong đội ngũ tiên phong trên mặt trận chống kẻ thù. Niềm vinh dự, tự hào như chất men say thôi thúc thơ ông cất lên tiếng hát với sự dâng hiến tận cùng; lớn lao mà bình dị, rất đỗi khiêm nhường:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

“Mùa xuân nho nhỏ”“một tiếng chim”, là “một cành hoa”“lặng lẽ dâng cho đời” cái đẹp, cái ngọt ngào, cái hữu ích. Một sự hiến dâng “lặng lẽ”, không phô trương, hết sức thầm kín nhưng cao quý vô cùng. Phải chăng “một nốt trầm” cũng có thể làm “xao xuyến” muôn lòng, khi người nghệ sĩ “từ chân trời của một người” đi đến và hoà nhập với “chân trời của nhiều người”, lặng lẽ hiến dâng những gì đẹp nhất, dù “nho nhỏ” của mình vào cuộc đời chung.

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội về “Ô nhiễm môi trường” – văn lớp 9

Và nhà thơ đã kiên định một thái độ sống như vậy từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc. Đức tính ấy là đức tính quý báu của con người Việt Nam “biết hi sinh nên chẳng nhiều lời”, là đức tính của những người mẹ “nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”. Từ mùa xuân quê hương tác giả liên tưởng đến mùa xuân đất nước, từ mùa xuân mọi người tác giả nghĩ đến “mùa xuân nho nhỏ” của mình.

Bài thơ kết thúc trong niềm vui gắn kết giữa quê hương và đất nước, giữa cái riêng và cái chung trong sự hòa nhập nhất thể:

“Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…”

Nhà thơ vẫn “xin” được hát mãi khúc ca “câu Nam ai Nam bình” bằng tất cả tình yêu, trái tim đầy nhiệt huyết. Tình yêu cuộc sống bắt nguồn từ những gì thân thuộc, gần gũi của quê hương. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi thắp lên những ước mơ, nơi đã cho Thanh Hải hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà bài thơ chẳng những mang đậm chất trữ tình dịu dàng của xứ Huế mà như một khúc hát, một bản nhạc được cất lên từ tâm hồn rất “xuân” của nhà thơ.

  • Kết bài:

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết, yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Với thể thơ năm chữ, cách gieo vần mềm mại, gần với các làn điệu dân ca khiến cho bài thơ giàu nhạc điệu, mang âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết như chính tâm hồn của đất và người xứ Huế.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan