Phân tích nhân vật viên cai ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


Phân tích nhân vật viên cai ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân – Bài làm 1

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Bởi thế, những tác phẩm của ông vẫn luôn thể hiện những điều Chân – Thiện – Mĩ như một chân lí sống của cuộc đời. “Chữ người tử tù” chính là một trong những tác phẩm như thế. Trong đó nhân vật viên cai ngục – tuy thân phận nhỏ bé, thấp hèn nhưng lại là người bảo vệ cái đẹp được vẹn nguyên đến cùng ngay trong chốn lao tù dơ bẩn, nhem nhuốc cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tác phẩm chỉ xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa cai ngục và Huấn Cao – một vị anh hùng gan dạ, can đảm luôn sẵn sàng chống lại chế độ phong kiến độc quyền, tàn ác. Trong bối cảnh là một người tử tù, Huấn Cao có thể bị cai ngục – kẻ ngự trị chốn lao tù – đánh đập, hành hạ bất cứ lúc nào, nhưng mọi chuyện đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Bởi người cai ngục ấy không phải là một kẻ dã tâm như những người cai ngục khác.

Tâm hồn ông chính là một “âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn nhạc mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ” đúng như Huấn Cao đã nhận xét. Khi vừa mới nghe tin Huấn Cao sắp đến trại nơi ông cai quản, viên cai ngục đã ngay lập tức nhận ra đây là “cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Chứng tỏ rằng ông là một người luôn quan tâm đến cái đẹp, cái tài chứ không phải là người chỉ biết đến những đòn roi, những mánh khóe để sử dụng cho tù nhân. Chỉ như vậy thôi cũng đủ thấy đây là một người có tâm hồn thiện lương. Nhưng giữa chốn lao tù, giữa những kẻ cầm quyền tàn ác với chế độ độc quyền xảo trá, cai ngục đã phải rất thận trọng và kín đáo dấu mình dưới cái bình phong là một tên cai ngục thô bạo. Thế nên, ông đã phải vội vàng gạt đi ngay khi thầy thơ lại có ý nói đến Huấn Cao: “Tôi thấy những người có tài như thế mà đi làm giắc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩa mà thấy tiêng tiếc”. “Ngục quan băn khoăn rồi ngồi bóp thái dương”. Hẳn là trong đầu ông vẫn còn đang nghĩ suy về những lời lẽ vừa rồi của thầy thơ lại. Nhưng ông không dám bộc bạch hết lòng mình với ai.

Phải chăng, trong cái vỏ bọc của một ngục quan, ông đang phải gánh chịu những trái ngang, những bi kịch đầy nghiệt ngã? Ai có thể sống vui vẻ, thoải mái khi không được là chính mình? Ông yêu cái đẹp, ông ngưỡng mộ Huấn Cao không chỉ bởi tài viết chữ nhanh và đẹp, mà còn bởi đây là một vị anh hùng luôn sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa, sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình để bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân chứ không chịu khuất phục những kẻo bạo tàn, gian ác. Nghĩ vậy, có lẽ cai ngục lại cúi đầu nhìn lại bản thân mình sao mà thấp hèn thế, phải sống trong cái vỏ bọc không phải là chính mình. Ông cũng yêu cái đẹp, cũng muốn bảo vệ người tốt, nhưng tại sao ông lại chịu sống với cảnh sống như bây giờ? Đây chính là một bi kịch thật đáng đau buồn khi không được sống là đúng bản thân mình. Nguyễn Tuân đã có những dòng văn hết sức nhẹ nhàng và đầy cảm thông dành cho nhân vật của mình: “Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy giờ chỉ còn lại là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo, và êm nhẹ”. Như vậy, cùng một lúc, cai ngục phải đóng cả hai vai trong một cuộc đời. Ban ngày, ông là một ngục quan đầy uy quyền, có thể ra tay đánh đập bất kỳ kẻ tù nhân nào với mọi mánh khóe, chiêu trò. Nhưng đêm về, ông trở lại với đúng con người của mình, hiền dịu, thiện lương như “mặt nước ao xuân”. Qua đó, nhà văn cũng đã thể hiện cách nhìn nhận cái đẹp của mình không phải qua vẻ bề ngoài, mà đẹp là sự cảm nhận từ bên trong sâu thẳm tâm hồn. Giữa những câu văn đang tư lự bên người cai ngục, Nguyễn Tuân lại dành những lời ủi an cho cai ngục: “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Cái thuần khiết mà tác giả muốn nói đến ở đây chính là viên cai ngục tội nghiệp. Không biết vì lý do gì mà ông phải sống trong cái vỏ bọc lạnh lùng, thô bạo này nhưng dù có thế nào đi nữa, tâm hồn ông vẫn là “một âm thanh trong trẻo” đáng được nâng niu, trân trọng.

