[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Tác phẩm “ Tràng giang” của nhà thơ Huy Cận đã thể hiện cái tôi cô đơn, ảo não, hoang mang, bế tắc và chất chứa nỗi sầu. Đằng sau nỗi sầu thiên cổ ấy là một tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm.

2. Thân bài:

2.1 Tác giả, tác phẩm:

– Thơ Huy Cận chất chứa một nỗi buồn thế hệ, có sự đan cài nét cổ điển và hiện đại.

– Cảm hứng kí thác: cảm hứng vũ trụ. Cụ thể là trong tác phẩm “ Tràng giang”.

+ Nhan đề: cổ kính, trang nghiêm mang âm hưởng Đường thi vừa hiện đại với điệp vần “ ang” như kéo dài âm hưởng đến miên man. “ Tràng giang”, đó không phải con sông cụ thể nào mà là dòng sóng nước mang ý nghĩa khái quát, trường tồn bất diệt, cũng là dòng sóng lòng thi nhân trong nỗi sầu thiên cổ.

+ Câu đề từ: gói trọn cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Là con người cũng có thể là tạo vật “ trời rộng” đang “ bâng khuâng”, nhung nhớ trước tràng giang rộng dài. Dù hiểu theo cách nào, “ Tràng giang” đều chất chứa một nỗi nhớ không gian, khao khát giao cảm và ước muốn hoà nhập giữa con người với vũ trụ.

2.2 Phân tích:

Khổ 1:

– Câu 1: từng đợt sóng tràng giang lăn tăn xô đẩy, rong ruổi đến tận cùng phía chân trời hay cũng chính là thi nhân đang gợn lên những con sóng lòng “ buồn điệp điệp”. Cả một tràng giang mênh mông chỉ lăn tăn những đợt sóng nước càng mở ra không gian vũ trụ rộng lớn, vô biên.

– Câu 2, 3, 4: con thuyền, cành khô gợi lên sự đơn lẻ thấm thía nỗi buồn chia lìa lạc loài đang đón đợi. “ Thuyền về”, “ nước lại” nghĩa là ngược chiều nhau, gợi lên mối sầu trăm ngả.

+ Không gian mở ra vô tận ở mọi chiều kích, một cành củi khô mang theo cái tôi thơ Mới trôi nổi bất định trên dòng sóng nước bất tận tràng giang.

+ “ Lạc mấy dòng”, nó hàm chứa cả cái gì côi cút, tan tác đến tội nghiệp. Với cách đặt từ “ một” giữa hai số từ “ trăm”, “ mấy” khiến hình ảnh cõi nhân thế dường như càng nhỏ bé, bế tắc.

Khổ 2:

– Câu 1: “ lơ thơ” gợi sự hoang vắng, thưa thớt; “ đìu hiu” gợi sự hiu hắt, lặng lẽ. Hai từ láy “ lơ thơ”, “ đìu hiu” cùng xuất hiện trong một câu thể hiện sự ảm đạm đến thê lương.

– Câu 2: Cảnh vật tàn tạ, hoang vắng trong hình ảnh “ vãn chợ chiều”. “ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” có thể là “ đâu đó” cũng có thể là lối phủ định “ đâu có”. Tất cả đều tô đậm cái vắng vẻ của con người giữa dòng tràng giang bát ngát, nghìn trùng.

– Câu 3, 4:

+ Nắng xuống trời lên là một tiểu đối kết hợp với hai động từ ngược hướng “ xuống” – “ lên” vừa gợi sự chia lìa vừa mở rộng không gian đến vô cùng khiến con người càng trở nên nhỏ bé.

+ “ Chót vót” là từ láy, tính từ độc quyền chỉ độ cao nhưng nhà thơ lại dùng từ “ sâu chót vót” diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: đứng trên đê cao vừa nhìn xuống nước sông sâu, vừa nhìn lên trời vừa nhìn vào chính tâm linh của mình. Một tâm linh hoàn toàn cô độc, trống vắng.

Khổ 3:

– Câu 1: Hình ảnh bèo dạt mang biểu tượng của một kiếp người trôi nổi kết hợp với cụm từ “ hàng nối hàng” nhấn mạnh vào cảm giác lặng lẽ, mênh mông, hoài nghi, mất phương hướng không biết về đâu.

