Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều


Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều

Hướng dẫn

* Thân thế:

Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc phong kiến, nhiêu đời làm quan lớn và có truyền thông văn chương.

Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm. Anh là Nguyễn Khản cũng là một đại quan trong triều. Mẹ là Trần Thị Tần, một người phụ nữ Kinh Bắc có tài xướng ca.

Quê hương Nguyễn Du là vùng đất địa linh, nhân kiệt, hiếu học và trọng tài. Gia đình Nguyễn Du có truyền thống học vấn uyên bác, có nhiều tài năng văn học. Gia đình và quê hương chính là “mảnh đất phì nhiêu” nuôi dưỡng thiên tài Nguyễn Du.

* Cuộc đời:

Thời thơ ấu: Nguyễn Du sống trong nhung lụa. Lúc gia đình còn thịnh vượng, Nguyễn Du là một cậu ấm được chăm sóc và giáo dục rất chu đáo. Ông thường xuyên vào triều cùng cha, cùng chơi và học tập với các công nương quý tử. Cuộc sống giàu sang thuở thiếu thời vốn không có gì xa lạ với ông.

Năm 11 tuổi, cha Nguyễn Du qua đời. Hai năm sau, mẹ Nguyễn Du cũng mất. Mới 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản. Kể từ đây, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió trong cơn quốc biến ba đào, chịu cảnh gia biến, nhà tan cửa nát, anh em chia lìa, phiêu bạt khắp nơi.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan nhỏ ở tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu, phong trào Tây Sơn nổ ra, nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du đành lánh về quê vợ ở Thái Bình. Rồi vợ mất, ông lại về Hà Tĩnh, có lúc lên Bắc Ninh, nhiều nhất là thời gian ông sống không nhà ở kinh thành Thăng Long.

Sớm mổ côi cha mẹ nên Nguyễn Du đã phải trải qua cuộc sống khổ sở, cơ cực như dân thường. Nhiều lúc ông lâm vào cảnh đói không cơm, sốt không áo, ốm không thuốc, thậm chí không chốn nương thân. Sống gần gũi với nhân dân, ông đã tiếp xúc với nhiều cảnh đời và số phận bất hạnh, khổ đau. Những biến động lớn lao của gia đình và xã hội đã tác động sâu sắc tới con người cùng sự nghiệp sáng tác của ông.

Năm 1802, nhà Nguyễn phục hưng, Nguyễn Du lại được mời ra làm quan. Từ đây, ông đem hết tài năng và sức lực của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nước nhà.

Sau khi ra làm quan, ông được cử đi sứ nên đã có dịp tiếp xúc với nền văn hoá Trung Hoa rực rỡ, phong phú và đa dạng, gây cho ông cảm hứng viết nên những tác phẩm bất hủ sau này.

* Sự nghiệp văn học:

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du bằng cả chữ Hán và chữ Nôm đạt tới tầm cỡ của một thiên tài văn học.

>> Xem thêm:  Ước mơ, tư tưởng của nhân dân được thể hiện như thế nào trong Tấm Cám 2. Anh (chị) hãy nêu những điểm nổi bật về nghệ thuật kể chuyện của truyện Tấm Cám

Về chữ Hán, ông có ba tập thơ: Thanh Hiên Thi Tập, Bắc Hành Tạp Lục, Nam Trung Tập Ngâm, với tổng số 243 bài.

Về chữ Nôm: nhiều bài văn tế, thơ ca và nổi tiếng nhất là Truyện Kiều – một truyện thơ xuất sắc. Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay.

* Tôn vinh:

Tháng 12/1964, Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765 – 1965), cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Đây là sự ghi nhận với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới.

II. Tác phẩm Truyện Kiều

* Xuất xứ:

Truyện Kiều có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tuy vậy, phần sáng tạo của Nguyễn Du là rất lớn. Từ câu chuyện cảm động về cuộc đời và số phận của nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã viết nên một kiệt tác mang đậm tính nhân văn cao cả, thể hiện tình yêu thương con người vô hạn của nhà thơ. Nghệ thuật ngôn ngữ sắc xảo; phương thức xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, tài nghệ tả cảnh, tả tình,… của Nguyễn Du đều đạt tới trình độ điêu luyện, hiếm có.

* Tóm tắt nội dung Truyện Kiều:

Thuý Kiều là người con gái tài sắc sinh ra trong một gia đình trung lưu nền nếp. Trong một lần du xuân, Thuý Kiều tình cờ gặp Kim Trọng, một chàng thư sinh tài tử. Hai người nhanh chóng yêu nhau rổi hẹn ước thề nguyền sẽ kết duyên.

Tưởng rằng tình yêu đôi trẻ sẽ đi đến hạnh phúc, nào ngờ tai bay vạ gió từ đâu ập đến khiến cho gia đình tan nát, tình yêu chia lìa. Tai họa đã đột ngột ập đến Vương gia trong lúc người thiếu nữ còn đang thổn thức với mối tình đầu. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, Kiều đành phải đi đến quyết định bán mình để chuộc cha, nhưng nàng không quên lời hẹn ước trăm năm với Kim Trọng trước khi chàng về Liêu Dương để chịu tang chú. Thuý Kiều đã nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả lời hẹn ước với Kim Trọng.

Từ đó, nàng trải qua 15 năm lưu lạc chịu không biết bao nhiêu cực khổ và tủi nhục. Hai lần bị đẩy vào lầu xanh, nhiều lần bị đánh đập tàn tệ, bị lừa gạt. Nhiều lần nàng toan tự vẫn để không còn thống khổ tủi nhục nữa nhưng không thành. Tưởng rằng khi gieo mình xuống sông Tiền Đường sẽ chấm dứt được cuộc đời trầm luân nhưng số phận khắc nghiệt vẫn không buông tha cho nàng.

Cuộc đoàn tụ với gia đình sau 15 năm xa cách trong hờn hờn tủi tủi. Thuý Kiều đã trở về đoàn viên với gia đình. Nhưng nàng chính là người sợ việc đoàn viên hơn ai cả. Trong việc tái ngộ này, Thuý Vân chính là người đầu tiên đã lên tiếng vun vào cho chị. Nhưng trong đêm gặp lại ấy, Thuý Kiều đã tâm sự với Kim Trọng. Nàng ghi nhận tấm lòng của Kim Trọng nhưng tự thấy mình không còn xứng đáng với chàng nữa. Tuy từ chối việc kết hôn với Kim Trọng, song Kiều nguyện rằng hai người sẽ trở thành bạn tri kỷ.

* Giá trị nội dung:

Truyện Kiều – Bài ca về tình yêu tự do về ước mơ công lí.

Truyện Kiều là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng, thuỷ chung. Mối tình giữa Thuý Kiều và Kim Trọng là mối tình đẹp đẽ giữa trai tài, gái sắc. Tình yêu của họ không bị địa vị, tiền tài làm cho vẩn đục. Đặc biệt hơn nữa đó là mối tình chân thật và táo bạo hiếm có xưa nay.

Truyện Kiều là tiếng nói về công lí chính nghĩa của nhân dân. Từ Hải là hình ảnh người anh hùng lí tưởng của nhân dân mà Nguyễn Du đã hết sức chú tâm xây dựng. Từ Hải chống lại triều đình không ngoài khát vọng tự do ngang dọc. Hồ Tôn Hiến đã giết chết Từ Hải bằng âm mưu thâm độc, nhưng hình ảnh đạp đỗ của Từ Hải vẫn sống mãi trong lòng quần chúng bị áp bức.

* Truyện Kiều là tiếng khóc của kiếp người khổ đau nơi trần thế.

Truyện Kiều là tiếng khóc cho những mối tình tan vỡ, là tiếng khóc cho tình cốt nhục bị lìa tan, là tiếng khóc cho nhân phẩm và quyền sống của con người bị chà đạp. Truyện Kiều còn là tiếng khóc của chính Nguyễn Du trước cảnh ngộ đầy bi kịch của một thiếu nữ tài sắc bậc nhất mà lại bị giày vò, đày đọa bởi xã hội phong kiến vạn ác. Tiếng khóc trong Truyện Kiều vừa là tiếng kêu thương về quyển sống của con người trong xã hội phong kiến, vừa thể hiện tấm lòng nhà thơ hiểu thấu mọi cung bậc của nỗi đau nhân thế.

* Truyện Kiều là bản cáo trạng đanh thép tố cáo bộ mặt xấu xa, tàn ác của xã hội phong kiến bất nhân đương thời đã chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và tước đoạt quyền sống của con người.

Cũng với tiếng khóc đau đớn chứa đựng tinh thẩn nhân đạo sâu xa, Truyện Kiều còn là lời tố cáo mạnh mẽ hiện thực đen tối của xã hội phong kiến.

* Truyện Kiều thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của Nguyễn Du đối với đồng tiền.

Vì tiền, nhiều kẻ trở nên tham lam, vỗ liêm sỉ: Thằng bán tơ; bọn sai nha đầu trâu mặt ngựa; viên quan xử kiện vì tiền mà đổi trắng thay đen, tôn Mã Giám Sinh, mụ Tú Bà, gã Sở Khanh kiếm chác trên nỗi tủi nhục của các cô gái lẩu xanh; bọn Ưng Khuyển đốt nhà; bắt cóc, giết người vì tiền. Cả một xã hội chạy theo đồng tiền phục vụ cho điều tận ác.

>> Xem thêm:  Nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có lòng “hiếu nghĩa đủ đường”, nhân cách trong sáng. Em hãy chứng minh

* Truyện Kiều – Tiếng nói “hiểu đời, hiểu người” của Nguyễn Du.

Giá trị của kiệt tác Truyện Kiều không chỉ ở nội dung và nghệ thuật mà còn thể hiện ở chiều sâu hiểu biết về con người, ở sự thông cảm, bao dung đối với con người của Nguyễn Du. Ông như hiểu hết mọi điều uẩn khúc trong đời sống tình cảm của con người, nhìn rõ chỗ mạnh chỗ yếu, thậm chí cả chỗ tầm thường của từng nhân vật. Ông miêu tả nhân vật với cảm xúc xót xa, thương cảm hoặc khinh bỉ hoặc đầy căm phẫn.

* Giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều:

Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật sống động. Các nhân vật của Nguyễn Du vừa có nét riêng nổi bật, vừa có nét điển hình, đặc biệt là về tâm lí. Chỉ cần một đôi nét miêu tả chính xác, tài tình là tác giả đã thể hiện đúng thần thái của nhân vật ấy.

Truyện Kiều là mẫu mực của nghệ thuật tự sự và trữ tình. Nguyễn Du có biệt tài kể chuyện và giới thiệu nhân vật một cách ngắn gọn và sinh động. Chỉ bằng vài câu thơ, ông đã giúp người đọc hiểu được tinh huống, tính cách, tâm trạng của từng nhân vật. Nguyễn Du đã biến thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc trở thành một hình thức thơ trang nhã và hấp dẫn.

Ngôn ngữ Truyện Kiểu trong sáng, phong phú, trau chuốt và giàu giá trị biểu cảm. Ngôn ngữ dân gian kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ bác học. Lời thơ tuy được viết cách đây hai trăm năm nhưng đến nay đọc vẫn thấy mới mẻ. Ngôn ngữ nhân vật được cá tính hoá cao độ, nhân vật nào ngôn ngữ ấy, không thể lẫn lộn.

* Tổng kết:

Truyện Kiều đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị và số phận đau khổ của những con người bi áp bức, đặc biệt là bi kịch của người phụ nữ. Qua đó, tác giả thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước nỗi đau của con người và lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo. Đồng thời bày tò sự trân trọng đối với khát vọng tự do, hạnh phúc và khát vọng công lí, chính nghĩa.

Truyện Kiều có giá trị nội dung và nghệ thuật đạt tới trinh độ xuất sắc, điêu luyện, thể hiện tài năng bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều xứng đáng là đỉnh cao chói lọi của thơ ca dân tộc.

Truyện Kiều được xem là kiệt tác có giá trị và tầm ảnh hưởng lớn nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Cho đến nay kiệt tác “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan