[Văn mẫu học trò] Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính qua tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ


[Văn mẫu học trò] Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính qua tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài:

2.1. Giới thiệu tác giả:

– Có tài năng, nhiệt huyết nhưng con đường làm quan không bằng phẳng. Ông được thăng chức rồi giáng chức thất thường.

–  Thể loại yêu thích là hát nói. Là người đầu tiên có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó.

2.2. Đôi nét về tác phẩm:

– Là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Công Trứ làm theo thể ca trù.

– Là bản tự thuật, tự bạch về cuộc đời thể hiện rõ ý thức tài năng, nhân cách của nhà nho có tài.

2.3. Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính:

Cái tôi ý thức về tài năng và địa vị của bản thân: ( 6 câu đầu)

– Đề cao vai trò của bản thân: “ Vũ trụ nội mạc phi phận sự”.

– Khoe khoang tài năng văn võ, danh vị.

=> Khoe với đời, khẳng định với đời về giá trị bản thân -> phải là người có bản lĩnh, tài năng.

Sống tự do, hưởng thụ, phóng khoáng và coi thường sự khen chê của người đời: ( 13 câu tiếp)

– Cưỡi bò cái về hưu

– Lên chùa: mang theo kiếm cung và hai cô gái

– Không quan tâm đến sự được mất, khen chê.

– Sống phóng túng: “ Khi cả, khi tửu, khi cắc, khi tùng”.

– Tuyên ngôn khẳng định cá tính: “ Trong triều ai ngất ngưởng  như ông!”:

+ Xếp mình vào hàng những danh tướng công thần đời Tống, đời Hán ở Trung Quốc.

+ Khẳng định tài năng, sự trung hiếu, sở thích cá nhân không ai trong triều đình có thể bằng mình.

=> Bản lĩnh, sự thức tỉnh ý thức cá nhân và quan niệm nhân sinh tiến bộ.

=> Là nhà nho tiến bộ cuối thế kỷ XIX, có sự thức dậy của ý thức về cái tôi cá nhân không bị ràng buộc, ép mình trong khuôn khổ Nho gia hà khắc. Bên cạnh đó, ông là nhà nho có nhân cách cao đẹp, có tài năng và luôn một lòng tận hiếu tận trung cho quốc gia xã tắc.

  1. Kết bài:

– Bằng giọng điệu khoa trương, ý vị trào phúng đặc biệt của thể hát nói; cách ngắt nhịp, xen kẽ nhịp dồn với câu dài tạo nên tác phẩm là một sự vượt rào về thi pháp giúp thể hiện hết mọi cá tính, sự ngất ngưởng, triết lý sống ngang tàng đầy ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ.

– Bài thơ đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng độc giả về một bức chân dung nhà nho có tài năng, có nhân cách cao đẹp.

ve dep nhan cach nha nho chan chinh - [Văn mẫu học trò] Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính qua tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính qua tác phẩm Bài ca ngất ngưởng

Bài văn tham khảo

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ xuất hiện với tác phẩm “ Bài ca ngất ngưởng” là một bản tự thuật, tự bạch về cuộc đời đã ghi dấu mốc trên tiến trình văn học Việt Nam, thể hiện vẻ đẹp nhân cách cao đẹp của một nhà nho chân chính.

Nguyễn Công Trứ là nhà nho yêu nước có nhân cách cao đẹp, tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực từ văn hoá, kinh tế đến quân sự. Tuy tài năng là thế nhưng bởi tính  phóng khoáng, tự do, không vướng bận bụi trần nên con đường công danh chốn quan trường của ông không hề bằng phẳng mà khá lận đận khi nhiều lần được thăng chức và giáng chức thất thường.

>> Xem thêm:  Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Không chỉ là một nhà nho có nhân cách, có tài năng, Nguyễn Công Trứ còn là một nhà thơ ưa thích thể loại hát nói. Hát nói là thể loại phổ biến trong dòng văn học trung đại, nhất là vào khoảng cuối thế kỷ XVIII nhưng, đến mãi một thế kỷ sau khi Nguyễn Công Trứ xuất hiện mới có thể đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó. Hát nói từ đó có sự vượt rào về thi pháp, vượt ra cái vỏ chật chội của văn học trung đại có tính phi ngã và quy phạm để bộc lộ cá tính của cái tôi cá nhân thi sĩ. Và, “ Bài ca ngất ngưởng” chính là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Công Trứ về thể loại hát nói này, bộc lộ rõ nét cá tính của tâm hồn tự do, phóng khoáng, của một nhà nho có nhân cách.

“ Ngất ngưởng” là từ láy chỉ sự vật ở độ cao chênh vênh, không ổn định. “ Ngất ngưởng” trong bài thơ “ Bài ca ngất ngưởng” ngoài nhan đề được lặp đi lặp lại bốn lần ở cuối các khổ thơ là biểu tượng cho một phong cách, một nhân cách, một thái độ sống vượt thế tục, một lối chơi ngông thách thức cõi đời trên cơ sở ý thức rõ tài năng và nhân cách bản thân.

Phong thái, nhân cách của nhà nho chân chính Nguyễn Công Trứ được thể hiện đầu tiên ở ý thức về một cái tôi có tài năng và địa vị:

“ Vũ trụ nội mạc phi phận sự,

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ Đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.”

Mở đầu tác phẩm là một tuyên ngôn về vai trò không thể thiếu của Nguyễn Công Trứ “ Vũ trụ nội mạc phi phận sự” ( Mọi việc trong trời đất này chẳng có việc nào không phải là phận sự của ta) như một lời khẳng định lý tưởng về chí làm trai mà ông luôn hướng đến:

“ Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.”

Với Nguyễn Công Trứ, chí làm trai là lập công danh “ Không công danh thà nát với cỏ cây” nên ông luôn kiêu hãnh về sự có mặt của mình trên cõi đời, tự tin khẳng định vai trò lớn lao rằng tất cả mọi việc trong trời đất rộng lớn này đều thuộc phận sự của ta. Mọi việc liên quan đến ta bởi tài năng của ta là khó ai sánh bằng:

“ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ Đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.”

Câu thơ thứ hai “ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng” như một lời kể, một lời than vừa hóm hỉnh vừa chua xót của bậc đại nho luôn ý thức rõ tài năng của bản thân mình. Nhập thế làm quan đối với nhân cách phóng khoáng như Nguyễn Công Trứ chẳng khác gì bó buộc mình trong cái “ lồng” chật hẹp của chế độ phong kiến với những tư tưởng, chuẩn mực khà khắc, nghiêm ngặt. Nhìn lại bao năm chọc trời khuấy nước trả nợ công danh, ông chỉ như một chú chim đang cố vẫy vùng trong cái lồng chật chội, nhỏ bé. Chú chim ấy bay nhảy trong sự giam hãm của cái lồng nhưng vẫn đạt được những kỳ tích mà khó ai bì kịp:

>> Xem thêm:  Văn thuyết minh: Thuyết minh về chiếc nón

“ Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ Đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.”

Nguyễn Công Trứ tự hào, kiêu hãnh khoe khoang mọi tài năng, danh vị trong suốt hai tám năm lận đận chốn quan trường. Ông từng đạt tới vị trí cao nhất của danh vị là đỗ Thủ khoa trong kì thi Hương, làm Tham tán, Tổng đốc Đông, bình Tây và cũng đã vươn tới đỉnh cao của địa vị khi trở thành Phủ doãn Thừa Thiên. Khoe danh, khoe vị như thế để rồi Nguyễn Công Trứ đi đến kết luận “ gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Ông là người có tài văn võ song toàn, và cái tài ấy đã đúc kết thành phong cách, thành cá tính ngất ngưởng, ngất ngưởng ngay cả trên đỉnh cao danh vọng. Bởi vậy, khoe tài là một cách ông khoe cốt cách tài tử, phóng túng, tự do, là khoe niềm tự hào, mãn nguyện khi làm trọn đạo chí làm trai.

Cốt cách tài tử, nho gia phóng túng ấy có lẽ mới được bộc lộ đầy đủ nhất, mãnh liệt nhất khi Nguyễn Công Trứ đô môn giải tổ, cởi mũ cáo quan:

“ Đô môn giải tổ chi niên,

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Ra khỏi cuộc chơi đầy bó buộc và giam hãm của những ràng buộc trong tư tưởng phong kiến, Nguyễn Công Trứ mới bộc lộ hết thái độ sống tự do, hưởng thụ, phóng khoáng và coi thường sự khen chê của người đời bằng những hành vi lập dị đến ngất ngưởng. Về hưu, không kẻ đưa người tiễn, không kiệu xe lộng lẫy, ông một mình cưỡi bò cái có đeo đạc ngựa, treo thêm mo cau ở phần trên đuôi bò để “ che miệng thế gian”. Khi lên chùa vốn là nơi tu hành khổ hạnh, ông vẫn đeo kiếm cung bên người với vẻ mặt từ bi cùng hai cô gái hầu chính là dáng bộ ngất ngưởng thoát ra từ hình ảnh ông tướng quyền sinh quyền sát một thời đang nhập vai một tín đồ tu hành. Tín đồ ấy cũng vẫn là một người phàm và trong bộ dạng từ bi ấy vẫn còn vương đầy bụi trần. Cho nên cốt cách của một văn nhân chân chính, thói ngạo đời có một không hai này của Nguyễn Công Trứ đã khiến “ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Và cũng chính thói ngạo đời ấy đã được đúc kết thành quan niệm sống, triết lý sống tự do phóng khoáng, thoát ra khỏi vòng danh lợi tầm thường:

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Sau phút chia li của Đoàn Thị Điểm

“ Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.”

Với Nguyễn Công Trứ, ông không quan tâm mọi việc được mất khen chê bởi đó là lẽ thường tình như gió thổi bên tai. Cởi mũ cáo quan là lúc ông chính thức bước ra khỏi vòng danh lợi bon chen để sống là chính mình, sống hết mình với lẽ sống thảnh thơi, tự tại, để tận hưởng mọi lạc thú trên đời. Ông tự do say trong hơi rượu, giọng hát, thoải mái khi cắc khi tùng. Ông không Phật, không Tiên, không vướng bận bụi trần. Tuy nhiên, con người ấy nhập thế mà không vướng tục, tiêu dao hưởng thụ mà vẫn vẹn đạo sơ chung:

“ Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.”

Nhà thơ tự xếp mình vào hàng những danh tướng công thần đời Hán, Tống của Trung Quốc còn lưu danh thiên cổ là Nhạc Phí, Hàn Kì, Phú Bật như một cách thể hiện đạo sơ chung trước sau như một của một đời trọn nghĩa vua tôi. Liệu rằng trong triều đình phong kiến ấy có còn ai tài năng, trung hiếu vẹn toàn mà vẫn ngông cuồng theo cá tính cá nhân như ông? Giữa cái xã hội mà mọi cá tính đều bị thủ tiêu thì cái tôi ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ há chẳng phải là một bản lĩnh cứng cỏi, sự thức tỉnh ý thức cái tôi cá nhân và là một quan niệm nhân sinh tiến bộ, hiện đại:

“ Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Lưu Trọng Lư từng kính phục: “ Thật là sự điều hoà kì diệu của những cái tương phản nhau: Sự điều hoà của Mộng và Thực, cái ngông cuồng của một kẻ lãng tử với cái nền nếp của một nho sinh… Nguyễn Công Trứ vào đời trang nghiêm như đức Trọng Ni, ra đời hiền vui như thầy Trang Tử.” Ông quả thực là nhà nho tiến bộ cuối thế kỷ XIX, có sự thức dậy của ý thức về cái tôi cá nhân không bị ràng buộc, ép mình trong khuôn khổ Nho gia hà khắc. Nhà nho ấy có nhân cách cao đẹp, có tài năng và luôn một lòng tận hiếu tận trung cho quốc gia xã tắc.

Bằng giọng điệu khoa trương, ý vị trào phúng đặc biệt của thể hát nói; cách ngắt nhịp, xen kẽ nhịp dồn với câu dài tạo nên tác phẩm là một sự vượt rào về thi pháp giúp thể hiện hết mọi cá tính, sự ngất ngưởng, triết lý sống ngang tàng đầy ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ. Bài thơ vì vậy đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng độc giả về một bức chân dung nhà nho chân chính có tài năng, có nhân cách cao đẹp.

Bài viết liên quan