[Văn mẫu học trò] Giải thích ý nghĩa câu nói: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn


[Văn mẫu học trò] Giải thích ý nghĩa câu nói: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn

Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

Giới hạn cao nhất để nối liền hai tâm hồn là biết cách nói ít hơn để nghe đối phương được nhiều hơn. Có lẽ vì vậy có người cho rằng: “ Chúng ta có hai cái tai và một cái miệng để nghe nhiều hơn nói”.

2. Thân bài:

Giải thích:

– “ Tai” và “ miệng” là hai bộ phận trên cơ thể trong đó, “ tai” có chức năng lắng nghe âm thanh, là bộ phận tiếp nhận thông tin; “ miệng” là cơ quan phát âm có chức năng truyền tải ý nghĩ, cảm xúc thành lời nói, dùng để thể hiện, bộc lộ con người cá nhân.

=>  “Hai tai” và “ một miệng” là cấu trúc diện mạo tự nhiên của con người nhằm khuyên mọi người cần biết lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn.

Bình luận, chứng minh, phân tích, mở rộng:

– Vai trò của miệng:

+ Giúp nói ra những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó để người khác hiểu mình cũng như thể hiện nhu cầu được nói, được giao tiếp.

+ Thể hiện trình độ, sự tự tin giao tiếp.

-Tác hại của việc nói nhiều:

+ Không tôn trọng đối phương.

+ Không còn cơ hội để lắng nghe những thanh âm đa dạng của cuộc sống, không còn thời gian để lắng nghe người bên cạnh nói.

+ Làm hẹp khả năng tiếp nhận thông tin và hạn chế sự giao lưu đa chiều của chính mình.

-Tác hại của việc nghe ít: làm giảm cơ hội và khả năng tiếp nhận thông tin, làm hạn chế tầm hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh

=>  Cần nghe nhiều nói ít. Tác dụng của nghe nhiều nói ít:

+ Thể hiện tầm văn hóa và ý thức của một con người.

+ Giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều hơn thông tin, kiến thức.

+ Tạo điều kiện để cuộc giao tiếp được diễn ra suôn sẻ, giúp ta có thêm những mối quan hệ tốt đẹp, bền lâu.

+ Giúp ta nhìn nhận lại được bản thân mình để hoàn thiện hơn…

– Nghe nhiều nói ít không chỉ là nghe giọng ai đó nói mà còn là lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn người đối diện.

>> Xem thêm:  Tả lại đêm trăng rằm

– Mọi lời nói ta luôn phải tôn trọng lắng nghe nhưng để tiếp thu được cần phân tích nó qua từng mức độ phải trái đúng sai để không nhìn nhận sai lệch vấn đề.

– Chỉ nói mà không làm sẽ gây mất niềm tin của người khác và tự hạ thấp giá trị của bản thân mình. Chỉ nói mà không biết lắng nghe sẽ tự cô lập mình và khiến bản thân nghèo đi cả về nhận thức, tình cảm và các cơ hội để tạo lập, củng cố những mối quan hệ giữa con người với con người.

3. Kết bài:

Nghe nhiều nói ít không phải là hành vi dễ thay đổi. Nó thuộc về thói quen và văn hoá con người. Nhưng mọi thói quen đều bắt nguồn từ những hành động nhỏ. Bởi vậy, từ hôm nay chúng ta hãy học cách nghe nhiều hơn nói.

chung ta co hai tai va mot mieng - [Văn mẫu học trò] Giải thích ý nghĩa câu nói: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn

Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn

Bài văn tham khảo

Cái đích cuối cùng của cuộc đời một con người là sự bình yên, niềm hạnh phúc. Để có được hạnh phúc, chúng ta phải có sự đồng cảm và tình yêu thật lòng từ hai tâm hồn. Mà, giới hạn cao nhất để nối liền hai tâm hồn là biết cách nói ít hơn để nghe đối phương được nhiều hơn. Có lẽ vì  vậy có người cho rằng: “ Chúng ta có hai cái tai và một cái miệng để nghe nhiều hơn nói”.

“ Tai” và “ miệng” là hai bộ phận trên cơ thể trong đó, “ tai” có chức năng lắng nghe âm thanh, là bộ phận tiếp nhận thông tin; “ miệng” là cơ quan phát âm có chức năng truyền tải ý nghĩ, cảm xúc thành lời nói, dùng để thể hiện, bộc lộ con người cá nhân. Câu nói mượn hai hình ảnh “ hai tai” và “ một miệng” là cấu trúc diện mạo tự nhiên của con người nhằm khuyên mọi người cần biết lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn.

