Tả thầy giáo trong một giờ học đáng nhớ


Tả thầy giáo trong một giờ học đáng nhớ

Gợi ý

Thời gian trôi nhanh như thoi đưa! Thế mà đã được ba tháng kể từ khi thầy Quang chuyển trường. Nhưng những kỉ niệm của thầy vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí em. Đặc biệt là tiết Tập đọc ngày hôm ấy.

Theo sự phân công của nhà trường, thầy Quang dạy lớp em từ năm ngoái. Thầy có dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, nhưng khuôn mặt rất phúc hậu. Vầng trán cao rộng, biểu lộ sự thông minh. Mái tóc của thầy đã điểm những sợi bạc. Mỗi khi thầy đeo cặp kính cận trông thầy hệt như một nhà bác học tài ba. Đôi mắt tròn, đen lấp lánh như hai hòn ngọc thường nhìn chúng em rất hiền từ và trìu mến. Thầy ăn vận rất giản dị nhưng trông vẫn rất lịch sự. Và trong cái ngày đáng nhớ ấy, thầy đến lớp với chiếc áo sơ mi kẻ carô màu xanh, quần đen.

Vẫn như bao giờ học khác, khi thầy bước vào lớp, chúng em đứng đậy chào thầy. Thầy đáp lại bằng nụ cười tươi và đưa tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, thầy nói to: “Hôm nay là ngày cuối cùng thầy dạy các em. Hy vọng đây sẽ là một tiết học đáng nhớ của thầy trò ta”.

Rồi tiết học bắt đầu ngay trước khi cả lớp thôi ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Dưới bàn tay của thầy từng nét chữ hiện lên thật rắn rỏi mà vẫn rất đệp. “Bài thơ Bầm ơi là của nhà thơ Tố Hữu. Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm”. Tiếng thầy giảng bài bắt đầu vang lên, nghe to, rõ mà vẫn ấm áp lạ thường. Cũng vì giọng đọc này mà học sinh chúng em mê lắm những tiết Tập đọc của thầy. Suốt cả tiết học ngày hôm ấy trông thầy rất khác, vẫn khuôn mặt gầy gầy xương xương mọi hôm nhưng sao vẫn có gì khác lạ. Thầy giảng say sưa, cả lớp như chìm đắm trong bầu không khí kháng chiến, trong tình cảm chan chứa đậm đà của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trước sự nhiệt tình của thầy, cả lớp như bị cuốn bị hút vào bài thơ. Từng câu từng chữ sao dễ hiểu khác thường.

Và ngày hôm ấy cũng là lần đầu tiên em dám đứng lên phát biểu suy nghĩ của mình về một bài thơ, về mẹ. Không hiểu vì sao mà cái tính nhát của em bay đâu mất. Lời nói cứ tuôn ra như dòng cảm xúc trong em. Phải chăng chính sự hăng say và nhập tâm của thầy là nguyên nhân?

Nghe một vài ý kiến của các bạn trong lớp xong, thầy kể cho chúng em nghe một câu chuyện rất cảm động về sự hi sinh của một bà mẹ miền núi mà thầy chính là người trong cuộc. Giờ học không còn gò bó mà trở nên thân mật như trong một cuộc trò chuyện giữa thầy và trò…

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống tan giờ quen thuộc lại vang lên. Không như mọi hôm, sao hôm nay em muốn tiết học cứ dài mãi, dài mãi. Em muốn mãi được nghe thầy giảng văn, nghe thầy kể chuyện. Các bạn trong lớp ai cũng đồng tâm trạng ấy. Bất giác từ góc lớp vang lên tiếng hát khe khẽ:

“Khi thầy viết bảng..”., rồi tiếng hát to dần, cả lớp hát vang bài “Bụi phấn” Lúc ấy, em thấy trên khoé mắt hằn đầy nếp nhăn của thầy rơi xuống hai hàng nước trăng trắng mà người ta quen gọi là nước mắt. Rồi cả lớp khóc theo. Nghẹn ngào và xúc động… Nhớ lại lúc ấy sao em vẫn cảm thấy buồn.

Bây giờ đù không được học thầy nữa nhưng hình ảnh của thầy vẫn khắc sâu trong tâm trí chúng em, những học sinh lớp 5A. Em thầm hứa với thầy sẽ học thật tốt, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ để không phụ công dạy dỗ của thầy

>> Xem thêm:  Tả cơn mưa rào mùa hạ lớp 5

Sachtailieu.com

Bài viết liên quan