[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn nổi tiếng trước cách mạng tháng tám năm 1945 với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác được gói gọn trong một chữ “ ngông”. Phong cách ấy được thể hiện qua tác phẩm “ Chữ người tử tù” và cụ thể qua việc xây dựng nhân vật viên quản ngục.

2. Thân bài:

2.1. Tác phẩm:

– “ Vang bóng một thời” gồm mười một truyện ngắn đi tìm vẻ đẹp của một thời chỉ còn vang bóng trong tâm trạng bao trùm là bi quan trước thực tại, hoài nghi về tương lai, niềm tin duy nhất hướng về quá khứ. Tác phẩm đã thể hiện đầy đủ trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: con người có khát vọng tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, con người có ý thức tìm đến văn chương để khoe tài hoa mà Nguyễn Đăng Mạnh gọi đó là phong cách “ ngông”. Và nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn “ Chữ người tử tù” đã được xây dựng với phong cách ngông tài hoa này.

2.2. Phân tích

– Chức vụ, nghề nghiệp:

+ là một viên quan coi ngục cho nhà tù thực dân, là tay sai đắc lực cho bộ máy thực dân phong kiến

+có sở nguyện cao quý, đó là thú chơi chữ thanh cao và mong muốn được xin chữ của Huấn Cao.

– Trước khi gặp Huấn Cao:

+ hỏi thầy thơ lại về danh tính Huấn Cao “ có phải người mà tỉnh sơn ta vẫn khen có cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp không?”.

+ Đêm trước khi giải Huấn Cao đến trại giam của mình, viên quản ngục với khuôn mặt tư lự băn khoăn ngồi bóp thái dương suy nghĩ về cách biệt đãi ông Huấn, về cách thực hiện sở nguyện và cách che giấu hành vi biệt đãi của mình.

=> trong nội tâm ngục quan đấu tranh, giằng xé không ngừng trên các thái cực đối lập giữa sở nguyện với danh dự, tính mạng, giữa cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn.

– Khi Huấn Cao được giải đến

+ nhìn bằng ánh mắt biệt nhỡn

+ mang rượu thịt cùng một lời nhắn ân tình “ Thầy quản chúng tôi có chút quà biếu ngài dùng cho ấm bụng. Trong buồng đây, lạnh lắm.”

>> Xem thêm:  Giới thiệu một vài nét về Vũ Trọng Phụng và chương “Hạnh phúc của một tang gia"

+ khi bị khinh bạc, xua đuổi, ông vẫn thản nhiên xem như mình chỉ là một kẻ nhỏ bé không thể sánh với Huấn Cao đầy khí phách, tài hoa.

-> Như vậy, ngục quan đã thực hiện sở nguyện của mình bằng một quá trình nhẫn nhục, kiên trì, sẵn sàng hi sinh cả danh dự, địa vị, thậm chí là cả tính mạng của mình.

– Khi nhận được tin ngày mai phải đưa Huấn Cao về kinh chịu án chém, viên quản ngục “ tái nhợt người”, vội tìm thầy thơ lại kể rõ nỗi lòng

– Khi được cho chữ và lời khuyên: viên quản ngục xúc động, nghẹn ngào và nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh sống của mình, là một người tù chung thân. Ông cúi đầu “ Xin lĩnh ý” không phải cái cúi đầu hèn hạ mà là cúi đầu khuất phục trước cái đẹp, cái tài, cái sáng rực của thiên lương. Đồng thời, hình ảnh ngục quan xúc động, nghẹn ngào “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” cũng là lúc thiên lương có thể cảm hóa được thiên lương.

3. Kết bài:

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: bằng phong cách ngông tài hoa uyên bác, bằng bút pháp lãng mạn,…đã khẳng định sự lên ngôi tuyệt đối của ánh sáng đối với bóng tối, sự chiến thắng của cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn, cái thiện đối với cái ác, cái đẹp, cái thiện được tôn vinh, toả sáng.

– Qua nhân vật viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin về cái đẹp, về con người, dù trong hoàn cảnh nào con người cũng luôn khao khát hướng tới cái chân thiện mỹ. Đây cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

phan tich vien quan nguc - [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Phân tích nhân vật viên quản ngục

Làm bài

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn nổi tiếng trước cách mạng tháng tám năm 1945. Ông được biết đến với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác được gói gọn trong một chữ “ ngông”. Phong cách ấy được thể hiện qua tác phẩm “ Chữ người tử tù” và cụ thể qua việc xây dựng nhân vật viên quản ngục.