Tai có hai cái và miệng chỉ có một nhưng cả tai và miệng đều có vai trò, ý nghĩa riêng. Miệng giúp ta bộc lộ, bày tỏ tình cảm, nói ra những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó để người khác hiểu mình cũng như thể hiện nhu cầu được nói, được giao tiếp. Nói ra những điều mình biết là thể hiện mức độ am hiểu tri thức, trình độ học vấn, sự tự tin trong giao tiếp của bản thân và có khả năng làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của người khác.

>> Xem thêm:  Bài của Xuân Quỳnh có đoạn: "Ôi con sóng ngày xưa(...) Cả trong mơ còn thức. Hãy phân tích đoạn thơ để làm nổi rõ sức gợi cảm phong phú, bất ngờ của hình tượng "sóng" trong sự liên hệ, đối sánh với nhân vật trữ tình “em”

Tuy nhiên, nói nhiều quá cũng không tốt. Bởi khi nói nhiều là ta đang không tôn trọng đối phương, ta sẽ không còn cơ hội để lắng nghe những thanh âm đa dạng của cuộc sống, không còn thời gian để lắng nghe người bên cạnh nói. Từ đó ta tự làm hẹp khả năng tiếp nhận thông tin và hạn chế sự giao lưu đa chiều của chính mình. Nói nhiều, ta dễ nói sai, nói thiếu chọn lọc, nói không đúng trọng tâm vừa làm mất đi tính đúng đắn của câu chuyện vừa khiến người nghe khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân. Nói nhiều không tốt và nghe ít cũng vậy. Nghe ít làm giảm cơ hội và khả năng tiếp nhận thông tin, làm hạn chế tầm hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh, khiến chúng ta không có những mối quan hệ tốt đẹp.

Do vậy,chúng ta cần có sự kết hợp hài hòa giữa nghe và nói. Nhận định ở đề bài nhấn mạnh ta có hai tai và chỉ có một cái miệng cũng đồng nghĩa, ta cần phải nghe nhiều hơn và nói ít hơn. Nghe nhiều nói ít là hành động thể hiện tầm văn hóa và ý thức của một con người. Nó giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều hơn thông tin, kiến thức để có thêm nhiều hiểu biết. Khi nghe người khác nói là ta đang tôn trọng họ, tạo điều kiện để cuộc giao tiếp được diễn ra suôn sẻ, giúp ta có thêm những mối quan hệ tốt đẹp, bền lâu cùng nhiều bài học cuộc sống có giá trị để ứng phó với những phức tạp của cuộc đời. Ai đó đã nói: “ Người trong cuộc mê muội, người ngoài bàng quan tỉnh táo”. Không ai nhìn được mình từ sau lưng nên chúng ta thường không để ý đến khiếm khuyết bản thân. Do đó, lắng nghe nhiều sẽ giúp ta nhìn nhận lại được bản thân mình để hoàn thiện hơn.

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát

Nghe nhiều nói ít không chỉ là nghe giọng ai đó nói mà còn là lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn người đối diện. Sự am hiểu và mức độ thân thiết của người với người đơn giản là khả năng lắng nghe lời thì thầm trong trái tim người còn lại. Họ chẳng cần nói ra thành lời, ta vẫn hiểu họ đang suy nghĩ gì, đang cảm thấy ra sao, đang vui hay buồn. Đó mới là mối quan hệ đích thực mà con người luôn hướng đến.

Ta cần biết rằng, nghe nhiều là để thấu hiểu, tự hoàn thiện bản thân và để có định hướng cho hành động, trong đó có cả hành động nói. Nghe nhiều giúp ta có thêm cơ hội để lựa chọn, để tốt hơn nhưng không có nghĩa ta chỉ biết lắng nghe mà không cần phân tích, sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lí. Sainake từng nói: “ Tin tất cả mọi người và hoài nghi mọi người đều sai lầm như nhau”. Mọi lời nói ta luôn phải tôn trọng lắng nghe nhưng để tiếp thu được cần phân tích nó qua từng mức độ phải trái đúng sai để không nhìn nhận sai lệch vấn đề. Bên cạnh đó, nghe nhiều nói ít không có nghĩa là ta chỉ lắng nghe mà không đưa ra ý kiến cá nhân. Có điều, nói là cần thiết song nếu chỉ nói mà không làm sẽ gây mất niềm tin của người khác và tự hạ thấp giá trị của bản thân mình. Chỉ nói mà không biết lắng nghe sẽ tự cô lập mình và khiến bản thân nghèo đi cả về nhận thức, tình cảm và các cơ hội để tạo lập, củng cố những mối quan hệ giữa con người với con người.

Nghe nhiều nói ít không phải là hành vi dễ thay đổi. Nó thuộc về thói quen và văn hoá con người. Nhưng mọi thói quen đều bắt nguồn từ những hành động nhỏ. Do đó, từ hôm nay, bạn hãy cùng tôi học cách nghe nhiều hơn và nói ít đi.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan