Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương của Nguyễn Dữ


Đề bài: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

Bài làm

Một trong những học trò xuất sắc của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Dữ đã trở thành điểm sáng trong nền văn học thế kỉ XVI. Truyện ngắn “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ mang nhiều yếu tố đặc sắc ở cả nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt, nhân vật trung tâm là Vũ Nương cũng là hình tượng nhân vật đặc sắc nhất.

Nguyễn Dữ sống trong một thời kì đầy biến động khi triều đình nhà Lê rơi vào khủng hoảng, tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền bính, nội chiến kéo dài, nhân dân lầm than. Một người học rộng tài cao như Nguyễn Dữ không thể thực hiện được khát vọng cống hiến cho nước nhà nên ông chỉ làm quan 1 năm rồi xin nghỉ về nuôi mẹ già và viết sách.

Tác phẩm “Truyền kì mạn lục” viết bằng chữ Hán là cuốn sách đặc biệt của Nguyễn Dữ với 20 truyện ngắn khác nhau và chứa các yếu tố kì ảo hoang đường do chịu ảnh hưởng từ truyện truyền kì Trung Hoa. Nhân vật chính thường là những người phụ nữ đức hạnh cao cả, khao khát cuộc sống yên bình nhưng thế lực và lễ giáo phong kiến xô đẩy họ rơi vào hoàn cảnh éo le, oan khuất, bất hạnh. Do vậy, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đồng thời cũng được đánh giá là tiêu biểu nhất trong số 20 truyện ngắn khác và theo đó, nhân vật Vũ Nương cũng là nhân vật điển hình. Vũ Nương không chỉ điển hình cho phong cách và cách thức phản ánh quan niệm sống của Nguyễn Dữ mà còn là điển hình cho vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam phong kiến.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

Vũ Nương được Nguyễn Dữ khắc họa là một người con gái có cả vẻ đẹp bề ngoài lẫn tính cách, nội tâm. “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Về nhà chồng, Vũ Nương biết tính đa nghi của chồng là Trương Sinh nên rất sắc sảo biết “giữ gìn khuôn phép, không từng để đến lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

phan tich nhan vat vu nuong trong chuyen nguoi con gai nam xuong cua nguyen du - Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Phân tích nhân vật Vũ Nương

Vũ Nương đại diện cho khao khát hạnh phúc của người phụ nữ. Trong lòng Vũ Nương, nàng chỉ cầu mong bình yên hạnh phúc. Trong đoạn tiễn chồng đi lính, Vũ Nương có nói “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Vũ Nương coi nhẹ vật chất vàng bạc đồng thời tin tưởng rằng chỉ cần yên bình sống là đã đủ hạnh phúc với nàng rồi.

Mặt khác, Vũ Nương cũng được khắc họa số phận bất hạnh thông qua xây dựng tình huống của tác giả. Nguyễn Dữ đã đặt Vũ Nương vào hai tình huống đặc biệt, một là chồng đi lính khi mẹ chồng đau ốm, bụng mang dạ chửa, thứ hai là tình huống Trương Sinh trở về và hiểu lầm Vũ Nương vì lời nói vu vơ của con trẻ. Vũ Nương chịu nỗi đau chia cắt gia đình của chiến tranh nhưng nàng vẫn vun vén được mọi sự. Nàng chăm con hết lòng, nàng chăm mẹ chồng và lo tang cho mẹ chồng đầy đủ lễ nghĩa như cha mẹ đẻ. Điều này cũng phần nào chứng minh Vũ Nương là người giàu tình thương, đức hi sinh và là người có trách nhiệm. Khi đi lính về, tưởng rằng Vũ Nương sẽ được hạnh phúc. Không may, Trương Sinh vì nghi ngờ lời nói của con trai Đản khi gọi cái bóng trên tường là “cha” nên đã “mắng nhiếc” Vũ Nương thậm tệ. Vũ Nương hết lòng giãi bày trinh bạch “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như chàng nói”. Khi rơi vào bi kịch bị nhà chồng “đuổi đi”, Vũ Nương cùng đường chọn cách tự chấm dứt cuộc đời. “Nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ…”. Câu nói này vừa cho thấy bi kịch đau đớn mà Vũ Nương phải chịu, vừa cho thấy Vũ Nương là người có lòng tự trọng, thà “chết vinh còn hơn sống nhục”. Cuối cùng, số phận bất hạnh của Vũ Nương được kết thúc bằng cái chết. Bi kịch của người phụ nữ phải chịu đựng không chỉ từ phía người chồng gia trưởng vô học mà còn từ định kiến xã hội. Cái chết của Vũ Nương là tiếng lòng thảm thiết của bao người phụ nữ xưa.

>> Xem thêm:  Ngữ văn 9: Thuyết minh về con Trâu

Chi tiết cuối truyện khi Vũ Nương được thần phật giúp đỡ minh oan, Trương Sinh đã “lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang”. Linh hồn Vũ Nương trở về nói lời cuối rồi “mờ nhạt dần và biến mất đi” cùng hương và khói sóng. Câu nói “thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” là nỗi ám ảnh sau cùng trong lòng người đọc. Số phận của người phụ nữ bèo bọt đến mức dù có được minh oan cuối cùng vẫn không thể có lại được sự sống. Nguyễn Dữ đã lồng những yếu tố hư ảo vào truyện rất tốt nhưng tại sao lại không “hào phóng” để Vũ Nương sống lại và có nửa đời sau hạnh phúc, bởi Nguyễn Dữ muốn nói lên sự thật về hiện thực xã hội và số phận con người. Đây cũng là giá trị phản ánh hiện thực của tác phẩm.

Tóm lại, nhân vật Vũ Nương trong truyện ngắn “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã để lại trong lòng người đọc nhiều dư ba sâu sắc. Nhân vật Vũ Nương sẽ mãi là biểu tượng sâu sắc nhất cho xã hội và con người thời kì xã hội phong kiến thế kỉ XVI.

Hoài Lê

Bài viết liên quan