[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Dàn ý chi tiết

A. Mở bài

Giới thiệu vài nét về tác giả Hữu Thỉnh: là một nhà thơ viết nhiều và viết hay về con người, cuộc sống nông thôn – một nhà thơ mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế

– Giới thiệu sơ lược về bài thơ “Sang thu”: bài thơ miêu tả những chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời từ hạ sang thu, không chỉ có hình ảnh thiên nhiên mà còn có bóng dáng con người trước mùa thu của cuộc đời

B. Thân bài

1. Khổ thơ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về

– Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình:

+ “Hương ổi”: hương thơm bình dị của làng quê Bắc Bộ mà bất cứ ai cũng đã từng cảm nhận mỗi dịp chớm thu

+ “Gió se”: gió heo may, khiến làn da cảm nhận được hơi lạnh và khô

+ “Phả”: sự sánh, quyện hòa, hương thu hòa trong làn gió se trải đều khắp các ngõ ngách làng quê

+ Nhân hóa “Sương chùng chình”

=> Những chuyển biến của không gian được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế: khướu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình) và bằng tâm hồn (Hình như thu đã về)

=> Con người quanh năm bận rộn thấm thoắt thu đã đến. Cái ngõ mà sương chùng chình chưa muốn qua có lẽ là cái ngõ của cuộc đời vào thu

2. Khổ thơ 2: Quang cảnh đất trời vào thu:

– Không gian đất trời vào thu qua những dấu hiệu và hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”:

+ Sông cạn nước đã chảy chậm hơn

+ Đàn chim bắt đầu di cư tránh rét

– “Sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “mây vắt nửa mình”: Phép nhân hóa à Từ những dấu hiệu vô hình giờ đây hữu hình, không gian đất trời mở ra với nhiều tầng bậc khác nhau

– Nhân hóa “mây vắt nửa mình”: những đám mây xanh mỏng lững lờ, bảng lảng như một dải lụa nửa nghiêng về hạ, nửa nghiêng về thu

=> Con người vừa muốn níu kéo cái rực rỡ của mùa hè vừa muốn vội vã làm việc gì chưa xong khi mùa thu chưa ngả chiều

3. Khổ thơ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời con người lúc chớm thu:

– Dần sang thu, nắng vẫn còn nhưng đã nhạt, mưa và sấm ít đi

– “Hàng cây đứng tuổi”: nhân hóa chỉ những cây cổ thụ già, lâu năm

=> Hơi ấm mùa hạ vẫn còn nhưng đã nhạt dần

– Lớp nghĩa ẩn dụ đem đến sự suy ngẫm:

+ “Sấm” là những biến động bất thường về ngoại cảnh cuộc đời

+ “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, sẽ vững vàng hơn khi bước vào độ tuổi “cuối hạ đầu thu”

C. Kết bài: Tổng kết những thành công về nội dung, nghệ thuật

Nghệ thuật: Ngôn ngữ thơ độc đáo, cảm nhận tinh tế, giọng thơ êm đềm, sử dụng các biện pháp tu từ quen thuộc

– Nội dung: Cảm nhận những biến chuyển nhẹ nhàng của khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu ở miền Bắc

phan tich bai tho sang thu - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Phân tích bài thơ Sang thu

Bài văn tham khảo

Thơ ca là một chủ đề rộng lớn trong văn chương. Bàn luận về thơ, Chế Lan Viên một lần đã viết:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa để mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa.”

Vừa hay, nhà thơ Hữu Thỉnh đã chứng minh ý kiến ấy của ông. Thi sĩ đã bắt nhịp với cuộc sống, đã giao thoa với khoảnh khắc giao mùa. Và đặc biệt thay, ấy chính là vào lúc mùa thu đến. Bằng hồn thơ tinh tế, Hữu Thỉnh đã gửi gắm một cách nhìn đầy thi vị, một chiêm nghiệm sâu sắc vào bài thơ “Sang thu” của mình. Đọc thơ, ta thực sự thấy “nó là mùa”.

