Nghị luận xã hội về lòng tự trọng


Đề bài: Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề lòng tự trọng trong cuộc sống.

Bài làm

Ông cha ta vẫn thường nhắc nhở “Chết vinh còn hơn sống đục” hay “Đói cho sạch, rách cho thơm” để con cháu chúng ta luôn có ý thức về việc giữ gìn lòng tự trọng trong cuộc sống. Lòng tự trọng là vấn đề tuy không mới, nhưng chúng ta luôn cần có những nhận thức đúng đắn về nó.

Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tích cực của con người bên cạnh lòng nhân ái, lòng bao dung, lòng tự tôn, lòng hiếu thảo… Tự trọng là biết nhận thức giá trị bản thân, luôn coi trọng và có ý thức giữ gìn danh dự, nhân cách của bản thân mình. Lòng tự trọng là nền tảng tạo nên suy nghĩ và hành động đúng đắn cho mỗi người. Ngược lại, người không có lòng tự trọng sẽ trở nên ích kỉ, xấu xa, xảo trá…

Lòng tự trọng ó được biểu hiện vô cùng đa dạng, thông qua hành động và ứng xử của con người trong cuộc sống. Lòng tự trọng đơn giản chỉ là việc chúng ta phải sống trung thực với chính mình và với mọi người, không gian dối, xảo trá. Với học sinh, điều này gần gũi hơn cả. Học sinh cần phải trung thực trong học tập và thi cử. Trong lớp học, học sinh nên tự đánh giá được năng lực của bản thân, tự nhận thức quan điểm của mình và sẵn sàng bày tỏ nó trước các bạn và giáo viên. Đôi lúc, các bạn mắc phải một sai lầm nào đó. Khi ấy, tự trọng là biết thẳng thắn nhận trách nhiệm chứ không nên hèn nhát chối bỏ bản thân.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh (chị) về chất thép và chất tình trong ba bài thơ đã học của Bác: Chiều tối, Giải đi sớm, Mới ra tù tập leo núi. Từ chất thép, chất tình đó, anh (chị) hiểu được gì về con người Bác và phong cách thơ Hồ Chí Minh?

nghi luan xa hoi ve long tu trong - Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Đôi khi, người có lòng tự trọng là người luôn nhận thức rõ giá trị của bản thân mình. Trong lịch sử dựng nước, giành và giữ nước, chúng ta vẫn luôn tự hào về vị anh hùng Trần Bình Trọng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1285 không may bị giặc bắt. Trần Bình Trọng không những không ăn, không uống mà còn khẳng khái đáp trả câu hỏi của tướng giặc Thoát Hoan: “Tướng quân có muốn làm vương đất Bắc không?” rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Vị anh hùng Trần Bình Trọng hơn ai hết đã tuyên ngôn về sự tự tôn dân tộc của những người con đất Việt trước giặc ngoại xâm phi nghĩa.

Hơn nữa, lòng tự trọng còn có ở một con người luôn biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách tốt đẹp ấy. Ta có thể chứng minh điều này thông qua nhân vật Lão Hạc của Nam Cao trong tác phẩm cùng tên. Cái chết của lão Hạc cho thấy đây là nhân vật biết tự trọng. Cả đời lão Hạc sống nghèo khổ nhưng chưa làm tổn hại tới ai bao giờ. Thế nhưng, cuối cùng lão lại hợp tác với Binh Tư – một thằng chuyên trộm cắp để đi lừa một con chó. Lão hổ thẹn vì sự tha hóa nhân cách vì cái nghèo, cái đói của bản thân. Chính vì thế mà lão Hạc tìm đến cái chết bằng một liều bả chó như để bảo toàn lòng tự trọng của mình. Như vậy, lòng tự trọng là điều không dễ gì có được song lại có thể đánh mất trong phút chốc. Vì thế con người phải tự rèn luyện để bồi đắp tư tưởng, lối sống của bản thân.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Trong thực tế cuộc sống, cũng có rất nhiều tấm gương về lòng tự trọng. Trong thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, bên cạnh sự tiếc thương là niềm cảm phục tinh thần, nhân cách của bạn bè quốc tế với người Nhật trước ứng xử của họ sau thiên tai. Người ta nói “bần cùng sinh đạo tặc”, nhất là khi đến miếng ăn còn thiếu thì bạo động tất yếu sẽ xảy ra. Tuy nhiên, những đoàn người Nhật Bản chờ phát lương thực cứu tế vẫn lặng lẽ xếp hàng theo lượt. Họ tự ý thức được vấn đề giữ lòng tự trọng của mình để không bị hoàn cảnh làm biến chất.

Như vậy, lòng tự trọng giống như thước đo phẩm giá của mỗi con người. Nhờ có lòng tự trọng mà con người sống có ý nghĩa hơn. Mặt khác, lòng tự trọng giúp con người cũng có cá tính riêng, không bị hòa tan vào hàng tỉ nhân cách trên Trái Đất. Lòng tự trọng có khả năng làm trong sạch tâm hồn, giúp cá nhân mỗi người không dối trá, ích kỉ, vụ lợi, hèn nhát. Xã hội từ đó cũng văn minh hơn.

Trái lại, bên cạnh những người luôn sống và hết mình bảo vệ lòng tự trọng của bản thân thì một bộ phận người dân không coi trọng vấn đề này. Điển hình là các cô ca sĩ, người mẫu, diễn viên trẻ sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng để lấy danh tiếng, tiền tài. Họ cố tình tạo dựng lên các scandal hay lăng-xê tên tuổi bằng cách tạo ra cho mình một phong cách rất quái dị, khác người để mong nổi tiếng. Thậm chí, cộng đồng càng “ném đá”, họ càng được nhiều người biết đến vì thế mà càng thỏa mãn hơn cách ứng xử của mình. Là người của công chúng, những những cá nhân như thế lại trở thành đại diện cho sự lai-căng văn hóa tiêu cực trong kỉ nguyên hội nhập toàn cầu.

>> Xem thêm:  Một bộ phận thanh niên hiện nay quan niệm rằng: "Thanh niên, học sinh thời nay phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,... thế mới là cách sống "sành điệu" của tuổi trẻ thời hội nhập". Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên

Tóm lại, lòng tự trọng là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần phải có trong cuộc sống. Có lòng tự trọng vững chắc, chúng ta sẽ không lo lắng bị ma lực của thói xấu trong xã hội cuốn theo.

Hoài Lê

Bài viết liên quan