Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ (dàn ý và bài làm chi tiết)


Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ (dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

I, Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung phân tích

1, Tác giả:

– Là một con người tài năng, văn võ song toàn

– Sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm

– Có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của hát nói

2, Tác phẩm:

– Hoàn cảnh sáng tác: năm 1848, khi Nguyễn Công Trứ cáo quan về quê

– Thể loại: hát nói

3, Nội dung phân tích: thể hiện quan niệm sống ngất ngưởng độc đáo đồng thời định hình phong cách sống “ Nhà nho tài tử” đầy tính nhân văn

II, Thân bài:

1, Khái quát:

  • Cảm hứng về lối sống ngất ngưởng:

     + Nghĩa đen: dùng để chỉ vị trí của người hoặc vật vượt trội hơn so với xung quanh, nhưng không vững chắc

     + Nghĩa bóng: quan niệm sống vượt lên trên khuôn mẫu, khẳng định cá tính ngông nghênh của một con người tài năng, phóng khoáng

  • Đại ý:

     + Đề cao lối sống ngất ngưởng giữa xã hội đầy những lễ giáo ràng buộc

     + Thể hiện con người Nguyễn Công Trứ: đa tài, giàu bản lĩnh, có cá tính riêng

2, Phân tích:

a, Biểu hiện của lối sống ngất ngưởng khi hành đạo (6 câu đầu)

– Câu 1 (trích thơ)

  + Cách sử dụng từ Hán việt kết hợp với giọng điệu trang trọng: bộc lộ quan điểm sống tích cực, khẳng định bổn phận, trách nhiệm của kẻ sĩ

– Câu 2 (trích thơ)

   + “Ông Hi Văn”: Tự xưng tên hiệu, bộc lộ cái tôi đầy cá tính

   + “Tài bộ”: ý thức về tài năng của bản thân

   + Hình ảnh ẩn dụ “vào lồng”: thể hiện sự bó buộc, giam hãm, mất tự do

àNhà thơ là một người cá tính, phóng khoáng, coi thường danh lợi

– Câu 3,4,5,6: thái độ ngất ngưởng khi thể hiện tài năng (trích thơ)

   + Điệp từ “khi” kết hợp với thủ pháp liệt kê: tạo nhịp điệu dồn dập, hứng khởi

   + Ông tự tin khoe: học vị, chức tước, chiến tích

  • Nhà thơ hiện lên với một quan niệm sống đầy cá tính, bàn lĩnh, một con người tài năng ở nhiều lĩnh vực

b, Ngất ngưởng khi cáo quan về quê: (10 câu tiếp)

– Câu 7 (trích thơ)

  + Sự kiện đặc biệt: được trả tự do, thỏa chí tang bồng

– Câu 8,9,10,11,12 (trích thơ)

  + Hành động đeo đạc ngựa cho bò: thái độ trêu ngươi, khinh thị quan lại kinh kì

  + “Núi nọ phau phau mây trắng”: đi ngao du sơn thủy

  + “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”: vãn cảnh chùa mà mang theo một “đôi dì”

>> Xem thêm:  “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn ... cách miêu tả phải cao cả”. (Nguyễn Đình Thi - Câu chuyện xung quanh việc sáng tác nghệ thuật. Nghiên cứu nghệ thuật, số 1/1982). Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên

àNhững việc làm khác người, khẳng định phong cách sống độc đáo

– Câu 13,14,15,16: (trích thơ)

  + Hình ảnh “người thái thượng”, “ngọn đông phong” kết hợp với phép đối “được-mất”, “khen-chê”: thái độ sống bỏ qua mọi lời đàm tiếu, coi thường được, mất

  + Phép liệt kê với điệp từ “khi”, “không”: tạo nhịp ngắt linh hoạt

  + “không Phât, không tiên, không vướng tục”: không bị ràng buộc, tự do tận hưởng cuộc sống

  • Tiếp tục làm rõ bản lĩnh, cá tính qua hình ảnh một con người không đạo mạo, nghiêm nghị, không rơi vào vòng phàm tục

c, Ngất ngưởng khi tổng kết về cuộc đời (3 câu cuối)

-Hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của kẻ sĩ: cống hiến tài trí, vẹn đạo vua tôi

– Phép so sánh:

   + Với cổ nhân: ngang hàng Trái, Nhạc, Hàn, Phú

   + Với người đương thời: trong triều, là duy nhất

  • Bộc lộ thái độ cao ngạo đầy ngất ngưởng. Nguyễn Công Trứ hiện ra với tư thế đĩnh đạc, ý thức về bản thân và giá trị của những hành động do mình làm

3, Tổng kết:

a, Nghệ thuật:

– Đậm nét thể loại hát nói

– Sử dụng nhiều ngôn ngữ tự xưng

– Sử dụng nhiều từ Hán Việt mang tính trang trọng cho thể hát nói

b, Nội dung:

– Đề cao lối sống ngất ngưởng, phóng khoáng giữa xã hội đầy những lễ giáo

– Thể hiện đậm nét con người Nguyễn Công Trứ : đa tài, giàu bản bĩnh, cá tính

III, Kết bài: tổng kết nội dung, nêu cảm nghĩ bản thân

unnamed file 2 - Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ (dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng

Bài làm mẫu

Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ tài năng, văn võ song toàn. Không chỉ vậy, ông còn có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của thể loại hát nói. Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” là một trong những tác phẩm như thế. Sáng tác vào năm 1848, khi Nguyễn Công Trứ cáo quan về ở ẩn, bài thơ thể hiện quan niệm sống ngất ngưởng độc đáo đồng thời định hình phong cách sống “ Nhà nho tài tử” đầy tính nhân văn của tác giả.

Bài thơ đã nêu lên quan niệm mang tính triết lý về lối sống ngất ngưởng. “Ngất ngưởng” theo nghĩa đen là từ dùng để chỉ người hoặc vật  ở tư thế vượt trội hơn so với xung quanh nhưng không vững chắc, ngả nghiêng như trực ngã, dễ tạo ra cảm giác lo lắng, khó chịu. Tuy nhiên, với Nguyễn Công Trứ, “ngất ngưởng” là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. ‘Ngất ngưởng” với ông là lối sống, thái độ sống vượt lên trên những khuôn mẫu, chuẩn mực thường thấy, hướng đến cuộc sống tự do, phóng khoáng mà không kém phần cao sang. Đó là lối sống khẳng định cái “tôi”, khẳng định cá tính ngông nghênh của một con người tài năng.

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội về vấn đề học đi đôi với hành

Trước hết, lối sống “ngất ngưởng” được tác giả thể hiện khi hành đạo. Câu thơ đầu tiên mở ra bằng quan niệm về bổn phận của kẻ sĩ:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”.

Với Nguyễn Công Trứ, ông coi công danh là lẽ sống. Cách sử dụng từ Hán việt kết hợp với giọng điệu trang trọng đã bộc lộ quan điểm sống tích cực, khẳng định bổn phận, trách nhiệm của kẻ sĩ. Không chỉ vậy, nhà thơ còn thể hiện cái tôi đầy ngất ngưởng:

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”.

Lời tự xưng “Hi Văn” đặt giữa câu thơ bộc lộ cái tôi cá tính đầy bản lĩnh. Xưa nay trong văn học trung đại, đưa cái tôi cá nhân vào thơ đã hiếm, tự tin khẳng định tài năng cá nhân qua từ “tài bộ” lại càng hiếm hơn. Hình ảnh ẩn dụ “vào lồng” thể hiện sự bó buộc, giam hãm, mất tự do. Không chỉ ý thức về tài năng, nhà thơ còn tự tin thể hiện điều đó qua những việc làm cụ thể:

“Khi Thủ Khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

Điệp từ “khi” kết hợp với thủ pháp liệt kê tạo nhịp điệu dồn dập, hứng khởi. Lần lượt từng học vị hay những chiến tích vang dội được nêu ra đã góp phần vẽ nên chân dung của một con người tài năng trên nhiều lĩnh vực. Qua sáu câu thơ đầu, nhà thơ hiện lên với một quan niệm sống đầy cá tính, bản lĩnh mà nền tảng là ý thức, trách nhiệm và tài năng hơn người.

Bên cạnh đó, lối sống “ngất ngưởng” còn được ông thể hiện khi cáo quan về quê. Với ông, cáo quan về quê là một sự kiện trọng đại:

“Đô môn giải tổ chi niên”.

Khi nghỉ hưu, người đời thường cưỡi ngựa, còn ông lại cưỡi bò, vừa đeo đạc, vừa cao ngạo với đời. Từ giã chốn kinh kì, ông ngao du sơn thủy, trút sạch bụi trần. Nhà thơ đã tự phác họa chân dung mình một cách đầy hài hước:

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngât ngưởng”.

Đó đều là những việc làm khác người, khẳng định phong cách sống độc đáo. Bản lĩnh Nguyễn Công Trứ được thể hiện ngay trong thái độ sống của ông:

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc. khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục”.

Hình ảnh “người thái thượng”, “ngọn đông phong” kết hợp với phép đối “được-mất”, “khen-chê”thể hiện thái độ sống bỏ qua mọi lời đàm tiếu, coi thường được, mất. Phép liệt kê với điệp từ “khi”, “không” tạo nhịp ngắt linh hoạt. Ông không tu theo Tiên, nhưng cũng không vướng tục. Tóm lại, Nguyễn Công Trứ tiếp tục làm rõ bản lĩnh, cá tính qua hình ảnh một con người không đạo mạo, nghiêm nghị, không rơi vào vòng phàm tục.

Cuối cùng, lối sống ngất ngưởng được thể hiện khi ông tổng kết về cuộc đời mình:

“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông”.

Nguyễn Công Trứ hoàn toàn tự tin khi đã hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của kẻ sĩ: cống hiến tài trí, vẹn đạo vua tôi. Nhà thơ tự đề cao mình qua phép so sánh đầy ngạo nghễ. Với cổ nhân, ông ngang hàng Trái, Nhạc, Hàn, Phú. Còn với người đương thời, trong triều, ông là duy nhất. Nhà thơ đã bộc lộ thái độ cao ngạo đầy ngất ngưởng. Nguyễn Công Trứ hiện ra với tư thế đĩnh đạc, ý thức về bản thân và giá trị của những hành động do mình làm.

Về nghệ thuật, bài thơ đậm nét thể loại hát nói, sử dụng nhiều ngôn ngữ tự xưng, nhiều từ Hán Việt mang tính trang trọng cho thể hát nói. Về nghệ thuật, bài thơ đề cao lối sống ngất ngưởng, phóng khoáng giữa xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, lễ giáo ràng buộc. Không chỉ vậy, “Bài ca ngất ngưởng” còn thể hiện đậm nét con người Nguyễn Công Trứ. Ông không chỉ đa tài, giàu bản lĩnh mà còn có phong cách, có cá tính độc đáo.

Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” đã thể hiện một quan điểm sống đầy mới lạ, táo bạo. Ở đó, con người không bị ràng buộc bởi những lễ giáo phức tạp, mà được tự do, được sống đúng với bản thân, sống đúng với cá tính của mình. Có thể nói, đó là một quan niệm độc đáo, là sự định hình cho phong cách sống “Nhà Nho tài tử” đầy tính nhân văn.

Phạm Ngọc Khuê

Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội

Bài viết liên quan