 “ Vang bóng một thời” gồm mười một truyện ngắn đi tìm vẻ đẹp của một thời chỉ còn vang bóng trong tâm trạng bao trùm là bi quan trước thực tại, hoài nghi về tương lai, niềm tin duy nhất hướng về quá khứ. Tác phẩm đã thể hiện đầy đủ trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: con người có khát vọng tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, con người có ý thức tìm đến văn chương để khoe tài hoa mà Nguyễn Đăng Mạnh gọi đó là phong cách “ ngông”. Và nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn “ Chữ người tử tù” đã được xây dựng với phong cách ngông tài hoa này.

>> Xem thêm:  Văn tự sự: Niềm vui được đi học, được đến trường

Viên quản ngục là một viên quan coi ngục cho nhà tù thực dân, là tay sai đắc lực cho bộ máy thực dân phong kiến luôn tìm mọi cách đàn áp cuộc đấu tranh của những người có khí phách dám đứng lên chống lại triều đình. Tuy làm việc cho nhà tù thực dân phong kiến, sống trong một môi trường nhơ nhớp với bao lừa lọc, ngang trái, viên quản ngục vẫn có sở nguyện cao quý, đáng trân trọng, đó là thú chơi chữ thanh cao và mong muốn được xin chữ của Huấn Cao.

Nghe tin Huấn Cao sắp bị giải đến trại giam của mình, viên quản ngục đã hỏi thầy thơ lại về danh tính Huấn Cao “ có phải người mà tỉnh sơn ta vẫn khen có cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp không?”. Đêm trước khi giải Huấn Cao đến, viên quản ngục với khuôn mặt tư lự, tóc đã ngả màu băn khoăn ngồi bóp thái dương suy nghĩ về cách biệt đãi ông Huấn, về cách thực hiện sở nguyện và cách che giấu hành vi biệt đãi của mình. Đây chính là lúc trong nội tâm ngục quan đang đấu tranh, giằng xé không ngừng trên các thái cực đối lập giữa sở nguyện với danh dự, tính mạng, giữa cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn.

Hôm sau khi Huấn Cao được giải đến, ngục quan nhìn kẻ tử tù bằng ánh mắt biệt nhỡn khiến cả tử tù, cả quân lính đều lấy làm sự lạ. Suốt nửa tháng trời Huấn Cao ở trong ngục, không ngày nào ngục quan không cho mang rượu thịt cùng một lời nhắn ân tình “ Thầy quản chúng tôi có chút quà biếu ngài dùng cho ấm bụng. Trong buồng đây, lạnh lắm.” Ngay cả khi bị khinh bạc, xua đuổi, “ Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa!”, ông vẫn thản nhiên xem như mình chỉ là một kẻ nhỏ bé không thể sánh với Huấn Cao đầy khí phách, tài hoa. Như vậy, có thể nói ngục quan đã thực hiện sở nguyện của mình bằng một quá trình nhẫn nhục, kiên trì, sẵn sàng hi sinh cả danh dự, địa vị, thậm chí là cả tính mạng của mình.

>> Xem thêm:  Trình bày cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương – Văn mẫu lớp 11 đặc sắc nhất

Khi nhận được tin ngày mai phải đưa Huấn Cao về kinh chịu án chém, viên quản ngục hốt hoảng “ tái nhợt người”, vội tìm thầy thơ lại kể rõ nỗi lòng. Huấn Cao cảm động trước sở nguyện cao quý của ngục quan nên sẵn sàng cho chữ kèm theo lời khuyên chân thành xuất phát từ cái tâm trong sáng “ Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy quản nên đổi chốn ở đi… Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.” Lắng nghe những lời ấy, viên quản ngục xúc động, nghẹn ngào, dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” và nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh sống của mình. Lâu nay ông đã không được sống là mình, chỉ vốn chỉ như là một người tù chung thân không sống đúng với sở nguyện, khát vọng của bản thân. Bây giờ, ông đã choàng tỉnh khỏi cơn mê dài và cúi đầu “ Xin bái lĩnh”. Cúi đầu nhưng đó không phải cái cúi đầu hèn hạ mà là cúi đầu khuất phục trước cái đẹp, cái tài, cái sáng rực của thiên lương, cái cúi đầu khiến người ta cao quý hơn “ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Đồng thời, hình ảnh ngục quan xúc động, nghẹn ngào “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” cũng là lúc thiên lương có thể cảm hóa được thiên lương.

Tác phẩm Chữ người tử tù đã xây dựng thành công nhân vật viên quản ngục qua phong cách ngông tài hoa uyên bác, qua bút pháp lãng mạn,…đã khẳng định sự lên ngôi tuyệt đối của ánh sáng đối với bóng tối, sự chiến thắng của cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn, cái thiện đối với cái ác, cái đẹp, cái thiện được tôn vinh, toả sáng. Từ nhân vật viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin về cái đẹp, về con người, dù trong hoàn cảnh nào con người cũng luôn khao khát hướng tới cái chân thiện mỹ. Đây cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan