Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương


Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương.

Bài làm

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ lụa tặng già”

(“Bác ơi!” – Tố Hữu)

Bác Hồ – người mang lí tưởng lớn, tâm hồn lớn và phong cách sống lớn đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng mọi con dân Việt Nam. Sự ra đi của người khiến cho biết bao nhiêu con người lòng dạ mạnh mẽ nhất cũng phải xót xa vô hạn. Cảm xúc ấy được nhà thơ Viễn Phương ghi lại trong bài thơ “Viếng lăng Bác”.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” là kết quả của chuyến đi từ Nam ra Bắc để viếng lăng Hồ Chủ tịch vào năm 1976 khi lăng vừa xây xong và mở cửa đón đồng bào cả nước đến viếng Bác Hồ.

Bài thơ giống như kể lại một chuyến hành trình ngắn mà khung cảnh ngoài lăng là phần mở đầu:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Tác giả sử dụng cách nói “thăm”, gọi “Bác” và xưng “con” để thể hiện sự gần gũi, thân mật và xóa bỏ cảm giác ớn lạnh của một cuộc viếng, tưởng niệm.

Hình ảnh hàng tre lặp lại hai lần mang hai ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Nếu như hàng tre bát ngát kia là hàng tre thực tế tác giả nhìn thấy thì hàng tre xanh phía dưới lại là biểu tượng cho con người Việt Nam. Vì sao lại nói vậy? Bởi, tác giả miêu tả hàng tre bằng sắc thái “xanh xanh”, nó gợi nhiều hơn đến sức sống hơn là tả màu sắc. Mặt khác, cụm “xanh xanh Việt Nam” gợi đến bài “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy. Trong bài thơ ấy, tre được lấy làm biểu tượng cho sức sống, phẩm chất và dũng khí của con người Việt Nam. Ở thơ Viễn Phương, nó cũng mang cái dũng  khí “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” – luôn kiên cường, bất khuất trước mọi sóng gió cuộc đời. Và ngày hôm nay, những thế hệ chiến sĩ, anh hùng, con dân đất Việt hóa thân trong những cây tre để kề cận bên Bác Hồ.

>> Xem thêm:  Cảm nhận hai khổ thơ đầu trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải

Ở khu vực trước cửa lăng, Viễn Phương ghi lại một cách rất sâu sắc không gian và trạng thái con người lúc đó:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Đến đây, Viễn Phương tạo ra sự sóng đôi trong các hình ảnh từ đó khiến câu thơ đa nghĩa, giàu sức biểu tượng, giữa mặt trời trên lăng và mặt trời trong lăng, giữa mặt trời đi qua và dòng người dâng hoa. Từ “ngày ngày” lặp lại hai lần ở đầu các câu thơ tạo nên sắc thái dịch chuyển tương xứng giữa sự chuyển động của mặt trời và dòng người, qua đó nhấn mạnh rằng đoàn người vì nhớ thương mà đến đây tưởng niệm sẽ không bao giờ ngừng giống như mặt trời muôn đời vẫn mọc rồi lặn như quy luật của nó.

suy nghi cua em ve bai tho vieng lang bac cua vien phuong - Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương

Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác

Mặt khác, Viễn Phương đã làm nổi bật nên hình ảnh mặt trời trong lăng với sắc thái “rất đỏ” và từ đó khẳng định sức sống của nó. Vậy mặt trời trong lăng là gì? Là biểu tượng cho Bác Hồ, tôi tin là vậy. Chỉ có Bác Hồ mới xứng đáng được ví tựa nguồn sống và là nguồn sống mãnh liệt cho lí tưởng, tình cảm và tâm hồn.

>> Xem thêm:  Em hãy tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ trong 15 đến 20 dòng.

 “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Trong khổ thơ thứ ba, Viễn Phương thể hiện cảm xúc và cảm nhận khi được gặp Bác. Vẫn là cái giọng thơ gần gũi thân thương ấy. Bác được ví như “vầng trăng sáng dịu hiền” và trạng thái “giấc ngủ bình yên” cho thấy Bác Hồ dường như không phải đến cõi chết mà đang thả hồn theo khao khát giao hòa với ánh trăng mà sinh thười Bác chỉ gửi gắm vào thơ ca của mình. Câu thơ thứ ba cũng có ý ví von “trời xanh” là Bác. Bác tựa bầu khí sống, mang lại cho con người hơi thở tự do, dân chủ và sẽ luôn mãi mãi vĩnh hằng.

Diễn tả nỗi đau xót, Viễn Phương thành công nhờ 1 chữ “nhói”. Phải, thực tế Bác đã mất không thể nào thay đổi. Nỗi đau “nhói” như không thể kìm nén, tựa như mất đi một người thân quan trọng, mất đi một khúc ruột già máu mủ trong bàng hoàng, xót xa.

Cuối bài thơ, tác giả nâng giọng thơ lên tầm khát vọng mãnh liệt:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Tác giả chọn hình ảnh “thương trào nước mắt” để diễn tả nỗi đau xót chứa chan lệ khóc, nỗi đau không bó buộc “nhói” mà đã dâng lên và tan vỡ thành “trào”. Sự lưu luyến phải rời xa Người biểu hiện trong khát vọng của tác giả ở ba câu thơ cuối bài, thể hiện rõ ràng qua điệp từ “muốn” xuất hiện 3 lần ở đầu các câu thơ. Tác giả muốn được hóa thân vào bông hoa tỏa hương thơm cho Bác, muốn làm loài chim hót ca cho Bác nghe, muốn làm cây tre canh giữ giấc ngủ cho Bác. Từ “trung hiếu” vừa bày tỏ lòng quyết tâm trung thành, thủy chung với Bác, vừa thể hiện đạo hiếu nghĩa trả ơn những người mình mang ơn. Chính điều này đã chứng tỏ tấm lòng yêu thương Bác Hồ cũng là tấm lòng yêu nước thiết tha.

>> Xem thêm:  Kể về một lần trót xem nhật kí của bạn

Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương thành công trong việc thể hiện cảm xúc bằng hình ảnh giàu sức biểu tượng, đa ngữ nghĩa, ngôn từ gần gũi, giọng điệu ấm áp đan xen với thương nhớ xót xa. Bài thơ góp phần nâng cao tâm hồn và tài năng của Viễn Phương trong thi đàn Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan