MS555 – Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý
Đề bài: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý.” (M.Go-rơ-ki)
Bài viết
Từ bao đời nay văn học đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống tâm hồn dân tộc. Văn học chính là tấm gương phản chiếu hiện thực rõ ràng nhất thông qua lăng kính chủ quan của nhà văn, đồng thời thể hiện thái độ, quan điểm của nhà văn đối với cuộc sống hiện thực đầy rẫy những biến động và phức tạp. Đối với những mảnh đời nghèo khổ, vất vả văn học là nơi nương tựa tâm hồn, nâng đỡ niềm tin của họ vào cuộc sống thực tại còn nghèo túng, đói khổ, đối với những tâm hồn bé thơ văn học là nơi nuôi dưỡng những khát vọng, mơ ước hướng về tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Vai trò nhận thức của văn học vô cùng lớn, chính vì vậy mà M. Go- rơ- ki đã từng nhận định: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý.” Chức năng nhận thức của văn học là chức năng không thể thiếu, nó giúp cho con người tự phép soi chiếu mình và sửa đổi mình cho phù hợp với hiện thực cuộc sống. Cũng chính vì vậy mà nhà văn Nga Gorki cũng đã có câu nói: Văn học là nấc thang đưa tôi từ con thú đến gần hơn với con người.
Lật giở từng trang tiểu thuyết của Nhicalai Axtơrốpxki Trong Thép đã tôi thế đấy, chúng ta không khỏi khâm phục và ngưỡng mộ một người anh hùng sống vững chãi giữa cuộc đời đó là Paven Caro Sagin, anh dù phải chịu nhiều đau đớn trong chiến tranh, dù bị thương tật nhưng với lòng ham mê cuộc sống, anh vẫn vươn lên trở thành một trong những người chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên cường, câu nói bất hủ của anh đã khiến chúng ta suy ngẫm: Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố. Đúng vậy cuộc đời có thẻ cho bạn nhiều thử thách, nhiều trải nghiệm khó khăn, thậm chí bạn phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, nhưng với tấm lòng kiên trung giữa cuộc đời, với tình yêu lao động hăng say, với những bài học kinh nghiệm rút ra giữa cuộc đời bạn sẽ khẳng định được chính bản thân mình, nhận thức được những điểm yếu và điểm mạnh của mình để có thể vững bước trước cuộc đời nhiều sóng gió và cam go. Văn học với các hình tượng nhân vật được xây dựng nên nhằm để tạo nên niềm tin trước cuộc đời, và tạo nên điểm tựa tinh thần cho những ai đang bi lụy, đau khổ. Lật ngược theo dòng lịch sử, trở lại những trang sử hào hùng của ông cha ta chúng ta không thể nào quên được hình ảnh hai chị em Việt và Chiến qua những trang viết đầy máu và nước mắt của nhà văn Nguyễn Thi. Hai chị em phải trải qua một tuổi thơ dữ dội, mất gia đình, mất người thân vì bom đạn chiến tranh. Thấm thía được cảnh nước mất nhà tan, cả Việt và Chiến đều xung phong ra chiến trường và trở thành những người lính gan dạ kiên trung trong cuộc chiến chống Mỹ gian khổ, mà hào hùng của dân tộc. Hình ảnh Việt và Chiến đã gửi đến cho chúng ta những thông điệp đáng quý về sự hy sinh anh dũng của tuổi trẻ, về lòng can đảm và sức mạnh nhiệt huyết căm thù quân giặc của hai chị em. Đúng vậy tuổi trẻ phải dũng cảm, phải xông pha trên chiến trường khốc liệt thì mới có thể khẳng định được bản lĩnh của chính mình, mới có thể trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Như vậy Văn học đã thực hiện một chức năng cần thiết đó là giúp con người hiểu được bản thân mình. Chỉ khi soi chiếu con người qua những người khác chúng ta mới có thể xem xét chính bản thân mình cần gì và làm gì thiết thực cho cuộc sống. Hiểu được bản thân mình chúng ta mới có thể sống đúng đắn và hòa hợp với con người.
Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình
Hơn thế nữa văn học còn có một chức năng khác đó là nâng cao niềm tin vào bản thân mình. Làm sao chúng ta có thể hoàn thiện nếu như chúng ta không thể nâng cao năng lực của chính mình mỗi ngày, chỉ có rèn luyện và nỗ lực không ngừng chúng ta mới đem đến cho mình một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Trong tác phẩm Ông già và biển cả của E. Hemingway, tác giả đã cho chúng ta thấy được niềm tin của con người vào chính mình, ông lão trong tác phẩm sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đánh được con cá kình rất to nhưng thật không may, ông bị cả đàn cá mập tấn công, con cá kình bị rỉa gần hết chỉ còn bộ xương, thế nhưng ông lão không thất vọng mà ông còn dũng cảm lênh đênh trên biển cả thêm nhiều ngày nữa, ông tin tưởng vào vận mệnh và cơ may của mình có thể đánh được một con cá kình to để vào bờ. Nếu ông lão không có niềm tin vào chính mình thì làm sao ông đủ sức mạnh để có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tác phẩm của Hemingway được viết theo nguyên lý tảng băng trôi ba phần nổi bảy phần chìm, phần bề mặt chỉ là hiện thực của tác phẩm còn sâu đằng sau là những thông điệp những ẩn ý tác giả gửi vào trong đó tâm sự, hi vọng của mình. Văn học không chỉ giúp cho chúng ta mua vui, giải trí mà thông qua văn học chúng ta còn nâng cao niềm tin vào bản thân, tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, chúng ta ấn tượng bởi hình ảnh chuyến tàu đêm đi ngang qua phố huyện, đó là một chuyến tàu bình thường như bao chuyến tàu khác trong ngày, đối với những người ở phố chúng rất tầm thường, nhỏ bé, Nhưng đối với hai chị em Liên và An chúng là cả những hoài niệm, bầu trời kí ức tươi đẹp khi bố của hai chị em còn làm việc tại phố. Vì thế khi sa cơ lỡ vận hai chị em chuyển về phố huyện nghèo nàn, nhỏ bé thì kí ức đọng mãi lưu giữ trong tâm trí của Liên và An đó chính là chuyến tàu đêm. Dù trời đã về khuya nhưng hai chị em vẫn cố để thức đợi chuyến tàu, chuyến tàu này chở hai chị em về quá khứ tươi đẹp. Khi tàu đi qua cũng là lúc hai chị em được tận hưởng cảm giác quen thuộc trở về. Chuyến tàu đêm mang đến một thế giới tràn ngập ước mơ, tràn đầy ánh sáng của hai chị em, và từ đó Thạch Lam cũng khiến cho chúng ta có thêm niềm tin vào thế hệ trẻ vào những mầm non của đất nước, thế hệ ấy nếu được nuôi dạy và học hành tử tế chắc chắn sẽ thay đổi tương lai, vận mệnh của dân tộc. Văn Thạch Lam còn cho chúng ta phát hiện ra cái đẹp, cái bình dị tồn tại khắp hang cùng ngõ hẹp ở cả những vật tầm thường, bởi nếu không thế thì tại sao Thạch Lam lại phát hiện ra chi tiết chuyến tàu đêm là điểm sáng ngời trong ngày của hai chị em Liên và An, nếu không thế thì tại sao Thạch Lam lại nhìn thấy sự xót xa thương cảm của chị em Liến đối với những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa trên mặt đất khi chợ đã tan và chiều đã xế bóng. Niềm tin của Thạch Lam ở đây là niềm tin vào cái thiện cái đẹp, cái bình dị trong cuộc sống hàng ngày, cái đẹp ấy chính là điểm tựa tâm hồn vào những vẻ đẹp đời thường hàng ngày, giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc đời còn nhiều cay cực và tủi hờn.
Không có chân lý duy nhất, mà tồn tại nhiều chân lý khác nhau những chân lý đó phải phù hợp với cuộc đời và hiện thực cuộc sống. Văn học ra đời để làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý, hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống. Chúng ta có thể làm sao không động lòng được trước niềm hạnh phúc của Xô cô lốp trong Số phận con người khi anh nhận bé Vania làm con nuôi, từ đây những mất mát đau thương trong trái tim anh dần biến mất nhường chỗ cho hạnh phúc mới được nảy nở, anh có một gia đình nhỏ phải chăm lo, anh có điểm tựa tinh thần phải giữ vững cho mình. Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa nhân vật Phùng và Đẩu vô cùng bất ngờ trước cảnh người đàn bà hàng chài bị chồng đánh ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng nhưng vẫn bênh vực chồng, vẫn van xin chồng mình được thả ra. Vị thẩm phán và chàng nghệ sĩ kia không hay biết chuyện gì, nhưng chỉ có người đàn bà hàng chài mới thấu hiểu, bởi khi chị còn trẻ chị xấu không có ai lấy, gần như bị ruồng bỏ thì người đàn ông ấy yêu chị, hơn nữa sống trên thuyền cần có người đàn ông làm điểm tựa vững chắc để có thể xây dựng và chăm lo cho gia đình. Cả Phùng và Đẩu đều là những người ngoài cuộc không trực tiếp can thiệp vào cuộc sống của người đàn bà hàng chài nên không thể hiểu được điều này. Nghệ sĩ Phùng với tâm hồn bay bổng lãng mạn say mê trước cảnh biển đẹp như tranh vẽ với những đám mây ửng hồng mà không ngờ rằng đằng sau cảnh biển đẹp ấy là nạn bạo lực gia đình, là đói kém, là sự thiếu văn minh là sự phân biệt đối xử với phụ nữ, chân lý của cuộc đời tưởng là đẹp đẽ nhưng thật không ngờ nó lại có thể trần trụi và xấu xí đến như vậy. Nhưng văn học hướng con người đến sự đồng cảm, đến sự xót thương cho số phận bất hạnh không may mắn của con người. Trước những tình cảnh khốn cùng ấy, con người có quyền mong ước và mơ cho chính mình một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ hơn. Vì thế ngay trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực và nạn những tệ nạn sau chiến tranh, thứ người ta đối mặt không phải là chết chóc mà chính là đói nghèo và bạo hành gia đình. Đến với văn học lãng mạn 1930 – 1945 chúng ta được gặp gỡ rất nhiều cây bút tài hoa, trong số đó có Nguyễn Tuân – đây là một nghệ sĩ tôn thờ và sùng bái cái đẹp suốt đời tìm kiếm cái đẹp trong vũ trụ trong xã hội con người. Ta được may mắn biết bao khi được học Chữ người tử tù– là hiện thân cho cái đẹp lan tỏa và làm lay động lòng người, cái đẹp ấy do chính Huấn Cao tử tù sắp đến ngày lên án chém tạo nên bằng những nét chữ vuông vắn, tươi tắn trên vuông lụa trắng tinh. Huấn Cao đã truyền cho tên quản ngục và viên thơ lại cái đẹp từ phẩm chất, từ nhân cách của chính và thắp sáng nhà tù đang đắm chìm trong tội ác. Hình tượng nhân vật Huấn Cao được xem là hình tượng đẹp nhất trong tác phẩm làm rõ câu nói: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” của Cao Bá Quát. Chính trong ngục tù tối tăm ấy, Huấn Cao là người thắp lên ánh sáng lương thiện cho nhà tù, và ở đây Nguyễn Tuân đã để cái đẹp soi chiếu, cái đẹp được tôn vinh và trở thành chân lý.
Đến với văn học chúng ta được thưởng thức những câu chuyện hay, những lời khuyên răn chí lý từ các nhà văn, chúng ta được tiếp xúc với thế giới lý tưởng truyền tải những thông điệp của nhà văn cho con người. Văn học truyền cho chúng ta thế giới quan về cuộc sống của tác giả, về những thông điệp thầm kín mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc, và hơn hết văn học giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ sống đúng với bản thân mình để có thể bản lĩnh, kiên cường trước cuộc sống, không mất niềm tin vào cuộc đời, sống vui vẻ và hài lòng với hiện tại. Tôi chợt nghĩ đến một ngày nếu văn học biến mất khỏi cõi đời này thì liệu rằng con người ta có đủ vững vàng tồn tại trước giông bão cuộc sống hay không hay là con người lung lay mất mát niềm tin rồi tự đẩy mình vào đường cùng vào thảm cảnh, xin cám ơn các nhà văn đã dành tặng cho đời những áng văn rất đẹp đầy niềm tin và sự lạc quan, và cũng xin nhắc lại lời của Gorki như một thông điệp ngắn dành cho những người sẽ và đang yêu văn chương: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý.”
Hoàng Bạch Diệp