– Câu 2, 3, 4: Dấu hiệu của sự sống là “ đò” và “ cầu” đặt trong cấu trúc phủ định “ không đò”, “ không cầu”. Phép đảo ngữ kết hợp với hình ảnh đối lập giữa “ mênh mông” và “ một” khiến nỗi cô đơn bao trùm, vây kín trước thiên nhiên rộng lớn. Nhìn ở đâu cũng chỉ thấy “ lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” là cảnh vô cảm, rời rạc, không ràng buộc, gắn kết.

>> Xem thêm:  Hãy viết lại câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh mà em đã được học

Khổ cuối:

– Câu 1, 2: Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng đùn đùn chất ngất phía chân trời. Cánh chim nhỏ bé đơn côi đang chao nghiêng cánh nhỏ vì sức nặng của hoàng hôn hay chính là hình ảnh thi nhân đang lạc lõng, bơ vơ giữa vòng xoáy cuộc đời.

– Câu 3, 4: Từ láy “ dợn dợn” vừa gợi hình, gợi cảm diễn tả cái dợn lòng cứ tăng mãi, dâng lên, cao lên theo những con sóng khiến sóng nước, sóng lòng cứ ngập tràn trong không gian và tràn ngập trong trái tim nhà thơ.

+ Trong lòng nhà thơ luôn thường trực tình quê “ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ của Huy Cận không đơn thuần là nỗi nhớ quê hương Hà Tĩnh hay bất kì quê hương cụ thể nào mà đó chính là cảm giác thiếu quê hương, nhớ quê hương của những ngày xưa cũ, hoài vọng xa xăm về một quê hương đã mất, là nỗi đau của con người không hiểu được nhau, là nỗi trăn trở của những con người bơ vơ, lạc loài, thiếu niềm tin trước cuộc sống, trước thực tại.

3. Kết bài:

– Tổng kết về nghệ thuật.

– Khẳng định sức sống vượt thời gian của tác phẩm và tên tuổi tác giả.

phan tich bai tho trang giang cua huy can - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Phân tích bài thơ Tràng giang

Bài văn tham khảo

Trước cách mạng, Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới nổi tiếng với tập “ Lửa thiêng” , cụ thể là tác phẩm “ Tràng giang”. Tác phẩm đã thể hiện cái tôi cô đơn, ảo não, hoang mang, bế tắc và chất chứa nỗi sầu. Đằng sau nỗi sầu thiên cổ ấy là một tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm.

Thơ Huy Cận chất chứa một nỗi buồn thế hệ, nỗi buồn không tìm được lối ra nên như kéo dài triền miên. Không chỉ vậy, trong thơ Huy Cận, nét cổ điển và hiện đại đan cài nhau, kết hợp hài hòa là sự kết tinh của hai nền văn hóa Đông Tây nhưng lại giao nhau ở tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm đa sầu. Lần đầu tiên, Huy Cận mạng tác phẩm “ Lửa thiêng” bỡ ngỡ theo Xuân Diệu bước chân vào hội tao đàn thì “ trong thơ Việt Nam nghe bừng dậy một tiếng địch buồn”. Điệu buồn ảo não của Huy Cận đã tự tìm đến một cảm hứng riêng để kí thác: cảm hứng vũ trụ. Cảm hứng ấy đã mở ra vô cùng vô tận trong tác phẩm “ Tràng giang”.

Đến với tác phẩm “ Tràng giang”, nỗi sầu vạn kỉ đã nhen nhóm ngay trong nhan đề độc đáo. “ Tràng giang” vừa cổ kính, trang nghiêm mang âm hưởng Đường thi vừa hiện đại với điệp vần “ ang” như kéo dài âm hưởng đến miên màn, vô tận. “ Tràng giang”, đó không phải là Trường Giang hùng vĩ của Trung Quốc cũng không phải sông Hồng hay bất kỳ con sông cụ thể nào, đó là dòng sóng nước mang ý nghĩa khái quát, trường tồn bất diệt, cũng là dòng sóng lòng thi nhân trong nỗi sầu thiên cổ.

“ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.”

