[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam


[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám với tác phẩm “ Hai đứa trẻ”. Qua việc xây dựng nhân vật Liên, nhà văn đã tái hiện thành công cuộc sống nghèo khổ, quẩn quanh trong bế tắc cùng vẻ đẹp tâm hồn con người luôn hướng đến tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn.

2. Thân bài:

2.1 Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Đi sâu vào những kiếp sống mòn mỏi, quẩn quanh trong bế tắc không lối thoát của những con người sống vô danh, vô nghĩa với những khám phá tinh vi về suy nghĩ, tâm hồn con người.

– Xây dựng nhân vật Liên trong một cuộc sống đang dần “ mốc lên, mòn ra, rỉ đi” với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, một trái tim nhân hậu của một con người biết yêu thương, luôn ước mơ, khao khát hướng tới ánh sáng.

2.2 Nhân vật Liên:

Lý do chọn điểm nhìn trần thuật là Liên:

– Đã từng sống ở Hà Nội trái ngược hoàn toàn với phố huyện yên tĩnh, đen tối, nghèo khó. Do đó, cô dễ có nhận thức sâu sắc về nỗi buồn, sự tù túng và hoài niệm về quá khứ.

– Liên là một cô gái mới lớn có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm nên dễ xúc động với nỗi khổ đau của con người.

Vẻ đẹp tâm hồn:

– Nhạy cảm, tinh tế:

+ Lắng nghe được cả những âm thanh rất nhỏ của buổi chiều làng quê và có cái nhìn bảo quát cả khung trời phía Tây rực rỡ trong ánh hoàng hôn.

=> Ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen và trong lòng gợi lên một nỗi buồn man mác.

+ Gắn bó với mảnh đất này đến mức “ thuộc cả mùi cát bụi”.

+ Nhận ra vẻ đẹp bình dị của quê hương “ một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”.

-Trái tim nhân hậu biết yêu thương:

+ Thương mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối động hàng nước nhưng bán được chẳng bao nhiêu.

+ Liên ái ngại trước gia đình bác Xẩm lê lết trên mảnh chiếu rách với cái thau sắt trống không, đứa con đã chạm đến nghịch đất.

+ Dành tình thương cho bà cụ Thi điên qua một cút rượu ti đầy,…

– Luôn khao khát tương lai và hướng tới ánh sáng.

+ Kiếm tìm từng ánh sáng nhỏ nhoi nơi phố huyện mịt mùng và hướng tới chúng. Hướng tới ánh sáng như một hành động hướng tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

+ Khao khát tương lai qua cảnh đợi tàu:

Cố thức đợi tàu vì chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm khuya và mang theo nỗi niềm ưu tư của một cô gái mới lớn.

Chuyến tàu qua mang đến ánh sáng, âm thanh và những con người trái ngược hoàn toàn với ánh sáng, âm thanh, con người của phố huyện tịch mịch bóng tối và tàu đi qua trả lại sự yên tĩnh cho phố huyện và đêm đen mịt mùng lại bủa vây.

=> Chuyến tàu qua là một giải pháp tình thế thể hiện ước mơ thay đổi cuộc sống. “ Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

>> Xem thêm:  Bài 28 - Viết bài tập làm văn số 7 - Văn miêu tả sáng tạo (Làm tại lớp)

Tổng kết:

Liên được xây dựng thành công qua nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý tinh tế, chất thơ toả ra từ trong truyện ngắn trong lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm đã giúp tác giả tái hiện thế giới nội tâm tinh vi của Liên và mang đến cho độc giả những day dứt, xót xa đồng thời trân trọng một tâm hồn người dù sống trong mù tối vẫn không thôi mơ ước.

3. Kết bài:

Hành động sống đẹp, sống có ý nghĩa, có khát vọng hướng tới tương lai tốt đẹp của Liên đã gieo vào lòng người niềm tin ở tương lai: dù trong hoàn cảnh nào, con người cũng phải nuôi dưỡng ước mơ. Những trang văn của Thạch Lam bởi vậy xứng đáng là trang văn “ thanh lọc tâm hồn con người”.

phan tich nhan vat lien trong truyen ngan hai dua tre - [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ

Bài văn tham khảo

Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ông đã góp nhặt những mảnh đời thường nhật, những nhịp sống quen nhàn, những đốm sáng luẩn quẩn trong bóng tối tĩnh mịch để làm nên bức tranh hiện thực khó quên trong tác phẩm “ Hai đứa trẻ”. Qua việc xây dựng nhân vật Liên, nhà văn đã tái hiện thành công cuộc sống nghèo khổ, quẩn quanh trong bế tắc cùng vẻ đẹp tâm hồn con người luôn hướng đến tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn. Liên đã dành cho họ một tình yêu tha thiết, một trái tim đồng cảm với những khổ đau của con người.

Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng Thạch Lam không đưa ta đến những chân trời lãng mạn phiêu du, thoát li khỏi thực tại:

“ Để mê ly trong thú ái ân vờ

Để trốn tránh những ngày giờ trống trải”

mà đưa ta vào cõi đời ta đang sống với những đau khổ của con người, với trái tim trân trọng sự sống nơi trần thế. Sự thật ấy là kiếp sống mòn mỏi, quẩn quanh trong bế tắc không lối thoát của những con người sống vô danh, vô nghĩa. Thạch Lam thường đi sâu vào thế giới nội tâm con người với những khám phá tinh vi về suy nghĩ, tâm hồn. Ông có quan niệm văn chương tiến bộ: “ Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa phê phán và tố cáo một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn.”

Chính nhận thức đúng đắn đã giúp Thạch Lam có chân cảm và đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm con người bên cạnh nỗi khổ cơm áo ghì sát đất. Trong một cuộc sống mà mọi thứ đang dần “ mốc lên, mòn ra, rỉ đi”, nhân vật Liên vẫn hiện lên với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, với một trái tim nhân hậu của một con người biết yêu thương. Sự sống chung quanh đang dần chìm trong đêm tối, tâm hồn chị vẫn như một mầm cây khỏe mạnh luôn ước mơ, khao khát hướng tới ánh sáng.

>> Xem thêm:  Trình bày cảm nhận về tác phẩm Cổng trường mở ra của Lí Lan

Là một nguồn sáng trong màn đêm tối, tâm hồn Liên đã làm bừng lên bức tranh cuộc sống tưởng như u mê, tăm tối. Liên trở thành điểm nhìn của tác giả bởi lẽ, cô đã từng sống ở Hà Nội vui vẻ và huyên náo, sáng rực và lấp lánh. Ở Hà Nội, cô được đi chơi bờ hồ, được uống những thứ nước lạnh xanh đỏ, được ăn kem,…trái ngược hoàn toàn với phố huyện yên tĩnh, đen tối, nghèo khó. Do đó, cô dễ có nhận thức sâu sắc về nỗi buồn, sự tù túng và hoài niệm về quá khứ. Đồng thời, Liên cũng là một cô gái mới lớn có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm nên dễ xúc động với nỗi khổ đau của con người.

Trước tiên, Liên là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có trái tim biết yêu thương của một con người nhân ái. Trong khoảnh khắc ngày tàn, Liên lắng nghe được cả những âm thanh rất nhỏ của buổi chiều làng quê và có cái nhìn bảo quát cả khung trời phía Tây rực rỡ trong ánh hoàng hôn. Đó là âm thanh của tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve,…là bầu trời phía Tây thơ mộng, đẹp đẽ với áng mây hồng như hòn than sắp tàn, với dãy tre làng đen kịt cắt hình rõ rệt trên nền trời,… Trước cảnh thiên nhiên thơ mộng ấy, Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen và trong lòng gợi lên một nỗi buồn man mác.

Liên cảm thấy gắn bó với mảnh đất này đến mức “ thuộc cả mùi cát bụi”. Một mùi âm ẩm của cát bụi bốc lên khiến chị em Liên nghĩ đây chính là mùi riêng mảnh đất, của quê hương này. Không chỉ thế, trong màn đêm mịt mùng nơi phố huyện, cô nhận ra “ một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Phải thân thuộc, yêu quý mảnh đất này đến tột cùng, cô mới có thể nhận ra vẻ đẹp bình dị, nên thơ mà đượm buồn của quê hương…

Với mỗi sự xuất hiện của con người, Liên lại dành cho họ một niềm chân tâm, chân cảm xuất phát từ trái tim nhân ái của một con người biết yêu thương. Liên thương mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối dọn hàng nước nhưng bán được chẳng bao nhiêu. Liên ái ngại trước gia đình bác Xẩm lê lết trên mảnh chiếu rách với cái thau sắt trống không, đứa con đã chạm đến nghịch đất. Liên cũng dành tình thương cho bà cụ Thi điên qua một cút rượu ti đầy,… Cô thấu hiểu cuộc sống của họ đang dần chìm vào nhàm chán, bế tắc, tuyệt vọng.

Nhân vật Liên còn là một cô gái luôn khao khát tương lai và hướng tới ánh sáng. Như mầm cây khoẻ khoắn luôn kiếm tìm và vươn tới những nơi ngập tràn ánh sáng, tâm hồn Liên kiếm tìm từng ánh sáng nhỏ nhoi nơi phố huyện mịt mùng và hướng tới chúng. Đó là ánh sáng từ khe sáng, từ những hột sáng lấp ló trong các cửa tiệm đến ánh sáng của các vì sao lấp lánh trên bầu trời. Hướng tới ánh sáng như một hành động hướng tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh/chị về cách vào truyện và tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên?

Như buổi trưa ngột ngạt có làn gió mát thoảng qua, văn Thạch Lam tưởng như bế tắc không lối thoát lại ngập tràn niềm tin vào cuộc sống kì diệu và đẹp đẽ. Ông tin rằng chính tâm hồn con người sẽ cứu con người khỏi vực thẳm, chính ước mơ, hoài bão sẽ giúp họ vượt qua mọi nghiệt ngã của cuộc đời.

Hi vọng là nghệ thuật sống. Đọc những trang văn Thạch Lam, người đọc cơ hồ vẫn nhận ra một niềm hi vọng được nhen nhóm từ những đau khổ mịt mùng của cuộc đời. Như một ánh bình minh còn xa mờ, văn Thạch Lam thể hiện một niềm tin ở tương lai qua khao khát của Liên trong cảnh đợi tàu.

Dù đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng Liên vẫn cố thức để đời tàu vì chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm khuya và mang theo nỗi niềm ưu tư của một cô gái mới lớn. Chuyến tàu qua mang đến ánh sáng, âm thanh và những con người trái ngược hoàn toàn với ánh sáng, âm thanh, con người của phố huyện tịch mịch bóng tối. Trong khi ánh sáng chuyến tàu là lấp lánh, sáng rực thì nơi phố huyện, ánh sáng là nhỏ nhoi, yếu ớt. Trong khi âm thanh chuyến tàu là nhộn nhịp, rộn ràng, tiếng rít mạnh vào ga, tiếng con người nói chuyện,…thì nơi đây, là một phố huyện yên tĩnh, tịch mịch trong bóng tối. Nếu chuyến tàu mang theo những con người mới, sang trọng, nói cười vui vẻ thì nơi đây, con người tẻ nhạt, quẩn quanh, bế tắc,…

Chuyến tàu đi qua trả lại sự yên tĩnh cho phố huyện và đêm đen mịt mùng lại bủa vây. Con người dần chìm vào giấc ngủ. Như vậy, chuyến tàu qua là một giải pháp tình thế thể hiện ước mơ thay đổi cuộc sống. “ Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Truyện ngắn “ Hai đứa trẻ” đã xây dựng thành công nhân vật Liên qua nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý tinh tế của tác giả Thạch Lam. Từng nỗi buồn man mác trong khoảnh khắc ngày tàn đến tình yêu quê khi nghe mùi cát bụi hay tình thương với những kiếp người lầm lũi và khao khát về một tương lai tươi sáng của Liên đều được nhà văn bắt trọn và ghi lại một cách tinh vi, tinh tế. Cùng với đó, chất thơ toả ra từ lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm đã giúp tác giả tái hiện thế giới nội tâm tinh vi của Liên và mang đến cho độc giả những day dứt, xót xa đồng thời trân trọng một tâm hồn người dù sống trong mù tối vẫn không thôi mơ ước.

Liên đã không còn sống ở Hà Nội. Hiện thực của cô là một cuộc sống quẩn quanh trong bế tắc. Nhưng Liên vẫn không ngừng mơ ước, không ngừng khao khát một tương lai tốt đẹp hơn. Chính từ hành động sống đẹp, sống có ý nghĩa, có khát vọng ấy đã gieo vào lòng người niềm tin ở tương lai: dù trong hoàn cảnh nào, con người cũng phải nuôi dưỡng ước mơ. Những trang văn của Thạch Lam bởi vậy xứng đáng là trang văn “ thanh lọc tâm hồn con người”.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan