Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi (bài 3)


Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi (bài 3)

Hướng dẫn

  • Mở bài:

Nguyễn Trãi là một nhà văn, nhà thơ xuất chúng, một nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi lạc, một danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi phi thường và sáng ngời ý chí vì nước vì dân mà không quản ngại gian khổ, hy sinh.

  • Thân bài:

* Nguyễn Trãi – một cuộc đời đầy bi oan.

Nguyễn Trãi tên hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 mất năm 1442. Ông quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, một nho sĩ tài danh và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán – một quý tộc danh tiếng đời Trần.

Nguyễn Trãi có một tuổi thơ bất hạnh. Lên sáu tuổi, ông mất mẹ. Lên mười, ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi về ở Nhị Khê nơi cha dạy học. Ông gần gũi nông thôn từ đó. Đời sống văn hóa và phong cảnh làng quê bình dị ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn đa cảm của ông.

Năm hai mươi tuổi (Năm 1400), ông đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan cho nhà Hồ. Bảy năm sau (1407), giặc Minh sang cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đem về Trung Quốc cùng với cha con Hồ Quí Ly và các triều thần khác. Nguyễn Trãi và người em trai đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên, ông trở về, nhưng lại bị giặc Minh bắt giữ ở Đông Quan. Trốn thoát khỏi tay giặc, ông náu mình trong nhân dân, tìm đường cứu nước. Đây là thời gian ông đi sâu vào nông thôn, hiểu được đời sống nhân dân, thấm thía sức mạnh của dân, và nhờ đó, ông nhận ra chân lí: muốn cứu nước phải dựa vào dân.

Nung nấu ý chí “đền nợ nước, báo thù nhà”, khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi bèn trốn khỏi Đông Quan tìm vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách, được Lê Lợi trọng dụng. Ông đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân Lam Sơn suốt mười năm kháng chiến. Một mình ông đảm trách cả một mặt trận quan trọng: mặt trận chính trị ngoại giao. Với trí tuệ phi thường, tài năng lỗi lạc, Nguyễn Trãi từng bước thu phục các cứ quân, tạo thành sức mạnh to lớn của nghĩa quân Lam Sơn, đánh cho giặc Minh kinh hồn bạt vía phải rút khỏi nước ta.

>> Xem thêm:  Dẫn chứng về hạnh phúc, nghị luận về hạnh phúc

Sau chiến thắng, ông thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo, bố cáo cùng toàn thiên hạ về công cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn. Khi Le Lợi lên ngôi, ông ra làm quan dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Với tài năng và bản lĩnh phi thường ông đã ra sức chèo lái con thuyền của triều đình nhà Lê đi đúng con đường chính đạo mà tinh thần căn bản là thực hành nhân nghĩa để yên dân.

Với tính cách cứng cỏi, lòng thương người vô hạn, lấy lợi ích của dân đên làm đầu, Nguyễn Trãi không thể tránh khỏi sự ganh ghét của bọn quan tham. Chúng tìm đủ mọi mưu cớ để hãm hại ông. Đương lúc ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn.

Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian thần ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội tru di tam tộc vào năm 1442. Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau (năm1464), Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan. Có thể nói vụ án lệ chi viên là vụ án oan thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến việt nam.

Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi.

Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu), có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam thời bấy giờ, nhưng nổi bật hơn cả là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.

Trong lĩnh vực Thơ – Văn, Nguyễn Trãi đã để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, rất phong phú về thể loại, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi… song đa phần đã bị thất lạc trong vụ án Lệ Chi Viên. Những tác phẩm còn lại đến nay của ông, phần lớn được sưu tầm và tập hợp trong bộ Ức Trai thi tập.

Đánh giá về cuộc đời của Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông ca ngợi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tâm hồn Ức Tải sáng tựa sao khuê).

* Sự nghiệp văn học đồ sộ:

Về văn chính luận có:

Quân trung từ mệnh tập là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Thái Tổ gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm 1427. Phan Huy Chú đánh giá “Quân trung từ mệnh tập có sức mạnh hơn 10 vạn quân”.

Bình Ngô đại cáo là bản cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi ghi lại một thời kì đau thương mà oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh với những chiến thuật hết sức đúng đắn và sáng tạo làm cho quân thù phải khiếp sợ, đẩy chúng đến sự thất bại toàn diện và nhục nhã). Và nhiều tác phẩm khác, các chiếu biểu do Nguyễn Trãi viết ở nhiều thời kì khác nhau. Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy.

Về lịch sử:

Lam Sơn thục lục là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, do vua Lê Thái Tổ sai soạn vào năm 1432. Vấn đề tác giả của trước tác này vẫn còn chưa rõ ràng, dù cho đến nay nhiều người khẳng định rằng Lam Sơn thực lục là tác phẩm do Nguyễn Trãi biên soạn nhưng điều đó vẫn chỉ mang tính phỏng đoán.

>> Xem thêm:  Nêu những phẩm chất chung của người nông dân Việt Nam qua Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn) của Ngô Tất Tố và Lão Hạc của Nam Cao

Vĩnh lăng thần đạo bi là bài văn bia do ông viết ở Vĩnh Lăng – lăng của vua Lê Thái Tổ, kể lại thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ.

Về địa lý: Dư địa chí của Nguyễn Trãi là bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam trong đó ghi chép lại những sản vật và con người nước ta thế kỷ XV.

Về thơ phú:Ức trai thi tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn ca nổi tiếng. Quốc âm thi tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi. Đây là tập thơ nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam. Chí Linh sơn phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422. Băng Hồ di sự lục là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán.

* Tôn vinh:

Với những công lao và đóng góp vô cùng to lớn của ông trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Trãi đã được xem như nguồn tư liệu quí cho các cho các công trình nghiên cứu, các tác phẩm hội họa, văn học và nghệ thuật…Với tư cách là nhà văn hoá lớn, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và năm 1980, Nguyễn Trãi đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

  • Kết bài:

Nguyễn Trãi xứng đáng được người đời ca ngợi là bậc đại anh hùng dân tộc, nhân vật toàn thiện của lịch sử Việt Nam. Ông là một nhà chính trị tài ba, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao kiệt xuất, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ xuất chúng.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan