Đọc thêm: Nhớ đồng


Đọc thêm: Nhớ đồng

Hướng dẫn

1. Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Cuối tháng 4-1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Cùng bị giam ở đó có Nguyễn Chí Thanh, một người bạn cùng quê và cùng hoạt động cách mạng với Tố Hữu. Nguyễn Chí Thanh vốn là một thanh niên nông thôn, trong tù anh thường hò điệu dân ca, điệu hò của quê anh. Giọng hò vang lên trong nhà tù giữa những trưa hè im ắng đã gợi cho Tố Hữu làm bài thơ Nhớ đồng. Vì thế tác giả để tặng Vịnh (Tên thật là Nguyễn Chí Thanh) và bài thơ được mở đầu bằng câu: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ / Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!”.

2. Điểm xuất phát và cảm hứng bao trùm bài thơ là nỗi nhớ đồng quê

– Hai câu mở đầu bài thơ tách riêng thành một khổ và được nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc trong bài với những biến thể của nó, điểm nhịp cho dòng tâm trạng của tác giả và xoáy sâu vào nỗi nhớ da diết đồng quê. Bài thơ đóng lại cũng bằng lời bộc bạch trực tiếp ấy: “Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh / Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!”.

– Được gợi lên trong nỗi nhớ trước hết là cảnh làng quê bình dị, thân thuộc:

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

Đâu ruồng tre mát thở yên vui

Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?

Vẫn là những hình ảnh hết sức quen thuộc của làng quê, nhưng được tái hiện qua nỗi nhớ trong xa cách bỗng trở nên xiết bao đẹp đẽ, êm dịu. Dường như tác giả đã bằng tất cả các giác quan rộng mở của mình để đắm mình vào trong cảnh vật, để cảm nhận hương đất đai trong làn gió, nghe được cả nhịp thở yên vui của rặng tre mát, thấm thìa vị ngọt bùi của khoai sắn…

>> Xem thêm:  Vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em của Puskin

– Nỗi nhớ làm tái hiện trong tâm trí nhà thơ những bức tranh về cuộc sống làng quê trong một cảm hứng đậm màu sắc lãng mạn:

Đâu những lưng cong xuống luống cày

Mà bùn hi vọng nức hương ngây

Và đâu hết những bàn tay ấy

Vãi giống tung trời những sớm mai?

Những hình ảnh thơ này chắc chắn có ảnh hưởng từ những câu thơ của Vichto Huygô ở bài Mùa gieo hạt buổi chiều. Có điều là Tố Hữu đã đưa cảnh ấy vào trong thời gian của những sớm mai, để gửi vào đó niềm hi vọng và cảm hứng lãng mạn của tuổi trẻ.

– Tiếp đó là một bức tranh buổi chiều được vẽ bằng những đường nét tinh tế và đặc biệt là bằng những âm thanh xao xác rất gợi cảm (Đâu những chiều sương… Một giọng hò đưa “hố” não nùng).

3. Nhớ đồng cũng chính là nỗi nhớ người

Trước bài thơ này không xa Tố Hữu đã dành hẳn một bài thơ để nói về nỗi nhớ người. Ớ đây nỗi nhớ hướng về những con người của đồng quê mà tác giả nói đến bằng sự thân thiết và cảm mến từ lâu “Những hồn chất phác hiền như đất / Khoai sắn tình quê rất thiệt thà!”.

Nỗi nhớ da diết đến cao độ bởi sự cô đơn của cảnh ở tù, được thốt lên trong câu thơ như một lời than: “Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ” và đọng lại trong hình ảnh mẹ già đơn chiếc nơi làng quê: “Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơil”.

4. Nhớ đồng cũng còn là nỗi nhớ chính mình

Phần sau của bài thơ là sự hồi tưởng về quãng đời vừa qua của chính nhà thơ, một người thanh niên cách mạng mới bước vào con đường hoạt động say mê, đầy náo nức thì bị ném vào trong bốn bức tường của xà lim nhà tù. Vì vậy, nhớ đồng cũng chính là nỗi nhớ về chính mình của những ngày qua, từ những ngày “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” đến khi gặp gỡ lí tưởng cách mạng.

>> Xem thêm:  Vội vàng

– Sự gặp gỡ lí tưởng đối với Tố Hữu quả là một sự bừng sáng rạng rỡ của tâm trí. Thời khắc ấy ghi dấu ấn sâu đậm vì nó quyết định cả cuộc đời ông. Tố Hữu đã nói về điều đó hết sức xúc động trong bài thơ Từ ấy. Đến lúc này ở trong tù nhớ lại thời khắc ấy tâm hồn tác giả vẫn rung động mạnh mẽ, vẫn cảm nhận được cái sức mạnh lớn lao nâng bổng tâm trí của mình:

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi

Say đồng hương nắng vui ca hát

Trên chín tầng cao bát ngát trời…

Cùng với thời gian, giờ phút ấy đã trở thành kỉ niệm trong tâm trí nên sự tái hiện ở những câu thơ trên bằng một hình ảnh bình dị gắn với không gian đồng quê cao rộng và không vì thế mà kém say sưa, mạnh mẽ, bay bổng.

5. Tổng kết

Bài thơ như một dòng cảm xúc dồi dào, trong trẻo, tuôn chảy trong các hình ảnh bình dị quen thuộc, không cần đến những hình ảnh có màu sắc chói lọi rực rỡ mà vẫn hết sức gợi cảm, bởi tâm cảm chân thành trong trẻo, tự nhiên của một tâm hồn thiết tha gắn bó với cuộc sống với quê hương và những con người nơi đồng quê thân thiết.

Nguyễn Văn Long (Văn học 12 Ban KHXH 1996)

Mai Thu

Bài viết liên quan