Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay


Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay

Bài làm

Trong khi đất nước đang ngày càng hội nhập và phát triển với tiêu chí: “Hòa nhập nhưng không hòa tan” thì rất nhiều bạn trẻ lại để cho văn hóa ngoại quốc qua xâm nhập vào suy nghĩ, lối sống của bản thân. Điều này gây ra nhiều hậu quả xấu cho tương lai của đất nước, gây ra hiện tượng lai căng ngày một lan tràn.

Lai căng là cách chỉ những người bắt chước các loại văn hóa nước ngoài một cách lố lăng, đi ngược lại thuần phong mĩ tục cũng như làm méo mó, xói mòn đi các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chưa xót viết rằng:

“Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm nô lệ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng

Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”

Thật vậy, từ ngàn năm Bắc Thuộc đến đế quốc, ngoại xâm , chúng luôn có mong muốn đồng hóa dân tộc ta, biến chúng ta trở thành những kẻ lai căng. Điều tất yếu là dù dân tộc ta có quật cường, kiên định chống lại thù trong giặc ngoài nhưng vẫn sẽ có một bộ phận những người bị “đồng hóa”, bị những thứ văn hóa ngoại lai kia làm cho mù quáng, biến chất. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, giới trẻ được tiếp xúc với rất nhiều thứ văn hóa khác nhau gây ra tình trạng “bội thực” văn hóa, lai căng văn hóa ngày một rộng.

>> Xem thêm:  Bài 20 - Ôn tập về văn bản thuyết minh

Ngày nay, hiện tượng lai căng ngày một lan rộng trên nhiều phương diện khác nhau. Thứ nhất là việc lai căng trong ngôn ngữ, tiếng nói. Điểm hình là việc các bạn trẻ sử dụng những từ ngữ với những kí tự không theo chuẩn quy tắc chung, từ “teen code”, hoặc sử dụng các loại ngoại ngũ chêm xen vào với Tiếng việt, khiến chúng mất đi sự trong sáng vốn có. Ví dụ như một số kí tự tiếng việt bị chuyển thành số như chữ “o” thành số “0” (ví dụ “không” thành “kh0ng”, “trong” thành “tr0ng”,…) chữ “e” thành số “3” (ví dụ “em” thành “3m”, “trên” thành “tr3n”,…) hay chứ “a” thành số 4 (ví dụ “anh” thành “4nh”, “xanh” thành “x4nh”…)… Hoặc hiện tượng chêm xen các từ nước ngoài vào trong lời nói. Đơn giản nhất như trong cách giao tiếp hàng ngày, họ thay từ “xin chào” bằng các từ ngoại như “hi”, “hello” hay thậm chí những câu nói có ý nghĩa tương đương cũng được thay như “cái gì” bằng “what”, “bạn” thành “you”… Điều này không chỉ trở thành thói quen xấu cho các bạn trẻ mà còn làm mất đi sự trong sáng của Tiếng việt, làm tiếng mẹ đẻ bị mai một, méo mó.

Thứ hai là sự lai căng trong cách ăn mặc. Hàng loạt những loại “mốt tân thời” được du nhập vào nước ta và được các bạn trẻ “bắt sóng” rất nhanh. Những thứ quần áo lố lăng, rách rưới, lòe loẹt hay ngắn cũn cỡn lại trở thành những thứ “mốt” thời thượng được nhiều người săn đón. Chúng biến những người mặc trở thành những kẻ dị hợm, kệch cỡm….

>> Xem thêm:  Nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương

Tiếp theo là những lai căng trong chính cách sinh hoạt. Điển hình là những ngày lễ nước ngoài lại dần trở thành những ngày lễ chính và được rất nhiều người quan tâm, đón chờ. Ví dụ như Noel hay valentine là những ngày lễ của nước ngoài nhưng lại được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Họ chuyển bị quà cáp, chúc tụng, vui chơi rộn ràng. Tuy nhiên, khi nhắc đến những ngày lễ của Việt Nam như Tết Đoan Ngọ, Rằm tháng bảy… thì nhiều bạn trẻ lại ngỡ ngàng, không biết…

Bên cạnh đó, lai căng còn được biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác như phim ảnh, nghệ thuật…

Nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau thì hiện tượng lai căng ở 1 bộ phận giới trẻ hiện nay là do sự phát triển chóng mặt của khoa học – công nghệ cho tới những thứ đơn giản được “nhập” từ phương Tây vào nước ta một cách mất kiểm soát. Trong khi đó, giới trẻ Việt lại thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa bản địa cũng như tâm lý sính ngoại, thích thể hiện cái tôi. Thậm chí, nhiều người còn coi văn hóa ngoại lai như một thứ trang sức trưng diện hư ảo.

Sự lan tràn của hiện tượng lai căng như hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả mọi người. Chúng ta cần đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục và đẩy lùi hiện tượng này. Trước hết, cần chỉ ra những tác hại nghiêm trọng của việc lai căng. Cùng với đó, cần giáo dục một cách đúng đắn cho giới trẻ nhận thấy được vai trò và giá trị của văn hóa bản địa. Hơn hết, mỗi người cần có ý thức đối với chính cuộc sống cũng như văn hóa của dân tộc mình.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

Văn hóa lai căng cũng giống như một loại axit ăn mòn đi sự phát triển chung của cả xã hội. Hãy biết cách giữ gìn sự trong sáng của văn hóa dân tộc như bảo vệ chính sự trong sáng, lành mạnh của bản thân.

Bài viết liên quan