>> Xem thêm:  Nghị luận về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh thể hiện sự chuyển nhịp của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, đồng thời cũng chan chứa suy ngẫm của tác giả. Ngay từ đầu đề bài thơ, người đọc đã có nhiều điều suy nghĩ. “Sang thu” vừa là hành động vừa là trạng thái. Đây vừa là bước chân của tự nhiên song cũng gợi lên cảm giác nôn nao của con người trước lúc giao mùa. “Sang thu” là biểu trưng của thời gian và không gian. Nó là thời khắc giao thoa, khi mà đất trời chưa rời được sắc nắng ngả màu của mùa hạ thì đã cảm được cái se lạnh của trời thu. Tiêu đề còn gợi nên chút gì đó xao xuyến, luyến tiếc về thời trai trẻ; khi tác giả đã ở độ tuổi “cuối hạ đầu thu”. Tiêu đề là khởi nhịp đẹp của một bài thơ hay.

Bài thơ gồm ba khổ tương ứng với ba thời điểm giao mùa tuyệt đẹp: Hạ chín; Thu đang về Thu đã về.

Mở đầu bài thơ là không gian cuối mùa hạ, là những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về tín hiệu giao mùa. Nhịp nhàng và sâu lắng, đoạn thơ ngân lên:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.”

Ta thấy khướu giác và thị giác của tác giả đã thăng hoa khi viết mỗi dòng thơ. Những hình ảnh giản dị mà tuyệt đẹp của không gian cuối hạ đều không qua khỏi tai mắt của ông.

Mai-a-cốp-xki từng khẳng định: “Làm thơ là cân một phần nghìn mi-li-gam quặng chữ”.  Điều đó rất đúng ở Hữu Thỉnh. Ông đã lựa chọn những ngôn từ rất đặc sắc. Hương ổi chủ động “phả” vào trong gió thu. Động từ “phả” còn gợi được sự đặc sánh của hương ổi vào trong cơn gió. Hương ổi từ vô hình trở nên hữu hình. Hương thơm của ổi phải chăng là hương vị của “mùa hạ chín”? Nó ướp ngọt không gian. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thừa nhận sự kì diệu của nó: “Giữa trời đất mênh mông, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì lạ thì điều khiến tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để bỗng nhận ra đó chính là hương ổi.”.

“Hương ổi” phả vào trong gió se thật quyện hòa. “Gió se” là gió chớm lạnh đầu thu, thấm nhuần hương thơm của ổi. Từ ngữ tinh tế trong thơ tạo được sự vận động nhẹ nhàng của làn gió đưa hương. Cùng với nó, tác giả còn bắt gặp hình ảnh “Sương chùng chình qua ngõ”. Với đồng bằng Bắc Bộ thì “sương” là biểu tượng tinh túy của hồn thu. “Quặng chữ” của Hữu Thỉnh quả là rất phong phú khi ông chọn được từ láy “chùng chình”. Đây là phép nhân hóa kín đáo, cho ta  cảm nhận trạng thái của sương. Nó đang cố ý đi chậm lại trước khoảnh khắc giao mùa. Có lẽ nó vương vấn hơi nóng của mùa hạ nhưng cũng ưa thishc sự nồng ấm của mùa thu. Qua hình ảnh dí dỏm ấy, câu thơ cũng gợi ra được vẻ tư lự của con người. Không gian thật gần và hẹp (ngõ) càng làm cho sự vật mơ hồ, ảo hóa.

>> Xem thêm:  Chứng minh câu tục ngữ “Tiên học lễ hậu học văn”

Bên bước chân của tự nhiên, tác giả cũng có nhiều biến chuyển trong tâm hồn. Ông chủ động đón chào thu về nhưng khá bất ngờ. Từ “bỗng”được đặt ở đầu đoạn thơ, gợi tâm thế bất ngờ của tác giả khi nhận ra tín hiệu mùa hạ sắp qua. Để rồi ở cuối đoạn thơ, mùa thu bước đầu gõ cửa tâm hồn thi sĩ khiến ông bừng tỉnh: “Hình như thu đã về”. Câu thơ là sự đan xen của ba kiểu câu: trần thuật, cảm thán và nghi vấn. Đây có thể là nhận định của tác giả cũng có thể là cảm giác nôn nao của thi sĩ. Mặt khác, đây cũng có thể là câu hỏi ông đặt ra cho chính mình. Điều đó càng làm sâu sắc hơn cảm giác mơ hồ về không gian và thời khắc giao mùa. Khổ thơ đầu đã khái quát không gian “mùa hạ chín” và những tín hiệu đầu tiên của phút giao mùa. Qua đó, tâm thế của tác giả trước sự biến chuyển của tự nhiên cũng được bộc lộ một cách chân thành.

Ở khổ thơ thứ hai, sự vật vào thu được miêu tả trong không gian dài, rộng và cao hơn. Hai sự vật đầu tiên trong không khí “Thu đang về” xuất hiện:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã”

Phép đối “dềnh dàng” – “vội vã” vẽ nên không gian vừa roognj vừa cao, đan xen những động thái trái ngược nhau. Sông ở dưới đất, chim ở trên trời. “Dềnh dàng” gợi vẻ hiền hòa của dòng chảy. Dòng sông như lắng lại, trầm ngâm hệt như vẻ suy tư của tác giả. Trái lại, trên tầng mây, cánh chim lại “vội vã” chuẩn bị cho công cuộc di cư tránh rét. Nhà thơ gợi ra tốc độ trái chiều của thiên nhiên, của sự vật để vẽ nên bức tranh “thu đang về”. Bức tranh vừa có nét dịu êm vừa có nét hối hả. Ý thơ còn gợi ra cho người đọc nhiều liên tưởng. Bài thơ ra đời vào “Thu 1977”. Đây là thời điểm đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống thật hòa bình, êm ả. Nhưng mỗi người dân Việt Nam lại phải hối hả theo đuổi nhịp sống mới của hoàn cầu để dựng xây và phát triển đất nước. Các từ ngữ “được lúc”, “bắt đầu” vừa thể hiện tài quan sát của tác giả vừa thể hiện những điều ông gửi gắm.

Bức tranh thiên nhiên được mở rộng từ mặt đất lên bầu trời. Đẹp nhất là hình ảnh “đám mây”. Động từ “vắt” của Hữu Thỉnh phải sánh với từ “vèo” trong Thu điếu của Nguyễn Khuyến.

Nó gợi được sự mềm mại, biến hình của đám mây. Và như Lưu Trọng Lư đã nói: “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”, câu thơ:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.”

là tiếng nói hoàn hảo của tự nhiên. Đám mây như chiếc khăn voan mỏng vắt qua không gian. Nó mang hai sắc thái của hạ và thu, hầu như không ranh giới giữa chúng. Đám mây vừa là hiện thức vừa sản phẩm của trí tưởng tượng. Đây là kết tinh tuyệt đẹp của thời khắc giao mùa. Từ những thứ vô hình (mùa hạ và mùa thu), tác giả đã biến chung thành kết tinh hữu hình rất đẹp (đám mây “vắt nửa mình”). Câu thơ còn có thể là tâm sự của tác giả. Vào năm 1977, chiến tranh đã qua, thái bình đang tới. Nhưng Hữu Thỉnh không quên đi nỗi đau chiến tranh. Mây mùa hạ thường đẹp và nhiều màu sắc, tượng trưng cho khát vọng và hoài bão của những người lính trẻ. Nhưng thất bại và rủi ro là chuyện thường của cuộc đời. Nhiều đồng đội của ông đã hi sinh ngay trước lúc hoàn thành khát vọng hòa bình. Điều đó lí giải vì sao “đám mây” chỉ “Vắt nửa mình sang thu”. Họ đã không thể đi trọn cuộc đời vẻ vang của mình, thật đáng thương. Khổ thơ thứ hai vừa mở rộng và làm đẹp không khí thu đang về vừa tiếp tục đưa ra tâm sự của nhà thơ.

>> Xem thêm:  Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945. Hãy phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện để làm sáng tỏ điều đó

Ở khổ thơ cuối, tác giả hoàn tất bức tranh thu và gửi gắm những suy tư của chính mình. Đoạn thơ mở đầu với sự đối lập của hai hiện tượng tự nhiên:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa”

Đảo ngữ và các từ ngữ chỉ hiện tượng đặc trưng của mùa hạ đi liền trong cung bậc giảm dần của ý thơ (“vẫn còn”, “vơi dần”) thể hiện mềm mại sự chuyển biến từ hạ sang thu. Ranh giới giữa hai mùa thật mỏng manh, phải tinh tế và nhạy cảm mới nhận ra được “thu đã về”. “Nắng” và “mưa” đều có ở hai mùa nhưng vào mùa thu, mức độ và sắc thái đã khác. Nắng thu dịu hơn, nhẹ hơn. Mưa thu cũng ít hơn; không hổi hả, xối xả, trút nước. Hai hiện tượng tự nhiên thay đổi trong chớp mắt cũng không ra khỏi tầm nhìn của Hữu Thỉnh.

Sau hình tượng thiên nhiên, nhà thơ còn bộc lộ suy ngẫm sâu xa của mình về cuộc đời qua hai câu thơ cuối:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Hai câu thơ vừa mang nét tả thực và mang nghĩa ẩn dụ. “Sấm” là hiện tượng tự nhiên, xảy ra vào mùa hạ lẫn mùa thu, sang thu có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nó cũng tượng trưng cho những vang động về ngoại cảnh cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là hàng cây đã qua bao mùa mưa nắng mà trở nên cứng cỏi. Đây cũng là hình ảnh của những người từng trải, sắp đi vào độ tuổi “cuối hạ đầu thu”. Bằng hình ảnh thiên nhiên, Hữu Thỉnh thể hiện sự rung cảm trong tâm hồn chính mình trước khoảnh khắc thu về. Đất trời sang thu khiến tâm hồn nhà thơ rung động. Nhà thơ chiêm nghiệm cuộc đời, ít bị tác động bởi những điều kiện ngoại cảnh. Những người có tuổi như ông lúc này cũng cần khẩn trương và đứng đắn hơn. Khổ thơ thứ ba khắc họa sự biến chuyển trong cảnh sắc lẫn hồn người. Hữu Thỉnh đã làm phong phú hơn kho tàng thơ thu của dân tộc.

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã khắc họa các hình ảnh thơ đẹp, gợi hình gợi cảm. Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, giàu sức gợi. Qua đó, bài thơ thể hiện sự biến chuyển nhẹ nhàng dần rõ rệt của khoảnh khắc cuối hạ đầu thu. Nhà thơ gửi gắm cả những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời trong thơ; tuy sâu sắc mà không mang tính ồn ào, giáo huấn.

Đọc thơ của Hữu Thỉnh, người đọc sẽ hiểu cách lắng nghe những rung cảm sâu xa, mãnh liệt của tự nhiên. Người đọc nhờ đó mà mà giàu có hơn về vốn sống. Như Hữu Thỉnh, chúng ta cũng phải nhận thức đúng về mình trong không gian – thời gian của cuộc sống để tự đánh giá và nâng cao bản thân. Bài thơ khiến người đọc phải cùng chiêm nghiệm nội dung và nghệ thuật. Quả không ngoa khi nhà phê bình Phạm Minh Trị đã không kìm lòng được khi đọc “Sang thu” mà viết rằng: “Sang thu – một khúc giao mùa đầy quyến rũ”.

Nguyễn Đức Minh

Bài viết liên quan