Truyện Kiều
Truyện Kiều
Hướng dẫn
NGUYỄN DU
I. Cuộc đời
Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chính là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, nguyên quán ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuất thân trong một dòng họ đại quý tộc, không chỉ nổi tiếng về danh vị mà còn có truyền thông văn hóa và trước tác thơ văn, Nguyễn Du là con thứ bảy (Chiêu Bảy) của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm và bà vợ thứ ba của ông là Trần Thị Tần. Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ, làm đến chức Tể tướng thời Lê – Trịnh, còn bà Trần Thị Tần người xứ kinh Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay).
Thuở nhỏ, Nguyễn Du được thừa hưởng từ gia đình mình nền học vấn uyên bác và tài hoa văn học rực rỡ. Nhưng cũng từ đây ông đã được tận mắt nhìn thấy con đường phá sản của chế độ phong kiến diễn ra ngay trong gia đình mình. Năm lên 10 tuổi cha mất, 13 tuổi mẹ lại mất, Nguyễn Du phải sống với anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Nguyễn Khản từng làm quan đến chức Tham tụng, nổi tiếng phong lưu và là người rất mê hát xướng. Năm 1783, Nguyễn Du thi đỗ tam trường (tú tài) và được tập ấn nhận một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên. Do nhiều biến cố lịch sử từ năm 1789, Nguyễn Du phải trải qua những năm tháng lận đận có khi đến bữa thiếu ăn, ốm đau không có thuốc uống. Đến năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn. Con đường tiến thân của ông có thể nói là thuận lợi. Nguyễn Du đã được phong đến Tham tri bộ lễ, hai lần được cử đi sứ Trung Quốc. Tuy vậy, ông “vẫn giữ vẻ thanh nhã, giản đơn như một người học trò nghèo”. Cuối đời lâm bệnh nặng, ông không chịu uống thuốc, và lặng lẽ ra đi vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn 1820.
Năm 1965, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỉ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông.
II. Sự nghiệp văn học
1. Các sáng tác chính
– Tác phẩm chữ Nôm:
+ Truyện Kiều.
+ Văn Chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh).
– Tác phẩm chữ Hán:
+ Thanh hiên thi tập.
+ Nam trung tạp ngâm.
+ Bắc hành tạp lục.
2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật
a. Đặc điểm nội dung
Nhìn chung các tác phẩm của Nguyễn Du có một cảm hứng chủ đạo nhất đó là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đốì với cuộc sống và con người, đặc biệt là dành cho những con người nhỏ bé bất hạnh, dành cho người phụ nữ, người ăn mày, người mù hát rong, những ca nhi, kĩ nữ. Đặc biệt, Nguyễn Du là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một cách tập trung vấn đề thân phận của những người phụ nữ có nhan sắc và tài hoa về văn chương nghệ thuật. Đây là vấn đề rất mới, rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: Xã hội cần phải trân trọng những giá trị tinh thần như nghệ thuật, thi ca, do đó cần phải trân trọng chủ nhân sáng tạo ra những giá trị tinh thần đó.
b. Đặc điểm nghệ thuật
Làm đủ các thể ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, và ca, hành (nhạc phủ…). Không chỉ thơ chữ Hán mà thơ chữ Nôm của Nguyễn Du cũng xuất sắc. Đặc biệt là thể thơ lục bát. Đúng như sách giáo khoa nhận định: Thể thơ lục bát đến Truyện Kiều của ông đã chứng tỏ khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn của thể loại truyện thơ.
Mai Thu