Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để thấy được những biểu hiện cao đẹp của tình đồng đội, đồng chí


Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để thấy được những biểu hiện cao đẹp của tình đồng đội, đồng chí

Bài làm

Chính Hữu là nhà thơ quân đội, viết nhiều về người lính và dành cho họ những sự trân trọng, tình cảm mến thương. Bài thơ Đồng chí là tác phẩm tiêu biểu viết về những anh bộ đội cụ Hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp của Chính Hữu. Từ thực tế gian nan, máu lửa và cảm xúc chân thành, sự cảm phục của chính người trong cuộc, Chính Hữu đã viết nên “Đồng chí” và khiến nó trở thành người bạn tâm tình của nhiều thế hệ cầm súng thời kì chống Pháp và Mĩ.

Mở đầu bài thơ là những lời tâm sự hết sức chân tình về xuất thân của những anh bộ đội cụ Hồ:

 “Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

Những người lính đều xuất thân từ tầng lớp nông dân, là những người lao động nghèo từ những vùng quê khác nhau, nơi “nước mặn đồng chua”, nơi “cày lên sỏi đá”. Họ đều có một cuộc sống lao động cơ cực, khốn khó. Đó là những con người hoàn toàn xa lạ nhưng cách xưng hô “anh-tôi” sao mà gần gũi đến thế. Những anh bộ đội cụ Hồ đến từ nhiều vùng quê nghèo khác nhau nhưng họ đều có chung lí tưởng, mục đích chiến đấu, từ lạ trở nên thân quen, gắn bó, sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc:

>> Xem thêm:  Giải thích câu nói sau của Lênin: Học, học nữa, học mãi

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ

Đồng chí!”

Cái xa lạ ban đầu dần được xóa đi, thay vào đó là sự hòa hợp, gắn bó của những người lính trong chiến đấu. Những câu thơ gợi lên hình ảnh những người lính đứng sát bên nhau, vững chắc tay súng canh giữ bảo vệ Tổ quốc. Họ cùng nhau gánh vác những nhiệm vụ gian khó, chung vai gánh vác những trách nhiệm cao cả. Và trong chính những gian khó ấy, họ sẻ chia với nhau từng tấm chăn trong đêm mùa đông buốt giá, trở thành đôi tri kỉ. Cái lạnh giá của mùa đông được xua bớt bởi sự nồng ấm, sẻ chia giữa những người tri kỉ. Hai từ “đồng chí” vang lên như một điểm nhấn thật đặc biệt. Đó là sự khẳng định về sự gắn bó keo sơn, về nhữn sẻ chia cảm thông giữa những người đồng chí, đồng đội. Từ xa lạ thành thân quen, từ thân quen trở thành tri kỉ. Một tình cảm thật thiêng liêng và đáng trân trọng.

Đọc những dòng thơ tiếp theo ta hiểu hơn về nỗi lòng của những người lính. Khi Tổ quốc lâm nguy các anh sẵn sàng bỏ lại tất cả gia đình, nhà cửa để tham gia chiến đấu:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Căn nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Nhà thơ dành một sự cảm thông, trân trọng cho những người lính. Vì nhiệm vụ cao cả, theo tiếng gọi của Tổ quốc, các anh ra đi bỏ lại bao khó khăn đè nặng lên vai những người mẹ, người vợ. Ruộng nương thì gửi bạn cày, căn nhà cũ xiêu vẹo trước gió cũng “mặc kệ” trước gió, một sự ra đi đầy quyết đoán, không chút đắn đo vì Tổ quốc.

>> Xem thêm:  Phân tích bức tranh mùa xuân trong 6 câu thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Trong cuộc đấu tranh ấy, các anh đã trải qua nhiều vất vả, khó khăn thử thách:

 “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

Đó là hình ảnh hết sức cụ thể về anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp với cuộc sống khó khăn nơi rừng thiêng nước độc, đó là căn bệnh sốt rét quái ác. Một cuộc sống nhọc nhằn, khó khăn đủ bề: áo rách vai, quần vá nhiều mảnh, chân không giày. Khó khăn là thế nhưng các anh vẫn luôn lạc quan, nở nụ cười trên môi “miệng cười buốt giá”. Nụ cười ấy như động viên, tiếp thêm sức mạnh cho nhau để vững tay súng bảo vệ đất nước.

Mối tình đồng chí một lần nữa rực sáng cuối bài thơ với một hình ảnh tuyệt đẹp:

 “Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Câu thơ vừa tả thực vừa mang nét tượng trưng. Hiện thực ở đây là hình ảnh người lính đứng canh gác cạnh nhau trong không gian núi rừng hoang vắng, ánh trăng soi sáng trên đầu súng. Tuy nhiên, đây cũng là vẻ đẹp lãng mạn. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” là một hình ảnh đẹp và độc đáo, soi sáng cả không gian rộng lớn. Ánh trăng lơ lửng trên bầu trời, chiếu rọi vào những người lính xua đi cái khắc nghiệt của thời tiết, làm ấm lòng những chiến sĩ và thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng trước kẻ thù.

>> Xem thêm:  So sánh “Tây Tiến” và “Việt Bắc”: Vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận

“Đồng chí” là bức chân dung sống động về anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp, về tình đồng chí, đồng đội cao đẹp. Chính Hữu đã khắc họa bức chân dung ấy với tấm lòng trân trọng, cảm phục sâu sắc. Bài thơ với ngôn ngữ cô đọng, những hình ảnh chân thực có sức khái quát cao, để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.

Bài viết liên quan