[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả tác phẩm

2. Thân bài

Khổ 1

* Câu đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là câu hỏi nhưng lại gợi cảm giác như lời trách nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ (Lời nhà thơ tự trách, tự hỏi mình, là ước ao thầm kín của người đi xa được về lại thôn Vĩ).

+ “Về chơi” ≠ “về thăm”.

“Về thăm” có vẻ xã giao.

“Về chơi” mang sắc thái thân mật, tự nhiên, chân tình hơn.

=> Câu hỏi là duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu của xứ Huế, trước hết là Vĩ Dạ- nơi có người mà nhà thơ thương mến và đẹp nhất là cảnh thôn Vĩ trong ánh bình minh.

* Ba câu sau: Vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông.

– Hai câu 2&3:

+ Không tả mà chỉ gợi những gì gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc, còn lưu trong tâm trí người ở nơi xa.

+ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”: phác qua cái nhìn từ xa tới, chưa đến Vĩ Dạ nhưng đã thấy những hàng cau thẳng tắp, cao vút, vượt lên trên những cây khác, những tàu lá cau lấp lánh ánh mặt trời buổi sớm mai.

=> Quan sát tinh tế: cái đẹp của thôn Vĩ không phải chỉ do “nắng” hay do “hàng cau” mà là do “nắng hàng cau”, do sự hài hoà của ánh nắng vàng rực rỡ trên hàng cau tươi xanh.

Hai chữ “nắng” trong câu thơ bảy chữ gợi đúng đặc điểm của nắng miền Trung: nắng nhiều, chói chang, rực rỡ ngay từ lúc bình minh. “Nắng mới lên” thật trong trẻo, tinh khiết, có cảm giác ánh nắng ấy làm bừng sáng cả khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.

+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”: cái nhìn thật gần của người như đang đi trong những khu vườn tươi đẹp của thôn Vĩ. Có thể coi cái thần thái của thôn Vĩ là vườn cây, vườn bao bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà thành một cấu trúc thẩm mĩ xinh xắn.

“Mướt”: gợi được sự chăm sóc chu đáo, gợi được vẻ tươi tốt, đầy sức sống của vườn cây cũng như cái sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá cây dưới ánh mặt trời.

“Vườn ai mướt quá”: mang sắc thái ngợi ca.

“Xanh như ngọc”: phép so sánh thật đẹp gợi hình ảnh những lá cây xanh mướt, mượt mà được “nắng mới lên”, cái ánh nắng mặt trời rực rỡ buổi sớm mai chiếu xuyên qua trở nên có màu xanh trong suốt và ánh lên như ngọc.

=> Tình yêu thiên nhiên, cuộc sống tha thiết, ân tình sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”: Sự xuất hiện của con người làm cảnh vật thêm sinh động. Tuy nhiên, con người xuất hiện thật kín đáo, rất đúng với bản tính của người Huế, vì chỉ thấy thấp thoáng sau những chiếc lá trúc là khuôn mặt chữ điền, khuôn mặt của người ngay thẳng, cương trực, phúc hậu theo quan niệm thời xưa.

=> Hàn Mặc Tử càng gợi rõ hơn thần thái của thôn Vĩ: cảnh xinh xắn, người phúc hậu, thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng

Khổ 2

– Hai câu đầu: Bao quát toàn cảnh

+ Tả thực vẻ êm đềm, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng nước chảy lững lờ, cây cỏ khẽ đung đưa.

+ Nghệ thuật nhân hoá => thiên nhiên cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng con người.

Nhịp thơ 4/3 => sự chia li, tan tác.

Sự vận động ngược chiều của hình ảnh thơ => sự trống vắng của không gian.

=> Hình ảnh đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, dường như nó phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ.

– Hai câu thơ sau: dòng sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo

+ Cảnh thực mà như ảo: Dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng, dòng ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ làm cho không gian nghệ thuật thêm hư ảo, mênh mang. Con thuyền vốn có thực trên sông trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ.

>> Xem thêm:  Phân tích và bình luận về vẻ đẹp tâm hồn của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

+ Con thuyền, dòng sông, ánh trăng trong sự hồi tưởng của quá khứ lại gắn với cảm nghĩ của nhà thơ trong hiện tại. Nhà thơ muốn con thuyền chở trăng về kịp “tối nay” chứ không phải mộ tối nào khác. Phải chăng trong “tối nay”, nhà thơ có điều gì muốn tâm sự và chỉ có trăng mới hiểu được?

=> Cho thấy tâm hồn nhà thơ có buồn và cô đơn, khắc khoải nhưng vẫn chan chứa tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế.

Khổ 3

– Nhà thơ trực tiếp tâm sự với người xứ Huế.

– Điệp ngữ “Khách đường xa”: nhấn mạnh thêm nỗi xót xa. Câu thơ đầu như lời tâm sự của nhà thơ với chính mình: Trước lời mời của cô gái thôn Vĩ, có lẽ nhà thơ chỉ là người khách quá xa xôi, hơn thế, chỉ là người khách trong mơ.

Có thể hiểu câu thơ theo hai nghĩa:

+ Về nghĩa thực: Xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều cũng nhiều sương khói, sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế nhưng sương khói đều màu trắng, “áo em” cũng màu trắng thì chỉ thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo.

+ Về nghĩa bóng: cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho cái huyền hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu, xa vời?

– Câu cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời.

Nhà thơ sử dụng rất tài tình đại từ phiếm chỉ “ai” => câu thơ trở nên đa nghĩa:

+ Nhà thơ làm sao mà biết được tình người xứ Huế có đậm đà không hay cũng mờ ảo, dễ có chóng tan như sương khói kia?

+ Người xứ Huế có biết chăng tình cảm nhà thơ với cảnh Huế, người Huế hết sức thắm thiết, đậm đà?

=> Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.

3. Kết bài

Tổng kết về nội dung và nghệ thuật

phan tich bai tho day thon vi da - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Bài văn tham khảo

Phong trào thơ mới 1932-1945 đã để lại dấu ấn mới mẻ trong tâm trí bạn đọc, bởi những tác phẩm trong phong trào này đã đánh thức tâm trí và trái tim của những tâm hồn khát khao sống, khát khao yêu, khát khao tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc của xã hội cũ, khỏi những định kiến mà luôn mở mang tiếp nhận cái mới. Trong số những nhà thơ mới nổi bật người ta không thể quên một Xuân Diệu luôn khát khao yêu, khát khao sống mãnh liệt, khát khao tìm kiếm thế giới đẹp đẽ ở chốn hồng trần, một Huy Cận não nề có sự hòa hợp tuyệt với giữa thơ cũ và thơ mới, một Huy thông ảo não… và trong số tất cả những nhà thơ mới mà chúng ta được gặp gỡ được học hỏi, Hàn Mặc Tử nổi bật lên là cây bút lạ lùng và độc đáo, bởi thơ của ông có sự tương giao màu nhiệm giữa hai thế giới trần tục và cõi mơ, ông Là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo dồi dào nhất trong Trường thơ loạn (gồm Yến Lan, Bích Khê, Chế Lan Viên) và phong trào Thơ mới. Chế Lan Viên gọi Hàn Mặc Tử là ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam. Thơ ông kì dị, đầy bí ẩn và phức tạ nhưng chứa đựng một tình yêu đau đớn với con người và cuộc sống. Trong số những sáng tác của Hàn Mặc Tử bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những sáng tác mang đậm dấu ấn phong cách của ông, đồng thời thể hiện tình yêu đời mãnh liệt nhưng cũng đau đớn tột cùng trong tình yêu.

Mở đầu bài thơ tác giả viết:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc chen ngang mặt chữ điền

Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi, nhưng đó là câu hỏi nhiều lưu luyến nhiều ẩn ý, Sao anh không về chơi thôn Vĩ?  Câu hỏi nhưng ẩn đằng sau đó là lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái đối với chàng trai, chàng trai đã quên hay không còn nhớ mình sẽ về thôn Vĩ chơi. Câu thơ tiếp theo hé lộ cho người đọc hình ảnh khu vườn thôn Vĩ, nắng hàng cau là ánh nắng buổi sáng sớm, ánh nắng ban mai ấy chiếu ngang những hàng cau khiến chúng đổ bóng thẳng tắp xuống mặt đất, trong ánh nắng buổi sáng tinh mơ ấy hiện lên khu vườn xanh mát mắt, khu vườn ấy được ví như viên ngọc bích quý giá- món quà của thiên nhiên, và ẩn hiện đằng sau khu vườn ấy là dáng hình của cô gái đang e ấp thẹn thùng sau lá trúc. Cô gái có khuôn mặt chữ điển phúc hậu khiến cho ai đi qua cũng nao lòng:

>> Xem thêm:  Hãy tả một con vật trong nhà em

Mặt em vuông tựa chữ điền

Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài

Lòng em có đất có trời

Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung

Bài thơ thật đặc biệt khi mở đầu bằng hình ảnh hồn nhiên, trong trẻo khiến người đọc ấn tượng, ngỡ ngàng, tác giả sử dụng từ mướt chứ không phải mượt, từ mướt gợi sự mềm mại, có chút óng ánh của ánh nắng ban mai chiếu lên đó, với biện pháp tu từ so sánh tác giả đã ví khu vườn ấy như một viên ngọc bích đẹp đẽ giữa cuộc đời. Hình ảnh con người và thiên nhiên hòa quyện với nhau không ngừng vẽ nên một bức tranh đẹp tự nhiên và gần gũi với đời sốngPhải là một tâm hồn khát khao yêu đời, yêu cuộc sống trần thế thì Hàn Mặc Tử mới có những vần thơ xanh tươi, đẹp đẽ đến vậy. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nhiều ẩn ức và đau khổ, nỗi đau cũng như niềm vui tác giả gửi cả vào những trang thơ, khổ thơ đầu tiên phản ánh tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống của chính tác giả, tác giả gửi cả tâm hồn mình hòa quyện vào đó. Phải chăng vì quá nhớ Huế và nhớ tấm lòng người con gái thơm thảo mà chính tác giá đã có những vần thơ ấn tượng, gợi thương nhớ trong lòng người đọc như vậy.

Tiếp nối khổ đầu tiên, khổ thử hai, Hàn Mặc Tử giãi bày:

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Khung cảnh thiên nhiên được mở ra với hình ảnh gió và mây, hai sự vật song song với nhau không hề gặp nhau, tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa nhằm chỉ về sự chia ly, cách biệt, phải chăng trong chính tâm hồn của nhà thơ đang có sự đổ vỡ, trống rỗng chính vì vậy mà bản thân tác giả muốn tìm một nơi nương tựa cho tâm hồn mình. Tác giả sử dụng từ buồn thiu đặc tả sự cô đơn, đau khổ của chính mình, cảnh buồn người có vui đâu bao giờ, cảnh dù đẹp dù tươi nhưng lòng người đã vương buồn vương sầu thì không thể có cái nhìn lạc quan, tích cực, chính vì thế Hàn Mặc Tử đã mượn hình ảnh thiên nhiên để giãi bày chính tấm lòng mình. Thuyền và trăng là hai hình ảnh xuất hiện thường xuyên trong thơ họ Hàn, mặt trăng xuất  hiện là thời điểm Hàn Mặc Tử cảm thấy xé nát tâm can bởi căn bệnh ăn sâu vào máu, nhà thơ không thể chưa lành vết thương bên ngoài và vết thương trong tâm hồn mình, tình yêu tan vỡ, tâm hồn trống rỗng, họ Hàn gửi cả vào thơ vào hình ảnh thuyền và trăng, con thuyền cô đơn, cô độc ấy cứ thế bấp bênh nổi trôi giữa dòng đời xô đẩy cuộn xoáy. Cảnh thực mà như ảo: Dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng, dòng ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ làm cho không gian nghệ thuật thêm hư ảo, mênh mang. Con thuyền vốn có thực trên sông trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Con thuyền, dòng sông, ánh trăng trong sự hồi tưởng của quá khứ lại gắn với cảm nghĩ của nhà thơ trong hiện tại. Nhà thơ muốn con thuyền chở trăng về kịp “tối nay” chứ không phải mộ tối nào khác. Phải chăng trong “tối nay”, nhà thơ có điều gì muốn tâm sự và chỉ có trăng mới hiểu được? Khổ thơ cho thấy tâm hồn nhà thơ có buồn và cô đơn, khắc khoải nhưng vẫn chan chứa tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế.Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tác giả sáng tác trong thời gian làm nhân viên Sở Đạc điền Bình Định (khoảng những năm 1932 – 1933), Hàn Mặc Tử có thầm yêu Hoàng Thị Kim Cúc quê ở Vĩ Dạ nhưng sống ở Qui Nhơn. Ít lâu sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, khi mắc bệnh phong, trở lại Qui Nhơn thì Kim Cúc đã theo gia đình về quê, hai người có thư từ qua lại. Một lần, Kim Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử một tấm thiếp vẽ phong cảnh Huế có hình người chèo đò trên sông Hương với lời thăm hỏi chúc thi sĩ mau bình phục. Sau đó, khoảng năm 1939, Kim Cúc nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ do Hàn Mặc Tử tặng kèm theo mấy dòng cảm tạ chân thành. Đây cũng chính là tiếng lòng, là tình yêu chân thành mà Hàn Mặc Tử muốn giãi bày, thế nhưng cuộc đời này lắm bấp bênh và gập gềnh những điều tác giả mong muốn thường không được đáp ứng, cuộc đời thi sĩ họ Hàn đấy những đắng cay,  chính vì thế tác giả càng yêu thơ thì càng làm thơ hay, khổ thơ cuối cùng của thi phẩm đã giải bãy hết những tâm tư của chính tác giả, đó cũng là điều mà tác giả muốn tâm sự cùng người đọc:

>> Xem thêm:  Phân tích hai câu thơ cuối của bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương – Văn mẫu lớp 10 tuyển chọn

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khỏi mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Trong đau khổ tột cùng của bế tắc con người sẽ hóa thành thơ, người bình thường trải qua đau khổ sẽ cảm thấy nhọc lòng, bi quan chán chường, huống gì một thi sĩ người luôn cảm nhận nỗi đau của toàn nhân loại sẽ thấy đau đớn biết chừng nào. Không thể thốt thành lời, không thể giãi bày cùng ai, Hàn Mặc Tử chỉ có thể mượn thơ để làm điểm tựa cho chính mình, tác giả nương mình theo những vần thơ, nương mình theo những lời tâm sự chân thành, phải chăng vì quá cô đơn, vì sợ hãi sự cô đơn và muốn trốn chạy sự cô đơn mà họ Hàn đã thảng thốt nhìn lại những gì mình đang có, đang sở hữu chỉ là hư ảo, ngỡ mình chỉ là một lãng tử, điệp ngữ “Khách đường xa”: nhấn mạnh thêm nỗi xót xa. Câu thơ đầu như lời tâm sự của nhà thơ với chính mình: Trước lời mời của cô gái thôn Vĩ, có lẽ nhà thơ chỉ là người khách. Có thể hiểu câu thơ theo hai nghĩa: Về nghĩa thực: Xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều cũng nhiều sương khói, sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế nhưng sương khói đều màu trắng, “áo em” cũng màu trắng thì chỉ thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo. Về nghĩa bóng: cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho cái huyền hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu, xa vời? Câu cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời. Nhà thơ sử dụng rất tài tình đại từ phiếm chỉ “ai” câu thơ trở nên đa nghĩa: Nhà thơ làm sao mà biết được tình người xứ Huế có đậm đà không hay cũng mờ ảo, dễ có chóng tan như sương khói kia? Người xứ Huế có biết chăng tình cảm nhà thơ với cảnh Huế, người Huế hết sức thắm thiết, đậm đà?  Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.

Đây thôn Vĩ Dạ thực sự đã để lại trong lòng người đọc về một khung cảnh nên thơ, trong trẻo, về tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha bằng tài năng nghệ thuật của tác giả. Tuy đằng sau bài thơ vẫn có những nỗi buồn u uất nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được nét đẹp tỏa chiết từ tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả.

Hoàng Bạch Diệp

Bài viết liên quan