Biểu cảm về Mẹ kính yêu của em


Đề bài: Biểu cảm về mẹ kính yêu của em.

Bài làm

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Hai câu thơ trong bài “Con cò” của Chế Lan Viên nhắc tôi nhớ thật nhiều về người mẹ thân yêu của mình – mẹ Lam.

Mẹ Lam – cái tên tôi vẫn gọi mỗi ngày. Khi tôi vừa đầy ba tuổi, người mẹ sinh ra tôi không may tai nạn khi làm việc ở công trường. Mẹ mất khi tôi còn chưa biết cái chết là gì. Đến một ngày tôi chuẩn bị vào lớp một, một người phụ nữ lạ theo ba về nhà tôi, thay mẹ tôi chăm sóc, yêu thương tôi mà tôi thường gọi là mẹ Lam.

Mẹ Lam hiền, nét hiền hiển hiện ngay trong vẻ đẹp bên ngoài của mẹ. Mẹ có gương mặt trái xoan thon gọn. Đôi mắt mẹ Lam có vài vết chân chim, hiện rõ mỗi khi mẹ cười. Nhưng đôi mắt ấy đâu đó vẫn thoảng chút ưu tư trĩu nặng. Mẹ Lam không có sống mũi cao thanh thoát nhưng lại có cặp lông mày mảnh nhỏ nên gương mặt mẹ khá sáng. Tôi thích nhất là mái tóc của mẹ. Mẹ thường gội đầu bằng chanh thay vì nhiều loại dầu gội đắt tiền. Mẹ bảo gội nước chanh thơm tóc, sach da. Mẹ không thích hương nhân tạo của các loại dầu gội. Vì thế trên người mẹ lúc nào cũng phảng phất hương chanh thơm mát.

>> Xem thêm:  Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em

Mẹ Lam không cao, người nhỏ thé nhưng chân tay cũng nhanh nhẹn lắm. Mẹ làm việc gì cũng thoáng tay, công việc bộn bề nhưng mẹ luôn giải quyết đâu vào đấy. Ba bận làm công trình cứ đi miết, một mình mẹ Lam ở nhà lo nhà cửa, lo chuyện ăn ngủ của tôi rồi lo luôn cả đồng áng, vườn tược, chăn nuôi.

bieu cam ve me kinh yeu cua em - Biểu cảm về Mẹ kính yêu của em

Biểu cảm về Mẹ

Nhiều lúc tôi thấy mẹ Lam thật giỏi, việc gì cũng làm được hết. Còn tôi chỉ việc học hành đôi lúc cũng lo không xong. Nhưng tôi chắc rằng có một việc mẹ Lam không làm được, đó là dạy tôi học. Mẹ Lam kể rằng trước kia nhà mẹ nghèo, đông con nên mẹ Lam chỉ ở nhà phụ gia đình mà không được đi học. Cũng chính vì thế mẹ Lam luôn đốc thúc, khuyên bảo tôi phải học hành tử tế, trân trọng công sức mà người lớn bỏ ra để cho tôi được bằng bạn bằng bè. Vì lẽ đó mà tôi cũng cố gắng học hơn.

Mẹ Lam không hay cười, không hài hước, không hoạt ngôn nhưng mẹ Lam nói năng rất sắc sảo. Mẹ Lam không học hành nhiều nhưng đạo lí, lẽ sống ở đời mẹ đều thấu cả. Mãi sau này khi tôi biết đến câu chuyện của mẹ với đời chồng trước, trong một vụ tai nạn mẹ mất đi một người chồng và đứa con trai duy nhất, tôi mới hiểu ra vì sao mẹ Lam hay buồn, vì sao mẹ Lam sâu sắc, vì sao ba lại yêu quý mẹ Lam tới vậy.

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Đặc điểm của văn biểu cảm

Tôi nhớ có lần ba với mẹ Lam cãi nhau một trận lớn. Tôi sợ lắm. Tôi sợ rằng mẹ Lam sẽ bỏ tôi mà đi. Không có gì đáng sợ với một đứa trẻ hơn là đã từng mất mẹ một lần nay lại bị mẹ bỏ rơi lần nữa. Thật may vì mẹ Lam đã không bỏ tôi đi. Thế nhưng ngược lại, có đêm tôi nghe được tiếng mẹ sụt sịt trong đêm. Tôi hiểu rằng, mẹ Lam cũng giống như tôi vậy, cuộc đời của một người phụ nữ chịu mất mát nay không muốn thêm một lần lặp lại nỗi đau đó. Chúng tôi đều là những người từng chịu thương tổn, nhờ mẹ mà tôi ấm áp hơn, nhờ ba và tôi mà mẹ khỏa lấp đi nỗi trống vắng. Cứ như thế, gia đình tôi dần hòa thuận trở lại.

Tôi không biết ba tôi yêu mẹ Lam vì điều gì, tôi cũng không rõ mẹ Lam yêu tôi vì điều gì, nhưng tôi yêu họ bởi họ là tâm hồn, kí ức và niềm vui sống của tôi. Thiếu đi những thứ đó, tôi sao có một cuộc sống như người thường?

Cảm ơn ba đã mang mẹ Lam đến bên tôi. Cảm ơn mẹ Lam đã chăm sóc, yêu thương tôi như chính con ruột của mình. Tình mẫu tử thật thiêng liêng và vĩ đại. Tôi luôn mong mẹ Lam sẽ mãi mãi ở bên tôi, để mỗi bước đường đời tôi tự tin sống bằng một trái tim biết cảm thông và sẻ chia sâu sắc. Tình mẹ sẽ chắp cánh cho tôi bay cao tới một tương lai nhân văn, nhân ái hơn.

>> Xem thêm:  Kể về một người bạn thân của em với những kỉ niệm sâu sắc khó quên

Hoài Lê

Bài viết liên quan