MS151 – Cảm nhận về một truyện ngắn mà em yêu thích


Đề bài: Cảm nhận về một truyện ngắn mà em yêu thích

Bài làm

Trần Đăng Khoa đã từng cảm nhận: "Một tác phẩm hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được, ta sẽ dừng tay trên trang giấy, đáng lẽ lật đi và đọc lại tác phẩm. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc".

Vâng! Quả thật vậy, có những áng văn, thơ mới ra đời hôm nay, ngày mai đã bẽ bàng rồi, nhưng cũng có những thiên truyện đọc hoài, đọc mãi mà vẫn cảm thấy âm vang, xao xuyến. Và ấn tượng nhất với tôi đó là truyện ngắn "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao. Truyện ngắn là những câu chữ hàm súc, cô đọng và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm chiều sâu chưa nói hết. Phải chăng, vì vậy mà truyện ngắn "Lão Hạc" luôn sống mãi trong tâm hồn, trái tim độc giả. Mở đầu cánh cửa tác phẩm của nhà văn Nam Cao là khung cảnh làng quê gần gũi, thân thuộc. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nhà văn sống ở nông thôn Việt Nam nên am hiểu cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây. Và ông đã cất công thai nghén, chưng cất ấp ủ để cho ra đời thiên truyện ngắn giàu ý nghĩa. Lão Hạc là nhân vật chính trong tác phẩm, là điển hình cho người nông dân trước cách mạng.

Truyện kể về một gia đình nông dân nghèo, người con trai của lão vì không có tiền nên đã bỏ đi đồn điền cao su, chỉ còn lại ông cụ và chú chó vàng. Sự cô đơn, thui thủi một mình trong gian nhà thật trống vắng. Giờ đây, chỉ còn mỗi chú chó là bạn của ông, ông mắng yêu, cho chó ăn cơm trong bát như một nhà giàu. Qủa thật, ít ai có thể chăm sóc con vật ân cần và chu đáo giống như Lão Hạc vậy. Có lẽ, sự neo đơn, cô độc đã xích ông lại gần với cậu vàng thân yêu. Con trai bỏ đi làm ở xa, ông đã già yếu nhưng vẫn không muốn tiêu vào tiền của con, ông thà nhịn đói, kiếm được gì thì ăn chứ cương quyết không vay hay xin tiền của bất kì ai. Một người nông dân chất phác và lương thiện như thế sao lại sống một cuộc sống cơ cực nhỉ? Tôi tò mò và háo hức khi có rất nhiều người không hiểu lão, xem thường và khinh miệt lão, nhưng nhà văn Nam Cao đã khẳng định: "Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu ta không cố tâm mà tìm hiểu họ, ta chỉ thấy họ gàn giở, ngu xuẩn, bần tiện, xấu xa, toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn". Thật vậy, đi sâu vào tìm hiểu tâm hồn, phẩm giá của Lão Hạc tôi mới cảm thấy khâm phục ông biết nhường nào! Tình cảm của ông đối với người con trai thật cao quí.

>> Xem thêm:  Tả cây khế trong vườn nhà em

cam nhan truyen ngan lao hac - MS151 - Cảm nhận về một truyện ngắn mà em yêu thích

Lời văn của tác giả kể sao mà tha thiết và xúc động đến thế! Ông giáo- một người bạn láng giềng với Lão Hạc giúp đỡ mà lão vẫn kiên quyết từ chối, ông chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền kiếm được cho con. Sự nghèo khổ, cơ cực đã đẩy Lão Hạc vào bước đường cùng, lão phải bán chú chó vàng- con vật, người bạn thân thiết nhất của lão. Nhưng câu chuyện đâu diễn ra một cách xuyên suốt như vậy, Lão Hạc trò chuyện với ông giáo trong đôi mắt nhòa lệ, hai má hóp lại, giọng hơi run: "Có lẽ, tôi bán chú chó vàng đấy ông giáo ạ!". Lời nói của lão làm bàn tay bạn đọc cũng phải ngập ngừng, ánh mắt tha thiết nhìn trang giấy. Dường như những câu văn trong thiên truyện ngắn cũng chính là cảm xúc của Lão Hạc, là cảm xúc của bạn đọc. Sau khi bán " chú chó tri kỉ ", Lão Hạc càng buồn bã và cô đơn hơn. Nỗi hiu quạnh, dằn vặt cứ ám ảnh ông, thôi thúc lòng ông thốt ra tiếng nói từ đáy lòng mình. "Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ,… nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc về một vấn đề nhân sinh".

Truyện ngắn "Lão Hạc" cũng vậy, khám phá đến đây, chúng ta cũng dần hình dung ra ý nghĩa nhân sinh cao quí đó. Tôi lặng người đi, mê man trong cảm xúc của Lão Hạc. Liệu rằng, ông có vượt qua thử thách này và sống một cuộc đời vui vẻ hay không? Theo lời văn của Nam Cao thì ông đã đến xin Binh Tư một ít bả chó. Lúc đầu, tôi lầm tưởng rằng ông đã bị xã hội làm cho hành động, tính cách bị tha hóa, bị biến đổi thành một người khác. Nhưng không! Ông xin Binh Tư bả chó để tự kết liễu cuộc đời nghèo khổ của mình. Một cái chết "bất tử và vĩnh hằng". "Lão Hạc nằm xuống cho chân lí mọc lên". Chân lí ấy vẫn còn mãi, vẫn lưu lại đậm nét trong tâm trí mỗi người. Cái chết bất tử của lão hiện lên thật dữ dội. "Lão dằn vặt, đau đớn, quằn quại, vật vã một hồi lâu rồi thôi… ". Ngay cả ông giáo cũng lầm tưởng lão xin bả chó vì một lí do khác. Chao ôi! Cuộc sống thật nghiệt ngã và cay đắng. Một người thà chết chứ không chịu bán đất, không chịu ăn vào tiền của con.

>> Xem thêm:  MS162 - Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức

Ngay cả những giây phút cuối, lão vẫn cầm tiền mình dành dụm được sang gửi ông giáo để trao lại cho con. Nhân phẩm của Lão Hạc thật đáng trân trọng. Ấy thế mà lại bị xã hội khinh miệt, không thấu hiểu nỗi cơ cực ấy. Vì thế mà nhà văn Nam Cao đã xúc động dệt nên câu nhận định: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai của người khác để thỏa lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình". Chỉ ông giáo và một số người hiểu lão. Một kết thúc thật bất ngờ, tôi cứ nghĩ một cái kết phồn hậu như bao câu chuyện khác.

"Chiếc lá cuối cùng" của nhà văn O-hen-ri, một cô bé bị bệnh sưng phổi, nhưng cô vẫn có thể vượt qua cái chết ấy nhờ một chiếc lá thường xuân mỏng manh, nhỏ nhoi và người bạn tri kỉ là Xiu. Còn truyện ngắn "Lão Hạc" lại là một cái kết buồn, làm nao nao lòng người. Một cảm giác thật khó tả… Đọc tác phẩm, cung bậc cảm xúc trong tôi lại đan xen lẫn lộn, để rồi đi đến một đỉnh điểm. Truyện ngắn bao giờ cũng có cao trào và đi đến kết thúc.

Tôi thầm liên tưởng đến truyện "Cô bé bán diêm"- một tác phẩm cũng có kết thúc như trong " Lão Hạc". Một cô bé chưa đủ tuổi kiếm tiền mà đã bị cả xã hội chà đạp. Đất nước Đan Mạch ấy cũng thiếu tình yêu thương con người. Nhà văn An-dec-xen muốn gửi bức thông điệp giàu ý nghĩa tới bạn đọc: "Hãy yêu thương trẻ thơ, hãy để trẻ em sống trong sự yêu thương và niềm hạnh phúc của gia đình, xã hội".

Hẳn truyện ngắn "Lão Hạc" cũng có một lời nhắn nhủ mang giá trị sâu sắc, nhà văn Nam Cao không chỉ phê phán xã hội lúc bấy giờ mà còn thể hiện sự đồng cảm, xót xa cho số phận bi kịch của người nông dân. Tôi thích truyện ngắn "Lão Hạc" không đơn thuần vì cách kể lôi cuốn, hấp dẫn, nội dung và ý nghĩa sâu sắc mà còn ở sức nặng ngữ nghĩa của ngôn từ và sắc màu cuộc sống, ý vị nhân sinh cao cả, thâm thúy. Nam Cao như đưa độc giả quay ngược thời gian, tìm về với quê hương, cuộc sống của nông dân Việt Nam trước cách mạng.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về câu nói: Trên bước đường thành còng không có dấu chăn của kẻ lười biếng (Lỗ Tấn)

Truyện ngắn thấm đượm giá trị nhân văn, bên cạnh đó là yếu tố hiện thực xuyên suốt tác phẩm. Qủa thật, "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ. Anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". Bức thông điệp giản dị mà sâu sắc được Nam Cao truyền tải đến người lĩnh hội hẳn sẽ để lại trong trái tim ta bao dư âm, dư ba không phai mờ.

Truyện ngắn" Lão Hạc " sẽ luôn sống trong tâm trí của tôi, nó sẽ là một áng văn chương sống động, hiện hữu mỗi khi nhắc đến cái tên đầy ấn tượng "Lão Hạc" cùng lời giảng tha thiết, ngọt ngào của cô giáo dạy văn ngày ấy- ngày lớp 8 thân thương. Tôi tin thiên truyện này không chỉ mình tôi yêu thích và cảm thấy ấn tượng mà còn rất nhiều độc giả khác nữa. Bởi cảm xúc của Nam Cao đang lan tỏa trên trang giấy và thấm vào tâm trí bạn đọc sự đồng cảm. Bởi tác phẩm "Lão Hạc" là một tác phẩm "hay, xúc động, giản dị và ám ảnh". Cảm ơn nhà văn Nam Cao đã dẫn bạn đọc quay guồng thời gian tìm về với cuộc sống nơi quê hương thân yêu một thời. Đưa đến cho người đọc những ý vị cuộc sống, những triết lý sâu sắc và ý nghĩa.

Dù trên tao đàn Việt Nam có hiện hữu bao nhiêu truyện ngắn, thì với tôi, "Lão Hạc" vẫn mãi là một tác phẩm hay nhất. Đó là niềm say sưa, yêu thích trong tôi. Bây giờ tôi vẫn cảm thấy một chút lưu luyến, hơi buồn lưu lại trong tâm trí mỗi khi nhắc đến truyện ngắn giàu giá trị nhân văn mang "thương hiệu" riêng của Nam Cao.

Mai Thị Thu

Trường THPT Tĩnh Gia II, Thanh Hóa

Bài viết liên quan