Không những thế, ông còn là một người say mê cái đẹp, trọng người tài và khiêm tốn, lễ phép. Qua cách đối xử của ông với Huấn Cao, nhà văn đã khai thác một cách triệt để những điều thâm túy về cái đẹp. Rằng không phải cứ nhìn thấy tận mắt mới biết là đẹp. Có những điều rất đẹp nhưng lại ẩn chứa sau cái vỏ thô bạo bề ngoài. Giống như viên cai ngục, dù hằng ngày ông vẫn dùng những đòn roi, những mánh khóe để chừng trị tù nhân nhưng đối với Huấn Cao, ông lại đối xử một cách rất đặc biệt. “Trái với phong tục nhận tù hàng ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt rất hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi”. Đến lúc này, cai ngục đã phần nào bộc lộ bản chất lương thiện và sự ngưỡng mộ, say mê cái đẹp của mình. Bởi thế, ông đã gạt đi lời nhắc nhở của mấy tên lính về những mánh khóe hành hạ thường ngày khiến bọn lính ngạc nhiên và khó hiểu. Ông âm thầm lặng lẽ sai người thơ lại mang rượu đến cho Huấn Cao trước mỗi giờ ăn của bữa cơm tù. “Rồi đến một hôm, quản ngục mở khóa cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn: Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”. Lời lẽ lễ phép ấy của cai ngục thật khác với vẻ thô bạo hàng ngày. Lúc này, ông không còn là một viên cai ngục đầy uy quyền trước tù nhân nữa. Ông hiểu Huấn Cao là một người tài giỏi, có nghĩa khí, còn mình chỉ là một tên quan lại cai ngục, một kẻ đáng ghét chẳng có nghĩa khí gì. Ông tự nhận thấy vị trí của mình và Huấn Cao khác nhau một trời một vực. Ông thấy mình như một kẻ thấp hèn đang đứng trước vị anh hùng đầy ý chí. Ý thức rõ về bản thân nên ông vẫn vui lòng chấp thuận khi tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của mình bị từ chối một cách thẳng thắn: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Lời khước từ đầy hắt hủi và có phần sỉ nhục ấy của Huấn Cao rất có thể sẽ mang đến những trận đòn roi thậm chí là chảnh chết chém nhưng viên cai ngục này lại không phải là một người như Huấn Cao nghĩ. “Y chỉ lễ phép lui ra với một câu: Xin lĩnh ý”. Có lẽ ngục quan hiểu rằng thân phận mình quá thấp hèn, không đáng để được đứng trước mặt Huấn Cao – một vị anh hùng đầy bản lĩnh và khí phách. “Và từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa; duy chỉ có y là không để chân vao buồng giam ông Huần. Ông Huấn càng ngạc nhiên nữa: năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả”. Như vậy, tấm lòng của ngục quan đã quá tỏ tường. Ông không chỉ mê cái đẹp, cái tài viết chữ của Huấn Cao mà hơn thế, ông còn khâm phục và ngưỡng mộ chí khí anh hùng trong mỗi người tử tù sắp đến giờ phải hành hình. Thái độ hắt hủi của Huấn Cao dành cho ông cũng chính là sự khinh bạc của ông đối với cái nghề mà mình đang làm. Thế nên, ông không hề lấy làm oán thù gì với ông Huấn. “Y cũng thừa hiều những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiệu lại giữ tù”.

>> Xem thêm:  Bình luận bài "Bài phát biểu đọc trước mộ Mác" của Ph. Ăng - ghen

“Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho… cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua và can lại kia. Thế là y mãn nguyện”. “Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Giờ báu vật ấy đang ở ngay trong tay mình, dưới quyền mình nhưng ông không biết làm thế nào xin được chữ. Là một tên cai ngục, ông hoàn toàn có thể đánh đập, hành hạ, ép buộc ông Huấn phải cho chữ. Nhưng ông không làm vậy. Bởi ông tôn trọng và nâng niu cái đẹp, như ông đang tôn kính Huấn Cao vậy. “Chỉ lo mai mốt, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất”. Tình thế càng ngày càng cấp bách khi mà lệnh trên đã ban xuống ngày hành hình Huấn Cao. Ngục tù tái nhợt người đi vì “vật báu” ấy sắp tuột khỏi tay mình mà không làm cách nào nắm giữ lại được.

Cho đến khi ông Huấn thấu hiểu tấm lòng ấy, vào đêm cuối cùng, ông đã đồng ý cho chữ ngục quan. Sự chân thật của y đã làm cho vị anh Hùng cảm động: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Đến giờ phút này, giá trị của ngục quan cũng đã được công nhận. Và ông rất xứng đáng được nhận chữ từ Huấn Cao. “Đêm hôm ấy lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Mặc dù vậy, cảnh cho chữ vẫn diễn ra một cách vẹn toàn. Người cho chữ là tử tù, còn người nhận chữ là viên cai ngục mà hàng ngày mọi người vẫn nhìn thấy qua cái vỏ bọc thô bạo với những mánh khóe hành hạ, đánh đập tù nhân. “Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vối khúm núm cấ những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Có thể thấy ông nâng niu và trân trọng cái đẹp vô cùng. Dù sống trong nơi nhơ bẩn, và dù bàn tay ông cũng đã lấm đầy tội ác nhưng tấm lòng vẫn luôn trong trẻo và thanh cao. Bi kịch của cuộc đời ông khiến cho một vị anh hùng cảm động. “Ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo: Ở đây lẫn lộn. Ta khuyền thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nuốc mất cái đời lương thiện đi”. Trong lời nói của Huấn Cao chứa đầy hàm ý. Ông cũng chỉ rõ nơi ngục tù tăm tối này không phải là nơi treo lên một bức tranh đẹp như vậy, cũng giống như tâm hồn trong sáng của ông không nên thuộc về nơi này.

>> Xem thêm:  Người ta thấy ở văn xuôi Nguyễn Ái Quốc "một nghệ thuật trần thuật linh hoạt độc đáo và một ngòi bút châm biếm vừa sâu sắc đầy tính chiến đấu, vừa tươi tắn, hóm hỉnh”. Hãy chứng tỏ điều đó qua truyện ngắn Vi hành

“Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Giọt nước mắt ấy mang biết bao cảm xúc và tâm tư, tình cảm. Đó cũng là thời khắc ông quyết định sẽ giải phóng cho chính bản thân mình thoát khỏi kiếp sống nhơ nhớp này. Cái đẹp chỉ vẹn toàn khi được trưng ở nơi không lấm bẩn. Đây cũng chính là quan điểm về cái đẹp bất tử của Nguyễn Tuân.

Như vậy, Nguyễn Tuân đã xây dựng rất thành công nhân vật cai ngục với hai phiên bản trái ngược nhau. Một là cái vỏ bề ngoài đầy gian ác qua những mánh khóe hành hạ tù nhân. Hai là tấm lòng thiện lương trong trẻo, thanh tao và cao quý. Hơn hết, tấm lòng ấy luôn được nâng niu, gìn giữ dù cảnh sống có xô bồ, ngang trái. Qua đó thể hiện những quan niệm đúng đắn của tác giả về cái đẹp, đồng thời bộc lộ thầm kín lòng yêu nước một cách mãnh liệt và mạnh mẽ.

Phân tích nhân vật viên cai ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân – Bài làm 2

