Tuần 5 – Lẽ ghét thương


Tuần 5 – Lẽ ghét thương

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Truyện Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, khi ông đã bị mù, về dạy học và chữa bệnh ở Gia Định. Truyện ban đầu được các học trò của Nguyễn Đình Chiểu ghi chép và truyền bá trong phạm vi nhà trường, sau đó mới lan truyền nhanh chóng ra ngoài xã hội, biến thành một truyện kể, lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng, qua những sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở Nam Kì như "kể thơ", "nói thơ", "hát thơ" Lục Vân Tiên.

Cốt truyện Lục Vân Tiên xoay quanh cuộc xung đột giữa thiện và ác, nhằm đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lí tưởng của tác giả và của nhân dân đương thời về một xã hội tốt đẹp mà ở đó mọi quan hệ giữa con người với con người đều thắm đượm một tình cảm yêu thương nhân ái. Truyện Lục Vân Tiên đậm chất Nam Bộ. Ngôn ngữ thơ bình dị, nôm na mang nhiều chất dân dã, đời thường. Nhân vật được khắc hoạ chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ hơn là qua diễn biến nội tâm.

2. Đoạn trích này nằm ở phần đầu của truyện, từ câu 473 đến câu 504 trong tổng số 2082 câu của truyện thơ. Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực kết nghĩa anh em, rồi cùng tới kinh đô ứng thí. Họ vào nghỉ trong một quán trọ, ở đây, họ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Bốn người cùng làm thơ để trổ tài cao thấp. Thấy Tiên, Trực làm thơ nhanh và hay, Kiệm và Hâm có ý nghi ngờ hai người sao chép thơ cổ. Trước tình cảnh ấy, ông Quán tỏ ra khinh bỉ vô cùng những kẻ bất tài lại hay đố kị. Ông Quán nằm trong hệ thống các lực lượng phù trợ cho nhân vật chính trên con đường thực hiện lí tưởng nhân nghĩa. Dù chỉ xuất hiện ít, nhưng nhân vật đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai. Ông Quán có dáng dấp một nhà nho đi ở ẩn song tính cách lại mang đậm chất dân dã miền Nam: nóng nảy, bộc trực, ghét kẻ tiểu nhân, ích kỉ nhỏ nhen, nhưng lại giàu lòng thương yêu những con người bất hạnh. Ở đoạn sau, khi biết Vân Tiên gặp cảnh ngộ éo le, phải bỏ thi về chịu tang mẹ, ông đã bươn bả đuổi theo giúp đỡ chàng. Đoạn thơ trích kể lại cuộc đối thoại giữa ông và bốn chàng nho sinh trong quán rượu.

>> Xem thêm:  Tuần 14 - Bản tin

Sau lời ông Quán, Vân Tiên, Tử Trực đều cảm phục và ngợi ca, trong khi đó, Trịnh Hâm còn mắng lại. Trong lòng Trịnh Hâm cũng bắt đầu nảy sinh sự đố kị, ghen ghét, sẽ dẫn đến hành động tội ác của hắn ở đoạn sau.

Đoạn trích thể hiện tình cảm yêu ghét phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Đoạn thơ có nhiều điển cố rút ra từ sử sách Trung Quốc. Đây là một trong những tính chất cơ bản của văn chương trung đại – tính ước lệ. Các điển tích thể hiện rất rõ sự ghét thương minh bạch của ông Quán với từng kiểu con người và từng triều đại. Đời Kiệt, Trụ thì hoang dâm vô độ, rượu chè, trai gái đến mức tột cùng (vua Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng rồi cho bọn con trai, con gái thả sức ăn chơi, dâm dật, xem đó là thú vui). Đời U, Lệ thì lắm đa đoan (U Vương say đắm Bao Tự. Bao Tự thích nghe tiếng lụa xé, bởi vậy mà để muạ vui cho người đẹp, vua có thể sai người mỗi ngày xé hàng trăm tấm lụa. U Vương còn sai quân lính đốt lửa hiệu trên núi Li Sơn để quân các nước chư hầu tưởng có biến, tất tả kéo đến ứng cứu, mục đích chỉ cốt để làm cho Bao Tự… bật cười). Đời Ngũ bá, thúc quý thì lộn xộn, chia lìa, đổ nát, chiến tranh liên miên. Tất cả các triều đại được nhắc đến trong lời ông Quán đều có một điểm chung, đó là sự suy tàn. Những người đứng đầu nhà nước thì say đắm trong tửu sắc, không chăm lo đến đời sống của nhân dân.

Phê phán các triều đại suy tàn, Nguyễn Đình Chiểu đã đứng trên lập trường nhân dân. Ở trong đoạn thơ trích này, mỗi cặp câu lục bát là một tiếng dân được nhắc đến. Tất cả những lời kết tội đều gần như xoay quanh một ý: ở các thời đại đó, chỉ có dân là phải gánh chịu mọi tai ách, khổ đau ("Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang,… Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần,… Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn,… Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân"). Như vậy tác giả đã xuất phát từ quan điểm nhân dân mà phẩm bình lịch sử. Đó là cơ sở của sự ghét, ghét sâu sắc, cay nghiệt đến tột cùng cảm xúc (Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm).

Đi liền ngay sau những câu thơ bày tỏ thái độ ghét là những câu thơ bày tỏ lẽ thương. Lẽ thương hướng đến những con người cụ thể như: đức thánh nhân, thầy Nhan Tử, ông Gia Cát, thầy Đổng Tử, người Nguyên Lượng, ông Hàn Dữ, thầy Liêm, Lạc. Đây đều là những người có tài, có đức và nhất là họ đều có chí muốn hành đạo giúp đời, giúp dân nhưng đều không đạt được sở nguyện của mình vì không được xã hội phong kiến chấp nhận (Khổng Tử lận đận "Khi nơi Tống Vệ, lúc Trần, lúc Khuông", Nhan Uyên thì "dở dang" chết sớm, Gia Cát Lượng thì "đã đành phui pha" vì không thể xoay chuyển nổi thời vận của nhà Hán, Đổng Trọng Thư chí lớn mà "không ngôi", Nguyên Lượng phải "lui về cày", Hàn Dũ thì bị "đày đi xa", Liêm, Lạc bị "xua đuổi"). Bấy nhiêu con người đều có những nét đồng cảnh ít nhiều với chính Nguyễn Đình Chiểu. Bởi chính nhà thơ cũng đã từng nuôi chí hành đạo giúp đời, lập nên công danh sự nghiệp. Nhưng cuộc đời nhà thơ có quá nhiều bất hạnh, hơn nữa thời buổi nhiễu nhương khiến những người tài đức cũng phải lẩn tránh những nơi danh lợi. Bởi thế, tình thương yêu đối với mỗi con người trong lịch sử ở đây cũng chính là niềm cảm thông sâu sắc tận đáy lòng Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu đã vì cuộc đời, vì sự bình an của nhân dân mà thương mà tiếc cho những tài năng không được trọng dụng, để đến nỗi đành phải "phui pha".

>> Xem thêm:  Tuần 15 - Luyện tập viết bản tin

2. Đoạn trích khá thành công trong việc sử dụng cặp từ đối nghĩa ghét – thương. Từ ghétthương đều được lặp lại 12 lần, sắp đặt sóng đôi, đăng đối khá linh hoạt (hay ghét – hay thương; thương ghét – ghét thương; ghét ghét – thương thương; lại ghét – lại thương). Phép lặp cũng như sự vận dụng linh hoạt hai từ ghét – thương đã giúp biểu hiện nổi bật và phân minh hai tình cảm trong tâm hồn tác giả. Trong trái tim của nhà thơ, ghét và thương rành rọt, không mập mờ, lẫn lộn và đều sâu nặng, không nhạt nhoà, chung chung. Việc lặp lại hai từ này cũng làm tăng lên đáng kể cường độ của cảm xúc: yêu thương và căm ghét đều đạt đến độ tột cùng, đều hết sức nồng nhiệt.

3. Yêughét là hai tình cảm có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời trong tâm hồn của nhà thơ. Bởi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai một tài năng, chí nguyện nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét sâu sắc những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét cứ đan cài, nối tiếp nhau hoà cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu vậy.

>> Xem thêm:  Tuần 3 - Thương Vợ

Đoạn thơ mang tính chất triết lí đạo đức mà không hề khô khan, cứng nhắc, trái lại vẫn giàu chất trữ tình và dạt dào cảm xúc. Những cảm xúc sâu sắc và nồng đượm đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ, từ một trái tim nặng trĩu tình đời, tình người tha thiết.

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu thơ thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn trích là câu: "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Có thể dựa vào những ý đã phân tích ở trên để viết đoạn văn cho hợp lí.

Mai Thu

Bài viết liên quan