Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân


Đề bài: Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Bài làm

Chị Dậu của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao… và rất nhiều tác phẩm khác viết về nỗi khổ của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Ở đó, họ bị áp bức, bóc lột, bị dồn vào bước đường cùng. Nhưng chị Dậu vẫn có chồng, và Chí Phèo cũng vẫn có những tháng này hẹn hò với thị Nở. Còn Vợ nhặt của Kim Lân – cũng viết về tình cảnh thảm hại của người nông dân, nhưng câu chuyện lại gây nên tiếng cười bi hài nhiều hơn là nước mắt khi tác giả dựng lên cảnh nhặt vợ rất tình cờ, ngẫu nhiên của hai con người cùng khổ trong nạn đói thê lương năm 1945. Nhà văn đã khai thác một cách rất sâu sắc về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân trong tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc.

Tác phẩm mang tên Vợ nhặt vì trong đó là cuộc nhặt vợ đầy hài hước. Nhưng qua sự kiện nhặt vợ ấy, ta hiểu rằng đời sống của mọi người hết sức khổ cực, lầm than. Họ không những bị giai cấp thống trị bóc lột, áp bức về mặt thể xác, vật chất mà còn bị trà đạp lên những ước mơ, những khát khao trong sâu thẳm tâm hồn họ. Ai là người không muốn có được hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng vì đói, vì rét, vì sự sống đang chênh vênh giữa bờ vực thẳm của cái chết, nên tình yêu đã trở một thứ gì đó quá xa xôi mà họ không bao giờ nghĩ tới nữa. Hoặc chưa kịp nghĩ tới đã trở thành cái xác nằm còng queo bên lề đường. Bởi ngoài kia, có biết bao nhiêu người đã chết đói, chết rét. Đã thế, Kim Lân còn đưa buổi chiều tàn thê thảm vào trong tác phẩm: Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ tển mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Tiếng quạ như rót thêm vào trận đói ấy bao nhiêu nỗi não nề, ai oán. Người sống và người chết có khi không phân biệt được. Cảnh đói đã tràn đến, như một làn sóng mạnh mẽ có thể nhấn chìm bất kỳ ai yếu sức.

>> Xem thêm:  Soạn văn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chi tiết nhất

Giữa lúc mọi người đang khát khao, đang kiếm tìm miếng ăn để tồn tại qua ngày, thì một cảnh tượng mà không ai dám nghĩ tới đã xảy ra. Anh cu Tràng vốn dĩ ngờ nghệch xấu xí, lại là con nhà nghèo. Ấy vậy mà ngày hôm nay anh lại dẫn theo một người đàn bà. Trông thị có vẻ ngượng nghịu, e thẹn lắm. Mọi ánh nhìn đổ dồn vào thị và Tràng. Mọi người bàn tán xôn xao. Có lẽ họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rang rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Đó là niềm tin, niềm hi vọng dù chỉ là ít ỏi nhưng cũng đủ để an ủi cho những mảnh đời đang lay lắt bước vào ngõ cụt.

Có người nói phải chăng vì Tràng ngờ nghệch, Tràng không nhận thức được hoàn cảnh của mình và cũng chẳng tính toán được cho tương lai nên mới mù quáng đưa thị về? Vì lúc này, nuôi thân mình sống qua ngày đã là điều hết sức nặng nề, khó khăn rồi, nay Tràng lại đèo bòng thêm nữa. Liệu cuộc sống sẽ ra sao? Tràng mặc kệ. Tràng vẫn đãi thị một chập bốn bát bánh đúc. Trước khi đưa thị về nhà, Tràng còn đưa thị đi ăn một bữa thật no nê, mua cho thị cái thúng con con để thị đựng vài thứ linh tinh. Là Tràng hào phóng hay vì Tràng quá ngốc nghếch khi mà giữa cơn đói khát thế này lại dành cho một người đàn bà lạ nhiều thứ đến thế? Không, dù Tràng ngờ nghệch, nhưng những rung động đầu tiên trong Tràng về người phụ nữ rách rưới đã cho thấy tâm hồn trong sáng và tấm lòng đồng cảm, giàu yêu thương của Tràng. Tràng không biết tương lai ra sao, nhưng chỉ cần biết rằng cuộc sống hiện tại có thị sẽ vui hơn. Chỉ cần như vậy là đủ. Năm tháng đằng đẵng trong đói khổ, có thêm người cùng sẻ chia sẽ bớt tăm tối hơn. Tràng tin là vậy. Thế nên Tràng đã tự quyết đưa thị về mà chưa cần hỏi ý kiến mẹ.

Tràng đưa thị về nhà, ra mắt bà cụ Tứ – mẹ Tràng. Bà lão đã gần đất xa trời, nay thấy đứa con ngờ nghệch của mình có vợ, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì cuối cùng con mình cũng đã có người để ý tới, nhưng nỗi lo lại đau đáu trong bà vì cuộc sống phía trước đang đầy rẫy những khó khăn, cực nhọc. Biết có đi qua được cái tao đoạn này không. Lòng người mẹ già nghèo khổ còn nghĩ ra biết bao nhiêu cơ sự. Nhưng bà không muốn để các con biết nỗi lo của mình. Bà len lén chùi nước mắt. Một người đã gần đất xa trời, nay vẫn còn nước mắt để khóc cho con? Những giọt nước mắt nặng trĩu ân tình của lòng mẹ bao la. Bà xót thương cho Tràng, và đồng cảm với người phụ nữ cùng khổ. Lẽ ra bà phải làm dăm ba mâm cơm mời họ hàng, làng xóm mới phải phép, nhưng trong lúc cơ cực này làm sao bà có thể lo chuyện đó được nữa. Hai tiếng mừng lòng của bà cụ đã nâng đỡ cho đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn bước vào cuộc sống đầy gian nan, thử thách.

>> Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ của đoạn thơ sau: "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế bà mò cua xúc tép ở đồng Quan bà đi gánh chè xanh Ba Trại Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn" ("Đò Lèn” - Nguyễn Duy)

Ngày đầu tiên trong nhà có thành viên mới, cả gia đình Tràng bỗng chốc đổi thay. Căn bếp nguội lạnh nay có người nhóm lên ngọn lửa hồng. Sân vườn được dọn dẹp sạch sẽ. Hai cái ang nước cũng đã đầy nước. Tràng tỉnh dậy, cảm giác lâng lâng. Tràng chưa tin mình có vợ. Có lẽ mọi chuyện xảy ra quá nhanh và quá bất ngờ. Không biết thị nghĩ gì khi về làm vợ Tràng nhỉ. Nhưng ít nhất thị cũng đã mang lại nguồn sức sống mới cho hai mẹ con Tràng, cho bà cụ đã sống đằng đẵng bao năm tháng tối tăm, khổ cực. Bữa cơm ngày đói dẫu thảm hại, chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà nói toàn chuyện vui. Sự có mặt của thị đã khiến bà cụ như ngọn đèn bấc sắp tắt nay chợt bùng lên sáng chói. Chính bà là người gợi ra nhiều hi vọng nhất. Bà tính hai vợ chồng cố gắng bảo ban nhau làm ăn, mua lấy con gà chăn nuôi, chẳng mấy chốc mà có cả đàn gà. Cuộc sống giản đơn nhưng hạnh phúc, ấm áp. Đó cũng là ước mong của những con người cùng khổ khác. Họ cũng muốn vươn lên, muốn xây dựng một gia đình nhỏ bé, chỉ cần có vợ có chồng, có những đứa con ngày ngày tíu tít bên nhau, cùng nhau chăn gà, trồng rau, có gì ăn nấy. Chứ không phải chịu cảnh lay lắt, khổ sở như bây giờ.

>> Xem thêm:  Soạn văn Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng 8 năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Hết cháo, cả nhà phải ăn cháo cám. Miếng cám đắng xít, nghẹn bứ trong cổ, nhưng bà lão tự an ủi hai con: khối nhà còn không có cháo mà ăn. Thì ra, được ăn cháo cám là một điều may mắn. Thế mới hiểu cuộc sống của người nông dân khổ sở như thế nào. Và thực tế, vì không có cháo cám để ăn, nên nhiều người đã chết ngoài đường, ngoài chợ. Bà lão tự thấy gia đình mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Vị chát xít của cám như những nỗi tủi hờn đang len lỏi trong tâm trí mỗi người. Họ cúi đầu ăn, không ai nói với ai câu nào nữa. Người mẹ nghèo khổ lại quay đi lau nước mắt. Bà không muốn để các con nhìn thấy vì chính bà là người vừa gieo lên cho các con những niềm hi vọng mới vào tương lai tươi sáng.

Tiếng trống giục thu thuế dồn dập những tưởng sẽ phá tan bao ước mơ, bao dự định của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng họ lại nghĩ tới cảnh nhân dân phá tan kho thóc của Nhật. Mọi người đánh trống để nhân dân mang lúa gạo đem đi chia cho người nghèo, chấm dứt cảnh đói khát, chết chóc ngoài đường ngoài chợ.

Hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới là lời cổ động nhân dân vùng lên đấu tranh để giành lại quyền sống cho chính mình. Họ đã phải sống khổ bao nhiêu ngày qua. Bao nhiêu cái chết oan uổng. Và bao nhiêu con người phải vùi dập ước mơ, khát khao hạnh húc của mình. Sẽ đến lúc họ giành lại những gì đã bị bọn thực dân cướp mất.

Như vậy, cuộc nhặt vợ đầy bi hài của hai con người cùng khổ không những thể hiện bi kịch đớn đau của nhân dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, mà còn gieo vào lòng họ một niềm tin sắt đá, rằng chiến thắng nhất định sẽ tới. Mọi người sẽ cùng nhau hợp sức chống lại kẻ thù, giành lấy quyền sống, quyền hạnh phúc cho mình. Những điều đó đã được nhà văn Kim Lân thể hiện thành công qua cách kể truyện tài tình, độc đáo, qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn. Dù sống ngay trên bờ vực thẳm của cái chết, người nông dân nghèo khổ vẫn hướng về tương lai, vẫn khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Bài viết liên quan