Nếu như nhân vật Huấn Cao là biểu tượng về cái đẹp với sức mạnh hướng thiện của nó, thì nhân vật viên quản ngục được sáng tạo ra là để hiện thực hóa sức mạnh ấy. Có viên quản ngục thì ý đồ nghệ thuật của nhà văn mới thực hiện được. Nhưng vai trò cực kì quan trọng ấy của nhân vật quản ngục không dễ nhận ra, bởi vì nhân vật này dường như được Nguyễn Tuân “giấu” đi, ẩn xuống hàng thứ hai đằng sau nhân vật Huấn Cao. Cảm giác ban đầu khi đọc Chữ người tử tù, người đọc choáng ván, ngập trong ánh sáng tỏa ra từ hình tượng Huấn Cao uy nghi, rực rỡ. Từng dòng chữ, từng trang sách cứ lấp lánh Huấn Cao. Người đọc chẳng thiết nghĩ điều gì khác ngoài nghĩ về Huấn Cao. Nhưng đọc thêm một vài lần nữa, gấp trang sách lại, ngẫm nghĩ kĩ, thấy nhân vật quản ngục từ từ hiện lên, ngày một rõ nét và cuốn hút ta bằng một sức mạnh kì lạ. Ta càng thấm thía, cảm phục ngòi bút tài hoa, thâm thúy của Nguyễn Tuân. Khi được khám phá, phát hiện, nhân vật quản ngục sẽ đem lại cho ta nhiều khoái cảm thẩm mĩ mới mẻ, thú vị.

Tính cách của nhân vật Huấn Cao có phần một chiều, bất biến và đơn giản, ít những bất ngờ. Trái lại, nhân vật viên quản ngục có sự vận động về tính cách. Trước khi là quản ngục, ông ta cũng là người đèn sách, “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”. Là người lương thiện, tử tế, lại có chữ thánh hiền bồi đắp cho “thiên lương” nảy nở tốt đẹp, ông ta yêu đến say mê cái đẹp, “cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.

Nhưng sự đời run rủi, và “ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người thẳng thắn lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”, quản ngục sa vào chỗ tối tăm, phẩm chất từ đó đã hoen ố đi ít nhiều. Giữa chốn tù ngục hầu như chỉ tồn tại hai thứ: cái ác, cái xấu, tàn nhẫn, lừa lọc và những nỗi đau khổ, tuyệt vọng. Tình cờ, viên quản ngục gặp được ông huấn Cao, gặp thần tượng của mình, gặp trong hoàn cảnh cực kì éo le: giữa chốn ngục thất, thần tượng của ông giờ đây lại là một tử tù, còn ông là cai ngục. Một tình huống đầy kịch tính được mở ra: ở bình diện xã hội, họ là những kẻ đối địch nhau ; ở bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. Kẻ cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình lại là một nghệ sĩ tài hoa tầm cỡ “thiên hạ đệ nhất thư pháp”, kẻ đại diện cho luật pháp của triều đình lại là người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”’ ngưỡng mộ tài thư pháp ấy. Cuộc “kì ngộ” khiến cho lòng yêu cái đẹp trong quản ngục sống dậy mãnh liệt tới mức ông có thể bất chấp cả tính mạng và địa vị, mong sao có được mấy chữ của ông Huấn.

Người đọc hồi hộp theo dõi từ đầu chí cuối tác phẩm, không biết quản ngục có xinh nổi chữ của ông Huấn hay không? Nhân vật quản ngục bị đặt vào một thử thách khá gay go quyết liệt. Mấy ngày ngắn ngủi ông Huấn Cao tạm bị giam trong ngục tử tù của y, quản ngục luôn sống trong tình trạng vô cùng căn thẳng, hồi hộp. Y thừa biết tính ông Huấn “vốn khoảng, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Làm sao đây, chỉ trong ít ngày để có thể lấp đầy khoảng cách giữa “cai ngục” và “tử tù”, để thành “tri kỉ” của ông Huấn? “Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất”. Mặt khác, viên quản ngục luôn luôn phải dò xét, đề phòng cả bọn thuộc hạ, ông sợ “tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên”, ông phải “dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tràng giang của tác giả Cù Huy Cận – Văn mẫu lớp 11 đặc sắc nhất

Nhân vật viên quản ngục được xây dựng với bút pháp giàu chất hiện thực, gần với cuộc đời hơn, thật hơn. Và chính ở đây thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đọc truyện, người đọc như thấy hiện ra trước mắt dáng đi, điệu đứng, lời ăn tiếng nói của viên quản ngục này. Lúc ở công đường, dáng điệu của y rõ bệ vệ, quan cách, oai phong, trầm tĩnh, rõ là chu đáo, cần mẫn trong công việc. Tiếp được công văn để lĩnh nhận sáu tên tù án chém, ông ta đọc tên từng người và dừng lại ở cái tên Huấn Cao, rồi hỏi viên thơ lại để xác minh cho rõ. Nhân vật viên quản ngục không chỉ là kẻ biết thi hành phận sự, cần mẫn, tận tụy, mà còn là nhân vật có đời sống nội tâm sâu sắc. Có lúc khuôn mặt tỏ rõ sự nghĩ ngợi đăm chiêu, “ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương”, “người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”.

