Phân tích bài thơ Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên


Đề bài: Phân tích bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên.

Bài làm

Mượn “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên đã phát biểu lẽ sống lớn lao của mình:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Xem xét khối tác phẩm đồ sộ trong sự nghiệp văn chương Chế Lan Viên, không bài thơ nào là không ẩn khuất lẽ sống ấy. Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên cũng không ngoài phạm vi đó. Bài thơ “Con cò” xoáy vào lòng người đọc bằng những hình ảnh thân thương nhất để nó trở thành tiếng lòng ám ảnh mà Chế Lan Viên để lại cho muôn đời.

Chế Lan Viên (1920-1989) vừa là một nhà thơ cũng là một nhà văn hiện đại có vai trò không nhỏ trong văn học hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên vừa mang sức mạnh trí tuệ với khuynh hướng suy tưởng – triết lý, hình ảnh thơ sáng tạo, độc đáo, giàu tính biểu tượng.

Bài thơ “Con cò” được Chế Lan Viên viết năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” với nội dung chủ yếu là ngợi ca tình mẹ.

Lời ru của mẹ thời thơ ấu được biểu tượng gắn liền với hình ảnh con cò. Tác giả bắt đầu lời ru bằng những lời lẽ hết sức âu yếm của người mẹ với đứa con:

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay”

Chế Lan Viên lập luận rằng những đứa trẻ mới sinh ra còn “chưa biết”, chưa hiểu chuyện vậy nên không thể biết tới con cò, thế nhưng lời ru mẹ đưa đứa trẻ vào giấc ngủ luôn luôn có hai tiếng “cánh cò”. “Con cò” đầu tiên là sự vật thực tại. “Cánh cò” trong câu thơ sau chỉ là sản phẩm liên tưởng, tưởng tượng. Nhà thơ muốn khẳng định rằng: hình ảnh cánh cò gắn liền với tâm thức của mỗi đứa trẻ từ khi còn rất nhỏ.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về Go-rơ-ki – Tác giả đoạn trích Những đứa trẻ

Mẹ hát ru điều gì?

“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng…”

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…”

Lời ru của mẹ mượn tứ thơ trong câu ca dao xưa làm chất liệu thi ca cho mình:

“Con cò bay lả bay la,

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”

“Con cò bay lả bay la,

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng”

“Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,

Ông ơi! Ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng,

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

Hình ảnh con cò đơn côi bay lẻ bóng trong không gian rộng lớn bao la nơi Cổng Phủ, Đồng Đăng và con cò lặn lội kiếm ăn không may sa vào bẫy thấm thía nỗi thương cảm của bà mẹ:

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”

Tác giả đã so sánh con cò với đứa con của mình để khẳng định rằng đứa con thật may mắn vì có người mẹ chăm sóc nâng niu. Hai câu thơ có sự đăng đối giữa “một mình” với “có mẹ”, giữa “phải kiếm ăn” với “chơi”, “ngủ” thật độc đáo.

phan tich bai tho con co cua nha tho che lan vien - Phân tích bài thơ Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên

Phân tích bài thơ Con Cò

Tình yêu của mẹ với đứa con càng thể hiện sâu sắc trong những câu thơ cuối khổ I:

“Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội về ý kiến: Nhiều bậc phụ huynh Việt Nam đang quá nuông chiều con cái

Con chưa biết con cò con vạc

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

Đứa con được bình yên, “ngủ chẳng phân vân” trong đôi tay mẹ. Còn mẹ liên tưởng mãi đến đứa con nếu một ngày mang sô phận đau thương của cò, mẹ sẽ đưa đôi tay vĩ đại mà “sẵn tay nâng”. Tình mẹ bao la biết mấy!

Sang đoạn thơ II, hình ảnh con cò và lời ru của mẹ theo đứa con trên mỗi chặng đường đời:

“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Mai khôn lớn, con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

Con làm gì?

Con làm thi sĩ

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn”

Đến đây, cánh cò và mẹ đã hóa thân vào nhau. Cò thay mẹ theo đứa con trên mỗi chặng đường từ giấc ngủ đến ngày cắp sách tới trường rồi đến khi trưởng thành và thực hiện ước mơ của đứa trẻ. Những điệp ngữ “ngủ yên” và “lớn lên” đã tạo nhịp điệu vận động, mang đến cảm giác như người mẹ vừa ru con ngủ vừa hình dung ra tương lai của đứa con.

Cánh cò thay mẹ đồng hành như thế nào? Khi đứa trẻ ngủ, cò được miêu tả bằng các động từ “làm quen”, “đứng”, “vào”, “ngủ”, “đắp” để thay mẹ sưởi ấm, vỗ về con. Khi đứa trẻ đi học, cò lại cùng “đi học”, “bay” với đứa con. Không khi nào cò thôi “bay hoài” bên đứa nhỏ.

Cuối cùng, từ hình ảnh cánh cò, Chế Lan Viên suy tưởng – triết lí về tình mẹ. Trước hết, tình mẹ được biểu hiện trong cánh cò “mãi tìm con”, “mãi yêu con”:

>> Xem thêm:  Thuyết minh về lễ hội đua thuyền

“Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Chế Lan Viên đã dùng cặp từ quan hệ “dù… sẽ…” để khẳng định lòng mẹ và tình mẹ. Hình ảnh “lên rừng xuống bể” hay “đi hết đời” thể hiện sức mạnh tình mẫu tử và đức hi sinh của mẹ: mẹ có thể vượt qua mọi bão giông, sóng gió cuộc đời và dùng cả đời mẹ để yêu thương, chăm sóc.

Để rồi đến cuối cùng, mẹ lại quay về trong tiếng ru à ơi:

“À ơi!

Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi”

Hình ảnh cánh cò trong lời ru trở lại như khẳng định một lần nữa quy luật tình cảm bền vững của mẹ mãi dâng hiến tất cả tâm hồn và sức sống của mẹ cho con. Thực tại có nhiều cánh cò, nhưng trong mẹ chỉ có một “con cò” duy nhất là “con cò mẹ hát”. Phải, có thể con chưa biết đến con cò nhưng cánh cò vỗ qua nôi sẽ dựa dáng hình mẹ ôm đứa con vào lòng.

Tóm lại, bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên đã thành công trong việc sử dụng thể thơ tự do, lấy chất liệu văn học dân gian làm nền tảng và liên tục suy tưởng, liên tưởng, triết lí, sáng tạo. Tình mẹ là thể tài quen thuộc, cánh cò cũng không xa lạ với mỗi chúng ta, song chất suy tưởng từ cánh cò đến lòng mẹ đọng lại trong triết lí tình mẹ vĩ đại đã làm nên sức sống bất diệt cho tác phẩm.

Hoài Lê

Bài viết liên quan