Tôi đi học
Tôi đi học
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nhà thơ Thanh Tịnh sinh ngày 11 – 12 – 1911 tại Huế, mất ngày 17 – 7 – 1988 tại Hà Nội, có tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh. Thanh Tịnh học tiểu học và trung học ở Huế, từ năm 1933 làm hướng dẫn viên du lịch rồi vào nghề dạy học. Đây cũng là thời điểm ông bắt đầu sáng tác văn chương.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Thanh Tịnh đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, truyện dài, thơ, ca dao, bút kí văn học,… song có lẽ thành công hơn cả là truyện ngắn và thơ.
2.Tôi đi học là loại truyện ngắn được cấu trúc theo dòng hồi tưởng “mơn man về buổi tựu trường” của nhân vật “tôi”. Nó gần như tự truyện, vừa nhẹ nhàng man mác vừa ngọt ngào quyến luyến với những dư vị buồn thương của kỉ niệm đầu đời.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN
1. Những yếu tố đã gợi lên trong lòng nhân vật “tôi” kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên đó là: thời tiết vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc.
Đọc toàn bộ truyện ngắn, những kỉ niệm này được nhà văn diễn tả theo trình tự:
– Từ hiện tại nhớ về quá khứ: tiết trời cuối thu, hình ảnh các em nhỏ đến trường gợi cho nhân vật “tôi” nhớ lại.
– Dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” trở về con đường cùng mẹ tới trường.
– Cảm giác của nhân vật “tôi” khi nhìn thấy ngôi trường ngày khai giảng, khi nhìn các bạn, lúc nghe gọi tên mình vào lớp.
– Tâm trạng hồi hộp của nhân vật “tôi” lúc ngồi vào chỗ của mình trong giờ học đầu tiên.
2. Những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “tôi” khi cùng mẹ đi trên đường tới trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp, khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên:
– Con đường, cảnh vật trên đường vốn rất quen nhưng lần này tự nhiên thấy lạ, nhân vật “tôi” cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình.
– Nhân vật “tôi” cảm thấy trang trọng và đứng đắn trong chiếc áo vải dù đen dài cùng mấy quyển vở mới trên tay.
– Cẩn thận, nâng niu mấy quyển vở, lúng túng muốn thử sức nên xin mẹ được cầm cả bút, thước như các bạn khác.
– Ngạc nhiên thấy sân trường hôm nay dày đặc cả người, ai cũng ăn mặc sạch sẽ, gương mặt tươi vui và sáng sủa.
– Ngôi trường vừa xinh xắn vừa oai nghiêm khác thường. Nhân vật “tôi” cảm thấy mình bé nhỏ, do đó lo sợ vẩn vơ.
– Giật mình và lúng túng khi nghe gọi đến tên mình.
– Càng cảm thấy sợ khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ.
– Nghe những tiếng khóc của bạn, cảm thấy bước vào thế giới khác, xa lạ.
– Vừa ngỡ ngàng, vừa tự tin khi bước vào giờ học đầu tiên.
3. Cảm nhận về thái độ, cử chỉ của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học:
– Ông đốc là một người lãnh đạo nhà trường rất hiền từ, nhân ái.
– Thầy giáo trẻ niềm nở, tươi cười đón nhận học sinh lớp mới.
– Các bậc phụ huynh đều chuẩn bị chu đáo cho con em mình trong buổi tựu trường đầu tiên, đều trân trọng dự buổi khai giảng và cũng hồi hộp như các em.
Thái độ, cử chỉ của những người lớn đối với các em bé (trong lần đầu đi học) tỏ ra rất có trách nhiệm, tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong các em ngay từ buổi đầu tiên đến trường.
4. Các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn:
– Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
– Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
– Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.
– Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Các hình ảnh so sánh trên thể hiện:
– Cảm giác trong sáng tươi vui của nhân vật “tôi” khi lần đầu đến lớp.
– Ý nghĩ thơ-ngây của nhân vật “tôi” khi muốn thử sức mình.
– Tâm trạng bỡ ngỡ của các học sinh lần đầu đến lớp.
– Khao khát được trưởng thành của các học sinh lần đầu đến lớp.
5. Đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn Tôi đi học:
– Truyện được cấu tạo theo dòng hồi tưởng, mạch truyện phát triển theo trình tự thời gian và cảm nghĩ chân thành của nhân vật “tôi”.
– Trong truyện, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức kể và tả. Điều đó giúp cho cảm xúc, tâm trạng của nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên, hợp lí.
Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên từ:
– Tình huống truyện.
– Ý nghĩ ngây thơ của nhân vật “tôi”.
– Hình ảnh thiên nhiên, ngôi trường và những nhân vật khác qua lời kể của nhân vật “tôi”.
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Cảm nghĩ về dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Tôi đi học:
– Đó là dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động trước sự biến đổi của thiên nhiên và cảnh vật: thời tiết vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc.
– Thời gian và không gian ấy gợi mở những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường đầu tiên trong đời: Từ con đường, cảnh vật vốn rất quen nhưng lần này tự nhiên thấy lạ, nhân vật “tôi” cảm thấy trang trọng và đứng đắn ; ngạc nhiên thấy trong sân trường hôm nay ai cũng ăn mặc sạch sẽ, gương mặt tươi vui và sáng sủa ; ngôi trường vừa xinh xắn vừa oai nghiêm khác thường. Nhân vật “tôi” từ cảm giác thấy mình bé nhỏ, lo sợ vẩn vơ đến giật mình và lúng túng khi nghe gọi đến tên mình ; cảm giác trống trải khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ.
– Bước vào thế giới khác, vừa gần gũi vừa xa lạ.
– Vừa ngỡ ngàng, vừa tự tin khi bước vào giờ học đầu tiên.
Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” hoà quyện giữa trữ tình (biểu cảm) với tả và kể (tự sự) vừa mượt mà vừa tạo nên sự xao xuyến khôn nguôi.
2. Để viết bài văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên, cần chú ý:
– Kể lại tâm trạng khi đến trường.
– Khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật xung quanh hôm đó.
– Cảm nhận về hình ảnh trường (sân trường, lớp học, các bạn, thầy (cô) giáo).
– Ấn tượng về việc đón tiếp của thầy (cô) giáo.
– Ý nghĩ về buổi học đầu tiên,…
Mai Thu