Câu đề từ dường như đã gói trọn cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Là con người cũng có thể là tạo vật “ trời rộng” đang “ bâng khuâng”, nhung nhớ trước tràng giang rộng dài. Dù hiểu theo cách nào, “ Tràng giang” đều chất chứa một nỗi nhớ không gian, khao khát giao cảm và ước muốn hoà nhập giữa con người với vũ trụ. Nhưng càng khát khao hoà nhập, thi sĩ càng thấm thía nỗi buồn da diết trước không gian rộng lớn:

“ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Từng đợt sóng tràng giang lăn tăn xô đẩy, rong ruổi đến tận cùng phía chân trời hay cũng chính là thi nhân đang gợn lên những con sóng lòng “ buồn điệp điệp”. Cả một tràng giang mênh mông chỉ lăn tăn những đợt sóng nước càng mở ra không gian vũ trụ rộng lớn, vô biên.

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu

Trong cảm thức xa vắng về không gian, đối với Huy Cận, con thuyền, cành khô cũng chỉ gợi lên sự đơn lẻ thấm thía nỗi buồn chia lìa lạc loài đang đón đợi. “ Thuyền về” mà “ nước lại” nghĩa là ngược chiều nhau, gợi lên mối sầu trăm ngả. Không gian mở ra vô tận ở mọi chiều kích, một cành củi khô mang theo cái tôi thơ Mới trôi nổi bất định trên dòng sóng nước bất tận tràng giang. “ Lạc mấy dòng”, nó hàm chứa cả cái gì côi cút, tan tác đến tội nghiệp. Với cách đặt từ “ một” giữa hai số từ “ trăm”, “ mấy” khiến hình ảnh cõi nhân thế dường như càng nhỏ bé, bế tắc. Tất cả bủa vây lấy cảnh vật, nỗi buồn còn da diết, thê lương.

Không gian vũ trụ càng bao la, kì vĩ thì không gian nhân thế càng bé nhỏ, cô đơn, lạc loài:

“ Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu.”

Khắp không gian tràng giang “ lơ thơ” vài cồn nhỏ gợi lên sự hoang vắng, thưa thớt; “ đìu hiu” vài ngọn gió gợi sự hiu hắt, lặng lẽ. Hai từ láy “ lơ thơ”, “ đìu hiu” cùng xuất hiện trong một câu thể hiện sự ảm đạm đến thê lương. Cảnh vật mỗi lúc một bao la thì hồn người càng cô độc, lạc loài. Theo quy luật tâm lý, nhà thơ đi tìm hơi ấm con người:

“ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.”

Khát tìm âm thanh sự sống, Huy Cận kiếm tìm nhưng càng tìm càng vắng bóng. Cảnh vật tàn tạ, hoang vắng trong hình ảnh “ vãn chợ chiều” nơi xóm làng xa xa. Xóm làng ấy, sự sống ấy đang dần nhỏ bé, vắng bóng. Có thể là “ đâu đó” cũng có thể là lối phủ định “ đâu có”. Tất cả đều tô đậm cái vắng vẻ của con người giữa dòng tràng giang bát ngát, nghìn trùng.

Trong suốt tràng giang, Huy Cận nhiều lần khắc họa vẻ mênh mông của vũ trụ nhưng có lẽ bức tranh vô biên của tràng giang đã đạt đến độ tận cùng trong hai câu thơ:

“ Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu.”

Nắng xuống trời lên là một tiểu đối kết hợp với hai động từ ngược hướng “ xuống” – “ lên” vừa gợi sự chia lìa, nắng và trời như tách bạch, hờ hững vừa mở rộng không gian đến vô cùng khiến con người càng trở nên nhỏ bé. “ Chót vót” là từ láy, tính từ độc quyền chỉ độ cao nhưng ở đây, nhà thơ lại dùng từ “ sâu chót vót” diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: đứng trên đê cao vừa nhìn xuống nước sông sâu, vừa nhìn lên trời vừa nhìn vào chính tâm linh của mình. Một tâm linh hoàn toàn cô độc, trống vắng.

Đến khổ ba, cảnh mở thêm ra bờ bờ bãi bãi, thêm ít sắc vàng điểm tô và lênh đênh những đám bèo “ hàng nối hàng” đi theo nhau mãi mãi:

“ Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chiếc đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Hình ảnh bèo dạt mang biểu tượng của một kiếp người trôi nổi kết hợp với cụm từ “ hàng nối hàng” nhấn mạnh vào cảm giác lặng lẽ, mênh mông, hoài nghi, mất phương hướng không biết về đâu. Tm trạng chung của lớp người trẻ những năm ba mươi là thế, là sự hoang mang choáng ngợp khi thấy mình phiêu bạt giữa cuộc đời như những cánh bèo trôi vô định trên dòng tràng giang.

>> Xem thêm:  Tả cảnh bình minh trên biển mà em biết

Dấu hiệu của sự sống vẫn xuất hiện là “ đò” và “ cầu” nhưng đặt trong cấu trúc phủ định “ không đò”, “ không cầu”. Phép đảo ngữ kết hợp với hình ảnh đối lập giữa “ mênh mông” và “ một” khiến nỗi cô đơn bao trùm, vây kín trước thiên nhiên rộng lớn. Nhìn ở đâu cũng chỉ thấy “ lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” là cảnh vô cảm, rời rạc, không ràng buộc, gắn kết.

Không gian trần thế qua cái nhìn thi sĩ dù rời rạc, vô cảm, sầu tư lai láng nhưng vẫn lung linh có hồn:

“ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp, kì vĩ lạ lùng. Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng đùn đùn chất ngất phía chân trời. Giữa không gian hùng vĩ, tráng lệ bỗng xuất hiện cánh chim nhỏ bé đơn côi đang chao nghiêng cánh nhỏ vì sức nặng của hoàng hôn. Hình ảnh đẹp vừa cổ điển vừa lãng mạn, hiện đại. Cánh chim ấy mông lung, da diết trong nhớ thương như chở nặng nỗi niềm thi nhân hay chính là hình ảnh thi nhân đang lạc lõng, bơ vơ giữa vòng xoáy cuộc đời. Cánh chim trong bóng chiều sa ấy thật khó tìm trong làng thơ Mới. Bởi lẽ, chính nhà thơ đã phá lôgic đời sống đã đạt đến lôgic của nghệ thuật, “tìm về cảnh xưa để nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài, trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ” và nỗi niềm về một tình quê tha thiết:

“ Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Từ láy “ dợn dợn” là sự sáng tạo chưa từng có của Huy Cận vừa gợi hình, gợi cảm diễn tả cái dợn lòng cứ tăng mãi, dâng lên, cao lên theo những con sóng khiến sóng nước, sóng lòng cứ ngập tràn trong không gian và tràn ngập trong trái tim nhà thơ. Huy Cận đã mượn ý thơ Thôi Hiệu để nói lên nỗi lòng sâu kín của mình:

“ Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.

Thôi Hiệu nhìn thấy khói mà nhớ nhà. Nỗi nhớ bắt nguồn từ ngoại cảnh nhưng Huy Cận thì khác, không cần viện một thứ khói sóng nào bởi trong lòng luôn thường trực tình quê. Nỗi nhớ của Huy Cận không đơn thuần là nỗi nhớ quê hương Hà Tĩnh hay bất kì quê hương cụ thể nào mà đó chính là cảm giác thiếu quê hương, nhớ quê hương của những ngày xưa cũ, hoài vọng xa xăm về một quê hương đã mất, là nỗi đau của con người không hiểu được nhau, là nỗi trăn trở của những con người bơ vơ, lạc loài, thiếu niềm tin trước cuộc sống, trước thực tại. Ở hoàn cảnh đất nước bị dày xéo, càng yêu quê hương thắm thiết, thi nhân càng ảo não, sầu buồn. Đây cũng chính là nỗi buồn của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

“ Tràng giang” của Huy Cận là bài thơ mang âm hưởng Đường thi đậm nét cổ điển. Đồng thời, tác phẩm cũng rất hiện đại với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần theo cấu trúc đăng đối, bút pháp tả cảnh ngụ tình trong đó gợi nhiều hơn tả. Trong tác phẩm, âm vang lạ lùng của chữ nghĩa được tạo nên bởi các yếu tố lặp và trùng điệp, những từ ngữ, nhất là các từ láy nguyên kết hợp với các cặp câu tương xứng như trùng lặp nối tiếp nhau rong ruổi, đuổi nhau không ngừng nghỉ,…đã góp phần đưa tác phẩm sống vượt thời gian và sống trong lòng người đọc bây giờ.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan