Tả bác bảo vệ trường em


Tả bác bảo vệ trường em – Dàn ý

1.    Mở bài

–    Giới thiệu đối tượng định tả: tên tuổi, công việc của bác bảo vệ.

2.    Thân bài

–    Tả hình dáng:

+ Tầm vóc, kích thước.

+ Khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, nụ cười, giọng nói…

+ Cách ăn mặc hàng ngày như thế nào?

–    Tả tính tình, hành động.

+ Lời nói, ngôn ngữ sử dụng như thế nào?

+ Cư xử với mọi người xung quanh ra sao? Có thân thiện và tốt bụng không?

+ Thái độ của mọi người với bác bảo vệ như thế nào?

3.    Kết bài

–    Tình cảm, thái độ của em đối với bác bảo vệ.

Tả bác bảo vệ trường em – Bài làm

Trường tôi không rộng lắm nên chỉ có một bác bảo vệ trông coi. Ngày nào bác cũng làm những công việc giống nhau, trông nom trường học và giúp đỡ học trò, vì vậy mà chúng tôi ai cũng yêu quý bác.

Bác bảo vệ năm nay đã hơn sáu mươi tuổi. Trước đây, bác là bộ đội ở biên giới, lập được rất nhiều chiến công. Vì thế, chúng tôi thường gọi bác là dũng sĩ. Sau chiến tranh, bác trở về phục vụ quê hương. Mấy năm nay, bác vào làm bảo vệ ở trường tôi.

Điều ấn tượng đầu tiên với tôi và mọi người là làn da đặc biệt của bác. Làn da bị cháy đen, có chỗ loang lổ những vết sạm. Nhìn da bác, người ta như thấy được cả cái nắng, cái mưa khắc nghiệt của núi rừng bao năm tháng phá huỷ con người. Bác có gương mặt cương trực, nghiêm nghị mà lúc đầu nhìn thấy chúng tôi sợ lắm. Tuy đã nhiều tuổi nhưng đôi mắt bác vẫn sáng và tinh nhanh. Tôn thêm cho khuôn mặt là đôi lông mày dày rậm, toát lên vẻ mạnh mẽ.

>> Xem thêm:  Kể về một kỉ niệm đáng nhớ nhất của em

Bác bảo vệ đậm người, không cao mà cũng không thấp. Bác còn khoẻ mạnh, vững chắc lắm. Những bắp tay cuồn cuộn như một lực sĩ. Duy có đôi chân của bác không còn lành lặn nữa, một bên là chiếc chân gỗ. Trong chiến dịch năm xưa bác bị thương nặng nên muôn giữ tính mạng bác đă phải cưa mất một bên chân. Nhưng nhìn bác đi, khó ai có thể đoán được đấy không phải là chân thật. Bác đã quen lắm rồi, cái chân gỗ này đã là tri kỉ, nổ đã thành máu thịt của bác từ bao giờ không biết.

Bác bảo vệ có nhiều thói quen mà ở ngôi trường này không học sinh nào là không biết. Thoáng nhìn qua là nhận ra ngay bác. Dường như ngày nào, tháng nào bác cũng mặc những chiếc áo bộ đội đã cũ và bạc màu. Trên cầu vai có một mảnh vá nhỏ. Nhưng với bác, chiếc áo ấy là kỉ niệm cả một thời đạn bom oanh liệt. Nom bác mặc chiếc áo thật oai hùng. Nhất là những ngày lễ lớn, bác mặc nguyên một bộ quân phục nghiêm trang, đẹp đẽ.

Sáng nào bác cũng dậy từ rất sớm. Từ khi ông mặt trời vẫn còn đang ngái ngủ, bác đã dậy làm việc rồi. Bác đi kiểm tra một vòng, cẩn thận từng phòng, từng ngóc ngách, thấy cái gì hỏng bác liền sửa ngay. Rồi bác chăm vườn cây sau trường, chăm chút tĩ mỉ như đứa con của mình. Xong việc đâu đấy, bác ra mở rộng cánh cổng sắt, mỉm cười chào đón chúng tôi.

>> Xem thêm:  Bức tranh thiên nhiên làng quê qua “Lao xao” của Duy Khán – văn lớp 6

Thoạt nhìn thấy bác bảo vệ khó tính, nghiêm khắc và khó gần. Nhưng khi chuyện trò, tiếp xúc rồi thấy bác là cả một kho tàng, một thế giới. Nghe những câu chuyện về chiến tranh mà chúng tôi như nhìn thấy cả dân tộc qua bác. Không chỉ thế, bác còn thuộc rất nhiều dân ca, ca dao, hò vè, thuộc nhiều thơ văn cổ… Bác hát chèo rất hay nữa. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bác hát một trích đoạn cho học trò nghe. Chúng tôi nghe thích thú, say sưa quên cả về nhà…

Bác bảo vệ của chúng tôi không có một gia đình riêng. Bác coi ngôi trường này là nhà, coi các thầy cô giáo là anh chị em, coi học trò chúng tôi là con cháu… Bác đã hi sinh cả đời mình cho dân tộc, quê hương và giờ đây bác lại cống hiến sức lực còn lại cho thế hệ tương lai.

Hình ảnh bác bảo vệ đã quá thân quen và gần gũi với mỗi học sinh của trường. Nhìn bác, chiều chiều lầm lũi một mình chúng tôi thầm hỏi, trên đất nước Việt Nam ta còn bao nhiêu con người như thế.

Bài viết liên quan