Suy nghĩ về bài thơ Sông núi nước Nam


Suy nghĩ về bài thơ Sông núi nước Nam

1. Bố cục của bài thơ

Bài thơ có bốn câu, căn cứ vào nội dung có thể chia thành hai phần gồm:

– Hai câu thơ đầu: Nước Nam là của người Nam. Điều đó đã được sách trời định sẵn, rõ ràng.

– Hai câu thơ cuối: Kẻ thù không được xâm phạm. Xâm phạm thì thế nào cũng phải thất bại thảm hại.

Có thể thấy bài thơ tuy chỉ có bốn câu song kết cấu rất chặt chẽ, có ý nghĩa như một văn bản nghị luận khẳng định đanh thép quyền độc lập dân tộc. Lời cảnh cáo kẻ thù thực chất cũng chính là sự bổ sung cho sự khẳng định quyền bất khả xâm phạm ấy.

Tuy nhiên, cách chia trên chỉ mang ý nghĩa tương đối vì chúng ta thấy đây là tác phẩm thiên về biểu ý, ý tưởng lộ rõ trong các nghĩa của ngôn từ. Còn nội dung biểu cảm thì ẩn sau các lớp nghĩa đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ và liên tưởng.

2. Khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước Nam

Hai câu đầu của bài thơ đã khẳng định sự tồn tại thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ nước Nam: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư’.

Dịch nghĩa là: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”

Giọng thơ vang lên hùng hồn, mạnh mẽ và kiêu hãnh: Nước Nam là của vua Nam. Ở đây, tác giả dùng từ đế mà không dùng từ vương. Đế và vương đều có nghĩa là vua nhưng sử dụng từ đế có ý nghĩa rất lớn. Trong quan niệm của kẻ thống trị phong kiến phương Bắc thì chỉ có vua của họ mới được phép xưng “đế”. Các vua Trung Hoa đều xưng là “hoàng đế”, coi mình là “thiên tử” (con trời) có quyền thống trị thiên hạ (tức là vùng đất dưới trời). Còn “vương” là tước phong do hoàng đế Trung Hoa ban cho vua của các nước chư hầu, chư hầu thì phải quy phục thiên triều. Chính vì vậy, dùng “Nam đế”, tác giả của bài Nam quốc sơn hà đã biểu hiện một niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nếu phương Bắc có đế thì phương Nam cũng có đế; đế phương Bắc cai trị núi sông của phương Bắc thì đế phương Nam cai quản núi sông của phương Nam. Chúng ta bình đẳng, ngang hàng, độc lập với phương Bắc. Cách xưng hô đó khẳng định ý chí độc lập dân tộc, không chịu khuất phục trước thế lực bành trướng phương Bắc.

>> Xem thêm:  Soạn bài cách làm bài văn lập luận chứng minh

Quyền độc lập về lãnh thổ của nước Đại Việt ta có tính chất thiêng liêng, tuyệt đối: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.

Dịch nghĩa: “Giới phận đó đã được định rõ ràng trong sách trời”.

Hai chữ cuối “thiên thư” nghĩa là “sách trời” như một lời khẳng định chắc chắn, không thể chối cãi được. Cách lập luận mang dấu ấn quan niệm văn hoá tâm linh của người xưa. Người xưa tin trời là đấng quyền năng tối thượng, có quyền phán quyết tất cả mọi việc dưới hạ giới. Vì thế, nói cương giới lãnh thổ của nước Nam đã được ghi trong sách trời là cách khẳng định một chân lí không thể tranh cãi. Đó là một chân lí, một lẽ phải hiển nhiên, không gì có thể thay đổi được.

Hai câu thơ đầu như một lời tuyên ngôn hào sảng về chủ quyền, độc lập dân tộc. Trước họa xâm lăng của ngoại bang, niềm tin về độc lập chủ quyền sẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và căm thù giặc của nhân dân ta.

3. Lời cảnh cáo đanh thép trước kẻ xâm lược

Hai câu thơ tiếp theo, giọng thơ mạnh mẽ, răn đe:

Nhu hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa là:

Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm

Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong.

Câu thơ thứ ba như một câu hỏi đanh thép hướng thẳng vào quân thù. Quân giặc dám xâm phạm lãnh thổ đất nước ta nghĩa là đã chà đạp lên sách trời, dám coi thường ý trời. Thất bại của chúng là tất yếu, có thể thấy trước. Sự trừng phạt dành cho chúng là kết quả của lòng phẫn nộ không chỉ của quân dân Đại Việt mà còn của cả trời. Chúng sẽ phải chịu số phận “thủ bại hư”, sự thất bại tất yếu cho những kẻ dám làm trái sách trời.

>> Xem thêm:  Giải thích câu tục ngữ mà ông bà ta đúc kết Có công mài sắt có ngày nên kim

Câu thơ khẳng định niềm tin chiến thắng: Chúng ta chiến thắng vì sức mạnh chính nghĩa. Và thực tế lịch sử đã chứng minh cho câu thơ: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Sông cầu và bến đò Như Nguyệt là mồ chôn hàng vạn quân xâm lược phương Bắc. Trước sự giáng đòn của quân ta, Quách Qùy phải tháo chạy nhục nhã. Quân Tống đã thất bại hoàn toàn.

* Nam quốc sơn hà được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta dưới dạng thơ ca. Bài thơ đã khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc ta đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại bang, bảo vệ chủ quyền, nền độc lập của dân tộc.

Bài viết liên quan