Trong nhận xét rất tinh tế của người dẫn truyện thì viên quản ngục có “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người”. Ông được coi “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”, là “cái thuần khiết” bị đày ải “vào giữa một đống cặn bã”, là “người thẳng thắn lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Là quản ngục, nhưng ông ta cũng chính là tù nhân chung thân của cái nhà tù do ông cai quản. Cái danh, cái lợi, trách nhiệm, bổn phận của một ngục quan là những thứ gông cùm, xiềng xích vô hình xiết chặt tâm hồn quản ngục suốt đời. “Lũ người quay quắt”, cái “đống cặn bã” bao quanh ông chẳng khác gì nơi buồng tối giam tử tù “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đã có lúc, ngục quan thấm thía thân phận lạc loài, cô đơn giữa chốn tù ngục của chính mình, y than thở một mình: “Có lẽ lão bá này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”. Nếu như bi kịch của ông Huấn là bi kịch của người anh hùng thất thế, thất thế nhưng vẫn kiêu hùng, lẫm liệt ; thì bi kịch của ngục quan là bi kịch lầm đường. kẻ lầm đường lạc lối, may thay, vẫn còn có lương tri, lương năng, còn có “lòng biệt nhỡn liên tài”, còn có khát vọng giải thoát. Y tôn thờ cái đẹp, say mê cái đẹp để hi vọng tự giải thoát. Lúc ngục quan gặp huấn Cao thì “đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu”, “bộ mặt tư lự” đã hằn nhiều nếp nhăn của cuộc đời “tù nhân” nhọc nhằn, nhưng khát vọng giải thoát biểu hiện ở khát vọng hướng tới cái đẹp vẫn mãnh liệt vô cùng. Âm ỉ bấy lâu, nay nó bùng cháy lên thành lửa ngọn. Ngục quan tự hạ mình xuống trước tử tù, nhẫn nhục chấp nhận sự “khinh bạc đến điều” của ông Huấn. Y không oán thù, y biết người ta, “y cũng thừa hiểu những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”. Về bản chất, đó là sự ngưỡng mộ trước cái đẹp một cách hoàn toàn tự nguyện. Hành động biệt đãi ông Huấn cũng là xuất phát từ lòng say mê đó. Nhưng đến cuối tác phẩm thì không chỉ còn là chuyện say mê, tôn thờ mấy cái chữ đẹp nữa, mà cao hơn thế, đó là sự trân trọng, tôn thờ nhân cách cao quý của một bậc tài danh. Bị cái đẹp và nhân cách cao thượng của ông Huấn thuyết phục, viên quản ngục thực sự cảm động cũng giống như ông Huấn Cao đã cảm động trước “sở thích cao quý” và “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của ngục quan. Đó là điểm gặp gỡ để trở thành tri âm, tri kỉ của hai con người cách nhau quá xa về vị trí xã hội. Sự tri kỉ ấy được đánh dấu bằng dòng lệ và tiếng nói nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” và kèm theo một cái vái.

Vận mệnh nghệ thuật của tính cách ông Huấn Cao đã kết thúc cùng với sự kết thúc của thiên truyện ; trong khi đó, vận mệnh vẫn còn tiếp tục ở nhân vật viên quản ngục: người đọc có thể tin rằng sau những lời khuyên bảo ân cần của ông Huấn, viên quản ngục đã luống tuổi ấy sẽ từ bỏ nghề bất nhân về quê ở để giữ thiên lương cho trong sạch, lành vững.

Nhân vật viên quản ngục là một sáng tạo rất mực sinh động của Nguyễn Tuân, để vừa tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao, lại vừa thể hiện vẻ đẹp của một con người đang được dắt dẫn bởi cái đẹp và cái thiện. Đây là kiểu sáng tạo nhân vật rất mới trong văn học hiện đại Việt Nam, cái cách để cho nhân vật tự tạo tính cách.

Bài viết liên quan